Phục Sinh và những dấu chỉ

 

Từ cổ chí kim, việc người chết sống lại vẫn được coi là chuyện hoang đường và phi lý. Ai nói về việc ấy chỉ là những kẻ khờ khạo. Đó là lý do mà những người Hy Lạp thành Athen xưa đã phản đối thánh Phaolô: “Vừa nghe nói đến người chết sống lại, kẻ thì nhạo cười, kẻ thì nói: ‘Vấn đề ấy, để khi khác chúng tôi sẽ nghe ông.’” (Cv 17,32).

Khi Chúa Giêsu phục sinh, Người để lại những dấu chỉ như ngôi mộ trống, các băng vải xếp gọn gàng… Các dấu chỉ không phải là vô ích; chúng có một vai trò quyết định trong việc làm phát sinh đức Tin. Các dấu chỉ dường như còn cần thiết nữa để người ta nhận ra được Chúa Giêsu sau khi Người sống lại. Nhưng cũng như hạt giống, tùy tình trạng của đất đai nhiều hay ít sỏi đá, gai góc mà sinh bông hạt; thì các dấu chỉ tùy tình trạng nội tâm của mỗi người mà các dấu chỉ nên rõ nhiều hay ít. Đối với người phụ nữ tội lỗi được Chúa Giêsu tha thứ, chỉ cần Người gọi đúng tên bà: “Maria” (Ga 20,16). Đối với người môn đệ Chúa Giêsu thương mến, chỉ cần ngôi mộ trống (Ga 20,8), hoặc mẻ cá lạ lùng (Ga 21,4-7). Đối với hai môn đệ trên đường Emmau, đó là lúc Người bẻ bánh (Lc 24,30-35). Đối với các tông đồ đang “kinh hồn bạt vía và còn ngờ vực” cần phải có những dấu chỉ rõ ràng hơn: thấy các vết thương, chạm đến thân thể Người, và cả con cá mà Người ăn trước mặt họ (Lc 24,39-43).

Theo sách Công Vụ Tông Đồ, sau 40 ngày phục sinh, Chúa Giêsu lên trời ngự bên hữu Chúa Cha. Con người ngày nay, dù nghiêng theo chủ nghĩa duy lý, duy nghiệm hay thực dụng,… vẫn luôn đòi hỏi những dấu hiệu khả giác, những phép lạ lớn để rồi mới tin như người dân thành Nadarét xưa: “Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!” (Lc 4,23). Tuy nhiên, những dấu hiệu, những phép lạ không phải là điều kiện tiên quyết đủ để chứng minh có Thiên Chúa vì nếu mọi sự đều rõ ràng như ban ngày và mọi thứ đều có thể kiểm chứng thì chẳng còn gì để tin. Vì tin là chấp nhận bỏ mình để đặt cuộc sống và tương lai của mình trong vòng tay của Đấng mà mình tin. Dù không thấy nhưng anh vẫn tin, đó là một mối phúc, như Chúa Giêsu nói với ông Tôma: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc cho những người không thấy mà tin.” (Ga 20,29).

Sự kiện Đức Giêsu không thể làm được phép lạ nào ở quê hương cho thấy tương quan giữa phép lạ và đức Tin. Đức Tin giúp con người có sự khiêm tốn và sẵn sàng lắng nghe Lời của Thiên Chúa; nhận biết các việc kỳ diệu Thiên Chúa đã và vẫn đang làm trong thế giới; gạt đi nỗi sợ và ‘chèo ra chỗ nước sâu’, để trở nên vừa sáng tạo vừa trung tín” phục vụ cho sứ mạng của Đức Giêsu Kitô.

Còn tôi, tôi cần những dấu chỉ nào?

Những dấu chỉ, các phép lạ vẫn được ban cho tôi hàng ngày nhưng có lẽ tôi đã không đủ nhạy bén và nhất là không đủ lòng tin để nhận ra sự hiện diện đầy yêu thương Chúa dành cho tôi từng giây từng phút. Ngày nay, dựa vào Kinh Thánh, Thánh Truyền, tôi biết Chúa Kitô phục sinh. Nhưng nếu tôi đã không giữ Chúa Giêsu Kitô nằm trong một quan tài được gán nhãn “lịch sử” hay “hộ giáo,” thì Ngài đã làm cho cuộc sống của tôi và thế giới bừng cháy ngọn lửa mạnh mẽ như Ngài đã làm nơi các môn đệ của Ngài hai thiên niên kỷ trước. Điều quan trọng nhất của phục sinh không phải là trong quá khứ -“Chúa Kitô đã phục sinh,” nhưng trong hiện tại, “Chúa Kitô đang phục sinh.” Vị Thiên Thần tại ngôi mộ trống đã hỏi các người phụ nữ: “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết?” (Lc 24,5).

Cha Bề Trên Cả Dòng Tên Arturo Sosa S.J. nói: “Nếu đức tin của chúng ta giống như Mẹ Maria, Mẹ Đức Giêsu và là Mẹ Dòng Chúa Giêsu, sự táo bạo của chúng ta sẽ đi xa hơn và tìm kiếm không chỉ “những điều không chắc” nhưng là “những điều không thể” vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể, như Tổng lãnh Thiên thần Micae đã nói lúc truyền tin (Lc 1,37).” Vì thế, chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta lòng tin này để chúng ta, từng người và toàn thể dân Chúa, có thể thốt lên như Mẹ khi Mẹ nhận được lời mời gọi diệu kỳ của Thiên Chúa: “Này tôi là nữ tỳ của Chúa. Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời Sứ thần truyền.”

Gió Biển

Kiểm tra tương tự

Sống mùa Vọng cùng “cậu bé trong Tám Mối Phúc”

Sách đề cập trong bài: Một phần tiểu sử và lòng mộ đạo giúp ta …

Trong Chúa, chúng ta là những người bạn đích thực

Trong tâm tình chờ đón Đại lễ Mừng Chúa Giáng Sinh, Học Viện Thánh Giuse …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *