“Tôi là một thực thể tự do, tôi không thể hiện hữu bởi chính tôi, vì trong tự do, tôi trở thành tặng vật cho chính tôi. Thực thế, tự tôi và với sức mạnh riêng tư của tôi, có thể tôi không có tự do. Nhưng khi sống đầy đủ ý nghĩa của cuộc đời tôi mới thấy rằng: tôi không do tôi và tự lực mà có”
– Karl Jaspers
Hơn bao giờ hết, tự do luôn là cái được đề cao trong mọi khía cạnh của đời sống xã hội hôm nay. Tự do cá nhân, tự do tôn giáo, tự do lương tâm…chính là những quyền căn bản đối với đời sống con người. Vì thế, tự do chính là phẩm giá và cũng là quà tặng để con người mở ra trong tương quan với vũ trụ. Tuy nhiên, đâu là sự tự do đích thực mà con người cần vươn tới? Tự do phải được hiểu theo nghĩa nào? Sứ mệnh của tự do trong đời sống nhân loại là gì? Vẫn là những câu hỏi đặt ra đối với con người ngày hôm nay. Quả thực, một khi tự do bị bóp nghẹt, con người trở nên như những cỗ máy hoạt động theo quán tính; nhưng khi tự do bị lạm dụng, thì cũng có biết bao con người nhân danh tự do để chà đạp lên người khác và chối bỏ trách nhiệm. Vì vậy, việc hiểu ra đâu là giá trị và ơn gọi của tự do trong cuộc đời tôi cũng như của nhân loại chính là yếu tố quan trọng để tôi có thể sống đầy đủ ý nghĩa của cuộc đời.
Cách chung, con người thường suy nghĩ rằng tự do là được thoát ra khỏi những ràng buộc của đời sống. Tự do là cách thế để con người thể hiện mình và làm chủ chính mình. Hay nói cách khác, tự do chính là được làm điều mình thích làm, sống lối sống mình muốn. Thực thế, có biết bao các bạn trẻ Việt Nam ở vùng quê đã tìm đến những đô thành để ước mong có được cuộc sống tự do không bị ràng buộc bởi gia đình và những lũy tre làng[1]. Nơi chốn đô thành, họ cảm thấy cả một thế giới mênh mông mở ra với nhiều cơ hội, nhiều lựa chọn cho cuộc sống. Vâng, có biết bao bạn trẻ đã tận dụng được những cơ hội tự do ấy để xây dựng một cuộc sống thành đạt cho mình và cho xã hội. Nhưng trong chân trời tự do ấy, cũng có không ít những bạn trẻ đã đánh mất cuộc đời mình khi trở thành những kẻ nô lệ cho những cái được gọi là tự do. Họ trở nên lệ thuộc vào những tham vọng tự do ích kỷ cho riêng mình, để rồi chính họ tự đóng lại cánh cửa cuộc đời với cuộc sống mất định hướng. Giống như cánh diều bay giữa bầu trời mênh mông với tiếng sáo trong thanh bởi được níu lại bằng sợi dây diều nhỏ bé. Tuy nhiên, cánh diều luôn muốn được thoát ra khỏi sợi dây vô hình ấy. Quả thực, khi sợi dây bị đứt ngang, cánh diều tưởng như được tự do để bay cao và bay xa hơn nữa vào vũ trụ mênh mông ấy. Tuy nhiên trong chốc lát, cánh diều trở nên chao đảo, tiếng sao trở nên thất thanh vì những cơn gió đã sẵn sàng cuốn trôi chúng đi vào không gian vô định. Thực vậy, khuynh hướng tự do ấy chính là khuynh hướng mà nhiều người trẻ ngày hôm nay bị lôi cuốn vào. Vì thế, trong chiều kích hiện sinh của Karl Jaspers thì đây chỉ là sự tự do vật vờ và trống rỗng của con người vô trách nhiệm về số kiếp của mình.
Thật là khó hiểu đối với nhiều người ngày nay khi nói rằng tự do và Thiên Chúa không thể tách rời nhau. Đối với họ, Thiên Chúa như là đấng vô hình đã cản trở và kìm hãm tự do của con người. Vì thế, khi tin có Thiên Chúa thì cũng là lúc con người mất tự do, con người trở thành nô lệ cho một Thiên Chúa quyền uy và khuôn tắc! Một bằng chứng cụ thể cho tôi khi đi thăm viếng người nghèo, có người đã bộc bạch với tôi rằng, họ thích đạo Công giáo nhưng họ không theo đạo được bởi vì nếu theo thì hàng tuần họ phải đi lễ nhà thờ. Do đó, họ cho rằng mình không có duyên với Chúa. Quả thực, đó cũng là điều thức tỉnh tôi rằng, liệu Thiên Chúa chỉ có ở trong những nghi lễ của Giáo hội hay Thiên Chúa còn đang đồng hành ngay trong từng biến cố cuộc đời của tôi và của nhân loại? Nếu Thiên Chúa đang đồng hành với con người thì phải chăng con người đã mất tự do vì mọi hành vi đều có thể bị Ngài soi mói và kiểm soát? Còn nếu Thiên Chúa chỉ ở trong các nguyện đường với các nghi lễ thờ phụng thì phải chăng con người đã đóng khung Thiên Chúa theo ý họ muốn? Vì thế, chính thái độ con người có về Thiên Chúa là cái có thể phản ánh về cuộc đời họ. Quả thực, trong cái nhìn hiện sinh của Karl Jaspers thì tự do có một mối liên hệ mật thiết với Thiên Chúa và nhân loại hiện sinh. Con người hiện sinh không chỉ là đối tượng khách quan cho việc khảo cứu khoa học, nhưng còn là một thực tại tự do hiện hữu vượt trên mọi khảo cứu của khoa học. Do vậy, ngay trong chính sự hiện hữu tự do, con người vừa là sự giới hạn bởi chính mình nhưng cũng vừa là một mầu nhiệm vì con người không thể hiểu hết được về chính mình. Hơn nữa, một thực tại hiện sinh là con người cũng bị giới hạn và qui định bởi sức khỏe thể lý, khả năng suy nghĩ, hoàn cảnh sống và sức chịu đựng. Vì thế, tự do phải là hành vi xuất phát từ trong tâm khảm của con người về những quyết định cùng với trách nhiệm mà họ phải mang vác trong sự giới hạn của mình. Chính sự ý thức về tự do bị giới hạn này sẽ dẫn con người đến niềm tin vào một cái gì siêu việt hơn mình mà không bị ràng buộc bởi giới hạn, đó chính là Thiên Chúa.[2]
Tuy nhiên, sự tin tưởng vào một Thiên Chúa ấy không được giới hạn vào trong một công thức lý luận, nhưng phải trình bày Ngài hiện diện ngay trong đời sống hiện sinh của mỗi người. Hơn nữa, sự tự do có trách nhiệm với quyết định sống cho đầy đủ ý nghĩa của cuộc đời chính là điều làm cho ta không bị lệ thuộc vào định luật thiên nhiên một cách máy móc giống như những sinh vật khác. Dù vậy, vẫn có những con người đi tới một sự tự do phóng đãng khi không còn tin vào Thiên Chúa và trở nên thần thánh hóa con người. Thái độ tự do này đưa đến một lối sống tự phụ, tuyệt đối hóa chính mình, coi mình như chỉ tự mình và vì mình mà có. Quả thực, đó chính là thái độ của con người tự lừa dối chính mình, vì họ đã trốn tránh và không dám chấp nhận những thực tại giới hạn hiện sinh của mình.[3] Thực vậy, ngay trong chính mỗi con người cũng luôn có sự giằng co bởi những xu hướng của tự do. Nếu tự do có trách nhiệm với quyết định trong sự giới hạn của mình là cái thúc đẩy con người hướng đến sự siêu việt là Thiên Chúa; thì tự do phóng đãng luôn muốn phản kháng để nhằm tự khẳng định mình và chối bỏ tất cả trách nhiệm của cuộc đời. Vì thế, trong cái nhìn hiện sinh của Karl Jaspers, tự do của con người luôn phải được gắn liền với những quyết định có trách nhiệm của mình, để từ đó con người có thể nhận ra được vị trí của tôi trong vũ trụ này và vị trí đó sẽ giúp con người cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa trong tôi. Đó chính là ơn gọi và sứ mệnh của tự do trong đời sống con người hiện sinh. Như vậy, tự do hiện sinh của Karl Jaspers chính là nhân vị có ý thức về quyền tự do của mình, đồng thời cũng ý thức sâu xa trách nhiệm làm người của mình. Vì thế, tự do vẫn còn mang nặng tính trách nhiệm và bổn phận hơn là lòng yêu mến, và đôi khi có thể dẫn con người đến thái độ xung khắc trong chính mình. Do vậy, để có thể đảm trách trọn vẹn ý nghĩa cuộc sống với lòng yêu mến và bình tâm thì chỉ có những người có được sự tự do nội tâm đích thực.
Tự do nội tâm không phải là thái độ khinh đời hay yếm thế khi bị đặt vào trong những cảnh huống khác nhau của cuộc đời. Đó cũng không phải là thái độ thỏa hiệp với cuộc sống khi mà mọi cái bên ngoài không thể thay đổi được. Vì thế, tự do nội tâm chính là cái xuất phát từ bên trong con người, là cái mà không ai có thể chiếm đoạt hay tước đi được. Chính trong thái độ tự do ấy, con người nhận ra mọi sự đều là quà tặng của Thiên Chúa và họ biết sử dụng món quà ấy cách có ý nghĩa cho cuộc đời của họ cũng như cho người khác. Thoạt nhìn, con người dễ dàng kết luận họ chỉ là những người khờ dại và mê muội, vì gần như họ đã đi ngược lại với dòng đời. Tuy nhiên, thái độ tự do ấy lại tạo ra một sức mạnh lớn lao có thể tác động và làm thay đổi thái độ sống của biết bao con người khác. Suốt mười mấy năm trong chốn tù lao, Đức cố Hồng y Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận vẫn luôn tỏ ra một con người hoàn toàn được tự do. Lao tù là nơi có thể giam hãm và đọa đày thân xác nhưng chúng không thể giết chết được tâm hồn ngài. Vì thế, với sự tự do của nội tâm, ngài đã nhận thấy tất cả cuộc sống ấy cũng chính là quà tặng của Thiên Chúa. Món quà ấy đã được ngài làm biến đổi biết bao con tim từ tù nhân cho đến những viên quản giáo bằng chính đời sống của mình. Nơi lao tù cũng trở thành cánh đồng truyền giáo để ngài mang tình yêu và lòng thương xót của Chúa đến chữa lành những vết thương của con người. Quả thực, tự do đích thực không còn phải là khả năng chinh phục hay chấp nhận thực tại của con người, nhưng nó chính là hoa trái của Thần Khí và ơn nhưng không của Thiên Chúa. Con người có được tự do ấy đến mức nào thì cũng tùy thuộc vào sự mở ra và đặt mình trong sự yêu thương của Thiên Chúa.
Thực vậy, tự do không phải là một cuộc sống vô trật tự hay bừa bãi. Tự do không ở trong ý tưởng hay triết lý nhưng tự do chính là những quyết định có trách nhiệm về chính cuộc đời thực tại của mình. Chính trong thái độ tự do ấy, con người sẽ nhận ra những hữu hạn của mình khi tự do được đi đến kì cùng và chính trong khoảnh khắc ấy con người được mời gọi mở ra để hướng đến cái vô hạn là Thiên Chúa. Tuy nhiên, tự do hiện sinh vẫn đặt con người trong những xung khắc giữa những cái giới hạn thực tại và sự khao khát vươn lên của con người. Vì vậy, chỉ trong thái độ tự do của nội tâm, con người có thể nhận ra mọi sự đều là quà tặng của Thiên Chúa và biết sử dụng tất cả những quà tặng ấy như là những khí cụ đích thực mang lại tự do và hạnh phúc cho con người.
Giuse Đỗ Văn Liệu, S.J.
Học Viên Triết I
Học Viện Thánh Giuse, Dòng Tên
[1] Ý người viết muốn nói ở đây là những phong tục, tập quán và truyền thống thường có của mỗi làng quê Việt Nam.
[2] X. Karl Jaspers, Triết học nhập môn, dịch giả Lê Tôn Nghiêm, NXB Ca Dao, 1974, p 135 – 136.
[3] X. sđd, tr 107 – 108.