Phần VIII: Ki-tô Học theo Công Đồng Nicea và Chalcedon (tt)

CÁC CÔNG ĐỒNG NICEA VÀ CHALCEDON: ĐỨC GIÊSU KITÔ LÀ THIÊN CHÚA THẬT VÀ LÀ NGƯỜI THẬT

Như chúng ta đã biết, các tác giả Tân Ước sử dụng hình ảnh, danh hiệu, thánh thi và các câu chuyện để diễn tả sự hiểu biết của mình về Đức Giêsu Kitô. Họ thực hiện điều đó cùng với việc dùng Kinh Thánh Cựu Ước như nền tảng để giải thích Đức Giêsu là ai. Tuy nhiên, khi Hội Thánh phát triển, Hội Thánh tách mình khỏi bối cảnh cũng như văn hóa của Do Thái giáo. Kitô giáo lớn mạnh và phát triển không chỉ trong số những người Do Thái nhưng giữa những người nói tiếng Hy Lạp. Những người này cũng cố gắng giải thích Đức Giêsu là ai. Tuy nhiên, họ quan tâm nhiều đến các mô tả mang tính triết học hơn là những mô tả trong Kinh Thánh. Câu hỏi họ đặt ra cũng khác biệt. Tân Ước chính yếu nhằm trình bày Đức Giêsu là ai trong tương quan với chúng ta và với Thiên Chúa – nói cách khác, chức năng của Ngài là gì. Các Kitô hữu sau này cố gắng giải thích Đức Giêsu là ai trong chính yếu tính và hữu thể của Ngài.

Câu hỏi quan trọng nhất cần phải được giải đáp là: “Đức Giêsu Kitô có phải là Thiên Chúa không?” Trong khi Tân Ước rõ ràng trình bày sự hiệp nhất của Chúa Cha và Người Con, nhưng không có nghĩa rằng Tân Ước trực tiếp quan tâm đến câu hỏi trên. Một trong những giám mục của Hội Thánh tiên khởi có tên là Ariô dạy rằng Đức Giêsu Kitô không hoàn toàn là Thiên Chúa. Bởi vì chỉ có một Thiên Chúa, nên Đức Giêsu phải thuộc về trật tự sáng tạo. Ngài là Người Con được sáng tạo bởi Thiên Chúa, và vượt trội trên hết các công trình sáng tạo, nhưng Ngài là Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Lời dạy này bị các nhà lãnh đạo Hội Thánh bác bỏ tại Công đồng Nicea năm 325. Công đồng tuyên tín rằng Đức Giêsu là một trong cùng bản thể với Chúa Cha. Ngài không được tạo thành nhưng được “sinh ra” bởi Chúa Cha. Trong điều này, Con Thiên Chúa rõ rằng khác biệt với hết mọi loài thọ tạo. Ngài không thuộc trật tự sáng tạo nhưng hiện hữu ngay trong chính bản thể của Thiên Chúa. Giáo huấn chính thức của Công đồng Nicea đã cho chúng ta Kinh tin kính Nicea mà chúng ta tuyên xưng trong thánh lễ.

Sau Công đồng Nicea, không có câu hỏi nào về giáo huấn của Hội Thánh liên quan đến thần tính của Đức Giêsu với tư cách là Con Thiên Chúa. Tuy nhiên, mọi vấn đề chưa hoàn toàn qua đi. Khi mọi người được dạy rõ ràng rằng Đức Giêsu là Thiên Chúa thật, vậy vấn đề nhân tính của Ngài vẫn cần phải được làm rõ. Sau một loạt các tranh cãi mở rộng trong các công đồng và thượng hội đồng, thì Công đồng Chalcedon năm 451 tuyên bố Đức Giêsu Kitô là:

Hoàn hảo trong thần tính và cũng hoàn hảo trong nhân tính, là Thiên Chúa thật và cũng là con người thật kết hợp bởi linh hồn và thân xác có lý trí, đồng nhất với Chúa Cha trong cách thức hiện hữu của thiên tính và đồng nhất với chúng ta trong cách thức hiện hữu của nhân tính, giống như chúng ta trong mọi sự ngoại trừ tội lỗi… Chúng tôi tuyên xưng rằng Đấng ấy, cùng một Chúa Giêsu Kitô, Người Con duy nhất được sinh ra, phải được công nhận có hai bản tính, không lẫn lộn hay hoán đổi, không phân chia hay tách rời nhau… mọi đặc tính riêng liên quan đến mỗi bản tính đều được bảo toàn và chúng cùng tồn tại trong một con người và một ngôi vị duy nhất (hypostasis).

Các tranh luận này mặc dầu là những nỗ lực hết sức tỉ mỉ nhưng dường như đã tách biệt Đức Giêsu ra khỏi chính đời sống và lời dạy của Ngài. Ngày nay Kitô hữu bình dân không quan tâm lắm đến các tranh cãi thời sơ khai trong nội bộ Hội Thánh. Tuy vậy, các kết luận đạt được quả thực rất quan trọng. Vậy các kết luận đó là gì?

  1. Đức Giêsu Kitô là một ngôi vị với hai bản tính, vừa là con người vừa là Thiên Chúa. Ngôi vị đó chính là Ngôi Hai trong Chúa Ba Ngôi, là Lời hay Logos.
  2. Mọi điều có thể nói về Thiên Chúa, cũng có thể nói cho Đức Kitô.
  3. Mọi điều có thể nói về con người, chúng ta cũng có thể nói về Đức Kitô ngoại trừ việc Ngài không có tội.

Đây là giáo huấn chính thức của Hội Thánh. Điều này có ý nghĩa gì?

Đức Giêsu là Thiên Chúa Thật đã trở nên Phàm Nhân. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Đức Giêsu không phải là Thiên Chúa? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Ngài chỉ đơn thuần là ngôn sứ hay sứ giả, người chỉ cho chúng ta con đường để đạt tới cuộc sống đích thực với Thiên Chúa? Điều này sẽ tạo nên những khác biệt nào?

Nếu Đức Giêsu không phải là Thiên Chúa, vậy Thiên Chúa vẫn tồn tại đâu đó bên ngoài hoàn cảnh của con người. Ngài có thể quan tâm đến sinh vật và thiết tha yêu thương chúng, nhưng Ngài hoàn toàn không kết hợp chính Ngài với chúng ta. Ngài đã không trở nên một với chúng ta.

Vì Đức Giêsu là Thiên Chúa, chúng ta tin rằng con người và Thiên Chúa kết hợp với nhau mãi mãi. Sự thánh thiêng đã bước vào thân phận con người, và vì thế thân phận con người không bao giờ có thể giống như trước được nữa. Chúng ta có thể tìm thấy Thiên Chúa là Đấng đầy quyền năng, ngay trên mặt đất này không chỉ trong vẻ đẹp của tự nhiên hay trong sự hoành tráng của các nghi lễ nhưng ngay trong các hữu thể người với máu và thịt này. Nơi mầu nhiệm nhập thể, Thiên Chúa đã liên kết chính Ngài với chúng ta trong và qua Người Con duy nhất của Ngài.

Nếu Đức Giêsu là Thiên Chúa, một số câu hỏi khó nảy sinh như: Ngài có trí tuệ của Thiên Chúa không? Ngài chỉ xuất hiện dưới lớp vỏ bọc là con người hay sao? Ngài có biết trước các sự kiện tương lai không (chẳng hạn như việc một ngày nào đó Ngài sẽ được người ta đọc thấy trong cuốn sách này)? Hài Nhi Giêsu bé bỏng có biết làm các bài toán không? Chúng ta gặp rất nhiều khó khăn khi đối diện với những câu hỏi này bởi vì sự hiệp nhất giữa nhân tính và thiên tính nơi Đức Giêsu là một mầu nhiệm vượt quá khả năng nhận thức của chúng ta. Hầu hết các thần học gia ngày nay nhấn mạnh rằng nếu Đức Giêsu thực sự có bản tính nhân loại, vậy thì Ngài cũng cần phải học hỏi và lớn lên qua kinh nghiệm và kiến thức như mọi người. Ngài cũng phải học hỏi như tất cả chúng ta, Ngài cũng phụ thuộc vào văn hóa và lịch sử. Đây mới thực sự là chân dung của Đức Giêsu mà các sách Phúc Âm lẫn các sách Tân Ước muốn phác họa cho chúng ta.

Nhân tính của Đức Giêsu. Giáo huấn của Hội Thánh đã nói rất rõ ràng Đức Giêsu là con người thật. Ngài có trí óc của con người và thân thể con người. Ngài không đơn thuần chỉ xuất hiện như một con người.

Điều này sẽ tạo nên những khác biệt nào? Đáp án cũng tương tự như phía trên. Nếu Đức Giêsu không phải là con người thực sự, thì Thiên Chúa đã không kết hợp chính Ngài với chúng ta. Thiên Chúa đã viếng thăm chúng ta, nhưng Ngài không trở nên một với chúng ta. Như chúng ta đã thấy, Đức Kitô được gọi là “Ađam mới,” “Đấng được sinh ra trước tiên trong toàn bộ công trình tạo dựng,” bởi vì qua nhân tính của Ngài, Ngài đã mặc khải cho chúng ta ý nghĩa đích thực của toàn thể nhân loại.

Mặc dù Đức Giêsu thực sự là Đấng duy nhất (không có bất kỳ người nào khác là Con Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm), Ngài cũng là mẫu mực cho tất cả nhân loại. Vì tất cả chúng ta cùng được mời gọi để trở nên con Thiên Chúa nhờ ân sủng của Ngài. Tất cả chúng ta cùng được mời gọi để chia sẻ sự phục sinh và để sống một cuộc sống hiệp nhất với Thiên Chúa.

Phản Tỉnh Cá Nhân và Thảo Luận

Trong mối tương quan riêng của bạn với Đức Giêsu, bạn có khuynh hướng nhấn mạnh nhân tính hay thiên tính?

Kiểm tra tương tự

Giáo hội và Thuyết Tiến hóa: Câu chuyện về cuốn sách bị lên án

  Trong loạt bài về Giáo hội và Khoa học, chúng ta sẽ xem xét …

Âm nhạc: Chìa khóa nuôi dưỡng tâm hồn và nhân cách

  Shinichi Suzuki đã thay đổi cách giáo dục âm nhạc cho trẻ em. Nhờ …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *