Phần VI: Cuộc Đời Đức Giêsu (tt)


GIÁO HUẤN VÀ SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC GIÊSU: TRIỀU ĐẠI THIÊN CHÚA ĐÃ ĐẾN

With_His_Disciples024-262x300

Dưới đây là một số phản hồi khi được hỏi: Sứ điệp của Đức Giêsu Kitô là gì?

Nữ: Đức Giêsu dạy chúng ta hãy yêu thương nhau.

Nam: Tôi nghĩ là Đức Giêsu đến nói cho chúng ta hãy giữ các giới răn.

Thiếu niên: Đức Giêsu nói Thiên Chúa yêu thương mọi người, bất luận chủng tộc hay tôn giáo.

Cao niên: Sứ điệp của Đức Giêsu rất đơn giản: “Hãy làm cho người khác những gì mình muốn người ta làm cho mình.”

Nam thanh: Một từ thôi: tha thứ. Thiên Chúa tha thứ tất cả, và chúng ta cũng sẵn sàng tha thứ cho nhau như vậy.

Nữ tú: Đức Giêsu đến để dạy cho chúng ta về Thiên Chúa. Ngài dạy chúng ta cách Thiên Chúa mong đợi chúng ta sống yêu thương nhau.

Cao niên: Nếu phải tóm tắt lại giáo huấn của Đức Giêsu bằng một từ thôi thì đó là, “Trắc ẩn”. Đức Giêsu đã dạy chúng ta sống yêu thương người nghèo, bệnh tật và những người bị xã hội bỏ rơi.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Nếu phải giải thích sứ điệp của Đức Giêsu Kitô cho người chưa biết gì về Ngài, bạn sẽ nói gì?

Triều Đại Thiên Chúa Đang Đến. Hầu hết các Kitô hữu đều biết những chủ đề trong sứ điệp của Đức Giêsu. Ngài dạy về tình yêu, lòng trắc ẩn, sự tha thứ và hòa giải. Tuy nhiên, tất cả những chủ đề này đều hướng về triều đại Thiên Chúa. Các học giả Thánh Kinh đều cùng quan điểm: sứ điệp Đức Giêsu có chủ đề trọng tâm là triều đại Thiên Chúa đang đến. Trong Tin Mừng Mác-cô, lời đầu tiên phát ra từ môi miệng Đức Giêsu chính là chủ đề trọng tâm mà Đức Kitô loan báo: “Thời đã mãn. Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” Vậy nên, muốn hiểu sứ điệp của Thầy Giêsu, trước hết, chúng ta phải hiểu được đâu là ý nghĩa của “triều đại Thiên Chúa” mà Ngài muốn mặc khải.

Đối với người Ít-ra-en, triều đại Thiên Chúa được bày tỏ lúc Thiên Chúa thực hiện lời hứa của Ngài, khi dân Chúa thờ phượng Ngài hết lòng. Isaia thấy đó là thời chiên con nằm với sư tử, là thời muôn dân được mời gọi đến chia sẻ cùng một bữa tiệc thịnh soạn. Triều đại Thiên Chúa là dấu chấm hết đối với triều đại của tội lỗi và sự chết. Với người Do Thái, triều đại Thiên Chúa báo hiệu cho thời đại chung cục khi Thiên Chúa sẽ thực thi công lý vì dân Ngài.

Triều Đại Thiên Chúa đã Đến Gần. Đức Giêsu hiện ra giữa các môn đệ và nói: “Thời anh em mong chờ đã đến đây rồi. Nó đang đến. Triều đại Thiên Chúa đã đến gần.” Với Đức Giêsu, triều đại Thiên Chúa đã đến giữa dân Người. Chúng ta thấy Đức Giêsu tỏ lộ triều đại Thiên Chúa bằng việc sử dụng những bối cảnh rất bình thường và phổ biến trong đời sống của thính giả. Vậy, triều đại Thiên Chúa là gì? Nó giống như men hay như hạt giống, hoặc như người phụ nữ làm mất đồng xu hay như một người kia đi tìm viên ngọc quý, hoặc là một nông dân ra đi gieo hạt giống. Đối với Giêsu, triều đại Thiên Chúa đã đến gần.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Triều đại Thiên Chúa đã đến trong thế giới này – tuy nhiên chưa hoàn tất và đang chờ mong hoàn tất trong tương lai. Thuật ngữ thông thường để chỉ triều đại Thiên Chúa là “thiên đàng.” Ngày nay, làm thế nào để trình bày về triều đại Thiên Chúa trong cuộc sống và trong hoàn cảnh sống của bạn?

Các Dụ Ngôn. Để hiểu ý nghĩa của triều đại Thiên Chúa, tốt nhất là tìm hiểu nơi các dụ ngôn mà Đức Giêsu đã kể. Các dụ ngôn là những câu chuyện và hình ảnh mà Đức Giêsu sử dụng trong lời giảng dạy của Ngài. Các học giả tin rằng, các dụ ngôn trong Tin Mừng không chỉ tập trung vào chủ đề chính triều đại Thiên Chúa, nhưng chúng còn cho ta thấy tính xác thực của những lời Đức Giêsu giảng dạy. Vậy, triều đại Thiên Chúa giống như thế nào? Chúng ta hãy nhìn xem cách Đức Giêsu dùng hình ảnh để diễn tả:

Nước Trời cũng như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột cho đến khi cả khối dậy men (Mt 13, 33)

Tương tự, triều đại Thiên Chúa là kết quả từ quyền năng siêu nhiên của Thiên Chúa hành động trong thế giới. Triều đại Thiên Chúa không phải là thành quả con người đạt được, nhưng đó là quyền năng đến từ Thiên Chúa.

Có điều gì đó mâu thuẫn trong sứ điệp Đức Giêsu rao giảng. Một mặt, triều đại Thiên Chúa được chính Thiên Chúa mang đến. Mặt khác, con người lại phải “nhào bột”. Điều này dường như nói đến sự cộng tác giữa Thiên Chúa với dân của Người. Người ta thường bị cám dỗ có thể tự mình xây dựng vương quốc Thiên Chúa hoặc phó thác mọi sự trong tay Người.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Khi xây dựng triều đại Thiên Chúa, truyền thống khôn ngoan Kitô Giáo dạy rằng: “Hãy cầu nguyện như thể mọi sự phụ thuộc vào Chúa; hãy làm việc như thể mọi sự nằm trong tay bạn.” Cả hai yếu tố đều thiết yếu cho trách nhiệm xây dựng triều đại Thiên Chúa. Bạn cộng tác thế nào trong việc đem triều đại Thiên Chúa đến với con người trong đời sống của bạn?

Hãy mở rộng đôi mắt và tâm hồn của bạn. Trong câu chuyện Hoàng Tử Nhỏ, chú sói khuyên cậu Hoàng Tử rằng, “chỉ có tâm hồn, người ta mới có thể chân nhận được sự thật. Cơ bản, đó là điều không thể hiểu với cặp mắt trần.” Đức Giêsu cũng khuyến khích những người lắng nghe Ngài giảng hãy nhìn cuộc đời bằng con mắt khác, như thế họ sẽ sửng sốt điều họ sẽ thấy. Đối với Đức Giêsu, triều đại Thiên Chúa đã khởi sự trong lời Ngài giảng, phép lạ Ngài làm và ơn hòa giải dành cho người tội lỗi. Một phần sứ điệp Đức Giêsu giảng dạy là lời mời gọi con người tỉnh thức: THỜI KỲ ĐÃ MÃN! ĐỪNG TRÌ HOÃN! Đức Giêsu mời gọi thính giả của Ngài hãy chú tâm và đáp lại sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa họ:

Đức Giêsu nói dân chúng: “Khi các ngươi thấy mây kéo lên ở phía tây, các ngươi nói ngay: ‘Mưa đến nơi rồi’, và xảy ra đúng như vậy. Khi thấy gió nồm thổi, các ngươi nói: “Trời sẽ oi bức’, và xảy ra đúng như vậy. Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời, thì các ngươi biết nhận xét, còn thời đại này, sao các ngươi lại không biết nhận xét? (Lc 12, 54-56)

 Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Đôi khi những điều tốt đẹp nhất trong cuộc đời ở ngay trước mắt mà chúng ta không thấy. Chúng ta chỉ cần nhìn chúng theo một cách khác. Chúng ta cần chiêm ngắm chúng bằng con mắt tâm hồn.

Bạn đã hành xử với ai như vậy chưa? Hãy nhìn lại một lần nữa – lần này, hãy nhìn từ tâm hồn.

Triều Đại Thiên Chúa là Một Bữa Tiệc! Trong Kinh Thánh Do Thái, hình ảnh thường được dùng nhất để chỉ về thiên đàng là hình ảnh một bữa tiệc. Ngôn sứ Isaia viết: “Trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế” (Is 25, 6), và Đức Giêsu cũng dùng hình ảnh này. Triều đại Thiên Chúa là một bữa tiệc. Tiệc là nơi của niềm hân hoan và lễ hội. Tiệc là thời khắc của tình bằng hữu và của cộng đoàn. Đó cũng là lúc quẳng đi những gánh nặng của đời tạm, khi chúng ta được cuốn hút vào một thực tại khác và tốt đẹp hơn.

Trong một dụ ngôn về bữa tiệc (Lc 14, 15-24), Đức Giêsu kể chuyện một người tổ chức tiệc thịnh soạn mời nhiều người tới dự, nhưng người này đến người khác từ chối tới. Tuy nhiên, gia chủ không bỏ cuộc. Thay vào đó, ông sai gia nhân ra các ngã ba ngã tư phố phường mời hết thảy mọi người, bất luận giàu nghèo, đui què mẻ sứt đến. “Hãy mời tất cả vào nhà, nên tiệc đã đầy thực khách!”

Thiên Chúa mời gọi chúng ta sống hạnh phúc, huynh đệ, vui mừng và hoan lạc!

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Đôi khi, những bữa tiệc trong trường trung học chẳng phải là những tiệc mừng thực sự. Đó chỉ là cái cớ cho những kẻ cô đơn tụ họp để giết thời gian. Cũng có thể nói, dường như đó cũng là cơ hội tụ tập của những người lớn. Bạn có tham dự những bữa tiệc vì tình bạn không? Hay, đó chỉ là cái cớ để trốn tránh sự cô đơn và chán chường? Bạn có thực sự biết cách làm hài lòng và bày tỏ bản thân không? Đó chính là một trong những đòi hỏi để theo Đức Kitô.

Hãy thay đổi cõi lòng và loại trừ sự giận dữ. Nếu triều đại Thiên Chúa là bữa tiệc mừng của Cha yêu thương thiết đãi, thì làm sao Đức Giêsu lại phải chết? Sứ điệp đó đang cảnh cáo ai?

Đó như là mặt trái của một đồng xu. Nếu chúng ta là con cái của Thiên Chúa, chúng ta phải sống như con cái của Ngài. Hãy nhớ lại lời Đức Giêsu mời gọi trong Tin Mừng Mác-cô: “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Hãy Sám Hối và tin vào tin mừng.” Sám hối là một phần của cả một hành trình. Vậy, sám hối về điều gì? Thực ra, điều này rất đơn giản. Nghĩa là, chúng ta không yêu như có thể yêu và mỗi ngày là một lời mời để gạt bỏ giận dữ, tổn thương, và ích kỷ, vốn ngăn cản chúng ta yêu một cách sâu xa hơn. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải ra khỏi chính mình.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Hãy nhìn vào một tương quan cần được hàn gắn. Bạn có thể làm gì trong tâm hồn của mình để hàn gắn tương quan đó?

Đức Giêsu Đòi Hỏi một Sự Dấn Thân. Trong Tin Mừng Mát-thêu, Đức Giêsu nói:

Nước trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng ấy. (Mt 13, 44-46).

Trong dụ ngôn này, chúng ta nhận thấy rằng, triều đại Thiên Chúa là một món quà không đến từ công trạng, mà là hết sức tình cờ gặp được. Tuy nhiên, đấy chỉ là một phần của sứ điệp. Quan trọng hơn, người đó đi và bán tất cả những gì mình có mà mua lấy thửa ruộng đó. Ông sẵn sàng làm một cuộc đánh đổi để đời, vì đã khám phá ra kho tàng đích thực. Cũng vậy, món quà Thiên Chúa tặng ban đòi hỏi một sự đáp trả bằng một lối sống mới nơi chúng ta. Chúng ta không thể gọi mình là những người Kitô hữu nếu sứ điệp Đức Giêsu không tác động thực sự trên cuộc sống của chúng ta.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Trong mức độ từ 1 đến 10, bạn dành ưu tiên cho tương quan của bạn với Thiên Chúa trong giai đoạn này ở mức nào?

Bất Khả Tách Rời: Mến Chúa và Yêu Người. Khi được yêu cầu chọn đâu là giới răn quan trọng nhất, Đức Giêsu chọn ra hai điều. Trước tiên, “Anh em phải yêu mến Thiên Chúa của anh em hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực và hết trí khôn.” Điều thứ hai là: “Anh em phải yêu tha nhân như chính mình.” Đối với Đức Giêsu, hai điều tuyệt hảo là: Mến Chúa và Yêu người. Và, hai điều này không thể tách rời nhau. Đức Giêsu nhấn mạnh điều này qua dụ ngôn người phú hộ và anh La-da-rô:

Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được ăn những miếng trên bàn ăn ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đêm chôn. Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ (Lc 16, 19-23).

Trong dụ ngôn này, người phú hộ xuống hỏa ngục không phải vì ông ta tàn nhẫn với kẻ ăn xin trước cổng nhà mình, nhưng là vì ông làm ngơ, không quan tâm kẻ ấy. Ông không làm hại, nhưng cũng chẳng yêu thương. Đối với Đức Giêsu, yêu thương có nghĩa lớn lao hơn là sống tốt hay không làm tổn hại tới người khác. Yêu có nghĩa là mở rộng con tim đối với người nghèo khó. Người phú hộ bị xa lìa Thiên Chúa vì ông đã không yêu thương người khác.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Đức Giêsu nối kết hai giới răn: một là mến Chúa và một là yêu người. Đây là hai yếu tố căn bản của đức tin Kitô Giáo: chúng ta phải làm triển nở tương quan của chúng ta với Thiên Chúa và với tha nhân. Cám dỗ thường gặp là chỉ làm điều này mà bỏ quên điều kia. Với một số người, tôn giáo chỉ là việc đến nhà thờ. Người khác lại cho rằng tôn giáo chỉ là sống tốt với người khác. Còn người Kitô hữu, tôn giáo là cả hai điều này và còn hơn thế nữa.

Dĩ nhiên, tôn giáo cũng giúp chúng ta yêu mình. Bạn nghĩ gì khi cho rằng, tôn giáo có nghĩa là yêu mình với một tình yêu lành mạnh?

Kiểm tra tương tự

Sinh Nhật Chúa Giêsu và câu chuyện Giáng Sinh

  Tại sao Sinh Nhật của Chúa Giêsu được gọi là Giáng Sinh?   Thuật …

Hiện tượng luận về việc chọn lựa: Gieo hành động – gặt nhân cách

Tính nghịch lý của sự phức tạp Mặc dù chúng ta ngày càng có nhiều …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *