Học hỏi Tin Mừng Chúa Nhật VIII Thường niên năm C

HỌC HỎI PHÚC ÂM CHÚA NHẬT 8 THƯỜNG NIÊN NĂM C

Lc 6, 39-45

  1. Đọc Lc 6, 39. Đức Giêsu đòi người lãnh đạo trong cộng đoàn phải là người thế nào? Điều gì có thể làm người lãnh đạo bị mù? Người lãnh đạo bị mù sẽ đưa đến hậu quả nào?
  2. Đọc Lc 6, 40. Theo bạn, thầy ở đây có thể hiểu về ai? Chúng ta làm gì để được giống như thầy?
  3. Có mấy từ người anh em của anh trong Lc 6,41-42? Người anh em ở đây là ai?
  4. Khi đọc Lc 6, 41-42 bạn thấy Đức Giêsu đang dùng kiểu nói nào để diễn tả?
  5. Đọc Lc 6, 41. Tại sao tôi thấy được cái lỗi nhỏ nơi người khác mà không thấy cái lỗi lớn nơi mình?
  6. Đọc Lc 6, 42. Tại sao tôi thường có khuynh hướng sửa lỗi người khác? Thế nào là người đạo đức giả?
  7. Đọc Lc 6, 42. Đức Giêsu dạy tôi phải làm gì khi muốn sửa lỗi người khác? Để lấy xà ra khỏi mắt mình, ta cần có thái độ nào? Tôi có cần người khác giúp tôi lấy xà không?
  8. Đọc Lc 6, 43-44. Hai câu này cho biết điều gì? Câyquả tượng trưng cho điều gì?
  9. Đọc Lc 6, 45. Người tốt thì sản sinh ra cái tốt từ kho tàng tốt của trái tim mình. Và người xấu thì sản sinh ra cái xấu từ kho tàng xấu của mình. Vậy theo bạn, để sản sinh ra cái tốt hay trái tốt, ta cần phải làm gì?

CÂU HỎI SUY NIỆM

Đức Giêsu nói: Vì tim có đầy, miệng mới nói ra. Theo bạn, lời nói có phản ánh trái tim bên trong con người không? Nếu đổi lời nói, thì có đổi được trái tim không?

PHẦN TRẢ LỜI

  1. Các môn đệ là những người lãnh đạo Giáo Hội. Đức Giêsu đòi họ phải là những người sáng mắt để có thể dẫn đường những ai chưa sáng mắt (Lc 6,39). Người lãnh đạo có thể mù vì nhiều lý do. Mù vì không biết mình, không thấy được khuyết điểm của mình, không có tinh thần tự kiểm thảo. Mù vì không sống kinh nghiệm thiết thân với Chúa Giêsu, không nắm vững giáo lý của Ngài, không biết cách làm cho người khác trở thành môn đệ của Chúa. Người lãnh đạo mù sẽ làm người khác lạc lối và mất ơn cứu độ.
  2. Có thể hiểu từ “Thầy” ở Lc 6,40 là Thầy Giêsu. Trong cộng đoàn tín hữu, kitô hữu là người học trò được huấn luyện đầy đủ, chỉ mong được nên giống Thầy Giêsu, bằng cách noi gương Thầy (1 Cr 11,1), có những cảm nghĩ của Thầy (Pl 2,5), và để Thầy sống trong mình (Gl 2,20).
  3. Trong Lc 6,41-42 có 3 cụm từ “người anh em của anh” [bản dịch đã bỏ “của anh”]. Người anh em ở đây để chỉ những người trong cộng đoàn tín hữu.
  4. Đức Giêsu đã sử dụng lối nói ngoa ngữ hay thậm xưng (hyperbole) ở Lc 6,41-42. Ai cũng biết là cái xà rất to không thể nào ở trong mắt người ta được. Đức Giêsu muốn nhấn mạnh việc người ta có thể không nhận ra một khuyết điểm rất lớn nơi mình.
  5. Thấy được lỗi rất nhỏ nơi người khác nhưng lại không để ý tới cái lỗi rất to nơi mình: đây là một khuynh hướng phổ biến nơi con người, thu nhỏ cái xấu của mình và phóng đại cái xấu của người khác. Nó bắt nguồn từ việc không ai muốn thấy cái tôi xấu xí của mình. Hơn nữa, vì ai cũng muốn mình hơn người khác, nên dễ soi mói, tập trung hơn vào cái xấu xí của người khác.
  6. Sửa lỗi người khác bao giờ cũng dễ hơn sửa lỗi chính mình. Ai cũng muốn làm điều dễ: lấy cọng rơm khỏi mắt người khác thì dễ hơn lấy đà khỏi mắt mình. Người “đạo đức giả” là người tự lừa dối mình, cứ chăm chăm đi giúp người khác lấy cọng rơm ra khỏi mắt, nhưng lại để yên cái đà nơi mắt mình.
  7. Đức Giêsu không cấm ta sửa lỗi người khác khi cần, vì lòng bác ái. Nhưng Ngài đòi ta sửa lỗi chính mình trước, bằng tự kiểm, tự phê. Nhờ đó ta đủ sáng mắt để thấy rõ và sửa lỗi người khác. Lấy xà ra khỏi mắt mình là điều khó. Ta cần khiêm tốn và xin người khác giúp đỡ để làm việc này.
  8. Luca 6, 43-44 là một ẩn dụ dùng hình ảnh cây và quả (= trái). Giữa cây và quả có mối tương quan mật thiết. Cây thế nào thì ra quả thế ấy: cây tốt sinh quả tốt, cây xấu sinh quả xấu (c.43). Cây giống nào thì ra quả giống ấy: bụi rậm, bụi gai không sinh trái nho, trái vả (c.44). Từ đó có nguyên tắc: xem quả thì biết cây.
  9. Từ ẩn dụ trên đây, Đức Giêsu nói đến cái tốt, cái xấu từ trái tim (= từ lòng con người). Tim tốt thì sinh ra cái tốt, tim xấu thì sinh ra cái xấu. Cứ nhìn cái xấu, cái tốt thì biết được trái tim con người. Vậy nếu muốn có cái tốt hay trái tốt thì cần đổi trái tim.

Kiểm tra tương tự

Chúa Giêsu bị chế nhạo – Kỳ 3: Mất trí và bị quỷ ám

Trên bước đường rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu gặp nhiều chống đối từ phe …

Chúa Giêsu bị chế nhạo – Kỳ 2: Một tay ăn nhậu và nguồn gốc bất thường

“Ngoài việc bị phe chống đối cáo buộc là một kẻ bịp bợm và làm …

Một bình luận

  1. Trọng kinh cha Nguyên Cao Siêu
    Tên con là Robert Bao,
    Tạ ơn Chúa, cảm ơn quý Lm. , Tu sĩ Dòng Tên:
    – Cha Hữu, cha Quảng và soeur Sự
    – Kết hợp với Lm. Nguyễn Thái
    Tại TTCG./VN. GP. OC. California. Đã mở lớp dạy học hỏi Kinh Thánh bằng phương pháp Suy Chiêm, năm 2014.
    Riêng con; dời sống tâm linh đã được Chúa đánh động, soi sáng. Từ đó con không con đọc Kinh Thánh như đọc một câu chuyện nữa. Nay con đi tham dự Thánh Lễ rất chú tâm nghe các bài đọc rồi chú tâm từng lời giảng dạy của Lm. Chủ sự..
    – Hiện tại giờ này con đang nghe YouTube audio CN. 8 TN. Năm C. Cha Siêu đang hướng dẫn.
    * Con xin trả lời C.1: Theo con; Người lãnh đạo trong Hội đoàn đoàn thể hay CĐ. Trong xứ đạo: – Luôn phải cầu nguyên xin ơn- luôn biết lắng nghe- khiêm nhường – Hoà đồng. Những lúc cần quyết định điều gì quan trọng, nên tham khảo hội ý, hoặc xin ý kiến của Lm. Linh hướng ( nếu có) và cuối cùng biết sửa sai.
    * Câu 2: Người lãnh đạo mù loà, Tật tham, sân, si ; Tất cả tật xấu phát xuất từ đây ( tham: tham tiên của, tham danh vọng địa vị, tham quyền hành , tham được tâng bốc…)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *