Phúc lành gặp gỡ

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.

Đức Maria đi thm bà Ê-li-sa-bét và bài ca Ngợi Khen – Magnificat

(Lc 1,39-56).

 

Sau khi Mẹ Maria được Thiên Thần Gáp-ri-en truyền tin và Mẹ nói lời xin vâng với sứ mạng Thiên Chúa trao ban, Mẹ đã bước vào một hành trình mới. Hành trình sống dưới sự hướng dẫn của Thiên Chúa, để thực thi thánh ý của Người trong lịch sử cứu rỗi nhân loại. Hành trình của Mẹ được mở ra với việc Mẹ lên đường đến thăm một người bà con, là bà Ê-li-sa-bét.

 

Thánh Ambrôsiô đã chia sẻ về biến cố này như sau: “Khi loan báo những điều huyền nhiệm cho Đức Trinh Nữ Maria thì sứ thần cũng báo cho Người biết việc một phụ nữ cao niên và hiếm muộn đã thụ thai. Sứ thần dùng sự việc này như một ví dụ để minh xác rằng bất cứ điều gì Thiên Chúa muốn thì Người sẽ thực hiện.

 

Vậy khi nghe biết chuyện đó, Đức Maria đã vội vàng lên miền núi. Người hành động như vậy không phải là không tin vào lời sấm, hay không chắc chắn về lời truyền tin, cũng chẳng phải là hồ nghi về ví dụ điển hình. Nhưng Người lên đường như kẻ mừng vui vì được điều mong ước, sốt sắng chu toàn một bổn phận và lẹ làng vì phấn khởi hân hoan. Vậy sau khi được đầy tràn Thiên Chúa, Người vội vã ra đi. Hướng về đâu, nếu không phải là những thực tại cao vời? Ân sủng của Chúa Thánh Thần không cho phép ngập ngừng hay chậm trễ”.[1]

 

Giờ đây chúng ta cùng đọc lại đoạn Thánh Kinh này: 39 Hồi ấy, bà Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa.40Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét.41 Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần,42 liền kêu lớn tiếng và nói rằng: ‘Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.43 Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?44 Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng.45 Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em’.

 

46 Bấy giờ bà Maria nói:
‘Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
47 thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.

48 Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới;
từ nay, hết mọi đời
sẽ khen tôi diễm phúc.

49 Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn!
50 Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.

51 Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
52 Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.


53 Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
54 Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
55 như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Áp-ra-ham
và cho con cháu đến muôn đời’.

56 Bà Maria ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà”.

 

Đoạn Thánh Kinh trên có hai nhân vật nổi bật: Mẹ Maria và bà Ê-li-sa-bét. Chúng ta có thể chia bản văn thành các chủ đề sau: về Đức Maria (câu 39-40), về bà Ê-li-sa-bét (câu 41-45) và Đức Maria với bài ca Ngợi Khen – Magnificat và phần kết (câu 46-56). Chúng ta cùng chiêm ngắm hành trình thăm viếng của Mẹ: 39 Hồi ấy, bà Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa.40Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét”.

 

Như thế là thời gian không lâu sau biến cố quan trọng của Mẹ Maria gặp gỡ Thiên Thần, Mẹ vội vã lên đường. Trong Thánh Kinh, “lên đường” là một hành động của những người lắng nghe và đón nhận thánh ý của Thiên Chúa. Lên đường để đến một nơi mà Thiên Chúa muốn. Với Maria, đó là thành Giu-đa nằm trên một vùng núi. “Tên chính xác của thành không được nêu ra. Nhưng nó chính là thành Ain Karim, nằm giữa miền núi và sa mạc gần Giê-ru-sa-lem”.[2]

 

Theo Ravasi, “Ain Karim có nghĩa là nguồn của đồi nho. Nơi đó là vùng tĩnh lặng gần ở Giê-ru-sa-lem. Người hành hương đến nơi thánh này sẽ nhớ đến cuộc gặp gỡ giữa Mẹ Maria và bà Ê-li-sa-bét, cũng như nhớ đến bài hát của hai phụ nữ này. Trong hai bài hát đó, cả hai đều diễn tả sứ mạng và trách nhiệm của họ, nghĩa là họ cưu mang hai Hài Nhi. Hai bài hát này chất chứa niềm vui, qua hình ảnh bào thai trong lòng bà Ê-li-sa-bét nhảy mừng”.[3]

 

Như thế, để đến thăm bà Ê-li-sa-bét, Mẹ Maria phải đi một đường dài. Mẹ mất từ 03 đến 04 ngày đường đi bộ. Chúng ta cũng nhận ra rằng, Mẹ Maria đi một mình chứ không đi chung với thánh Giu-se. Mẹ “lên đường” đến nhà bà Ê-li-sa-bét là do thánh ý của Thiên Chúa, qua sự báo tin của Thiên Thần Gáp-ri-en với Mẹ: “Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,36-37).

 

Mẹ không chậm trễ, mà Mẹ vội vã lên đường theo lời mời gọi của Thiên Chúa. Mẹ lên đường với niềm vui và sự nhanh lẹ. Thật vậy, ai nghe tiếng Chúa kêu mời lên đường đi theo Chúa và được Thần Khí thúc đẩy, phải bước đi với tâm hồn vui mừng và tinh thần cởi mở, dầu trên con đường đầy khó khăn thử thách.

 

“Bà Maria vội vã lên đường”. Thánh Luca diễn tả thật đơn giản, nhưng quyết định để ra đi chắc chắn không dễ dàng. Vào thời đó, vấn đề đi xa thật nguy hiểm, nhất là đối với thiếu nữ đã đính hôn và giờ lại đi xa một mình. Ở đây chúng ta thấy một sự tự do hành động của Mẹ. Hơn nữa, ân huệ của Chúa Thánh Thần không trì hoãn công việc phải làm. Chính Chúa Thánh Thần đã thúc đẩy Mẹ Maria và ban cho Mẹ tự do để lên đường, một sự linh hoạt không theo lề thói bình thường. Chúng ta có thể hỏi Đức Maria: “Điều gì làm Mẹ vội vã như vậy?”[4]

 

Trong ý nghĩa thiêng liêng và tốt lành chúng ta thấy rằng: sự vội vã của Đức Maria nhằm diễn tả lòng yêu mến, muốn đi thăm viếng để chúc mừng bà chị họ, sau khi Mẹ được thiên thần báo tin. Hơn nữa, Mẹ cũng chia vui với chị họ giống như Mẹ được ơn làm mẹ. Với bà Ê-li-sa-bét, thì đó là một ơn lớn Chúa ban, đang khi bà không còn chút hy vọng có con. Ngoài ra, Mẹ còn muốn nâng đỡ chị họ “nay đã có thai được sáu tháng”. Cụ thể, Mẹ “ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng”. Ở lại để giúp đỡ bà cho đến khi Gioan tẩy giả chào đời.

 

Hơn nữa, Mẹ Maria đến thăm và đã đem Chúa đến cho gia đình ông bà Da-ca-ri-a, là một cái nhìn rất đẹp cho đời sống Đức Tin và tâm linh. Em-ma-nu-en có nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Mẹ Maria đem Đấng luôn muốn ở cùng nhân loại đến nhà người chị họ. Đó là một hành động chia sẻ rất tuyệt vời. Mỗi người chúng ta hôm nay, ai ai cũng cần có Chúa, dù cho thế giới và xã hội có làm ngơ Chúa đến mấy, và dù cho nhiều người đang đẩy Chúa ra khỏi ánh mắt nhìn của họ.

 

Càng quay lưng đi với Chúa, thì nhân loại càng cần đến Chúa. Vì nếu xã hội chúng ta vắng bóng Thiên Chúa, thì biết bao điều tệ hại sẽ xảy ra, cuộc sống con người sẽ mất dần ý nghĩa và trở nên tẻ nhạt. Mong sao, chúng ta là những tín hữu ý thức bắt chước Mẹ Maria, luôn sẵn sàng mang Chúa đến cho người khác, nhất là những người gần gũi với mình nhất.

 

Ngoài ra, đức cố hồng y Martini còn nhìn động lực Mẹ vội vã lên đường thăm bà Ê-li-sa-bét theo tâm tình sau: “Tôi nghĩ rằng, nếu đi sâu vào thâm tâm của Mẹ, chúng ta có thể khám phá Mẹ có một khát vọng muốn có một dấu chỉ để khẳng định bí nhiệm của Mẹ. Lời loan báo của Thiên Thần là một bí mật rất nặng nề để giữ kín, một bí mật khó truyền thông, và chúng ta có ấn tượng rằng, Mẹ không kể nó cho ai. Bởi vì điều này, Mẹ cần gặp bà Ê-li-sa-bét để đón nhận sự khẳng định về lời truyền tin cho Mẹ, về điều liên quan đến ý muốn của Thiên Chúa.

 

Dĩ nhiên Đức Maria có một khát vọng mãnh liệt muốn phục vụ và giúp đỡ cho bà chị họ già nua. Nền tảng cho một mối liên hệ chân chính và sâu xa nằm sẵn trong chính hoàn cảnh của nó, và nền tảng ấy là sự hỗ tương. Mẹ muốn giúp đỡ, nhưng cũng nhận sự giúp đỡ…Trong một mối liên hệ chân chính, một người có thể hiểu người khác sâu sắc, và cũng được người kia hiểu mình như vậy. Đây là tính hỗ tương của mối liên hệ”.[5]

 

Như thế, cuộc thăm viếng của Mẹ Maria nơi bà Ê-li-sa-bét mang một nét đẹp của tình người, của sự tương trợ và chia sẻ. Martini tiếp tục nêu lên tầm quan trọng của ý nghĩa hỗ tương này: “Đức Maria đã giữ kín trong lòng một bí mật không thể nói ra được cho đến khi viếng thăm người chị họ, nhưng đây là một gánh nặng nề xét theo quan điểm của con người.

 

Chúng ta cũng phải mang vác những gánh nặng nề mà chúng ta không thể nói ra: các vấn đề khó khăn của mình, những đau khổ mà người khác tâm sự với chúng ta. Do đó, chúng ta dễ hiểu về Đức Maria, người mang trong lòng gánh nặng: sự trinh khiết của Mẹ, mối liên hệ với thánh Giuse, hướng đi mới của Mẹ, mầu nhiệm mà Mẹ bắt đầu bước vào, và điều đó sẽ tỏ ra sau này nơi thập giá và sự phục sinh của Người

 

Con của Mẹ. Mẹ cảm thấy bà Ê-li-sa-bét đã hiểu về Mẹ. Mẹ ý thức rằng: có một người khác, không cần Mẹ giải thích nhưng đã biết bí mật của Mẹ, khẳng định điều đó với Mẹ, và bảo đảm với Mẹ rằng: Mẹ đã đúng khi hết lòng tin tưởng. Như thể bà Ê-li-sa-bét nói rằng: Hãy can đảm lên. Chị đã hiểu rõ em. Đừng sợ. Em đang đi trên con đường đúng đắn. Chị cũng mang thai một đứa con”.[6]

 

Đó là ý nghĩa của việc Mẹ vội vã lên đường đến thành Giu-đa. Khi đến nơi, “Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét”. Người Do thái thường chào nhau với từ “Sha-lom”, nghĩa là chúc “Bình an ở với anh” (x.Ga 20,19), hay “Thiên Chúa ở cùng anh”. Ở câu truyện truyền tin cho Mẹ Maria, sứ thần Gáp-ri-en đã chào Mẹ: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Bà” (Lc 1,28).

 

Còn trong câu truyện Mẹ đến thăm viếng bà Ê-li-sa-bét, thì thánh sử Luca chỉ nói là Mẹ chào bà, nhưng không nhắc đến lời chào như thế nào. Dù vậy, chúng ta thấy rằng Mẹ đã chào người chị họ với những lời hoà nhã và kính trọng. Trong lời chào này còn chứa đựng chính sự trân trọng ân sủng mà Chúa đã ban cho bà Ê-li-sa-bét mà Mẹ cũng đã được báo tin (x. Lc 1,36-37).

 

Hai người phụ nữ được Chúa thương đoái nhìn, hai người phụ nữ của ân sủng, hai người phụ nữ tràn đầy niềm vui, vì có Chúa ở cùng và hai người phụ nữ mang trọng trách Chúa trao, gặp gỡ nhau trong tình yêu thương. Thật đẹp, khi được phép chiêm ngắm khung cảnh hai tâm hồn tuyệt vời gặp gỡ nhau.

 

Sau khi lắng nghe lời Đức Maria chào, bà Ê-li-sa-bét có phản ứng gì? Thánh Luca viết như sau: “41 Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần,42 liền kêu lớn tiếng và nói rằng: Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.43 Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?44 Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng.45 Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em”.

 

Phản ứng của bà Ê-li-sa-bét được tỏ ra trong bản văn qua ba sự kiện: nghe tiếng chào, sự nhảy mừng của đứa con trong bụng và tràn đầy Thánh Thần. Đây là hiệu quả có ba phần của mối liên hệ sâu xa và chân chính, được thiết lập bởi Đức Maria qua lời chào hỏi của Mẹ.

Ở đây chúng ta chúng ta chú ý đến sự kiện thứ hai. Đó là hình ảnh bào thai trong bụng nhảy lên vì vui mừng: “Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên” (câu 41). Trong câu 44 chúng ta thấy Luca cũng diễn tả hình ảnh đứa bé: “Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng”.

 

Như thế, có nét giống nhau là “đứa con trong bụng nhảy lên”. Còn nét khác biệt nằm ở cách diễn tả của thánh sử Luca. Trong câu 41, “đứa con trong bụng nhảy lên” được diễn tả theo tính cách gián tiếp xảy ra nơi bà Ê-li-sa-bét, còn trong câu 44, Luca nói rõ ràng là bà Ê-li-sa-bét chủ động thốt ra: “đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng”, khi vừa nghe lời Mẹ Maria chào. Nhưng hình ảnh “đứa con nhảy lên trong bụng” có ý nghĩa gì?

 

Như chúng ta biết Luca là một y sĩ (x.Cl 4, 14), vì thế việc Luca chú ý đến những khoảnh khắc bào thai “đạp” và “nhảy” trong bụng là điều dễ hiểu. Đó là những giây phút khó quên. Bào thai “đạp” và “nhảy” nghĩa là bào thai đang hiện diện cách sống động. Trong Cựu Ước, cũng có hình ảnh anh em sinh đôi Ê-sau và Gia-cóp đã nhảy múa trong bụng bà Rê-béc-ca trước kia là hiếm hoi: “Các đứa con đụng nhau trong lòng bà, nên bà kêu lên: ‘Nếu vậy thì tại sao tôi thế này?’ Bà thỉnh ý Đức Chúa. Đức Chúa phán với bà: Có hai dân tộc trong lòng ngươi, hai dân từ dạ ngươi sinh ra và sẽ chia rẽ nhau.Dân này sẽ mạnh hơn dân kia, đứa lớn sẽ làm tôi đứa bé” (St 25,22-23).

 

Cousin cũng chia sẻ về hình ảnh này: “Em (Gio-an Tẩy Giả trong lòng bà Ê-li-sa-bét) được đầy Thánh Thần như sứ thần đã loan báo (x.Lc 1,15), em bé thấy hừng lên bình minh của thời đại mới và nói tiên tri bằng việc nhảy mừng và không phải bằng lời nói, khi hân hoan nhận ra sự hiện diện của Đấng mà thiên hạ đợi trông vào thời cuối cùng”.[7]

 

Khi bào thai trong lòng bà Ê-li-sa-bét nhảy mừng, thì bà được đầy tràn Thánh Thần. Tác động của Thần Khí trên bà mạnh mẽ đến nỗi, từ môi miệng của mình bà Ê-li-sa-bét đã hát lên một bài ca thật đẹp ca ngợi Mẹ Maria và Hài Nhi ở trong lòng Mẹ: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.43 Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?44 Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng.45 Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em”.

 

Suy niệm từng lời trong bài ca này, chúng ta thấy những áng văn thật đẹp và tràn đầy niềm vui. “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc”. Người phụ nữ cao niên hơn, bà Ê-li-sa-bét, mở lời chúc mừng cô trinh nữ Maria, vì cô trinh nữ đã đón nhận ơn quá đặc biệt từ trời cao, nên cô được chúc phúc hơn tất cả các phụ nữ khác.

 

Theo Ravasi, “phúc lành trong Thánh Kinh luôn đi đôi với hoa trái. Trong ngôn ngữ Sê-mít thì câu ‘được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ’ mang tính cách superlative, có nghĩa là mức tối thượng, cao nhất”.[8] Như thế, Mẹ Maria là người được nhận sự chúc phúc cao nhất từ Thiên Chúa. Thêm vào đó, không chỉ Mẹ Maria được chúc phúc, mà người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Nghĩa là “bà  Ê-li-sa-bét biết rằng Đức Maria là một người Mẹ. Bà đã hiểu điều mà trước đó bà không biết và điều mà Đức Maria không nói với ai cả”.[9]

 

Tiếp theo lời chúc mừng về phúc lành của Thiên Chúa trên Mẹ Maria và Hài Nhi, bà Ê-li-sa-bét trở về với chính bản thân và chân nhận việc Mẹ Maria, Thân Mẫu của Thiên Chúa, đến thăm bà là một hồng ân cao quý. Bà thốt lên rằng: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?”. Trong lời của bà Ê-li-sa-bét, chúng ta nhận ra được sự khiêm tốn và lòng biết ơn sâu xa. Hơn nữa, lời này còn chính thức công nhận việc Đức Maria làm Mẹ là một điều ngoại thường.

 

Thật vậy, “bà Ê-li-sa-bét không chỉ nhận ra rằng Đức Maria và đứa con bà cưu mang là đối tượng cho phúc lành của Chúa. Bà còn tuyên xưng người bà con của mình là Mẹ của Chúa tôi; bà Ê-li-sa-bét nói bằng chính môi miệng mình điều mà đứa con bà đã xác nhận bằng cách nhảy mừng: con của Đức Maria là Đấng Kitô, Chúa đã loan báo trong Thánh vịnh 110, câu 1 (được trích dẫn bởi Lc 20,41-44 và Cv 2,34-36)”.[10]

 

Sự nhận biết của bà Ê-li-sa-bét dựa trên một giao động đặc biệt. Đó là sự “nhảy lên vui sướng” của bào thai trong chính lòng bà: “Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng”. Theo Martini, “Tất cả mầu nhiệm của Đức Maria được trình bày ở đây: Đức Maria và Chúa Giê-su, Đức Maria và Gioan, đức tin của Đức Maria, việc Đức Maria làm mẹ, sự vâng phục của Đức Maria đối với tiếng gọi của Chúa.

 

Chúng ta có thể nói rằng trong bản văn này, lòng sùng kính đối với Đức Maria vì vai trò của Mẹ trong lịch sử cứu độ, lòng sùng kính được diễn tả bởi một con người, có sự khởi đầu của nó. Trong cảnh truyền tin, chúng ta chiêm ngắm mầu nhiệm Đức Maria mà bà Ê-li-sa-bét cảm nghiệm. Trong cảnh thăm viếng, chúng ta chiêm ngắm việc một phụ nữ nhận biết mầu nhiệm này và ca ngợi nó. Bà Ê-li-sa-bét là người đầu tiên trong số muôn vàn người ‘sẽ ngợi khen Đức Maria có phúc’ từ đời nọ đến đời kia”.[11]

 

Bài ca ngợi của bà Ê-li-sa-bét được kết với lời cũng thật đẹp về Mẹ Maria: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em”. Một lần nữa Mẹ Maria được ca ngợi là người có phúc, nhưng phúc lành của lần này dựa trên chính niềm tin của Mẹ: “vì (em) đã tin rằng”.

 

Theo Ravasi, “niềm tin trong ngôn ngữ của Thánh Kinh diễn tả một sự đồng thuận toàn vẹn. Một lời đồng thuận hoàn toàn của tâm hồn và thể xác dành cho Thiên Chúa. Có thể nói cụm từ ‘Mẹ thật có phúc, vì đã tin’ là định nghĩa đẹp nhất dành cho dung mạo của Mẹ Maria. ‘Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em’.

 

Lời này cũng làm cho chúng ta nhớ lại một đoạn khác trong Tin Mừng Luca: 27 Khi Đức Giê-su đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người: Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!28 Nhưng Người đáp lại: Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa’ (Lc 11,27-28).

 

Mẹ Maria được ca ngợi là người được chúc phúc, không chỉ dựa trên việc Mẹ là Mẹ thật của Hài Nhi có tên là Giê-su ở thành Na-da-rét, mà chính yếu là vì Mẹ trở thành Mẹ Thiên Chúa, như công đồng Ê-phê-sô đã tuyên bố. Nhưng để trở nên Mẹ Thiên Chúa, thì Maria phải là người tin, một người lắng nghe Lời Thiên Chúa. Vì thế, Mẹ Maria là người tín hữu đầu tiên của các tín hữu”.[12]

 

Thật vậy, “bà Ê-li-sa-bét cũng nối kết Đức Maria với ông Áp-ra-ham, người cha của những kẻ tin, bởi vì cũng như tổ phụ Áp-ra-ham, Mẹ đã tin vào việc Chúa sẽ thực hiện lời đã hứa. Như thế, từ một lời chào, từ một cuộc gặp gỡ, từ một mối liên hệ của lòng tốt, từ sự tôn trọng và kính trọng, một mầu nhiệm lớn lao tỏ ra”.[13]

 

Ngoài ra, chúng ta có thể khám phá được niềm tin và phúc lành trải dài trong Tin Mừng. Đức Giê-su nói với viên đại đội trưởng “Ông cứ về đi. Ông tin thế nào, thì được như vậy!”, và người đầy tớ của ông ta đã được chữa lành (x.Mt 8,13). Đối với người phụ nữ bị băng huyết, Người nói “Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu chữa con”.

 

Và ngay từ lúc đó, máu của bà ngưng không chảy ra nữa (x.Mt 9,22). Đối với hai người đàn ông bị mù, Người nói “Các anh tin thế nào, thì được như vậy!”, và họ đã được nhìn thấy trở lại (x.Mt 9,29). Và còn biết bao nhiêu ví dụ khác nữa.

 

Một lần nữa hướng nhìn về Mẹ Maria, chúng ta thấy Mẹ thật cao cả trong câu truyện này với nhiệm vụ làm Mẹ của Thiên Chúa. Sự cao cả của Mẹ còn được biểu lộ qua tinh thần “xin vâng” hoàn toàn thánh ý của Thiên Chúa ở nơi Mẹ, cũng như qua lòng tin vào sức mạnh và quyền năng của Lời Thiên Chúa.

 

Đi đôi với niềm tin của Mẹ được bà Ê-li-sa-bét ca ngợi là chính hành động của niềm tin mà Mẹ thực hiện. Thiên Chúa hoạt động để cứu độ con người, nhưng Thiên Chúa cần đến sự cộng tác của con người, để sự cứu độ được kiện toàn. Sự cộng tác và tham gia của con người chính là niềm tin được biểu lộ qua việc làm.

 

Đức Maria được chúc phúc, bởi vì không những Mẹ đã tin, mà còn hành động theo lòng tin của mình nữa. Ngay sau khi sứ thần đến thăm, Mẹ vội vã thăm viếng bà Ê-li-sa-bét. Từ điểm này, chúng ta nhận thấy lòng tin tôn giáo nơi Mẹ không phải chỉ là vấn đề cảm xúc. Nhưng Mẹ đã chuyển lòng tin đó thành hành động cụ thể. Đó là niềm tin sống động.

 

Trong cái nhìn tổng thể về cuộc thăm viếng bà Ê-li-sa-bét của Mẹ Maria, chúng ta thấy đó là cuộc gặp gỡ thật đẹp giữa hai phụ nữ. Qua sự hoạt động của Thiên Chúa, cuộc sống đang thay đổi đối với Mẹ Maria và bà Ê-li-sa-bét. Sau khi được truyền tin, Mẹ Maria đã lập tức đi thăm người chị họ.

 

Mẹ một mình đi đến miền Giuđa: một điều chưa từng bao giờ nghe thấy trong thời đại ấy! Khi hai người phụ nữ này gặp nhau, họ chia sẻ cho nhau biết về ý nghĩa của những phép lạ xảy ra trong cuộc đời mình. Đó là hai bào thai mà hai người phụ nữ đang cưu mang.

 

Sự chuyển động “nhảy lên” của bào thai trong lòng bà Ê-li-sa-bét đã diễn tả sự trông đợi trong vui mừng của bà và niềm vui này cũng toả qua Mẹ Maria. Có lẽ không ít người nghĩ rằng khi gặp Đức Maria, bà Ê-li-sa-bét sẽ “nổ” về tin vui trọng đại của mình. Nhưng không. Bà Ê-li-sa-bét gạt niềm vui riêng của mình sang một bên để đặt Đức Kitô vào trung tâm của biến cố khi nói rằng: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?”

 

Với những lời này, bà Ê-li-sa-bét đã chiếm ưu thế, vì bà là người đầu tiên gọi con trẻ Giê-su là Thiên Chúa Của Tôi. Và cũng bởi vì bà đã hiểu được ân huệ mang thai, một ân huệ mà bà và người em Maria đã chia vui cùng nhau.

 

Cuối cùng, trước tất cả những gì thật đẹp diễn ra trước mặt, Mẹ Maria đã cất lên một bài Ca Ngợi tuyệt vời. Đây là bài ca thứ hai tràn đầy niềm vui của Cô Trinh Nữ được Chúa chúc phúc hơn mọi phụ nữ, được Chúa đoái thương dù thân phận cô chỉ là nữ tỳ hèn mọn.

 

Bài ca Ngợi Khen, Magnificat là lời cầu nguyện rất đẹp của Mẹ Maria hướng về Thiên Chúa. Bài ca Ngợi Khen được hoà quyện với những lời của Cựu Ước, và bài ca này có một sự liên hệ chặt chẽ với bài ca của bà An-na, mẹ Sa-mu-en (x.1Sm 2,1-11).

 

Bài ca Ngợi Khen là một bài thánh thi được dùng trong Phụng Vụ, và Mẹ Maria đã hát lên bài ca này với tư cách của một nữ tỳ khiêm nhu ca tụng ngợi khen Thiên Chúa, về những hành động cao cả của Ngài đối với Mẹ. Giáo Hội tiên khởi cũng luôn chú ý đến lời ngợi ca Thiên Chúa về những hành động tuyệt vời của Người.

 

Sách Công Vụ có viết: “Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ” (Cv 2,46-47).

 

Thánh Phao-lô cũng nhắc nhớ cộng đoàn Ê-phê-sô: Chớ say sưa rượu chè, vì rượu chè đưa tới truỵ lạc, nhưng hãy thấm nhuần Thần Khí. Hãy cùng nhau đối đáp những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng; hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa. Trong mọi hoàn cảnh và mọi sự, hãy nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha” (Ep 5,18-20).

 

Từ hơn 2000 năm nay, Giáo Hội tiếp tục hát lên bài ca Ngợi Khen tuyệt mỹ này trong các Thánh Đường, các tu viện và cả trong những ngôi nhà đơn sơ, như nhà của Ê-li-sa-bét ngày xưa. Trong tông huấn Marialis Cultus, thánh Giáo Hoàng Phao-lô VI viết: “Magnificat là lời cầu nguyện tuyệt vời của Mẹ Maria, bài ca ngợi khen của những thời khắc cứu tinh (messianic), nơi hòa chung niềm vui của Ít-ra-en cựu và tân.

 

Nơi bài ca này lại vang lên một lần nữa niềm hân hoan của Áp-ra-ham là người đã được thấy ngày của Đấng Cứu Tinh (x.Ga 8,56) và vang lên một cách tiên tri tiếng nói của Hội Thánh. Bài ca của Đức Trinh Nữ đã trở thành lời cầu nguyện của Hội Thánh trong mọi thời đại” (số 18).

 

Bài ca Ngợi Khen có thể được nhìn trong hai phần. Phần thứ nhất dựa trên dạng số ít “linh hồn tôi” trong tương quan đối với Thiên Chúa (câu 46-50). Phần thứ nhất này cũng được coi là tâm tình tạ ơn tôn vinh Thiên Chúa của Mẹ Maria. Phần thứ hai (51-55) với dạng số nhiều “những ai”, “những kẻ quyền thế” và “những kẻ bị áp bức”. Có thể nói đó là tâm tình của toàn thể dân Ít-ra-ren, toàn thể dân Chúa dâng lên trải dài trong thời gian.

Giờ đây chúng ta cùng “lắng nghe” thật chú tâm với toàn bộ con người lời Mẹ ca tụng Ngợi Khen Thiên Chúa:

Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới;
từ nay, hết mọi đời
sẽ khen tôi diễm phúc.
Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn!
Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người”.

Bài ca tuyệt vời này có phần mở đầu với tâm tình của người cầu nguyện được diễn tả qua cụm từ “linh hồn tôi” và “thần trí tôi”. Như thế, tâm tình ngợi khen và vui mừng của Mẹ Maria đã thấm sâu vào trong hồn của Mẹ và của thần trí Mẹ. Tâm tình ca ngợi và tạ ơn này khởi đi từ chỗ sâu thẳm nhất của con người Mẹ, nơi mà Mẹ đã được Thiên Chúa chạm đến và hoạt động cách tuyệt vời.

 

Vì thế, đối tượng mà Mẹ ngợi khen, tôn vinh và cảm tạ là chính Thiên Chúa. Đức cố hồng y Martini đã nhìn bài ca Magnificat là một thánh thi vui mừng: “Khi đọc kỹ bài Magnificat của Đức Maria, chúng ta nhận thấy Mẹ bắt đầu với ngôi thứ nhất, ‘Linh hồn tôi, thần trí tôi’. Bài ca khởi đầu với những gì Mẹ cảm nghiệm được, và còn qui hướng về kinh nghiệm của Mẹ, về niềm hân hoan, về các cảm xúc của Mẹ, nhưng đột nhiên, chủ từ thay đổi. Thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, và từ đây trở đi Mẹ chỉ nói đến Thiên Chúa mà thôi”.[14]

Thánh Bê-đa khả kính đã suy niệm về lời của Đức Mẹ như sau: “Bấy giờ Đức Maria nói : Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi. Như thế là Người muốn nói: Đức Chúa đã làm cho tôi nên cao trọng khi ban ân huệ rất lớn lao và chưa từng nghe nói, đến nỗi không miệng lưỡi nào giải thích nổi, mà phải có lòng mến yêu sâu thẳm mới mong hiểu phần nào.

Vì thế, tôi đem hết sức lực của linh hồn để dâng lời cảm tạ. Đời sống của tôi cùng với mọi cảm nghĩ và hiểu biết, tôi dùng tất cả để chiêm ngưỡng ân huệ cao quý vô song đó với tâm tình tri ân cảm tạ, bởi vì trong chính Đức Giê-su, Đấng Cứu Độ tôi, thần trí tôi được hớn hở vui mừng vì Người là Thiên Chúa vĩnh cửu, và thân xác tôi trở nên phong phú vì Người đã đầu thai để sống trong thời gian”.[15]

Thật vậy, khi đọc tiếp các lời kế, chúng ta thấy rõ hơn việc Mẹ ca ngợi Thiên Chúa dựa trên những hoạt động của Chúa. Thánh Luca đã dùng các động từ để diễn tả những việc Chúa hoạt động: Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi. Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. Như thế, trong lời ca ngợi này, Mẹ Maria đã “ra khỏi mình” và chỉ còn tập trung vào chính Thiên Chúa là đối tượng và là chủ thể.

Chính Thiên Chúa đoái nhìn đến Mẹ, một phận nữ tỳ hèn mọn. Mẹ Maria tự kể mình trong hàng hèn mọn, nhỏ bé và nghèo nàn. Mẹ dâng lên bài ngợi ca này trong thân phận người nghèo của Thiên Chúa, trong tiếng Do Thái là anawin.

Theo Ravasi, “anaw có nghĩa là tự cúi xuống, và công nhận sự lớn lao của người khác. Hành vi này không có ý nghĩa là bị chèn ép, mà là một hành vi nội tâm”.[16] Như thế, trong thẳm sâu của lòng Mẹ, với sự khiêm nhu Mẹ đã nhìn nhận thân phận mỏng dòn, nhỏ bé, đơn sơ và nghèo nàn của mình trước Thiên Chúa, Đấng Tối Cao, Đấng đã thực hiện điều vĩ đại trong chính cung lòng Mẹ.

Thánh Vịnh gia và các ngôn sứ luôn chú ý nhiều đến những người nhỏ bé và hèn mọn được Thiên Chúa đoái nhìn. “Nhưng người túng thiếu không mãi bị bỏ quên, kẻ nghèo khổ chẳng tuyệt vọng bao giờ” (Tv 9,19). “Bởi vì Đấng muôn trùng cao cả, Đấng ngự chốn vĩnh hằng,Đấng mang danh chí thánh, Người phán như sau: Ta ngự chốn cao vời và thánh thiện, nhưng vẫn ở với tâm hồn khiêm cung tan nát, để ban sức sống cho tâm hồn những kẻ khiêm cung, và ban sinh lực cho những cõi lòng tan nát!” (Is 57,15).

“Vì sức mạnh của Ngài không dựa vào số đông, quyền lực của Ngài chẳng ở nơi người mạnh thế. Nhưng Ngài là Thiên Chúa của kẻ khiêm nhu, là Đấng cứu giúp người hèn mọn, Đấng đỡ nâng kẻ cô thế, Đấng bảo vệ người bị bỏ rơi, Đấng Cứu Tinh của những ai thất vọng” (Gdt 9,11).

Thiên Chúa của người Do Thái trong thời Cựu Ước và Thiên Chúa của Mẹ Maria luôn quan tâm đến những người bất hạnh, hèn yếu và khiêm nhu. Hình ảnh Thiên Chúa này cũng được Chúa Giê-su diễn tả cách sống động, như qua chính mối phúc: “Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3).

Hơn nữa, trong kế hoạch và chương trình cho sứ mạng của Chúa Giê-su, người nghèo khó có chỗ đặc biệt: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19).

Nếu chúng ta đọc lại và chiêm ngắm cuộc đời của Chúa Giê-su, sẽ nhận ra người nghèo luôn có chỗ đặc biệt trong trái tim của Người, người nghèo luôn được ưu tiên nhìn đến. Trên hết chính Người, Thiên Chúa “giàu sang nhất”, đã trở nên một người nghèo.

 

Trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng, ở chương thứ Tư và số 197, Đức Thánh Cha Phanxicô có đề cập đến việc Chỗ đứng đặc quyền của người nghèo trong Dân Thiên Chúa, ngài đã chia sẻ rất sâu sắc về hình ảnh của Thiên Chúa qua Đức Ki-tô đã trở nên nghèo: “Trong quả tim của Thiên Chúa có một chỗ đặc biệt cho người nghèo, đến nỗi chính Người ‘trở nên nghèo’ (x.2Cr 8, 9).

 

Toàn thể cuộc hành trình cứu chuộc của chúng ta được đánh dấu bởi sự hiện diện của những người nghèo. Ơn cứu độ này đã đến với chúng ta qua lời ‘xin vâng’ của một thiếu nữ khiêm tốn từ một ngôi làng xa xôi nhỏ bé ở vùng ngoại vi của một đế quốc vĩ đại”.

 

Lời xin vâng của Mẹ là lời đáp trả khiêm tốn trước ánh mắt của Thiên Chúa nhìn đến Mẹ. Được Thiên Chúa nhìn đến, đó là một diễm phúc tuyệt vời. Vì thế Mẹ đã vui mừng khôn siết: “từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc”. Thiên Thần Gáp-ri-en và bà Ê-li-sa-bét là những người đầu tiên khen ngợi Mẹ là người diễm phúc, là người nhận được sự ưu ái đặc biệt của Thiên Chúa.

 

Từ đó, từ thế hệ này qua thế hệ khác, người ta liên tiếp ca khen Mẹ và tri ân Thiên Chúa đã đoái thương chọn Mẹ. Lời ca khen Mẹ Maria được diễn tả qua rất nhiều phương diện, từ âm nhạc đến các suy tư, từ nghệ thuật đến các lời cầu nguyện ca tụng Mẹ. Chúng ta có thể kể đến Johann Sebastian Bach và Georg Friedrich Haendel với những bài thánh ca bất hủ “Magnificat”; riêng Johann Sebastian Bach còn sáng tác hai bài ca khác liên hệ đến Magnificat. Bài thứ nhất với tựa đề “Herz und Mund, Tat und Leben – Trái tim và môi miệng cùng hành động và cuộc sống”. Bài thứ hai với tựa đềMeine Seel erhebt den Herren – linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa”. Trong nghệ thuật hội hoạ có những bức tranh diễn tả cuộc thăm viếng của Mẹ nơi bà Ê-li-sa-bét, như của hoạ sĩ Fra Angelico, của hoạ sĩ Giotto di Bondone, của hoạ sĩ Domenico Ghirlandaio, của hoạ sĩ Albrecht Duerer hay của hoạ sĩ Carl von Blaas.

Thật vậy, dung mạo Mẹ Maria là người diễm phúc đã đi vào lòng cuộc đời này và Mẹ luôn sống động trong mọi thời đại, vì Mẹ chính là mẫu gương của niềm tin, mẫu gương của người khiêm tốn và luôn đón nhận Thiên Chúa và thánh ý của Người qua chính lời xin vâng của Mẹ.

Đẹp thay người nữ diễm phúc nhất trên trần gian này, vì Mẹ có Chúa ở bên, vì Mẹ thật khiêm tốn trong lời nói xin vâng và trong cuộc sống hoàn toàn dâng hiến cho chính Thiên Chúa, để Ngài làm gì Ngài muốn trên cuộc đời của Mẹ.

Mẹ là Đấng diễm phúc và Mẹ được đón nhận biết bao điều cao cả từ trời cao:

Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn!”

Mẹ thật diễm phúc nhưng Mẹ không bao giờ hãnh diện về chính bản thân, mà tất cả mọi hãnh diện Mẹ đều dành cho Thiên Chúa. Chỉ có Chúa và danh Thánh của Chúa mới đáng được ca tụng tôn vinh. Tâm hồn nghèo hèn và khiêm tốn là thế. Trước Thiên Chúa, Đấng Toàn Năng và Đấng Tối Cao, Đấng Yêu Thương và Đấng Nhân Hậu, Mẹ Maria, một nữ tỳ hèn mọn, luôn ý thức được sự hư vô của mình.

 

Thật vậy, có thể nói rằng, đại diện cho toàn nhân loại, với lòng khiêm tốn thẳm sâu Mẹ chúc tụng danh Thánh Thiên Chúa chí tôn chí thánh. Nhà Thánh Kinh học Nobert Lohfink suy tư như sau: “Khi người nghèo hèn đã được Thiên Chúa thực hiện điều lạ lùng và được mọi người ca tụng, thì chính lúc đó hành động của Thiên Chúa sẽ được chúc tụng và tôn vinh. Sự chúc tụng tôn vinh này được biểu lộ rõ rệt qua ‘danh Người thật chí thánh chí tôn!’.

Trong Cựu Ước, cụm từ ‘danh Người thật chí thánh chí tôn!’ có nghĩa là: Thiên Chúa chú tâm đến việc Danh của Người cần được rao giảng ở khắp mọi nơi và cụ thể hơn với một sứ điệp tích cực là: sự Thánh Thiện của chính Người, nghĩa là Danh Thánh của Người”.[17]

Ngoài ra, “tâm tình ca ngợi danh thánh Chúa của Mẹ Maria nhắc nhớ chúng ta một điều, đó là hành động của Thiên Chúa luôn tương hợp với bản chất của Ngài. Bản chất của yêu thương, của lòng nhân từ vô bờ bến. Về điều này, François Bovon đã nói rằng : ‘Trong sự trung thành với danh Thánh của mình, nghĩa là trung thành với chính mình, Thiên Chúa cứu rỗi dân của Ngài’. Và tất cả những người được cứu đều biết đến Danh Thánh của Đấng Cứu Rỗi, bằng cách họ đã đón nhận và được sống trong ân sủng và tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi.

Trong Cựu Ước, thánh vịnh gia cũng đã thốt lên : ‘Người đem lại cho dân ơn giải thoát, thiết lập giao ước đến muôn đời. Tôn danh Người thánh thiêng khả uý’ (Tv 111,9). Như vậy, Mẹ Maria đã cảm nghiệm sâu xa ân sủng cứu rỗi và yêu thương của Thiên Chúa, vì thế với tất cả tâm hồn Mẹ đã thốt lên lời ca ngợi tuyệt vời như vậy. Và không chỉ Mẹ, mà tất cả chúng ta, ai khám phá dấu ấn tình yêu Thiên Chúa trong đời mình, đều muốn thốt lên như thế”.[18]

Thánh Bê-đa Khả Kính chia sẻ như sau: “Đấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, Danh Người thật chí thánh chí tôn”. Điều này có liên quan đến lời mở đầu bài thánh ca: Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa. Hẳn chỉ có linh hồn được Đức Chúa đoái thương làm cho những việc trọng đại, mới có thể ngợi khen Người, bằng những lời tán dương xứng hợp, và mới có thể mời người khác chia sẻ ước nguyện và ý hướng của mình khi nói: Hãy cùng tôi ngợi khen Đức Chúa, ta đồng thanh tán tụng danh Người.

Quả thật, ai biết Thiên Chúa mà lại chểnh mảng, không làm hết sức để ngợi khen Người, để làm cho danh thánh Người vinh hiển thì sẽ bị coi là người nhỏ nhất trong Nước Trời. Danh Người được gọi là thánh, bởi vì Người có quyền năng vô song và do đó, Người vượt trên mọi loài thụ tạo và tách biệt hẳn với nhân loại Người đã dựng nên”.[19]

Tâm tình của Mẹ đưa chúng ta trở về với kinh Lạy Cha do chính Chúa Giê-su dạy: “Xin cho Danh Cha được cả sáng”. “Khi chúng ta cầu nguyện ‘xin làm cho danh thánh Cha được vinh hiển’, là chúng ta đang ao ước tất cả mọi người trên thế giới này đều khám phá được Thiên Chúa, Đấng là Cha trên trời và cũng là Cha dưới đất, người Cha nhân từ, người Cha luôn đứng chờ con ở cửa nhà, và vui mừng hớn hở khi thấy con đi hoang trở về.

Và lúc con mới xuất hiện ở đầu làng, Cha đã chạy đến ôm lấy con mình, hôn lấy hôn để khuôn mặt lấm bụi đời của con. Nụ hôn và vòng tay của Cha trả lại cho con tư cách làm con, đeo lại cho con chiếc nhẫn của tình cha con, mặc cho con chiếc áo mới nhất, tẩy sạch tất cả những gì ô uế trên thân mình con, và mở tiệc mừng con trở về và sống lại với con bê đã vỗ béo (x.Lc 15,11-32).

Tất cả cần phải ăn mừng, mọi người đều hân hoan dâng lời ca tụng như Mẹ Maria: ‘Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!’ Và tiếp tục kêu xin: xin làm cho danh thánh Cha được vinh hiển”.[20]

Danh thánh chí tôn chí thánh của Thiên Chúa luôn tìm thấy sự vinh hiển nơi con người trần thế, đặc biệt nơi Mẹ Maria, là mẫu gương của niềm tin. Với niềm tin của Mẹ, Mẹ trở nên người diễm phúc. “Muôn thế hệ sẽ khen Mẹ là Đấng diễm phúc, không phải vì chính sức mạnh của Mẹ cũng như không phải do công nghiệp của Mẹ, mà Mẹ được khen ngợi là diễm phúc, vì Chúa đã thực hiện điều lạ lùng nơi Mẹ. Vì thế, Mẹ Maria đã diễn tả lời chúc phúc mà Mẹ nhận được, cũng như Mẹ đã cao rao ca tụng lòng thương xót của Thiên Chúa”[21]:

“Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người”.

Trước đó, Mẹ đã cao rao Danh Thánh chí tôn, nghĩa là sự thánh thiện của Thiên Chúa, tiếp theo là Mẹ ca tụng lòng thương xót của Thiên Chúa. Thật vậy, giữa sự thánh thiện của Thiên Chúa và lòng thương xót của Thiên Chúa luôn có sự nối kết chặt chẽ. Sự thánh thiện được bộc lộ qua lòng thương xót của Chúa nói lên sự khác biệt và sự vượt trổi của Thiên Chúa so với những gì thuộc về trần thế và thuộc về sự dữ. Sự thánh thiện này, tiên tri I-sai-a đã nhắc đến với ba lần cao rao: “Thánh! Thánh! Chí Thánh! Đức Chúa các đạo binh là Đấng Thánh! Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa!” (Is 6,3).

Trước những lời tung hô đó con người cần phải cẩn trọng, không được xúc phạm đến Thiên Chúa, không được coi thường Ngài và lòng thương xót của Thiên Chúa. Hơn nữa, con người cũng không được phép biến Thiên Chúa thánh thiện và tràn đầy lòng thương xót, thành một người ngốc nghếch không biết gì.

Và con người cũng không được phép lấy Thiên Chúa ra làm trò cười cho mình, hay chế diễu Thiên Chúa. Con người là ai? Trí thông minh con người lớn cỡ nào? Sức con người mạnh đến mấy? Một cơn gió thổi qua cũng đủ làm cho những con người thông minh nhất, kiêu hãnh nhất và mạnh mẽ nhất có thể gục ngã. Thiên Chúa thánh thiện thương xót con người. Đó là một điều rất tuyệt vời mà con người cần chiêm ngắm và cảm tạ.

Thương xót trong tiếng Do Thái là hesed. Theo thần học gia ĐHY. Walter Kasper, từ ngữ quan trọng nhất diễn tả lòng thương xót là hesed. Hesed diễn đạt những ý nghĩa như ân huệ, dễ thương, và cũng có ý nghĩa ân sủng của Thiên Chúa và lòng thương xót. Ý nghĩa của từ ngữ hesed vượt trên sự rung động hay tội nghiệp về những khổ đau của người khác, và chỉ về sự chú ý tràn đầy tự do và từ bi của Thiên Chúa đối với con người. Hơn nữa, từ ngữ hesed không chỉ về một hành động tạm thời, mà chỉ về hành động kéo dài.

 

Như thế, hướng về Thiên Chúa, từ ngữ hesed này diễn tả ân sủng của Thiên Chúa dành cho con người. Ân sủng này của Thiên Chúa vượt trên tính hợp lý của tương quan giữa hai người trung thành với nhau. Nghĩa là dù con người có bất trung và bội phản, thì Thiên Chúa vẫn thương xót, và Ngài không bao giờ bỏ rơi con người. Ân sủng này của Thiên Chúa còn mang tính cách nhưng không vô điều kiện, và vượt trên mọi sự chờ đợi của con người. Tóm lại, ân sủng này của Thiên Chúa làm tan vỡ mọi chuẩn mực và thước đo của con người.

 

Thiên Chúa quyền năng và thánh thiện đón nhận hoàn cảnh đầy khổ đau và tội lỗi của con người, Ngài đã nhìn thấy cảnh đời oái ăm của người nghèo nàn và bất hạnh, Ngài đã đón nhận lời kêu van của họ, Ngài đã cúi mình xuống và tự hạ mình xuống, Ngài đã đi xuống với người đang chìm mình trong khổ đau, và dù cho bao sự bất trung của con người, Ngài vẫn tiếp tục đón nhận, tha thứ và ban cho con người những cơ hội mới, dù cho con người lẽ ra cần phải chịu những hình phạt vì những tội lỗi họ gây ra.

 

Tất cả những điều này của Thiên Chúa vượt trên mọi kinh nghiệm bình thường và sự chờ đợi của con người, vượt trên mọi mường tượng và suy nghĩ của con người. Trong sứ điệp của hesed, Thiên Chúa tự mạc khải một phần nào mầu nhiệm của Thiên Chúa.[22]

Lòng thương xót của Thiên Chúa không chỉ được biểu lộ qua từ ngữ, mà đặc biệt qua lịch sử ơn cứu độ của Thiên Chúa đối với nhân loại. Lật lại các trang Thánh Kinh, chúng ta khám phá được lòng thương xót sâu xa của Thiên Chúa ngay từ công trình sáng tạo. Rồi khi con người sa ngã, lòng thương xót của Thiên Chúa vẫn tỏ lộ.

Khi đuổi con người ra khỏi vườn địa đàng, Thiên Chúa đã ban cho con người áo quần mặc, để con người có thể tự che chở trước đe doạ của thiên nhiên, và che đậy sự xấu hổ của con người với nhau, cũng như gìn giữ phẩm giá của con người (x.St 3,21). Hơn nữa, dù có phạt Cain về tội giết em, nhưng Thiên Chúa vẫn bảo vệ Cain, Ngài đã ghi dấu trên Cain, để bất cứ ai gặp ông không giết ông (x.St 4,15).

 

Cuối cùng Thiên Chúa đã tạo cho ông Nôe một cơ hội mới để bắt đầu một cuộc sống mới, sau trận lụt hồng thuỷ. Thiên Chúa đã ban phúc lành cho ông Nôe và con cháu ông, Ngài lập lại trật tự và ký kết giao ước tình yêu che chở con người mang hình ảnh của Ngài (x.St 8 và 9).

Nhưng như vậy cũng chưa đủ cho con người. Tính kiêu căng của con người không có điểm kết. Con người lại xây dựng tháp Babel cao ngất tới trời cao. Sự kiêu ngạo đã đưa con người tới tình trạng hỗn loạn của ngôn ngữ, con người không còn hiểu nhau được nữa, vì thế con người đã chia cách nhau và tràn lan khắp mặt đất (x.St 11).

Một lần nữa Thiên Chúa lại không để con người bất trung và bội phản cô đơn lẻ loi với số phận của họ. Ngài đã chống lại hỗn loạn và thảm hoạ. Với việc kêu gọi ông Áp-ra-ham, Thiên Chúa đã bắt đầu một trang sử mới với con người (x.St 12,1-3).

Với Áp-ra-ham Thiên Chúa viết trang sử cứu độ con người. Trong Áp-ra-ham, tất cả mọi người trên trái đất được Thiên Chúa chúc phúc. Trong câu chuyện của Áp-ra-ham, người ta có thể đọc được những lời nói diễn tả tình thương và sự trung thành của Thiên Chúa (x.St 24,12.14.27; 32,11). Đó là khởi đầu của câu chuyện nói về hành động tràn đầy lòng thương xót của Thiên Chúa đối diện với biết bao tội lỗi con người gây ra, đối diện với hỗn loạn và thảm hoạ của tội lỗi.

Ngay từ ngày đầu tiên, lòng thương xót của Thiên Chúa đã được thực hiện rõ ràng. Lòng thương xót của Thiên Chúa cũng là cách thức hành xử của Thiên Chúa với sự dữ luôn đe doạ con người. Cách hành xử và hành động xót thương của Thiên Chúa tương phản với sự dữ và hỗn loạn cùng thảm hoạ của nó. Cách hành xử và hành động của Thiên Chúa không nhuốm màu bạo lực. Ngài không tự nhiên xen vào ngay, nhưng với lòng thương xót Ngài tạo cho con người những cơ hội mới, và tái lập sự sống mới với không gian được Chúa chúc lành.[23]

Trong Tân Ước chúng ta thấy rõ rệt Thiên Chúa tiếp tục thể hiện lòng thương xót của Người qua Chúa Giê-su cách sống động. Trong tông sắc về năm Thánh lòng thương xót của Thiên Chúa (từ 08.12.2015 đến 20.11.2016), Đức Phanxicô đã viết: “Vào ‘thời viên mãn’ (Gl 4,4), một khi tất cả mọi thứ đã được sắp xếp theo đúng kế hoạch cứu rỗi của Ngài, Ngài đã sai Con Một Ngài xuống thế gian, sinh bởi Đức Nữ Đồng Trinh Maria, để biểu lộ tình yêu của Ngài cho chúng ta một cách quyết liệt. Bất cứ ai nhìn thấy Chúa Giê-su cũng là thấy Chúa Cha (x.Ga 14,9). Chúa Giê-su thành Na-da-rét, qua lời nói, hành động và toàn bộ con người của Ngài đã thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa” (số 01).

Chiêm ngắm Chúa Giê-su, chúng ta thấy Ngài là một Thầy dạy đúng nghĩa trọn vẹn, nên lời giảng của Chúa Giê-su luôn đi đôi với đời sống của Ngài. Lời và đời sống là một nơi Chúa Giê-su. Ngài đã sống tinh thần lòng thương xót của Thiên Chúa cách sống động. Ngài đã chữa lành cho người bị thần ô uế ám, Ngài đã thương nhìn đến và lắng tai nghe người đui mù hành khất kêu xin. Ngài đã tự mình mời người phụ nữ còng lưng đang nghe Ngài giảng trong hội đường ra giữa mọi người, để chữa lành cho bà và trả lại cho bà sự thẳng đứng của cuộc đời.

 

Ngài đã cảm nhận được sự khổ đau tột bậc không chỉ của thân xác, mà cả tinh thần của người phong hủi và đã đáp lời anh, khi anh lên tiếng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”. Đặc biệt, lòng thương xót được Chúa dành cho những người tội lỗi có lòng ăn năn hối cải: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2,17).

 

Người phụ nữ tội lỗi nổi tiếng trong thành, đứng đàng sau sát chân Chúa và khóc. Giọt nước tuôn trào trên đôi chân Chúa. Ngài không rút chân lại, mà Ngài vẫn để vậy, đến nỗi những giọt nước mắt kia làm ướt đẫm chân Chúa. Không chỉ thế, người phụ nữ quỳ xuống và dùng mái tóc để lau chân Chúa. Chân Ngài vẫn không rút lại. Đôi chân ướt đẫm các giọt nước mắt thống hối ăn năn giờ cần được lau khô. Lòng thương xót của Thiên Chúa không bao giờ chỉ dừng lại ở những giọt nước mắt ăn năn.

 

Nước mắt cần chảy đấy. Nhưng chảy rồi, nước mắt cần được lau khô, được lau sạch, để dọn chỗ cho lòng thương xót tràn đầy sự tha thứ của Chúa. Cũng nổi tiếng tội lỗi, Gia-kêu, một tay thu thuế tham lam, khi gặp Chúa và chính Ngài muốn đến nhà của ông, vì hôm nay ơn cứu độ và lòng thương xót của Chúa cần đến thăm ông, để tha thứ, để thánh hoá và để dọn cho ông một con đường mới. Khi bị treo trên cây Thánh Giá, lòng thương xót của Chúa Giê-su vẫn không hề tắt. Ngài đã lên tiếng với kẻ tử tội có lòng thống hối ăn năn: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43).[24]

Trở về với dung mạo của Mẹ Maria, chúng ta thấy dựa trên lòng thương xót vô bờ của Thiên Chúa, Mẹ Maria tin tưởng và hy vọng tuyệt đối vào Thiên Chúa và sức mạnh của niềm hy vọng này được diễn tả thật đẹp qua các lời kế tiếp:

51 Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
52 Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
53 Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng”.

Lời của Mẹ Maria kể về chính biến cố của dân tộc Mẹ và lịch sử cứu độ của Thiên Chúa dành cho dân tộc Mẹ được tiếp nối nơi Mẹ Maria: “Người Ai Cập đã ngược đãi, hành hạ chúng tôi và đặt ách nô lệ trên vai chúng tôi. Bấy giờ chúng tôi đã kêu lên cùng Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông chúng tôi; Người đã nghe tiếng chúng tôi, đã thấy cảnh khổ cực, lầm than, áp bức chúng tôi phải chịu. Đức Chúa đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền, đã gây kinh hồn táng đởm và thực hiện những dấu lạ điềm thiêng, để đưa chúng tôi ra khỏi Ai-cập. Người đã đưa chúng tôi vào đây, ban cho chúng tôi đất này, đất tràn trề sữa và mật” (Đnl 26,6-9).

Trong lịch sử cứu độ của Thiên Chúa, những sức mạnh đen tối dù lớn lao đến mấy đều bị chính Thiên Chúa quyền năng dẹp tan và triệt hạ. Đó là Pha-ra-ô trong biến cố dân Do Thái vượt qua biển đỏ, là những kẻ thù của dân tộc Do Thái trong thời các quan án, là những thủ lãnh hùng mạnh của Ba-by-lon. Thiên Chúa đã lật đổ tất cả những thế lực của đêm đen đầy kiêu ngạo, và Ngài chú ý nâng đỡ những phận người khiêm nhu, đói khổ và nghèo hèn không nơi nương tựa.

Mẹ Maria đã cho chúng ta nhận ra rằng, tất cả những ai kiêu hãnh và cậy dựa vào sức mạnh, vào quyền thế và vào của cải vật chất của mình, sẽ không tìm thấy được con đường đến với Thiên Chúa, vì chính họ đã đóng trái tim họ lại bởi chính những điều họ đang bám víu.

Còn với những người khiêm nhu và hèn mọn, thì họ chẳng có gì để cậy dựa và họ cũng ý thức về sự hư vô đơn hèn của mình, nên họ mở lòng ra với Thiên Chúa. Người sẽ đón nhận họ và mở cho họ một con đường để đến với Người, nơi đó họ tìm thấy sự ấp ủ, chở che, niềm tin và niềm hy vọng. Thiên Chúa thật là nơi họ nương náu.

Lời ca này của Mẹ Maria đưa chúng ta đến với những mối phúc của Chúa Giê-su: Phúc cho ai nghèo hèn, khóc lóc và đói khổ, vì họ có Chúa ở bên, quan tâm đến họ. Người không bao giờ quên họ và không bao giờ bỏ rơi họ. Người luôn độ trì họ, vì Người là Thiên Chúa tín trung và yêu thương.

54 Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
55 như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Áp-ra-ham
và cho con cháu đến muôn đời”.

Thời gian ân sủng của Mẹ Maria cũng là thời gian ân sủng của dân tộc Mẹ. Trong phần đầu của bài ca Magnificat Mẹ đã ca tụng ân sủng Thiên Chúa ban tặng cho Mẹ, và giờ đây ở những câu cuối cùng của bài hát Ngợi Ca, Mẹ ca tụng ân sủng Thiên Chúa ban tặng cho dân tộc Mẹ. Mẹ và dân tộc Mẹ là một. Cả hai đều được Thiên Chúa tín trung độ trì, tỏ lòng thương xót.

Câu truyện đời Mẹ được hoà quyện vào trong câu truyện của dân tộc Mẹ. Martini chiêm ngắm Mẹ Maria và đã nói như sau: “Đức Maria cảm nghiệm nhận thức của Mẹ nối kết với nhận thức của cả dân tộc, nhận thức mình được yêu thương, được tuyển chọn và được nâng đỡ bởi Thiên Chúa”.[25]

Còn Nobert Lohfink thì giải thích: “Ở phần cuối này Đức Maria đã liên hệ đến lời của tiên tri I-sai-a: ‘Nhưng phần ngươi, hỡi Ít-ra-en, tôi tớ của Ta, hỡi Gia-cóp, kẻ Ta tuyển chọn, dòng dõi Áp-ra-ham, bạn của Ta’ (Is 41,8), và Mẹ đã nêu bật tư cách của dân Chúa với cụm từ tôi tớ Thiên Chúa. Điều này cho chúng ta nhớ lại phần mở đầu của kinh Magnificat mà Mẹ đã tự coi mình là ‘nữ tỳ’ của Thiên Chúa.

Như thế, điều lạ lùng mà Thiên Chúa đã vừa thực hiện nơi Mẹ, một nữ tỳ, không gì khác hơn là điểm cuối cùng hội tụ tất cả mọi điều lạ lùng mà Người đã thực hiện cho tôi tớ của Người là dân tộc Ít-ra-en. Thật vậy, ở trong Mẹ Maria chắc chắc hội tụ tất cả lịch sử của Ít-ra-en và qua lòng thương xót của Thiên Chúa ơn cứu rỗi cho thế giới được biểu lộ”.[26]

Mẹ đã cao rao lời ca tụng sự tín trung và lòng thương xót của Thiên Chúa. Tất cả những gì Thiên Chúa đã hứa với tổ phụ và tổ tiên Mẹ là Áp-ra-ham, giờ đây được thực hiện nơi Mẹ và nơi tất cả những người con của dân tộc Mẹ. Lòng thương xót và ơn cứu độ của Thiên Chúa vượt trên mọi thời gian và mọi không gian, vì Thiên Chúa là Đấng Yêu Thương và quyền năng không biết đến bất cứ biên giới nào mà con người đặt ra.

Để kết thúc phần suy niệm bài ca Magnificat tuyệt vời của Mẹ Maria, chúng ta cùng Martini tự hỏi về chính bài ca Magnificat của mỗi người chúng ta sẽ là bài như thế nào: “Bài Magnificat của chúng ta sẽ như thế nào đây? Chúng ta sẽ dùng những lời lẽ nào? Chúng ta sẽ nhắc đến các biến cố nào xảy ra trong đời chúng ta? Chúa đã can thiệp trong cuộc sống chúng ta như thế nào và chúng ta có những gì để cám ơn Ngài?

Mỗi người chúng ta phải có can đảm để mở lòng ra, để khám phá những giờ phút quan trọng mà Chúa đã can thiệp vào cuộc đời mình. Chúng ta hãy tưởng nhớ bao nhiêu điều tốt lành, bao nhiêu tình thương người khác đã dành cho chúng ta, hãy hồi tưởng những cuộc gặp gỡ đã mang lại niềm vui và phấn chấn lòng tin của chúng ta, từ khi chúng ta lãnh nhận bí tích Rửa Tội cho đến hôm nay.

Chúng ta hãy nhớ lại chúng ta đã cùng gặp gỡ Thiên Chúa cứu độ, Thiên Chúa muốn cứu thoát, Thiên Chúa đuổi người giàu có trở về tay không, và ban của dư đầy cho người nghèo khó. Chúa cứu độ chúng ta trước hết, vì chúng ta đói khát và nghèo khổ, rồi còn những người khác nữa.

Chúng ta hãy tự hỏi: gặp gỡ được Thiên Chúa và tha nhân đã giải thoát chúng ta khỏi những lo âu nào? Các thực tại nào đã bừng sáng lên trong cuộc đời, khi chúng ta tháp nhập vào niềm hy vọng của Nước Trời? Chúng ta hãy tự hỏi Chúa muốn chúng ta làm gì, nếu chúng ta đứng về phía những người nghèo?”[27] Sau khi đã hát bài Ca Ngợi rất tuyệt vời đó, thánh Luca cho chúng ta biết rằng: “Bà Maria ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà”.

Câu truyện kể về cuộc gặp gỡ giữa hai người phụ nữ, một cao niên và một trẻ trung, thật đẹp. Cái đẹp của tinh thần công chính, cái đẹp được Chúa đoái thương và chọn gọi. Giờ đây chúng ta cùng với hai người phụ nữ đặc biệt này, bà Ê-li-sa-bét và Mẹ Maria hướng về với Thiên Chúa tình yêu, để cùng ca tụng, tôn vinh và cầu nguyện với Người qua những suy tư và gợi ý sau:

  • “Bà Maria vội vã lên đường”. Thánh Luca diễn tả thật đơn giản, nhưng quyết định để ra đi chắc chắn không dễ dàng. Vào thời đó, vấn đề đi xa thật nguy hiểm, nhất là đối với thiếu nữ đã đính hôn và giờ lại đi xa một mình. Nhưng Cô Trinh Nữ không chậm trễ, mà vội vã lên đường theo lời mời gọi của Thiên Chúa, một cuộc lên đường với niềm vui và sự nhanh lẹ.

Đời người được hội tụ với những cuộc lên đường. Có lúc là đoạn đường thật dài, có lúc đoạn đường lại rất ngắn. Nhưng những cuộc lên đường được Thiên Chúa mời gọi dù dài dù ngắn đều mang một ý nghĩa và giá trị sâu xa. Chúng ta xin Chúa cho chúng ta noi gương Mẹ Maria, sẵn sàng nhanh lẹ lên đường, khi được Chúa mời gọi. Trên đường đó chúng ta luôn khiêm tốn và mở lòng ra để Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn và thúc đẩy, có như thế chúng ta sẽ tìm thấy được niềm vui, tìm được đích đến là chính Hài Nhi Giê-su. Nào chúng ta cùng thờ lạy Chúa trong máng cỏ đơn sơ và nghèo hèn.

 

  • Mẹ Maria lên đường và đến thăm hai cụ cao niên, là ông Da-ca-ri-a và bà Ê-li-sa-bét. Mẹ đến và đem Chúa đến cho hai ông bà. Đó là một hành động rất đẹp trong đời sống Đức Tin và tâm linh. Em-ma-nu-en nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Mỗi người chúng ta hôm nay, ai ai cũng cần có Chúa, dù cho thế giới và xã hội có làm ngơ Chúa đến mấy, và dù cho nhiều người đang đẩy Chúa ra khỏi ánh mắt nhìn của họ. Càng quay lưng đi với Chúa, thì nhân loại càng cần đến Chúa. Vì nếu xã hội chúng ta vắng bóng Thiên Chúa, thì biết bao điều tệ hại sẽ xảy ra, cuộc sống con người sẽ mất dần ý nghĩa và trở nên tẻ nhạt.

Sứ mạng của ngày Giáng Sinh mà các Ki-tô hữu đón nhận là gì? Là đưa Chúa đến cho anh chị em khác, như Mẹ Maria đã làm. Xin mời bạn cùng tôi nhìn đến môi trường xung quanh, trong gia đình, hàng xóm, hãng xưởng. Chúng ta cùng suy xét xem nơi nào và những ai đang cần được đón nhận Chúa, và chúng ta hãy xin ơn Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta biết đưa Chúa đến nơi đó và cho những anh chị em đó.

 

  • “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc”. Người phụ nữ cao niên hơn, bà Ê-li-sa-bét, mở lời chúc mừng cô trinh nữ Maria, vì cô trinh nữ đã đón nhận ơn quá đặc biệt từ trời cao, nên cô được chúc phúc hơn tất cả các phụ nữ khác. Phúc lành lớn lao là phúc lành được Chúa ở cùng. Cùng đến chiêm ngắm Hài Nhi Giê-su trong máng cỏ. Thật nhẹ nhàng và trong tĩnh lặng, chúng ta xin Chúa hoạt động trong chúng ta, và cho chúng ta có được sự cảm nhận sống động Chúa ở với chúng ta trong cõi lòng thâm sâu của chúng ta. Hãy ở lại lâu bao nhiêu có thể cảm nhận cao quý này. Đó là phúc lành của Trời Cao ban xuống, phúc lành mà đất thấp này không thể dùng bất cứ thứ gì để mua được.

 

  • Bài ca ngợi của bà Ê-li-sa-bét được kết với lời cũng thật đẹp về Mẹ Maria: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em”. Một lần nữa Mẹ Maria được ca ngợi là người có phúc, nhưng phúc lành ở lần này dựa trên chính niềm tin của Mẹ: “vì (em) đã tin rằng”. Như thế, phúc lành đi với niềm tin. Chúng ta nhìn lại hành trình Đức Tin của mình, và xem xét kỹ lưỡng về “chữ phúc” đã được viết ra như thế nào trong cuộc sống của mỗi người chúng ta, một người tin vào Chúa. Nếu bạn muốn, khi cầu nguyện trước Hài Nhi Giê-su trong máng cỏ, bạn lấy ra một tờ giấy và viết lại thật đẹp những lần “chữ phúc” được chính Thiên Chúa tô vẽ trên trang giấy đời sống Đức Tin của bạn. Cuối cùng với trang giấy đó, bạn hãy tâm sự với Hài Nhi Giê-su.

 

  • Đi đôi với niềm tin của Mẹ được bà Ê-li-sa-bét ca ngợi là chính hành động của niềm tin mà Mẹ thực hiện. Thiên Chúa hoạt động để cứu độ con người, nhưng Thiên Chúa cần đến sự cộng tác của con người, để sự cứu độ được kiện toàn. Sự cộng tác và tham gia của con người chính là niềm tin được biểu lộ qua việc làm. Lời của thánh Gia-cô-bê tương hợp với mẫu gương Mẹ Maria: “Đức Tin không việc làm là Đức Tin chết”. Chúng ta cùng ý thức xem xét nghiêm túc lại Đức Tin của mình. Chúng ta đang sống Đức Tin thực sự hay không? Có khoảnh khắc nào hay thời điểm nào Đức Tin của chúng ta “sống cách thật sống động” và khi nào thì Đức Tin của chúng ta đã “chết” trong khô khan và cằn cỗi? Chúng ta hãy dành chút thời gian và tâm sự với Mẹ Maria về tâm tình suy tư cầu nguyện này.

 

  • Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
    thần trí tôi hớn hở vui mừng
    vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
    Phận nữ tỳ hèn mọn,
    Người đoái thương nhìn tới”.

Tâm tình ca ngợi và tạ ơn này khởi đi từ chỗ sâu thẳm nhất của con người Mẹ, nơi mà Mẹ đã được Thiên Chúa chạm đến và hoạt động cách tuyệt vời. Trong lời ca ngợi này, Mẹ Maria đã “ra khỏi mình” và chỉ còn tập trung vào chính Thiên Chúa là đối tượng và là chủ thể. Chính Thiên Chúa đoái nhìn đến Mẹ, một phận nữ tỳ hèn mọn. Mẹ Maria tự kể mình trong hàng hèn mọn, nhỏ bé và nghèo nàn. Mẹ dâng lên bài ngợi ca này trong thân phận người nghèo của Thiên Chúa.

Martini tự hỏi về chính bài ca Magnificat của mỗi người chúng ta sẽ là bài như thế nào: “Bài Magnificat của chúng ta sẽ như thế nào đây? Chúng ta sẽ dùng những lời lẽ nào? Chúng ta sẽ nhắc đến các biến cố nào xảy ra trong đời chúng ta? Chúa đã can thiệp trong cuộc sống chúng ta như thế nào và chúng ta có những gì để cám ơn Ngài?”

 

Kết thúc bài suy niệm, chúng ta cùng cao rao thánh thi chúc tụng và dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa, Đấng Yêu Thương:

 

“Ðấng cả địa cầu đại dương tinh tú

Hằng tin yêu và thờ lạy kính tôn,

Ðấng trị vì khắp vũ trụ càn khôn,

Nay lại muốn đầu thai trong lòng Mẹ.

 

Ðấng bóng nguyệt vầng ô tuân chỉ thị,

Ðấng lấy thời gian điều khiển muôn loài

Ðã chẳng nề bằng phép lạ trinh thai

Ðể cho Mẹ cưu mang tròn chín tháng.

 

Mẹ diễm phúc vì giờ đây mang nặng

Chúa tạo thành trời đất cõi vô biên,

Ðấng Toàn Năng, tay nắm trọn uy quyền :

Thân xác Mẹ là Hòm Bia Giao Ước.

 

Người trinh bạch, thiên sứ chào diễm phúc,

Ðã thụ thai do quyền lực Thánh Thần

Vẫn tinh tuyền khi sinh hạ Thánh Nhân,        

Ðấng toàn thể muôn dân từng mong đợi.

 

Ôi Thánh Tử Giê-su đầy lân ái

Ðã sinh ra làm con Ðức Nữ Trinh,

Kính dâng Ngài, cùng Thánh Phụ, Thánh Linh

Bài ca tụng đến muôn đời muôn thuở.

 

Lạy Cha là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, khi Thánh Mẫu Maria vừa cưu mang Chúa Giê-su, Cha đã soi sáng cho Thánh Mẫu đi thăm viếng bà Ê-li-sa-bét. Xin cho chúng con hằng mau mắn nghe theo Chúa Thánh Thần hướng dẫn, để được cùng Ðức Maria ngợi khen Cha muôn đời”.[28]

 

 

 

[1] Trích bài diễn giải của thánh Ambrôsiô, giám mục, về Tin Mừng theo thánh Lu-ca (truyền tin). Trong giờ Kinh Sách ngày 21.12.

[2] X.Martini C. M., Con Đường Tin Mừng của Đức Maria. S.29.

[3] Ravasi G., Die vier Evangelien. Hinfuehrungen und Erklaerung. S.235.

[4] X.Martini C. M., Con Đường Tin Mừng của Đức Maria. T.28.

[5] X.Martini C. M., Con Đường Tin Mừng của Đức Maria. T.29.

[6] X.Martini C. M., Con Đường Tin Mừng của Đức Maria. T.33.

[7] Cousin H., L’évangile de Luc. Commentaire pastoral. Édition Centurion.Paris 1993. P.30.

[8] Ravasi G., Die vier Evangelien. Hinfuehrungen und Erklaerung. S.235.

[9] Martini C. M., Con Đường Tin Mừng của Đức Maria. T.31.

[10] Cousin H., L’évangile de Luc. Commentaire pastoral. P.31.

[11] Martini C. M., Con Đường Tin Mừng của Đức Maria. T.32.

[12] Ravasi G., Die vier Evangelien. Hinfuehrungen und Erklaerung. S.235-236.

[13] Martini C. M., Con Đường Tin Mừng của Đức Maria. T.32.

[14] Martini, C.M., Cầu nguyện như Chúa Giê-su đã dạy, Chuyển ngữ: Lm Montfort Phạm Quốc Huyên O.Cist, NXB.Tôn Giáo 2013. T.32.

[15] Trích bài diễn giải của thánh Bê-đa khả kính về Tin Mừng theo thánh Lu-ca. Giờ Kinh Sách ngày 22.12.

[16] Ravasi G., Die vier Evangelien. Hinfuehrungen und Erklaerung. S.237.

[17] Lohfink N. Lobgesaenge der Armen: Studien zum Magnificat. Kath. Bibelwerk Verlag. Stuttgart 1990. S.15.

[18] Nguyễn Ngọc Thế SJ., Lời kinh Cha Mẹ dạy. Suy niệm Kinh Lạy Cha. NXB. Phương Đông. Gò-vấp 2012. T.65-66.

[19] Trích bài diễn giải của thánh Bê-đa Khả Kính, linh mục, về Tin Mừng theo thánh Lu-ca. Giờ Kinh Sách ngày 22.12.

[20] Nguyễn Ngọc Thế SJ., Lời kinh Cha Mẹ dạy. Suy niệm Kinh Lạy Cha. NXB. Phương Đông. Gò-vấp 2012. T.66.

[21] Lehmann K., Vor dem Wunder der Weihnacht. Herder Verlag, Freiburg 1987. S.43.

[22] X. Kasper W., Barmherzigkeit, Herder Verlag, Freiburg 2012. S.51.

[23] X. Kasper W., Barmherzigkeit. S.52-53.

[24] Nguyễn Ngọc Thế SJ. Phúc Thay. Tám Mối Phúc Thật. NXB. Tôn Giáo. Gò-vấp 2015. T.365-366.

[25] Martini C. M., Con Đường Tin Mừng của Đức Maria. T.11.

[26] Lohfink N. Lobgesaenge der Armen: Studien zum Magnificat. S.21.

[27] Martini, C.M., Cầu nguyện như Chúa Giê-su đã dạy. T.36-37.

[28] Trích từ Giờ Kinh Sách ngày lễ Đức Maria thăm viếng bà Ê-li-sa-bét, ngày 31.5.

Kiểm tra tương tự

Cuộc đời Thánh Anê dạy chúng ta biết coi trọng con trẻ

  Là người lớn, chúng ta luôn có những điều cần phải học hỏi từ …

Năm mới, tâm hồn mới: Cảm hứng từ Giáo lý Hội thánh Công giáo

Ký ức là một phần không thể thiếu đối với bản sắc con người. Sách …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *