Đã là con người, ai cũng có một phẩm giá bất khả xâm phạm và trọn vẹn dù họ là tội nhân, là bệnh nhân, phế nhân hay già nua.[1] Thiết nghĩ, chưa bao giờ khái niệm “phẩm giá con người” được sử dụng rộng rãi như ngày nay trong mọi lãnh vực của đời sống nhân loại, đặc biệt trong luật pháp quốc gia cũng như quốc tế. Vậy phải hiểu thế nào về phẩm giá con người? Phẩm giá ấy theo quan điểm Kitô giáo được nhìn nhận ra sao? Bài viết này như một nẻo đường suy tư về các vấn đề trên ngang qua đề tài “Phẩm giá con người theo quan điểm Kitô giáo”.
Trước tiên, chúng ta cần nhìn nhận phẩm giá con người là phẩm giá hữu thể, được Thiên Chúa ban tặng cho mỗi con người từ lúc thụ thai, được nhận biết bởi lý trí và nhờ mạc khải. Phẩm giá ấy cao trọng, thánh thiêng và quý giá vô tận vì con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, được Thiên Chúa yêu thương: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Ngài.”[2] Ngay trong Cựu Ước, chúng ta đã thấy những luật lệ nghiêm cấm không được làm thiệt hại đến mạng sống, danh dự của người khác, đặc biệt là những điều khoản nhằm bệnh vực quyền lợi của những “ngoại kiều, bà góa, mồ côi”[3]. Trong Tân Ước, chúng ta thấy Chúa Giêsu đặc biệt bênh vực những người bệnh tật, động lòng thương xót với những người đau khổ, tội lỗi. Chúa Giêsu cho thấy phẩm giá “là người” của những kẻ bé mọn và khẳng định nền tảng của sự bình đẳng ấy được chuẩn nhận nơi chính Thiên Chúa: “Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.”[4] Thật vậy, mỗi cá nhân sinh ra là một hữu thể thụ tạo độc đáo, dễ sa ngã, có ơn gọi vĩnh cửu và được mời gọi tham dự vào chính sự sống của Thiên Chúa. Do đó, mỗi người đều có ơn gọi riêng, có lý trí, ý chí, lương tâm và sự tự do để chọn lựa[5]. Được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, con người không cô lập nhưng là những hữu thể trong mối tương quan 4D giữa Thiên Chúa, bản thân, tha nhân và với vũ trụ vạn vật. Tất cả đều liên kết chặt chẽ với nhau. Linh Mục Michel Quoist đã có lý khi khẳng định rằng: “Mỗi người ở địa vị mình, không có một người nào trên mặt đất này mà lại không cần thiết cho tôi.”[6]
Tuy nhiên, con người không phải chỉ hiện diện như một cái gì đã hoàn tất, nhưng cần phải sống cuộc đời mình để hoàn thành phẩm giá “là người” bằng một tiến trình “làm người”. Thật vậy, để trở nên giống Chúa, con người phải trải qua một hành trình đầy chông gai thử thách với biết bao sự dữ và sự ác[7]. Bao lâu còn chưa đạt “tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô”[8], con người còn phải chiến đấu thiêng liêng không ngừng. Điều quý trọng của đời sống con người không phải là một sự so sánh hơn thua bên ngoài, nhưng là một sự hoàn thành vận mạng cao quý của mình bằng sự sẵn sàng cho đi, sống tôn trọng lẫn nhau trong công bằng, bác ái và yêu thương. Tất cả mọi người “đều có một tâm linh và được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, được Chúa Kitô cứu chuộc, nên họ đều được mời gọi như nhau và cùng hưởng chung một mục đích nơi Thiên Chúa.”[9] Thế nhưng trong thực tế, ta thấy con người lại bất đồng với nhau, bị phân biệt đối xử, bị chà đạp và bị cưỡng chế. Bao lâu ta chưa hiểu được nỗi cùng khốn của phận người, cũng sẽ không hiểu được nỗi cùng khốn của anh chị em. Ai bắt đầu hiểu được lòng thương xót của Thiên Chúa, người đó sẽ có cái nhìn thấu đáo và yêu tha nhân nhiều hơn. Bởi trưng Thiên Chúa là tình yêu.
Trong đời sống đức Tin, chính bí tích Rửa Tội làm nên phẩm giá của người Kitô hữu. Ý nghĩa cao quí nhất của phẩm giá làm người là luôn hướng tới khả thể “được kêu gọi”. Có bao giờ bạn cảm nhận được làm người là quý giá chưa? Đối với tôi, ơn gọi được làm người, được làm con Chúa đó là một hồng ân. Với ơn gọi, tôi được trao tặng phẩm giá một cách “miễn phí”, để rồi từ cõi riêng tư của chủ quyền, tôi có thể sẵn sàng cống hiến, phục vụ bằng cách trao tặng lại cách miễn phí cả bản thân và cuộc đời. Sứ vụ chứng nhân chính là sống mầu nhiệm tình thương và lòng thương xót của Thiên Chúa trên cuộc đời mình với lòng biết ơn và lan tỏa vẻ đẹp, sức hấp dẫn của tình yêu ấy đến cho mọi người. Thế nhưng, vì là một hữu thể dễ sa ngã, vẫn còn đó trong tôi sự yếu đuối, bất toàn của kiếp nhân sinh. Hơn bao giờ hết, tôi vẫn luôn cần đến tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Cần đến sự cảm thông, chia sẻ và tha thứ của tha nhân.
Đời người không chỉ phải “sống đúng” nhưng còn phải sống với; sống vì; sống cho ai khác mới là điều đáng trân quý. Con người không phải là một ốc đảo trong đại dương mênh mông của cuộc đời này. Chỉ khi con người ý thức được mối tương quan liên vị với Thiên Chúa, với tha nhân và với chính mình, thì bấy giờ chúng ta mới sống đúng nhân phẩm. Tôi là hình ảnh của Thiên Chúa và tha nhân cũng vậy. Ý thức được điều đó, chúng ta sẽ nhìn nhận mọi người như là một “nhân vị” chứ không phải như một “đơn vị”. Biết nhìn tha nhân với lòng trắc ẩn, sự cảm thông, và tha thứ chân thành. Thiết nghĩ người Kitô hữu cần phải nối dài bài học yêu thương, tinh thần phục vụ và rèn luyện các nhân đức, phẩm hạnh để cuộc sống ngày càng trở nên ý nghĩa hơn. Để rồi khi gặp gỡ tha nhân, dù trong hoàn cảnh nào ta cũng biết thốt lên: Thật tốt khi có bạn.[10]
Thảo Nguyên Xanh!
(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)
[1] X. Nguyễn Thành Sang, Luân Lý Căn Bản, lưu hành nội bộ, 2020, tr. 33.
[2] St 1, 27.
[3] X. Xh 21, 20-23.
[4] Mt 18, 10.
[5] X. M Scott Peck, Bước tiếp trên con đường chẳng mấy ai đi, Lm. Lê Công Đức dịch, Nxb Đồng Nai, 1980, tr. 187.
[6] Michel Quosit, Xây dựng con người nhân bản, dịch giả Nguyễn Thị Chung, Nxb Tri Thức, 2019, tr. 12.
[7] X. GB Nguyễn Đăng Trực, OP, Lý học về Thượng đế – Thần luận hay Thượng Đế luận, Nxb Trung Tâm Học Vấn Đa Minh, lưu hành nội bộ.
[8] Ep 4, 13.
[9] Công Đồng Vaticanô II, Hiến Chế mục vụ Gaudium et Spes – Về Giáo hội trong thế giới ngày nay, số 29, bản dịch của Phân khoa Thần học Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X, Đà Lạt, 1972, tr. 25.
[10] Nguyễn Thành Sang, Luân Lý Căn Bản, Bài giảng tại lớp, HVCG, 2020.