Tục đưa ông táo về trời
Đưa ông Táo về trời là phong tục của người Hoa, không phải là phong tục truyền thống của người Việt. Vào ngày 23 tháng chạp, người ta cúng Táo quân, tiễn đưa ba vị vua bếp (một bà hai ông) về trời để báo cáo với Ngọc Hoàng việc làm của nhân gian, trong đó có cách sống của gia chủ.
Để cúng táo quân, người ta chuẩn bị ba con cá chép cho ba vị vua bếp. Tại sao không chọn loài vật khác mà lại dùng cá chép? Vì theo tích xưa của người Hoa, trong cuộc thi vượt vũ môn do Ngọc Hoàng tổ chức, chỉ có mỗi mình cá chép thi thành công. Do vậy, Ngọc Hoàng cho cá chép hóa thành rồng. Tích cá chép hóa rồng muốn nói lên việc các sĩ tử cố gắng thi đỗ trạng nguyên ra làm quan giúp đời. Người Việt khi tiếp nhận văn hóa phương Bắc thường cố ý làm khác đi hoặc ngược lại. Chẳng hạn, người phương Bắc mặc áo cài nút bên phải, người Việt cài nút bên trái; họ để răng trắng, người Việt nhuộm răng đen; họ cạo đầu để đuôi sam, người Việt để tóc dài và búi tó… Nơi hàng ba của đền vua Lê ở Hoa Lư có bức chạm thông phong hình cá rô hóa rồng. Trong cuộc sống, chẳng ai thấy cá chép phóng lên cao khỏi mặt nước bao giờ, nhưng cá rô thì có. Các loại cá rô, chép trê, cá lóc có cấu tạo mang khá đặc biệt. Trong mang có lớp tổ ong có thể giữ ẩm và hấp thu phần nào hơi nước trong không khí, vì thế chúng có thể sống trên cạn khá lâu. Những khi cần di chuyển sang nơi khác, các loài cá này thường phóng lên bờ và nhảy đi. Cá rô ở Hoa Lư, Ninh Bình sống trong hang núi đá vôi, rất to và khỏe. Tích cá rô hóa rồng cũng có ý nói người nông dân vẫn có thể lên làm quan hay làm vua. Chẳng hạn, Đinh Bộ Lĩnh là con nha tướng của thứ sử Hoan Châu, Dương Đình Nghệ. Cha ông mất sớm, hai mẹ con phải về quê sống nương nhờ người chú. Sau này, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi vua – Đinh Tiên Hoàng Đế. Lê Hoàn mồ côi cha mẹ từ nhỏ, được một vị quan đem về nuôi, sau này trở thành vị vua đầu tiên của nhà Tiền Lê – Lê Đại Hành.
Ngoài cá chép, người ta còn đốt mũ áo bằng hàng mã để ba vị vua bếp có trang phục mới chầu trời. Tục đốt hàng mã này của đạo giáo, không phải của Nho giáo hay Phật giáo. Mặc dù ở các chùa đều có bể hóa vàng (ô xi măng để người ta đốt hàng mã), nhưng đó chẳng qua vì sợ tín hữu bất cẩn gây hỏa hoạn, chứ nhà chùa không cổ xúy cho việc ấy.
Bếp của người Việt xưa chỉ có ba ông đầu rau (ba cục gạch để kê nồi): Mẹ già bước chân vào nhà / Thò tay mở cửa / Nắm củi ở giữa / Ông Táo ba bên / Bắc nồi cơm lên / Cơm sôi sùng sục… (cd.). Sau một năm, các cục gạch kê bếp thường bị nứt bể, người ta thường thay bằng gạch mới. Sau này khi có bếp lò, người Việt cũng giữ thói quen ấy, cuối năm đem bếp cũ ra bờ sông đập bể và lấy đất bờ sông về nhà nặn bếp mới – tựa như đổi nhà mới cho vua bếp vậy. Tục này người Hoa không có.
Tục kính thần đầu năm
Việc kính thần ở đình, đền, miếu trong tháng giêng là tập quán lâu đời của người Việt. Người Việt thờ người lập ra làng – thành hoàng – ở đình, thờ những anh hùng dân tộc hay danh nhân ở đền, ở miếu. Những đấng được thờ ấy cũng là người bình thường nhưng đã sống và phụng sự tích cực cho tha nhân. Đó là những người kiểu mẫu mà người Việt muốn mình và con cháu được giống như thế. Do vậy, việc kính nhớ những người có công với làng nước mang tính giáo dục cộng đồng rất cao. Nghi thức tế lễ có khác với việc thờ cúng tổ tiên. Lễ vật chính thường là tam sinh 三牲 (ba con vật dùng làm lễ tế: bò hoặc trâu, heo, dê) và các loại bánh trái, trà rượu. Nghi lễ có tuần hương, tuần rượu, đọc văn tế, tuần trà, dâng lễ vật, đốt văn tế. Ý xin trong khi tế lễ thường là cầu phúc, tránh tai họa, ngăn ngừa tà ma, yêu quái.
Tục dựng nêu và hạ nêu
Dựng nêu có điển tích của người Hoa, nhưng đây không phải là “nhãn hiệu cầu chứng tại tòa” của người phương Bắc. Việc dựng nêu không chỉ ngày Tết mới có, trong đời sống thường ngày của người Việt vẫn dựng nêu khi có việc. Chữ nêu標mượn từ tiêu 標 của Hán (nghĩa là cây treo giải thưởng, ngọn cây, cái dấu hay cái mốc) với phiên âm đọc biāo, người Tây đọc trại ra thành cây bẹo. Khi vỡ đất mới, người xưa thường cắm bốn cây nêu ở bốn góc để đánh dấu. Trong văn hóa sông nước, ở chợ nổi, dân miền Tây cắm cây bẹo (cây nêu) với nông sản muốn bán để “quảng cáo”. Như thế thật là tiện, vì sông nước mênh mông, ai có sức đâu mà rao bằng miệng. Từ xa, người ta nhìn sản vật treo trên cây bẹo là biết ghe, thuyền đó bán thứ gì. Trong ngày Tết, người Việt dựng nêu vào ngày 23 tháng chạp, hạ nêu vào ngày 7 tháng giêng, vì theo cách xem ngày của người Hoa, các mồng khác là ngày của thú vật, chỉ có ngày mồng 7 là ngày của người. Vì vậy, hạ nêu vào ngày mồng 7 để “đốt tết”, đặng còn công việc làm ăn trở về bình thường. Cây nêu được dựng ở đền, đình, hay nhà riêng. Nơi nhà riêng thì cây nêu được dựng ở đâu? – “Cu kêu ba tiếng cu kêu / Cho mau tới Tết dựng nêu ăn chè / Dựng nêu thì dựng đầu hè / Để sân gieo cải, vãi mè ăn chung.” (cd.)
Michel Nguyễn Hạnh, Nhóm Lasan 100