“Có điều gì con có thể làm để được thức giấc?” “Không có điều gì, cũng như con không thể làm cho mặt trời mọc ban sáng được.” “Vậy thì những bài tập tu đức mà thầy truyền dạy, dùng để làm gì?” “Để chắc chắn con không còn ngủ mê khi mặt trời bắt đầu mọc lên.”
Trò chuyện thiêng liêng:
Trong thời gian này, tôi thường gọi điện cho gia đình và bạn bè để hỏi thăm về cuộc sống mới trong khuôn viên gia đình. Ai cũng công nhận lúc này thật bí bách và có nhiều thời gian rảnh rỗi. Có người rảnh rỗi cũng sinh nông nổi, cau có và mất bình tĩnh. Điều mà chúng ta cũng dễ nhận ra là đó là nhiều người tăng ký.
Các nhà dinh dưỡng, giáo dục hoặc cả tu đức khuyên người ta nên giữ ba chân kiềng này: 8 giờ làm, 8 giờ nghỉ ngủ và 8 giờ ăn uống vui chơi. Nếu ai đó lệch chuẩn ba quãng thời gian này, người ấy có nguy cơ mất thăng bằng trong cuộc sống. Hóa ra làm quá nhiều, ngủ quá lâu hoặc chơi quá sức cũng gây tổn hại đến sức khỏe thể chất và tinh thần. Nhất là trong thời gian loanh quanh ở nhà, một cám dỗ thực tế là: hết ăn rồi ngủ, ngủ dậy lại xem tivi, lướt web,v.v. Vòng luẩn quẩn ấy đã khiến nhiều người trông “phát tướng” trong thời gian này. Chắc là sau đại dịch, người ta cũng cần một khóa giảm cân!
Nếu chúng ta để ý ngày sống của Đức Giêsu, Ngài thức dậy thật sớm để cầu nguyện với Chúa Cha. Đó là thời gian linh thánh mà Đức Giêsu có thể nhận ra thánh ý Cha mà thực hiện cho ngày sống. Sau đó là thời gian vất vả Đức Giêsu loan báo Tin Mừng. Trên con đường ấy, Ngài cũng có giờ để ăn uống, chuyện trò và nghỉ ngơi với các môn đệ. Khung thời gian ấy đã giúp cho Đức Giêsu đủ sức đi từ làng này sang làng khác để loan báo Tin mừng. Đừng quên, nhờ vào thời khóa biểu hợp lý đó, Đức Giêsu mạnh về thể xác, khỏe về tinh thần và hăng say với sứ mạng Chúa trao. Đó là gương mẫu xứng đáng để mỗi người noi theo trong thời gian đặc biệt này.
Trong câu chuyện trên chúng ta thấy có sự liên hệ giữa tập tu đức và không còn ngủ mê. Tu đức nghĩa là tập những thói quen tốt lành cho sức khỏe và tâm hồn. Đó có thể là sự điều độ, cân bằng và hợp lý trong đời sống. Từ nếp sống tốt lành này, người ta có một tinh thần lành mạnh trong một cơ thể cường tráng. Lúc này người ta không còn ham ăn và mê ngủ. Tuy nhiên ở đây chúng ta để ý đến chiều kích khác: tỉnh thức về đời sống tâm linh.
Có lẽ trước đại dịch, nhiều người bị ru ngủ trong chiến thắng của bản thân. Nhiều người trong xã hội tưởng mình làm được mọi thứ mà không cần Thiên Chúa. Mọi chỉ số về kinh tế, chính trị và xã hội đều đáng tự hào. Bỗng dưng virus xuất hiện, xóa đi nhiều thành quả mà chúng ta cố công gầy dựng. Phải chăng lúc này virus đánh thức chúng ta về một thế giới thực tế hơn. Nơi đó con người thật mong manh, sống nay chết mai. Hoặc nói như thi hào người Anh: “Thiên Chúa thì thầm trong những lúc ta vui, Người thì thầm trong lương tâm ta. Nhưng Người nói lớn và mạnh trong những đau khổ của ta. Những đau khổ đó là cái loa tăng âm để làm thức tỉnh một thế giới mê ngủ.” (Clive Staples). Trong cõi tạm bợ này, tiền tài danh vọng không thể đem lại hạnh phúc viên mãn cho con người. Thay vào đó, chúng ta phải kể đến tình yêu, tôn giáo và Thiên Chúa, mới đáng kiếm tìm và khao khát.
Chúa lúc này mời gọi người ta tỉnh thức để: cầu nguyện, nhìn thấy thực tại, biến đổi đời sống và giúp cuộc sống thanh tao:
– Từ trải nghiệm cá nhân, nếu ngủ nhiều tôi cũng cảm thấy mệt mỏi và tinh thần ngáo ngơ. Nhìn người ngủ nhiều là chúng ta biết liền: uể oải, chậm chạp và không thể tập trung. Nhất là người ngủ nhiều càng khó cầu nguyện sâu và sốt sáng. Hoặc nói như chú Tony Buổi Sáng: “Mình mà ngủ quá 8h trong ngày, não mình bị lag hay idle (trống trơn), rất nguy hiểm, đứa ngủ nhiều nhìn biết liền, vì cái mặt nó sưng xỉa, nhìn ngu ngu. Hẻm có thanh tú được. Ngủ đủ và sâu sẽ có trí nhớ tốt, gương mặt đẹp sáng bừng, học tập hay làm việc đều có năng suất cao.”[1]
– Tỉnh thức giúp chúng ta nhận thấy chuyện gì đang xảy ra chung quanh. Nhờ đó, chúng ta có được phán đoán tốt và hành xử đúng mực với hoàn cảnh đặc thù. Chắc chắn người ở trong trạng thái này thường có được tinh thần lạc quan để đón nhận thánh ý của Thiên Chúa.
– Quan trọng hơn, người thức tỉnh biết mình cần thay đổi điều gì để sống đúng với đường lối của Chúa. Nhất là lúc này, Giáo hội mời gọi chúng ta nhìn lại cách vận hành của hệ thống kinh tế, đời sống xã hội và cá nhân. Đâu là điều bất ổn mà tôi cần thay đổi, để tốt hơn. Ví dụ, phát triển kinh tế bất chấp việc tàn phá môi trường là điều cần thay đổi. Cuộc sống chỉ hạnh phúc ấm no khi người ta biết tôn trọng thiên nhiên, ngôi nhà chung của chúng ta, v.v.
– Sau cùng khi trò chuyện với các bạn trẻ, Đức cha Giuse Nguyễn Năng nhấn mạnh: “Tỉnh thức cũng là khôn ngoan, thận trọng trước những cám dỗ và những trào lưu ngược lại với Tin Mừng, không lãng quên truyền thống văn hóa Việt Nam. Tỉnh thức đi đôi với cầu nguyện sẽ giúp chúng ta sống thánh thiện, thanh tao”[2].
Từ bốn lợi ích của tỉnh thức trên đây, ước gì mỗi người cũng nhắc nhớ nhau tận dùng thời gian này để làm nhiều việc ý nghĩa. Cần thiết để ngủ nghỉ, nhưng cẩn tỉnh táo, thức tỉnh để không xa chước cám dỗ của ma quỷ. Cần để ý đến những xung đột, cáu gắt và chán nản có thể xảy ra trong khi cách ly quá lâu. Cộng vào đó là tâm lý sợ hãi trước virus, nhiễm bệnh và cái chết, sẽ có nguy cơ khiến nhiều người mất bình tĩnh. Thức tỉnh để tạo cho nhau môi trường sống trong gia đình có: tiếng cười, vui chơi, cầu nguyện, thinh lặng, ăn uống, v.v. với rất nhiều sáng kiến.
Lạy Chúa Giêsu, xin ở lại trong gia đình của chúng con lúc này. Với Chúa, chúng con hoàn toàn có thể sống tỉnh thức đợi chờ thời gian được trở lại cuộc sống bình thường. Xin kéo chúng con ra khỏi những giấc ngủ dài lê thê. Amen.
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
[1] https://www.tonybuoisangonline.com/bai-4-chuyen-ngu.html
[2] http://www.cgvdt.vn/cong-giao-viet-nam/hay-tinh-thuc-va-cau-nguyen_a8263