Nỗi Sợ của Tử Thần (Cảm nhận về bộ phim “Kẻ Trộm Sách”)

Noi so cua tu than - dongten (1)

NỖI SỢ CỦA TỬ THẦN

Cảm nhận về bộ phim “Kẻ Trộm Sách”

phong trần sj

Ta đã biết, sống là một bản năng bất biến của muôn loài và là một khao khát khôn nguôi của kiếp nhân sinh. Vì thế, khi gặp Tử Thần diện đối diện, liệu có ai không hãi không sợ? Tuy nhiên, đó lại không phải trường hợp của Liesel Meminger. Liesel Meminger là tên của nhân vật chính trong Kẻ Trộm Sách, bộphim được dựngdựatrên cuốn tiểu thuyết cùng tên của tác giả người Úc Markus Zusak. Cuộcđời Liesel là một minh chứng cho một nghịch lý: Đằng sau sự đau khổ ẩn tàng một nguồn sống vô tận. Nhờ đau khổ, nó không còn là Thần Chết ám ảnh con người mà là con người ám ảnh Thần Chết.

Vậy Liesel Meninger là ai? Em là một cô bé người Đức chín tuổi có một tâm hồn trong sáng và một nghị lực phi thường. Sống trong thời Đệ Nhị Thế Chiến, em phải chịu cảnh ly tán và trải qua biết bao nỗi đau cuộc đời. Thần chết như ám lấy số phận em và như muốn tước đoạt khỏi em mọi điều tốt đẹp trong cuộc sống. Phim Kẻ Trộm Sách là một lời tự sự của chính Tử Thần, tường thuật lại sự giác ngộ của Tử Thần về ý nghĩa đau khổ qua hành trình thử thách số phận Liesel Meninger.

Noi so cua tu than - dongten (12)

Thử thách đầu tiên của Liesel là sự ra đi của đứa em trai bé bỏng. Ngay từ đầu phim, Thần chết đã đến và tước đoạt khỏi Liesel người em trai trên chuyến tàu đông. Đơn giản, người em ấy đã chết vì lạnh… Kìa, tôi nhìn thấy một chuyến tàu mùa đông lạnh lẽo với biết bao con người đang lo lắng sợ hãi bên trong. Họ là những người đang tất tả di cư vì sự kinh hoàng của chiến tranh. Vâng! Chỉ cần nhìn thấy những khuôn mặt đang hoang mang vì sợ hãi ấy, cái giá buốt của mùa đông ấy, và giọng kể lạnh lùng của Thấn Chết ấy, tôi có thể cảm nhận phần nào nỗi cay cực của chiến tranh và nỗi thống khổ nội tâm của Liesel. Ôi chiến tranh! Chiến tranh có thể cho họ cái gì khác ngoài đau thương và cay đắng! Chiến tranh chia cắt cha khỏi con, vợ khỏi chồng, cháu khỏi bà, và trong trường hợp của Liesel là em khỏi chị. Đúng vậy! Chiến tranh đến mang theo Tử Thần. Tử Thần đến lại mang theo đau thương. Lần này, nỗi đau ấy đè nặng trên tâm hồn cô bé Liesel vì cái chết của đứa em trai. Năm phút vắn vỏi đầu phim liệu có đủ để diễn tả nỗi đau của em?

Nỗi đau mất em trai còn chưa nguôi thì Liesel lại phải hứng chịu nỗi đau mất mẹ. Mẹ ruột em theo chân Cộng Sản và bỏ em lại với bố mẹ nuôi. Một cô bé chín tuổi giờ đây phải đối mặt với nỗi đau và cũng là bước ngoặt cuộc đời: hoàn toàn cô đơn giữa cuộc đời. Em phải tin ai đây, phải sống thế nào đây? Có lẽ vì thế mà tính tình Liesel ngày càng trở nên trầm lặng và u uẩn.

Noi so cua tu than - dongten (14)

May mắn thay! Mùa xuân tâm hồn như chớm nở khi Liesel nhận được sự quan tâm của bố mẹ nuôi, ông bà Hubermann, và anh bạn hàng xóm, Rudy Steiner. Liesel phát hiện ra rằng bố nuôi thật nhạy cảm và tinh tế; còn mẹ nuôi dù hay gắt gỏng nhưng lại đầy lòng trắc ẩn; và Rudy quả là một người đáng tin cậy khi đã dám nhảy xuống dòng sông lạnh cóng để vớt cuốn sổ tay giúp em. Cả ba người ấy đều đã chiếm được lòng tin của Liesel. Một lần nữa, Liesel lại được thắp lên niềm hy vọng về một cuộc sống bình yên.

Noi so cua tu than - dongten (15)

Đặc biệt, sự xuất hiện của Max Vanderburg đã làm thay đổi đời sống nội tâm của Liesel. Max là một người Do Thái đang chạy trốn chế độ Phát Xít Đức. Vì mối ân tình cũ, Max được gia đình Hubermann ẩu giấu dưới nhà kho của gia đình. Chính tại nơi đó, Max đã dạy Liesel cách viết chữ, cách học từ vựng, và giá trị của việc đọc sách. Quan trọng hơn cả, Max dạy em rằng cuốn sách lớn nhất là cuốn sách cuộc đời. Max mời Liesel “hãy viết” vì “từ ngữ là sự sống” vì “một vật có tồn tại là nhờ một từ ngữ ẩn tàng trong nó”. Max trở thành một người bạn, một người anh, và cũng là một người thầy của Liesel. Liesel dường như đã tìm thấy gia đình mới của mình.

Noi so cua tu than - dongten (3)Noi so cua tu than - dongten (4)

Nhưng trong đời có ai biết được chữ “ngờ”. Thần Chết lại trở về và tiếp tục bám lấy số phận Liesel. Trước hết, số phận chia cắt Max khỏi Liesel khi anh buộc phải ra đi vì an toàn của gia đình. Liesel đau đớn khôn nguôi vì với em, Max đã trở thành “người trong gia đình”, và vì Max đã mang lại cho em niềm vui thú đọc sách. Sau đó, số phận lại chia cắt Liesel với bố nuôi vì ông phải nhập ngũ dù tuổi đã ở độ thất thập. Thậm chí, khi bố nuôi may mắn quay về và gia đình em tưởng chừng đã được đoàn tụ thì bất ngờ, trong một đêm an giấc, Thần Chết lại đến và mạnh tay tước lấy mọi sự quanh em bằng một không kích của chiến tranh. Khi bình minh ló rạng là lúc bầu trời u ám phủ xám tâm hồn Liesel khi em chứng kiến cái chết của bố mẹ nuôi, của hàng xóm, và của người bạn em tin tưởng Rudy. Cả ngôi làng chìm trong đổ nát. Mỗi viên đá hòn gạch như những vết dao sắc bén đục khoét tâm hồn Liesel. Em đã ở tận cùng nỗi đau. Em ắt sẽ tự hỏi tại sao mình lại là người duy nhất sống sót? Tại sao mình lại viết lách dưới hầm làm gì để rồi thoát chết?

Noi so cua tu than - dongten (5)Noi so cua tu than - dongten (6)

Nhưng người tính không bằng trời tính. Có lẽ việc Liesel không ngờ là việc viết lách không chỉ cứu em khỏi Thần Chết mà còn khiến Thần Chết phải hãi sợ. Vâng, nỗi đau tưởng chừng đã quật ngã em; nào ngờ chúng lại trở thành động lực để em sống và sống dồi dào. Liesel nhận ra nơi nỗi đau có những ý nghĩa sâu thẳm. Sâu trong nỗi đau, em đã tìm thấy sức mạnh để chiến thắng mọi tổn thương cuộc đời. Mang theo nỗi đau đã được chúc phúc, Liesel đã trở thành nhà văn nổi tiếng, thành người vợ, người mẹ, người bà. Và dù đã chết về thể lý, Liesel cũng vẫn trường thọ về tinh thần. Sự sống dồi dào ấy khiến Tử Thần phải tự hỏi: “Sự sống là gì?”. Quả thật, Liesel đã quật ngã Thần Chết và khiến Thần Chết phải tự thú: “Cuối cùng, Tôi chỉ biết có một điều. Tôi thật sự bị ám ảm bởi con người”.

Noi so cua tu than - dongten (2)

Vâng! Có thể đau khổ là cản trở cho hạnh phúc nhân sinh. Nhưng đằng sau khổ đau phải chăng tồn tại một nguồn sức mạnh nhiệm mầu giúp con người vượt qua nỗi sợ Thần Chết và sống cho ra sống hơn? Phải chăng vẫn tồn tại nguồn sức mạnh khả dĩ đe dọa cả đến sự tồn tại của Tử Thần? Câu nói “Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ” của cha ông ta phải chăng là một trải nghiệm thần bí? Người ta thường tránh né đau khổ nhưng có mấy ai tìm thấy nguồn động lực sống giấu ẩn đằng sau chúng như cô bé Liesel? Đau khổ vẫn còn là một bí nhiệm.

 Noi so cua tu than - dongten (16)

 

 

Kiểm tra tương tự

Giá trị của việc nói “Không”

  Học cách nói “không” cho phép chúng ta tôn vinh thánh ý Chúa về …

Thánh Ambrôsiô và bí quyết chinh phục lòng người

  Nếu bạn muốn thuyết phục ai đó bằng lời nói của mình, hãy đến …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *