Phép màu Giáng Sinh: Cuộc hoán cải của thi hào Paul Claudel

 

Vì sao thi sĩ nổi tiếng ấy trở lại đạo Công giáo vào đúng ngày lễ Giáng Sinh?

 

Một buổi viếng nhà thờ Đức Bà vào lễ Giáng Sinh đã vĩnh viễn thay đổi cuộc đời của Paul Claude – một trong những nhà thơ và biên kịch nổi tiếng nhất nước Pháp. Một trong những viên gạch lát sàn của nhà thờ Đức Bà ở Paris có dòng chữ: 

 

Ngày 25 tháng 12 năm 1886 

SỰ BIẾN ĐỔI TUYỆT VỜI CỦA PAUL CLAUDEL 

 

 

Ít nhất, tôi biết dòng chữ này đã từng ở đó, nhưng không chắc có còn tồn tại khi nhà thờ được tân trang hay không. Dòng chữ này (hoặc đã từng) ở gần nơi đặt tượng Đức Trinh Nữ Maria. Tôi gần như có thể hình dung ra cảnh Claudel, một nhà thơ người Pháp từng trải sự đời, bất chợt bước vào nhà thờ vào buổi tối Giáng Sinh năm 1886…

 

Bài Thánh ca mang lại sức sống mới 

Có lẽ lúc đó Claudel đang cảm thấy chán nản và khao khát tìm kiếm một vẻ đẹp nào đó, hoặc có chút hiếu kỳ không biết Giáo hội có thay đổi gì không kể từ khi ông rời bỏ từ nhiều năm trước. Hoặc cũng có thể ở sâu trong tâm hồn ông, lễ Giáng Sinh đã trở nên trống rỗng, bởi vì bất kể những thành công về nghệ thuật, bất kể sự ngưỡng mộ đã có được, ông vẫn cảm thấy vô định về mặt tinh thần. Vì vậy, thi sĩ đã đến nhà thờ Đức Bà, thành tựu đỉnh cao của Paris, và ở đó, trong một kiệt tác kiến trúc kiểu Gothic dành riêng cho Đức Mẹ, ông đã nhìn thấy tượng Đức Mẹ Maria và biết rằng Mẹ chính là người mẹ mà ông hằng ao ước được ôm lấy. 

 

Thời điểm đó là vào giờ kinh chiều, những lời ca trong buổi kinh nguyện của các tu sĩ đã thực sự thu hút vị thi sĩ khiến ông phải ở lại lắng nghe. Trong mỗi giờ kinh chiều, Giáo hội hát những lời của Đức Mẹ trong biến cố Truyền Tin. Bài ca Magnificat của Mẹ vang vọng từ bên trong hang đá như một bài hát ru Chúa Hài Đồng. Đó là lúc Claudel biết mình là người Công giáo. Những lời của Mẹ đã khơi dậy một sức sống mới trong ông, và ông biết mình đã về nhà. Ông biết mình đang ở trong vòng tay của Mẹ. 

 

Trong kho lưu trữ của tạp chí Dappled Things, Roseanne Sullivan có một bài tiểu luận rất hay về các sự kiện ngày 25 tháng 12 năm 1886 (bao gồm rất nhiều thông tin thú vị về bức tượng Đức Mẹ và một vị thánh người Pháp rất nổi tiếng khác đã có trải nghiệm hoán cải ngay trong ngày hôm đó). Bà ấy viết nó cách đây không lâu, và tôi cũng thường xuyên đọc lại nó. 

 

Vẻ đẹp của phụng vụ

Tôi nghĩ điều khiến tôi cảm thấy hứng khởi là việc Claudel đã trở lại với tình yêu của Chúa chỉ đơn giản nhờ vẻ đẹp của các Kitô hữu khi cầu nguyện. Không có bí quyết hay chiến thuật đặc biệt nào, cũng không có loạt phim ảnh hay tờ rơi gì cả. Chính Phụng vụ của Giáo hội đã mời gọi ông. 

 

Tôi đã có trải nghiệm tương tự khi tham dự thánh lễ Công giáo khi còn là một người ngoại đạo và cảm thấy choáng ngợp trước vẻ đẹp ấy. Việc đó xảy ra tại nhà nguyện thánh Francis de Sales ở đường Louis, Missouri. Gần đây tôi đã có cơ hội cử hành Thánh lễ tại bàn thờ chính và nghĩ lại 15 năm trước, tôi chưa bao giờ dám mơ mình sẽ trở thành một trong những linh mục trên cung thánh. 

 

Cha Michael Rennier (tác giả bài viết) dâng thánh lễ tại Nhà nguyện Thánh Phanxicô đệ Salê và Thánh Lu-y tại Missouri | Hình ảnh: Abbé Yonathan McDermott

 

Có một điều gì đó rất hấp dẫn và thú vị về phụng vụ của Giáo hội. Tất nhiên, Giáng Sinh là thời điểm kỳ diệu trong năm với tất cả các truyền thống văn hóa và sự đoàn viên của gia đình. Mặc dù vậy, tôi lại cảm thấy rằng đằng sau sự trang hoàng cầu kỳ và những bữa tiệc, lý do chính khiến chúng ta yêu dịp lễ này nhiều đến vậy là bởi vì, nếu chúng ta chịu cởi bỏ lớp ngụy trang bên ngoài dù chỉ một chút thôi, thì thời gian ở bên gia đình cùng cử hành lễ này giống như được ở trong tấm lòng rộng mở của người mẹ, vươn ra ôm lấy những đứa con của mình. 

 

Không phải là Claudel đã học được điều gì đó mới mẻ vào buổi kinh chiều hôm ấy. Cũng không phải điều gì đó đã thay đổi trái tim ông. Nhất định là ông đã gặp một người nào đó. Ông gặp Đức Mẹ, và qua Mẹ, ông được giới thiệu với Con của Mẹ. 

 

Khoảnh khắc được biến đổi 

Chính Claudel cũng không ngừng ngạc nhiên trước sự biến đổi nhanh chóng của mình. Nó giống như một tia sét vậy. Sau này, khi mô tả thời khắc đó, ông viết: “Đó là một ngày mùa đông u ám nhất và một buổi chiều mưa đen tối nhất ở Paris…” Ông nhớ rõ ràng như tranh vẽ rằng ông ấy đang đứng gần cây cột thứ hai ở lối vào lâu đài khi bài Magnificat được cất lên. Việc ông đang đứng là một chi tiết thú vị. Đối với tôi, điều đó cho thấy rằng thi sĩ vẫn là một vị khách trong không gian ấy. Ông vẫn chưa đủ thoải mái để quỳ xuống cầu nguyện, tự nhiên như ở nhà và ở lại một lúc. 

 

Tuy nhiên, thái độ của Claudel thay đổi ngay lập tức: “Sau đó, xảy ra sự kiện chi phối toàn bộ cuộc đời tôi. Trong chốc lát, lòng tôi chợt cảm động và tôi đã tin. Tôi tin tưởng với sức mạnh của sự gắn bó, với sự nâng cao toàn bộ con người tôi, với niềm tin mạnh mẽ như vậy, với sự chắc chắn đến mức không còn chỗ cho bất kỳ loại nghi ngờ nào, rằng kể từ đó tất cả các cuốn sách, tất cả các lý lẽ, tất cả các sự việc bất ngờ và những rủi ro trong cuộc sống bận rộn đã không thể lay chuyển được đức tin của tôi, và thậm chí còn không ảnh hưởng đến đức tin đó một chút nào.” Đêm đó ông đã gặp Mẹ, và có đứa con trai nào lại nghi ngờ mẹ mình? 

 

Được đoàn tụ trong vòng tay của Đức Maria vào ngày Giáng Sinh 

Một trong những bài thơ của Claudel mà tôi đã đọc đi đọc lại là “Five Great Odes”. Trong đó, ông đã viết về sức mạnh của bài Magnificat trong giờ kinh chiều như sau:

 

“Đã đến lúc dừng lại và xem xét những gì bạn đã làm

và cách mà công việc của bạn

được kết hợp với những điều bạn đã làm trong ngày như thế nào…

Magnificat tại Vespers, khi mặt trời

đo được toàn bộ mặt đất.”

 

 

Thi sĩ dường như đang nhớ lại một trải nghiệm in sâu trong ký ức của ông từ ngày 25 tháng 12 năm 1886, giống như bất kỳ ai trong chúng ta đều có những ký ức sống động về mẹ của mình và sự gần gũi mà chúng ta đã có với họ. Đây là những gì Claudel cảm thấy, một mối liên kết không thể phá vỡ đã được hình thành vào ngày Giáng Sinh khi ông được ôm trong vòng tay Mẹ. 

 

Hơn thế nữa, trong vòng tay của Mẹ còn có Chúa Hài Đồng mới sinh. Hài Nhi này được định sẵn sẽ lớn lên và thực hiện nhiệm vụ của mình trên Thập giá, nơi đó Ngài sẽ giang tay ra bắt chước Mẹ của mình, khiến Claudel phải thốt lên: “Ngài sẽ sớm ôm con vào lòng, như Đức Maria đã ôm con”.

 

Nguồn: Aleteia

Tác giả: Fr. Michael Rennier   

Chuyển ngữ: Thy Quyên | CTV JESCOM – Truyền Thông Dòng Tên

Kiểm tra tương tự

Chúa ơi, bây giờ con phải làm gì ?

  “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” (Lc3,10-18)   Trong đoạn Tin Mừng …

Món Quà Giáng Sinh – Suy tư Tin Mừng CN 4 Mùa Vọng năm C

  Giáng sinh là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong năm đối với phần …