Qùa tặng ơn gọi

Tác giả: Robin Seelan, S.J.

Thiên Chúa là thợ gốm

Ơn gọi là món quà

Tôi đây, người được gọi

Tất cả chúng ta đã được gọi để bước vào đời, với một lối sống đặc biệt, có thể là đời sống hôn nhân, cuộc đời dâng hiến, hay độc thân giữa đời. Một lời đáp trả tiếng kêu mời từ nơi Thiên Chúa như thế chính là Ơn Gọi. Hẳn là mỗi người chúng ta đều không có cơ hội đáp lời khi được chọn gọi bước vào đời, nhưng chắc chắn, khi khả năng của lý trí cho phép, chúng ta đã lên tiếng để quyết định chọn lựa một lối sống cụ thể, như một cách đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa.

Hình ảnh tượng trưng Thiên Chúa như người thợ gốm và tôi như khối đất sét đã là hình ảnh khá tốt rồi, thế nhưng nơi ấy, tôi vẫn cảm thấy có điều gì thiêu thiếu. Chúng ta dùng hình ảnh này để phác họa điều mình mong ước, đó là được trao phó cuộc đời trong tay Chúa, để Ngài tự ý sử dụng. Đất sét không nói gì về hình dáng nó muốn được khuôn thành. Nó hoàn toàn là sản phẩm theo ý muốn của người thợ gốm. Nhưng chúng ta thì khác. Trong bàn tay Ông Chủ, chúng ta vẫn có thể lên tiếng – có thể khước từ việc được khuôn hình tạo mẫu.

Ơn gọi bao gồm ba giai chặng đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa:

Giai chặng thứ nhất là CHĂM CHÚ – để nhận ra khi nào Thiên Chúa gọi. Lời dạm ý của Thiên Chúa thường TĨNH LẶNG và gây xúc động. Chỉ những ai chăm chú mới có thể nghe được lời ấy.

Giai chặng thứ hai là TỰ NGUYỆN – để tiến tới và thưa tiếng Xin Vâng. Người mang trong mình tâm thế tự nguyện là người chọn lựa một cách TỰ DO và thực hiện cuộc dấn thân cách tận căn.

Giai chặng thứ ba là HĂNG HÁI – đặt để nơi ơn gọi của mình một niềm đam mê nào đó và rồi hăng hái theo đuổi ơn gọi của đời mình.

  • Ơn gọi là cùng diễn xuất

Ơn gọi là một ‘màn trình diễn’ mà nơi đó Thiên Chúa là diễn viên chính và tôi cùng diễn với Ngài. Vì toàn bộ sứ mạng là CỦA NGÀI, nên con người không buộc phải chất toàn bộ gánh nặng lên đôi vai mình. Họ chỉ cần vận dụng hết khả năng để hoàn tất vai diễn của mình thôi. Mỗi người cần ĐẮM CHÌM trong vai diễn ấy, để nên một với vở kịch – nói cách khác, để nên một với sứ mạng của Thiên Chúa. Một vở kịch được xem là xuất sắc khi các nhân vật thấu hiểu và trở thành một phần trong đó.

  • Ơn gọi là hơn nữa một cách tận căn

Ơn gọi của chúng ta không phải là đứng xa xa mà ngưỡng mộ, nhưng là dồn hết tâm trí trong một cách thức tận căn, triệt để. Trao hiến mà chỉ dừng lại ở mức đòi hỏi tối thiểu thôi thì chưa đủ, nhưng thiết yếu phải trao đi đến mức độ tối đa, trao hiến tận căn. Tin Mừng nói rằng: nếu có người đòi bạn đi MỘT dặm, hãy đi với người ấy HAI dặm. Đó là một sự trao hiến CHÍNH MÌNH HƠN NỮA, tận căn và vô vị lợi, cho đi mà không chờ được đền đáp! Đó là một sự TỪ BỎ chính mình triệt để. Sự từ bỏ như thế thậm chí không loại trừ cả cái chết, cũng giống như chính Chúa Giêsu đã từ bỏ.

  • Ơn gọi như một lời chứng

Ơn gọi của người Kitô hữu là trở thành chứng nhân cho một hình trạng đổi mới mạnh mẽ của một nền văn minh – nền văn minh vốn đang trình bày một thứ văn hóa phản chứng – đối với tình yêu, lòng trắc ẩn, cảm thương, v.v. Đối với thế gian, điều ta làm có thể là vô nghĩa, nhưng chúng ta không thỏa hiệp với thế gian hay những giá trị của nó. Chúng ta làm chứng cho công bằng, tình yêu, hòa bình, bất bạo động, v.v. Chúng ta mang Chúa GIÊSU trong mình để đi đến MUÔN NƠI, với một căn tính mới, một căn tính không dựa trên một đẳng cấp xã hội, tôn giáo, ngôn ngữ, hay sắc tộc nào đó. Thánh Phaolô có nói, Chúng ta chết đối với con người cũ của mình, và sống lại đối với Đức Kitô! Ơn gọi của chúng ta, như lời Đức Thánh Cha Phanxicô nói, là THỨC TỈNH THẾ GIỚI.

Nhìn vào sứ mạng xa xăm, đâu là lời mời gọi ẩn sâu trong lời mời gọi mà tôi đã cảm nghiệm được? Tôi nghĩ đời sống tu trì hay đời sống hôn nhân là gì? Tôi đang làm gì để thức tỉnh thế giới?

 Kinh Thánh Nói

  • 1 Sa-mu-en 3:1-10

Ơn Gọi của Sa-mu-en: “Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng tai nghe.”

  • I-sai-a 6:1-13

Ơn Gọi của I-sai-a: “’Ta sẽ sai ai đây?’…’Dạ, con đây, xin sai con đi!”

  • Lu-ca 9:57-62

“Thưa Thầy, tôi xin theo Thầy, nhưng xin cho phép tôi từ biệt gia đình tôi trước đã”…’Ai đã tra tay cầm cày mà còn ngoái lại đằng sau, thì không thích hợp với Nước Thiên Chúa.’”

  • Gio-an 15:9-17

“Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được nhiều hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại.”

Người ta nói

  • “Hãy truyền rao Lời Chúa luôn mãi. Khi cần, hãy vận dụng những lời ấy.” – thánh Phan-xi-cô thành As-si-si
  • Nếu bạn trở nên như bạn phải là, bạn có thể đốt cháy cả thế giới này.” – thánh Ca-ta-ri-na Xi-ê-na
  • “Khám phá ơn gọi không chỉ có nghĩa là chạy đua để đạt được một phần thưởng nào đó vượt xa tầm với của mình, nhưng là tiếp nhận một kho tàng của cái tôi đích thực mà tôi vốn đã sở hữu trước đó rồi. Ơn gọi không đến từ một tiếng gọi ‘ngoài kia’ đang gọi mời để tôi trở nên thứ gì đó không là chính tôi. Nhưng nó phải đến từ tiếng gọi ‘ở đây’ đang mời tôi trở thành con người tôi được sinh ra để trở thành, để hoàn tất tính cá vị nguyên thủy Thiên Chúa đã ban tặng cho tôi ngay từ ngày tôi bước vào đời.” – Lm. Thomas Merton, O.C.S.O.
  • “Mỗi người đều có một ơn gọi hay sứ mạng riêng biệt trong đời sống của họ; mỗi người phải thực hiện một nhiệm vụ cụ thể vốn đòi hỏi họ phải hoàn tất. Trong đó, không ai có thể thay thế họ, và cũng chẳng ai lặp lại cuộc sống của họ. Như thế, nhiệm vụ của họ là duy nhất, cũng giống như cơ hội chỉ dành riêng cho họ để họ làm cho nó được thành toàn.” – Viktor E.Frankl

[Mời quí độc giả đón đọc những nội dung tiếp theo của cuốn sách qua các số sau]

Chuyển ngữ: Đaminh Phan Quỳnh, S.J.

Nguồn: Robin Seelan, S.J., The Gifts, (Banglore, India: Asian Trading Corporation, 2016), 42-47.

Kiểm tra tương tự

Chúa Giêsu bị chế nhạo – Kỳ cuối: Kẻ phạm thượng và cái kết

Cái chết của Đức Giêsu không nằm ngoài ý định của Thiên Chúa và cũng …

Bức tượng cổ: giai thoại và tên gọi

Trong nhà thờ Neumünster ở thành phố Würzburg thuộc miền Bavaria, Nam Đức, có một …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *