- Tầm quan trọng của việc xác định niên biểu
Hiển nhiên, thật là quan trọng khi bất cứ nhà tư tưởng nào cũng muốn theo dõi tư tưởng của mình được khai triển ra sao, đã biến đổi ra sao – nếu thực sự đã biến đổi, những tu chính nào đã được đưa vào theo dòng thời gian, những ý tưởng mới nào đã được khai mở. Minh hoạ truyền thống cho sự móc nối này là thí dụ về tác phẩm văn chương của triết gia Kant. Hiểu biết của chúng ta về Kant có lẽ chỉ “vừa đủ xài” nếu chúng ta nghĩ rằng các Bài phê bình (Critiques) của ông đã có từ thời trai trẻ rồi về sau triết gia này đã đưa vào một quan điểm mang tính cách “giáo điều” (dogmatic). Chúng ta cũng có thể đơn cử trường hợp của triết gia Schelling. Schelling cho ra đời nhiều triết lý khác nhau trong suốt quãng đời của ông, và để hiểu được tư tưởng của triết gia này, chúng ta rất nên biết rằng ông đã khởi sự với lập trường của Fichte, và rằng những ý tưởng viễn vông thuộc thuyết thần trí (theosophical flights) của ông thuộc về những năm cuối đời.
- Phương pháp xác định niên biểu của các tác phẩm[1]
(i) Tiêu chí được hầu hết mọi người xác nhận là hữu ích trong việc xác định niên biểu các tác phẩm của Plato chính là ngôn ngữ (language). Tranh luận từ bình diện ngôn ngữ là tranh luận về tất cả những gì chắc chắn nơi ngôn ngữ được dùng trong bản văn, trong khi những khác biệt về nội dung có thể được quy gán cho sự chọn lọc cố ý và mục đích của tác giả, còn diễn tiến của phong cách ngôn ngữ (linguistic style) thì hầu như là vô thức. Do đó Dittenberger đã truy nguyên việc sử dụng thường xuyên chữ , và việc sử dụng ngày càng nhiều chữ và chữ , như một cách thức Plato bày tỏ sự tán thành đối với chuyến chu du đầu tiên đến Sicilia. Hẳn là tác phẩm Laws (Luật pháp) đã được Plato viết lúc ông về già,[2] trong khi tác phẩm Republic (Cộng hoà) lại được viết sớm hơn trước đó. Bây giờ, chúng ta không chỉ nhận thấy một sự hăng hái dâng trào và đầy kịch tính hiển hiện trong tác phẩm Laws, nhưng còn thấy rõ sự thâm thuý về phong cách ngôn ngữ như Isocrates đã giới thiệu khi dẫn vào bài tụng ca bằng tiếng Athen (Attic prose), và điều này không được nhận thấy trong Republic. Chính nhờ đó mà chúng ta dễ xác định thứ tự mà các đối thoại xuất hiện, dựa theo mức độ chúng tương thích với văn phong gần đây nhất.
Thế nhưng, trong khi việc sử dụng phong cách ngôn ngữ như một tiêu chí nhằm xác định niên biểu của các đối thoại đã được chứng minh là phương pháp hữu dụng nhất, tuyệt nhiên chúng ta không thể từ khước việc nại đến các phương pháp khác vốn thường xem xét vấn đề ngang qua tranh luận khi những chỉ điểm về mặt ngôn ngữ có vẻ còn đáng nghi hay thậm chí là mâu thuẫn.
(ii) Một tiêu chí hiển nhiên giúp đánh giá trật tự của những đối thoại chính là những chứng tá do các tác gia cổ đại trực tiếp để lại, mặc dù việc khai thác nguồn tư liệu đó không được dễ dàng như mong đợi. Vì vậy, trong khi việc Aristotle xác quyết tác phẩm Laws (Luật Pháp) được viết sau tác phẩm Republic (Cộng hoà) là một thông tin có giá trị, tường thuật của Diogenes Laërtius cho rằng Phaedrus là đối thoại đầu tiên được Plato viết ra lại khó có thể chấp nhận được. Chính Diogenes tán đồng với tường thuật đó, tuy nhiên rõ ràng là ông ta chỉ dựa vào chủ đề của đối thoại (tình yêu – trong phần đầu của đối thoại) và về thi pháp để đưa ra kết luận của mình.[3] Chúng ta không thể dựa vào việc Plato bàn về tình yêu để kết luận là ông ấy đã viết đối thoại đó lúc còn trẻ, trong khi việc sử dụng thi pháp và thần thoại tự thân nó cũng không thể cho ra kết luận trên được. Điều ấy cũng tương tự như xác quyết sau đây của Giáo sư Taylor: “Chúng ta sẽ mắc sai lầm lớn nếu dựa vào tính bay bổng thơ ca và chất thần thoại của phần hai của Faust để đi đến kết luận là Goethe đã viết phần hai trước phần đầu của tác phẩm.”[4] Một ví dụ minh hoạ khác có thể lấy từ trường hợp của triết gia Schelling, nơi ông, tính bay bổng thần trí như đã đề cập ở trên, diễn ra khi tuổi đã cao.
(iii) Liên quan đến những quy chiếu ngay bên trong các đối thoại về những nhân vật và sự kiện lịch sử thì lại hiếm thấy, trong mọi tình huống, chúng chỉ cung cấp cho chúng ta một cột mốc tham chiếu (terminus post quem). Đơn cử thí dụ nếu quy chiếu theo cái chết của Socrates như trong tác phẩm Phaedo, thì đối thoại phải được biên soạn sau khi Socrates qua đời, nhưng chúng ta lại không biết được là sau bao lâu. Đành rằng là thế, các nhà phê bình vẫn thấy được một số lợi ích từ tiêu chí được nhắc đến trên đây. Thí dụ như họ kết luận được rằng đối thoại Meno có thể được biên soạn khi dân chúng vẫn còn chưa biết gì về sự biến chất, thối nát của Ismanias thành Thebes.[5] Lại nữa, nếu đối thoại Gorgias hàm chứa câu trả lời cho một diễn từ của Polycrates nhằm chống lại Socrates (vào năm 393 hay 392 TCN) thì Gorgias cũng có thể được biên soạn vào khoảng thời gian giữa 393 và 389 TCN, tức là trước chuyến chu du đầu tiên của Plato tại Đảo Sicily. Người ta cứ mặc nhiên cho rằng yếu tố tuổi tác được quy cho Socrates trong các đối thoại là một dấu chỉ liên quan đến ngày biên soạn của chính đối thoại trên đây. Tuy nhiên, chấp nhận tiêu chí này như là một nguyên tắc phổ quát rõ ràng là vượt quá giới hạn cho phép. Giả sử như một tiểu thuyết gia có thể giới thiệu nhân vật chính trinh thám như một nam nhân trưởng thành và như một sĩ quan cảnh sát dày dạn kinh nghiệm trong cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình, rồi sau đó trong một tác phẩm khác, ông lại nói về nhân vật chính trong tiểu thuyết đầu tiên đó. Ngoài ra, mặc dù người ta bị thuyết phục về giả thiết những đối thoại bàn về số phận của Socrates được biên soạn không lâu sau khi ông này qua đời, lập luận cho rằng những đối thoại liên quan đến những năm cuối đời của Socrates như các đối thoại Phaedo và Apology, được viết cùng thời điểm, rõ ràng là nhận định thiếu khoa học.
(iv) Những tham chiếu của một đối thoại dựa trên cơ sở một đối thoại khác hiển nhiên là có thể cho thấy được giá trị nào đó trong việc xác định thứ tự của các đối thoại, vì đối thoại quy chiếu vào một đối thoại khác phải được viết sau đối thoại đó, nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng xác định được đâu là quy chiếu thực sự của một đối thoại, đâu là một quy chiếu chỉ mang tính biểu kiến thuần tuý. Tuy nhiên, trong một số trường hợp vẫn có quy chiếu rõ ràng, ví dụ như quy chiếu cho tác phẩm Republic (Cộng hoà) có thể tìm thấy trong tác phẩm Timaeus.[6] Tương tự như vây, tác phẩm Politicus (Chính trị) rõ ràng là phần nối tiếp của tác phẩm Sophistes (Những biện giả) và do đó phải được biên soạn sau.[7]
(v) Liên quan đến nội dung thực tế của đối thoại, chúng ta phải tuyệt đối thận trọng khi sử dụng tiêu chí này. Đơn cử giả thiết như có một triết thuyết nào đấy được trình bày tóm tắt ở đối thoại X, trong khi đó trong đối thoại Y người ta thấy nó được diễn tả dài dòng văn tự. Từ đó, một nhà phê bình có thể nói: “Thật là hay tuyệt! Trong đối thoại X, người ta đưa ra bản phác thảo mở đầu, còn trong đối thoại Y, vấn đề được nghiên cứu sâu rộng.” Vậy chẳng lẽ không thể cho rằng câu tóm tắt ngắn gọn được trình bày trong đối thoại A, chính xác đó là vì học thuyết đã được trình bày kỹ càng trong đối thoại Y rồi hay sao? Một nhà phê bình[8] đã nhất quyết cho rằng việc nghiên cứu khía cạnh tiêu cực và phê bình các vấn đề cần được tiến hành trước khi trình bày về tính tích cực và tính xây dựng của chúng. Nếu điều đó được xem như một tiêu chí, thì các tác phẩm Theaetetus, Sophistes, Politicus, Parmenides, xét về ngày biên soạn, nên đặt trước hai tác phẩm Phaedo và Republic, nhưng nghiên cứu lại chỉ ra rằng điều đó là không thể được.
Tuy nhiên, ở đây người ta cho rằng tiêu chí nội dung (content-criterion) phải được sử dụng cách thận trọng, chứ không nói là nó vô ích. Thí dụ, thái độ của Plato đối với học thuyết về Ý niệm (doctrine of Ideas) cho thấy là các tác phẩm Theaetetus, Parmenides, Sophistes, Politicus, Philebus, Timaeus nên được tập hợp lại thành một nhóm, trong khi đó mối liên hệ của các tác phẩm Parmenides, Sophistes và Politicus với phép biện chứng Elea chỉ ra được rằng các đối thoại này có mối tương quan đặc biệt chặt chẽ với nhau.
(vi) Sự khác biệt trong bố cục nghệ thuật của các đối thoại cũng có thể giúp ích cho việc xác định mối quan hệ giữa chúng về vấn đề thứ tự biên soạn. Vì thế, trong một số đối thoại, khung cảnh của cuộc đối thoại, tính cách của các nhân vật tham gia đối thoại, được trình bày một cách trau chuốt với những ảo tưởng đầy tính khôi hài, những khúc chuyển tiếp đặc sắc và những thứ khác nữa. Đối thoại Symposium (Bữa tiệc) thuộc về nhóm đối thoại đó. Tuy nhiên, trong những đối thoại khác, khía cạnh nghệ thuật lại ẩn vào phía sau hậu cảnh, và tác giả hoàn toàn chú tâm đến nội dung triết học. Trong các đối thoại thuộc nhóm này, hình thức ít nhiều không được chú trọng, nội dung mới là điều chính yếu, các tác phẩm Timaeus và Laws thuộc kiểu đối thoại đó. Ở đây, có một kết luận có thể được xem là hợp lý, đó là các đối thoại được trau chuốt về mặt hình thức thì được biên soạn trước các đối thoại khác, vì sức hăng hái nghệ thuật suy giảm khi Plato đã cao tuổi và chỉ mải mê chú tâm đến triết thuyết. (Điều đó không có nghĩa là ngôn ngữ thi ca được sử dụng ít đi, mà là sức năng tư duy có xu hướng vơi đi cùng năm tháng.)
3. Giới học giả bất đồng quan điểm khi đánh giá kết quả của việc sử dụng tiêu chí nói trên; nhưng cách sắp xếp theo thứ tự niên đại sau đây cơ bản là nhận được sự đồng thuận (mặc dù điều đó là khó chấp nhận đối với những ai nghĩ rằng Plato không sáng tác trong lúc ông điều hành Học viện vào những năm đầu mới được thành lập.)
I. Thời kỳ Socrates
Trong giai đoạn này, Plato vẫn còn chịu ảnh bởi thuyết tất định của Socrates. Hầu hết các tập đối thoại của ông đều không có hồi kết rõ ràng. Đó là nét đặc trưng trong “quan niệm vô tri” (not knowing) của Socrates.
(i). Tác phẩm Apology . Bảo vệ Socrates tại phiên toà xét xử ông.
(ii). Tác phẩm Crito. Socrates được giới thiệu là một công dân tốt, dù bị kết án tử bất công, ông vẫn có nguyện vọng từ bỏ mạng sống để tuân theo luật pháp quốc gia. Socrates được ông Crito và những người khác khuyên bỏ trốn, được cung cấp tiền, nhưng Socrates tuyên bố sẽ luôn luôn trung thành với nguyên tắc sống của mình.
(iii). Tác phẩm Euthyphron. Socrates chờ đợi toà thụ lý vụ án bất công dành cho mình. Bàn về bản chất của lòng trung thành. Cuộc thẩm tra không có hồi kết.
(iv). Tác phẩm Laches. Bàn về lòng can đảm. Không hồi kết.
(v). Tác phẩm Ion. Chống lại các thi sĩ và nghệ sĩ ngâm sử vè.
(vi). Tác phẩm Protagoras. Đức hạnh là tri thức và có thể được giảng dạy.
(vii). Tác phẩm Charmides. Bàn về sự tiết độ. Không hồi kết.
(viii). Tác phẩm Lysis. Bàn về tình bằng hữu. Không hồi kết.
(ix). Tác phẩm Republic (Cộng hoà). Cuốn I. Bàn về công lý.
(Các tác phẩm Apology và Crito hiển nhiên phải được viết khá sớm. Có thể những tập đối thoại khác khác của nhóm này cũng được biên soạn trước khi thực hiện chuyến chu du đầu tiên đến đảo Sicily và trở về trước năm 388-387 TCN.)
II. Thời kỳ chuyển tiếp
Plato đang tìm thấy phương hướng cho những quan điểm riêng của mình.
(x). Tác phẩm Gorgias. Chính trị gia thực dụng, hay quyền của kẻ mạnh chống lại triết gia, hoặc công lý bằng mọi giá.
(xi). Tác phẩm Meno. Tính khả giáo của đức hạnh được hiệu chỉnh theo quan điểm của học thuyết ý niệm.
(xii). Tác phẩm Euthydemus. Chống lại những nguỵ lý của các triết gia tiền thân của phái nguỵ biện.
(xiii). Tác phẩm Hippias phần I. Bàn về cái đẹp.
(xiv). Tác phẩm Hippias phần II. Cố ý hay vô tình làm điều sai trái, cái nào tốt hơn?
(xv). Tác phẩm Cratylus. Bàn về lý thuyết ngôn ngữ.
(xvi). Tác phẩm Menexenus. Một bản nhại lại của thuật hùng biện.
(những đối thoại trong giai đoạn này có thể được biên soạn trước chuyến chu du đầu tiên của tác giả tại đảo Sicily, mặc dầu Praecher cho rằng tác phẩm Menexenus được viết sau chuyến đi.)
III. Thời kỳ chín muồi
Plato có những tư tưởng riêng.
(xvii). Tác phẩm Symposium. Mọi vẻ đẹp trần thế chỉ là cái bóng của Vẻ Đẹp đích thực mà linh hồn khao khát vì Eros (nữ thần tình yêu).
(xviii). Tác phẩm Phaedo. Những tư tưởng và sự bất tử.
(xix). Tác phẩm Republic (Cộng hoà). Quốc gia. Thuyết nhị nguyên được làm nổi bật rõ nét, thí dụ như thuyết nhị nguyên siêu hình (metaphysical dualism).
(xx). Tác phẩm Phaedrus. Bản chất của tình yêu: tính khả thể của thuật hùng biện triết học.
Sự tam phân của linh hồn , như trong tác phẩm Republic (Cộng hoà).
(Những đối thoại này có thể được viết vào khoảng thời gian giữa chuyến chu du thứ nhất và thứ hai tại đảo Sicily.)
IV. Những tác phẩm lúc cao niên
(xxi). Tác phẩm Theaetetus. (Có thể là phần cuối được biên soan sau tác phẩm Permenides.) Tri thức không phải là khả tri bằng giác quan hoặc là sự phán đoán chính xác.
(xxii). Tác phẩm Parmenides. Bảo vệ học thuyết ý niệm chống lại óc phê phán, chỉ trích.
(xxiii). Tác phẩm Sophistes (Những biện giả). Học thuyết ý niệm lại được coi trọng.
(xxiv). Tác phẩm Politicus (Chính trị gia). Nhà lãnh đạo đích thức là chủ thể nhận thức (knower). Quốc gia hợp pháp là một quốc gia lâm thời.
(xxv). Tác phẩm Philebus. Mối quan hệ của khoái lạc với điều thiện hảo.
(xxvi). Tác phẩm Timaeus. Khoa học tự nhiên. Đấng tạo hoá xuất hiện.
(xxvii). Tác phẩm Critias. Quốc gia nông nghiệp suy tư tương phản với hải quân xâm lược hùng mạnh , “Đại Tây Dương”.
(xxviii). Tác phẩm Tác phẩm Laws (Luật pháp) và Epinomis. Plato nhượng bộ cho đời sống thực tế, sửa đổi chủ nghĩa không tưởng của tác phẩm Republic (Cộng hoà).
(Trong số các tập đối thoại này, một số có thể được biên soạn vào khoảng thời gian giữa cuộc chu du thứ hai và thứ ba tại đảo Sicily, nhưng các tác phẩm Timaeus, Critias, Laws và Eponomis có thể được viết sau chuyến chu du thứ ba.)
(xxix). Những bức thư số 7 và số 8 ắt hẳn được biên soạn sau khi Dion mất năm 353 TCN.
Chú thích
Plato chưa bao giờ cho ra đời một hệ thống triết học đầy đủ, trau chuốt và hoàn chỉnh: tư tưởng của ông tiếp tục phát triển như những vấn đề mới mẻ, những vấn nạn khác diễn ra nơi tâm trí ông cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, chẳng hạn như những khía điểm mới trong học thuyết của ông cần làm nổi bật và trau chuốt thêm, một số tu chỉnh nào đó cần được đưa vào.[9] Vì vậy, người ta có thể hướng đến nghiên cứu triệt để tư tưởng Plato, bàn về những đối thoại khác nhau theo thứ tự biên soạn, với điều kiện là phải tìm hiểu thật kỹ lưỡng. Đó là phương pháp được Giáo sư A. E. Taylor áp dụng trong tác nghiên cứu của ông, Plato, the Man and his Work (Plato, Con người và Sự nghiệp).
Tuy nhiên, trong một cuốn sách kiểu thế này, hướng tiếp cận như vậy chắc chắn là không thể thực hiện được, và vì vậy tôi thiết nghĩ cần thiết phải chia tư tưởng của Plato thành nhiều phần khác nhau. Dẫu vậy, để tránh được tốt nhất có thể nguy cơ nhồi nhét lại với nhau những quan điểm phát xuất từ những giai đoạn khác nhau của cuộc đời Plato, tôi sẽ cố gắng tránh lạc hướng về sự hình thành dần dần của các học thuyết Plato. Trong mọi trường hợp, nếu việc nghiên cứu triết học Plato của tôi hướng người đọc tập trung chú ý vào những đối thoại thực tế của Plato, thì chính tác giả sẽ tự coi mình đang được tưởng thưởng hậu hĩnh vì những nỗ lực của ông.
(Nguồn: Frederik Copleston,SJ, A History of Philosophy: Greece and Rome (bản dịch tiếng Việt của Petrus Phạm Hữu Cường, chủng sinh Gp. Kontum và Bartholomeus Nguyễn Anh Huy, SJ), NewYork: Doubleday, 1993, pp. 135-141.)
………………………
[1] Cf. Ueberweg-Praechter, pp. 199-218.
[2] Arist., Pol., B 6, 1264 b27
[3]Diog. Laërt. 3, 38.
[4]Plato, p. 18
[5]Meno, 90 a.
[6]17 ff
[7]Polit., 284 b 7 ff., 286 b 10.
[8]K. Fr. Hermann.
[9]Cf. The words of Dr. Praecher, Platon ist ein Werdender gewesen Leben lang. Ueberweg-Praecher, p. 260.