Quà tặng của sự tĩnh lặng

Hình ảnh có liên quan

Tác giả: Robin Seelan, S.J

Thiên Chúa, Đấng ban cho món quà tĩnh lặng,

Và tôi là kẻ đang lắng tai nghe.

Thiên Chúa là Đấng ban cho cả âm thanh và sự tĩnh lặng. Con người thường tiếp nhận âm thanh, thế còn sự TĨNH LẶNG thì sao??? Liệu với họ, tĩnh lặng có thể là một quà tặng? Và có là cường điệu chăng nếu tôi nói rằng thế giới ngày nay gặp nhiều vấn đề đối với TĨNH LẶNG? Thế giới của chúng ta NGẬP TRÀN và NGẬP TRÀN những âm thanh! Tiếng nhạc ầm ĩ trên xe buýt, xe hơi, nơi những buổi tiệc liên hoan, những lễ hội, những cuộc sum vầy, và cả nơi những cuộc vận động chính trị nữa. Những âm thanh ấy đôi khi làm ù tai khiến người ta chẳng thể nghe được gì. Tôi nhớ có những tiếng nhạc xập xình trong một vài lễ hội tôn giáo nữa, chúng khiến tim tôi như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực.

Với một số người, tĩnh lặng là GIẾT CHÓC, là TẺ NHẠT và nó tạo nên cảm giác cực kỳ khó chịu. Thi thoảng trở về thăm nhà, nếu tôi thinh lặng đôi chút, ngay lập tức ba mẹ hỏi tôi “ổn không con!!!” Thật ngạc nhiên, trong nhà chúng ta, nếu không ai lên tiếng, thì ít nhất vẫn thấy âm thanh từ ti-vi đang phát sóng!!! Nếu đó là điều đáng ngạc nhiên, thì ngay sau đây, chúng ta được mời gọi xem sự tĩnh lặng như một món quà!

Tĩnh lặng đóng vai trò gì?

  • Tĩnh lặng làm cặn trong nước lắng xuống

Thoát khỏi những thôi thúc phải lên tiếng, chúng ta bắt đầu LẮNG NGHE trong sự tĩnh lặng. Ngôn từ lấp đầy tâm trí và miệng lưỡi khiến người ta cảm thấy khó mà lắng nghe. Thật là quá mâu thuẫn! Ai cũng muốn người khác nghe mình, nhưng lại chẳng sẵn sàng nghe người khác. Tĩnh lặng cho phép ta lắng nghe người khác. Thế nhưng để nghe người khác, mỗi người cần lắng nghe tiếng lòng mình trước đã. Chỉ trong tĩnh lặng, người ta mới bắt đầu nghe được tiếng nói bên trong tâm hồn, mà tiếng nói ấy đôi khi yếu ớt như tiếng thì thào của người già sắp lìa cõi thế! Với tất cả những náo động xung quanh và cả những ồn ào trong lòng, mỗi người giống như một ly nước với đầy vẩn đục. Tĩnh lặng có thể giúp làm những vẩn đục ấy chìm xuống. Thiên Chúa muốn con người THƯỞNG NẾM TRỌN VẸN công trình tạo dựng của Ngài – nhưng con người như đang bị bóp nghẹt và hầu như chẳng thể thưởng nếm được gì. Đôi lúc, khi đi cùng một nhóm người đến một nơi phong cảnh hữu tình, ta bỏ dễ dàng lỡ việc thưởng thức cái thanh bình và nét tươi xinh chốn ấy vì quá vội lên kế hoạch cho những địa danh tiếp đó, hoặc quá bận rộn cho màn ẩm thực. Ta cũng dễ dàng làm mất đi cơ hội thưởng thức những điều tuyệt diệu vì không thể dứt khỏi những bận tâm lo lắng về những công việc còn dang dở. Đâu đó, vẫn còn những người cảm thấy sợ sệt, lo âu khi phải lặng xuống và không làm gì cả trong chút thời gian ngắn ngủi. Người ta có thể tóm gọn tình trạng ấy trong một từ “nghiện công việc.” Liệu tôi có phải là người tham công tiếc việc chăng?

  • Tĩnh lặng giúp ngộ ra những bụi bặm “đã nhiễm” vào tâm hồn

Có một thứ ta thường ngày sử dụng mỗi ngày, đó là tâm gương soi. Nhưng liệu ta có nhận thấy rằng qua thời gian, bụi sẽ bám đầy mặt gương? Khi để mình luôn vội vã, người ta dễ quên rằng tấm gương ấy đã không còn phản chiếu chân thực hình ảnh của mình nữa. Tấm gương ấy, tấm gương mang tính hình tượng được rút ra từ triết lý của đạo Kỳ Na (một tôn giáo ở Ấn Độ, xuất hiện gần như cùng thời với Phật Giáo; các tín đồ cũng tu luyện để tiến tới một cõi Niết Bàn), có thể giúp ta hiểu hơn về nội tâm đầy xáo trộn của mình. Tĩnh lặng giúp loại bỏ những xáo trộn.

Chỉ trong tĩnh lặng, Thiên Chúa mới mạc khải cho con người, thế nhưng người ta lại cứ để cho tâm hồn mình bị khuấy động. Những chất cặn bã cứ dần dần tiêm nhiễm vào tâm hồn mà ta chẳng hề hay biết. Việc làm cho thể xác, tâm trí và linh hồn lặng xuống sẽ giúp ta khám phá ra tình trạng của tâm gương bên trong tâm hồn mình. Bạn đã sẵn sàng để BIẾT và KHÁM PHÁ những BỤI BẶM bên trong mình chưa?

Kinh Thánh nói

  • Giảng Viên 3: 7-8

Một thời để xé rách, một thời để vá khâu; một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng; một thời để yêu thương, một thời để thù ghét; một thời để gây chiến, một thời để làm hòa.

  • Xô-phô-ni-a 1: 7

Hãy lặng thinh trước nhan ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng, vì ngày của ĐỨC CHÚA đã đến gần! Quả thật, ĐỨC CHÚA đã chuẩn bị một hy lễ, Người đã tách riêng ra các khách được mời.

  • Mác-cô 1: 35

Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó.

  • Gióp 13: 5

Phải chi các anh biết nín lặng, như thế các anh mới là người khôn ngoan.

Người ta nói

  • “Chúng ta cần tìm kiếm Thiên Chúa, và không thể tìm thấy Ngài trong những ồn ào, náo động. Thiên Chúa là bạn của sự tĩnh lặng. Hãy ngắm nhìn muôn loài trong thiên nhiên như cây cối, cỏ hoa, xem chúng tăng trưởng ra sao; và nhìn xem các vì sao, mặt trăng và mặt trời chuyển động trong tĩnh lặng thế nào … Chúng ta cần tĩnh lặng để có thể đụng chạm tới các tâm hồn.” – Mẹ Tê-rê-sa
  • “Tĩnh lặng là nguyên ủy của sức mạnh phi thường.” – Lão Tử
  • “Tĩnh lặng là một sự an dưỡng có thể nuôi nấng sự khôn ngoan.” – Francis Bacon
  • “Tĩnh Lặng tự nó đã là thứ ngôn ngữ đầy uy thế. Vì vậy, đừng thêm lời lẽ mà hãy ngắm nhìn vấn đề trong cách thức nó tự tỏ lộ.” – Jalaluddin Rumi.

 [Mời quí độc giả đón đọc những nội dung tiếp theo của cuốn sách qua các số sau]

Chuyển ngữ: Đaminh Phan Quỳnh, S.J.

Nguồn: Robin Seelan, S.J., The Gifts, (Banglore, India: Asian Trading Corporation, 2016), 18-21.

Kiểm tra tương tự

Chúa ơi, bây giờ con phải làm gì ?

  “Còn chúng tôi, chúng tôi phải làm gì?” (Lc3,10-18)   Trong đoạn Tin Mừng …

Món Quà Giáng Sinh – Suy tư Tin Mừng CN 4 Mùa Vọng năm C

  Giáng sinh là khoảng thời gian tuyệt vời nhất trong năm đối với phần …

Một bình luận

  1. Maria Vũ Ngọc Trâm

    Con năm nay 22 tuổi nhưng có vẻ con thích cái sự tĩnh lặng hơn ồn ào. Con đã trải qua một vài vấn đề tâm lí nên có lẽ thích ở 1 mình hơn đặc biệt vào buổi tối. Sự tĩnh lặng của màn đêm đối với con là 1 niềm vui, con cảm nhận đc niềm vui này qua bản nhạc không lời, ánh mắt nhìn lên bức ảnh Gia Đình Thánh Gia và chờ xem Chúa nói gì vs con, con hạnh phúc vì điều này.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *