CHỐNG LẠI PHONG TRÀO CẢI CÁCH
Phong trào cải cách đã tác động hết sức lớn lao đến mọi lĩnh vực: kinh tế, chính trị, xã hội và tôn giáo. Cả Giáo Hội và Châu Âu đều trong một giai đoạn có nhiều biến động chưa từng xảy ra. Giáo Hội Công Giáo cần phản ứng trước những thách đố của các nhà cải cách. Giáo Hội chỉ có thể làm được điều này với một vị giáo hoàng có năng lực, đó là Phaolô III. Ngài đã triệu tập công đồng Trentô, một công đồng có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử Giáo Hội. Công đồng đã nhóm họp 25 lần trong ba giai đoạn (1545-1547, 1551-1552, 1562-1563.) Công đồng đã bị hoãn lại trong một thời gian dài và có khi vì có quá ít người tham dự. Tuy nhiên, Công đồng đã đưa ra các giáo huấn của Giáo Hội liên quan đến những vấn đề quan trọng và đã giúp mở ra một cuộc cải cách mới trong lòng Giáo Hội. Để chống lại những người thuộc phong trào cải cách, Giáo Hội dạy rằng:
- Ơn cứu độ đến từ ân sủng của Thiên Chúa nhưng cũng đòi hỏi sự cộng tác của con người.
- Kinh Thánh không phải là nguồn duy nhất có thẩm quyền nhưng còn có cả Truyền thống của Giáo Hội.
- Đức Giáo Hoàng là lãnh đạo tối cao của Giáo Hội.
- Có Bảy Bí tích được Đức Kitô và Giáo Hội tuyển chọn. Đức Kitô hiện diện thật sự nơi bánh và rượu trong Bí tích Thánh Thể.
- Các Thánh Nhân có thể hành động như đấng trung gian chuyển cầu cho chúng ta.
- Đức Maria có một vai trò độc nhất khi vừa là Mẹ Thiên Chúa vừa là Mẹ Giáo Hội.
Công Đồng Trentô đã gợi hứng cho một thời kỳ cải cách trong Giáo Hội Công Giáo, và đây là điều hết sức cần thiết. Đáng tiếc là những cải cách này chỉ có thể đến sau khi Giáo Hội bị phong trào cải cách xâu xé tan tành. Tại Trentô, Giáo Hội đã có thể phòng thủ và theo một cách thức nào đó, tính phòng vệ này vẫn duy trì cho đến mãi Công Đồng Vaticano II được nhóm họp năm 1962. Công Đồng Trentô đã xác định đời sống của Giáo Hội trong suốt 300 năm sau.
TRUYỀN GIÁO
Cùng lúc Giáo Hội ở Châu Âu đang trong thời kỳ cải cách Giáo Hội và chống lại phong trào cải cách, thì Giáo Hội Công Giáo đã mạnh mẽ bắt đầu thực hiện dự án truyền giáo loan báo tin mừng cho toàn thế giới.
Ở Trung Hoa, Matteo Ricci, một tu sĩ Dòng Tên đã quyết định truyền giáo bằng cách tiếp cận với các tầng lớp thượng lưu trong xã hội qua tri thức về các ngành khoa học. Ngài đã nghiên cứu văn hoá người Trung Hoa và sớm bắt đầu cải hoá họ trở về với tôn giáo của mình. Ngài đã thu được những thành quả đáng ngưỡng mộ, nhưng người Trung Hoa tiếp nhận văn hoá Tây Phương một cách rất cảnh giác vì họ đã có một nền văn minh khá cao. Các nhà truyền giáo đã nỗ lực thích nghi các thực hành Kitô giáo cho văn hoá Á Đông, nhưng rốt cuộc lại bị Rôma ngăn cấm và vì thế, công cuộc truyền giáo tại đây chỉ đạt được những thành tựu hết sức khiêm tốn.
Cùng thời gian ấy, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đang trong tiến trình thiết lập một thế giới thuộc địa mới. Khi Luther chỉ trích Giáo Hội, thì Cortez đưa quân đến Mêxicô, tàn sát người dân Aztec và lấy đi vô số vàng bạc quí giá của họ. Cũng trong khoảng thời gian đó, Francisco Pizarro cũng làm tương tự như thế ở Incas, Pêru. Người da đỏ cũng bị tàn sát vì tài sản của họ, và bị xem chưa phải là người. Các nhà truyền giáo khi đến Nam Mỹ đã làm việc với người thổ dân và đã hoán cải nhiều người gia nhập Kitô giáo. Tuy nhiên, không giống ở Á Đông, không có bất cứ nỗ lực nào trong việc hội nhập văn hóa địa phương vào niềm tin Kitô giáo. Để được chấp nhận vào Kitô giáo, người dân buộc phải chấp nhận văn hoá Tây Phương đi liền với nó. Thông thường, các nhà truyền giáo là những người đứng đầu chống lại các lạm dụng như tình trạng buôn bán nô lệ đối với thổ dân. Cuối cùng, dưới tác động của giám mục De Las Casas thành Chiapa, nhà vua Tây Ban Nha cũng ra lệnh ngăn cấm tình trạng buôn bán nô lệ. Tuy nhiên, ở Bồ Đào Nha vẫn còn tiếp tục cho phép tình trạng nô nệ trong khu vực của mình.
Vào thế kỷ XVII, các Giêsu hữu đã thực hiện những dự án lớn hình thành những đồn điền và người da đỏ có thể được hưởng hoa màu và quyền lợi. Điều này đã ảnh hưởng đến lợi ích của những nhà thực dân, và kết quả là các đồn điền này bị phá hủy vì những con người chỉ chú tâm tìm kiếm lợi lộc vật chất.
Vào thế kỷ XIX, phong trào truyền giáo bắt đầu tập trung vào các nước ở Châu Á và Châu Phi. Các phong trào này đã đạt được thành công to lớn tại Philippine, xâm nhập vào Trung Hoa, Hồng Kông, Thái Lan, Malaysia và Ấn Độ. Tương tự như thế, rất nhiều nơi ở Châu Phi cũng đã đáp lại lời mời gọi của Tin Mừng.
Suy tư cá nhân và Thảo luận
Giáo Hội Công Giáo đang ngày một trở nên Công giáo hơn khi được loan đi khắp hoàn cầu. Tuy nhiên, một cách nào đó, Giáo Hội vẫn là một Giáo Hội Âu Châu khi xóa bỏ các nền văn hóa khác, đồng thời áp đặt văn hóa của mình lên trên các dân tộc ấy. Đây là một vấn đề hết sức quan trọng mà Giáo Hội ngày nay phải đối diện. Thường được gọi là “hội nhập văn hoá”. Như vậy, làm sao Giáo Hội có thể vẫn là một trong khi hội nhậpc với các nền văn hóa khác? Các nền văn hoá khác có thể làm phong phú Giáo Hội như thế nào?
Bạn nghĩ có cách nào đức tin Công Giáo có thể được cử hành khác đi trong các văn hóa địa phương?