“Ăn cây nào rào cây ấy” là câu tục ngữ đã có từ lâu đời. Đây là một bài học sâu sắc về cuộc sống, là lời khuyên khôn ngoan của những người đi trước dành cho các thế hệ con cháu: hãy sống biết ơn và có trách nhiệm với những gì mình nhận được. Ở một khía cạnh khác, câu tục ngữ dạy chúng ta biết bảo vệ và gìn giữ “nguồn sống” và truyền thống đang nuôi dưỡng mình. Dĩ nhiên, bảo vệ truyền thống để không bị hòa tan là điều cần lưu tâm, nhưng “bảo vệ” thái quá, trở nên bảo thủ và tự cô lập chính mình, thì không nên. Đôi lúc, chúng ta dựa vào lý lẽ bảo vệ truyền thống để biện hộ cho những tư tưởng cố hữu bảo thủ, rồi gạt bỏ những điều mới và tốt lành.
Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật 26 Thường Niên Năm B[1], các môn đệ đã vẽ ra một vòng tròn bao gồm Thầy Giê-su và anh em trong nhóm mình. Vòng tròn ấy đúng. Đức Giê-su nhiều lần chỉ chia sẻ những điều sâu kín với riêng các môn đệ mà thôi. Trong Tin Mừng Gio-an, thánh sử chỉ dùng từ “nhóm mười hai” bốn lần để chỉ riêng nhóm nhỏ, là những người ở vòng bên trong và sống gần gũi với Đức Giê-su[2].
Vẽ vòng tròn để cho thấy mối tương quan thân thiết với nhau, thì không có gì là sai cả. Cái sai của các môn đệ ở đây, là đã vẽ một vòng tròn để loại người trừ quỷ ra ngoài, vì các ông cho rằng họ không cùng nhóm với mình. Nói một cách khác, các môn đệ đã ghen tị với những người khác.
Thực ra, công việc trừ quỷ không phải là việc xấu. Người trừ quỷ không phải là kẻ đối đầu với các môn đệ. Mặc dù, họ không phải là những người trong nhóm các môn đệ, nhưng họ chia sẻ công việc của Thầy Giê-su. Và chính Đức Giê-su cũng nhiều lần sai các môn đệ đi trừ quỷ. Ấy vậy mà, khi thấy những người khác cũng trừ được quỷ, các môn đệ cảm thấy không vui, chỉ vì những người ấy không phải là “người của chúng tôi.” Lòng ghen tị đã biến các ông trở nên những kẻ hẹp hòi và cay cú với những việc làm tốt lành của người khác.
Trong Bài đọc Một hôm nay[3], tác giả sách Dân số kể lại một sự việc tương tự đã xảy ra nhiều thế kỷ trước. Khi ông Mô-sê chọn bảy mươi trưởng lão. Những người sẽ được Thiên Chúa trao ban cho món quà nói tiên tri. Ông El-đad và ông Mê-đad không nằm trong số bảy mươi ấy, nhưng cũng đã nói tiên tri, nên ông Giô-suê lên tiếng nói với ông Mô-sê: “xin hãy cấm chỉ các ông ấy đi”. Nhưng ông Mô-sê đáp lại: “Ngươi ghen tị giùm ta làm chi? Chớ gì toàn dân được nói tiên tri và Chúa ban Thần Trí Người cho họ” (x. Ds 11, 29).
Đức Giê-su mời gọi các môn đệ và mỗi người chúng ta đi đến một tầm nhìn rộng lớn hơn: “Ai không chống lại chúng ta thì đứng về phía chúng ta” (Mc 9, 40). Chúng ta cần nghe, cần hiểu và nhìn thấy sự thiện hảo trong một Giáo hội ‘bị phân tán’ theo nhiều hướng khác nhau: nơi các tôn giáo, giáo lý, văn hóa…
Chúng ta luôn bị cám dỗ coi những người ki-tô hữu ở phía bên kia là thấp kém hơn, hoặc tự nhận mình “chính đạo” hơn những người khác. Thông thường, chúng ta dễ trở nên ghen tị với những anh chị em khác, khi thấy họ có được sự ảnh hưởng, có được nhiều lời khen ngợi hơn mình. Đôi khi, cả những người sống trong ơn gọi tu trì cũng có nguy cơ rơi vào vòng xoáy ghen tị về quyền lực và danh vọng. Hôm nay, Đức Giê-su mời gọi chúng ta hãy gạt bỏ những ghen tuông nhỏ nhặt sang một bên và trân quý những điều tốt lành, mà những người khác đã thực hiện làm vinh danh Chúa.
Để giúp các môn đệ vượt qua lòng ghen tị với người khác, Đức Giê-su đã sử dụng ngôn ngữ cường điệu để nhấn mạnh điều muốn nói. Ngài nói về những cám dỗ, những mối đe dọa đến từ bên trong, và chúng cần được cắt bỏ để có được sự sống đích thực.
Ngày nay, chúng ta có thể diễn đạt lại những lời của Đức Giê-su theo cách này: “Nếu cần một cánh tay và một chân để chống lại sự cám dỗ, thì điều đó thật đáng giá”. Khi nói như vậy, chúng ta không ám chỉ rằng một người phải hy sinh cánh tay hoặc chân theo đúng nghĩa đen, nhưng nhấn mạnh rằng việc chống lại sự cám dỗ là rất quan trọng.
Nếu chúng ta không coi những lời của Chúa Giê-su “hãy cắt đi, hay chặt đi…”, theo nghĩa đen, thì chúng ta phải xem xét thông điệp ấy một cách nghiêm túc. Để trở nên người môn đệ, đòi hỏi phải được cắt tỉa. Người môn đệ phải loại bỏ đi những thói quen xấu, để sống cuộc sống mới. Như dân Do thái ngày xưa, họ phải gạt bỏ đi những ảo tưởng về củ hành củ tỏi ở Ai Cập để tiến bước về vùng Đất Mới. Nếu họ vẫn còn thích hương vị của củ hành củ tỏi của người Ai Cập, thì họ mãi là người nô lệ và không bao giờ có được sự tự do thực sự. Sau này, người Do thái mới hiểu ra con đường dẫn tới Đất Hứa đòi hỏi họ không chỉ băng qua sa mạc về mặt địa dư, mà còn phải gột rửa con tim và cõi lòng nữa. Nói một cách khác, không có con đường tắt, con đường nhẹ nhàng dẫn đến vinh quang. Để đến thành công, cần phải trả giá.
Đòi buộc phải cắt tỉa và vứt bỏ một cách dứt khoát những gì ngăn cản ta vào Nước Trời. Điều kiện này không dễ chịu tí nào. Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta luôn xét lại xem: Tôi đang đi theo Đức Giê-su nào? Không phải Đức Giê-su của chúng tôi, theo điều chúng tôi nghĩ ra hoặc do lòng đạo đức tưởng tượng ra, nhưng mà một Đức Giê-su Sự Thật[4].
Chúng ta có xu hướng vẽ vòng tròn về nhóm, hội đoàn, giáo xứ, tôn giáo… của riêng mình. Còn Đức Giê-su muốn những người đi theo Ngài vẽ vòng tròn rộng hơn bao gồm mọi người, cho dù họ không cùng niềm tin, không cùng dòng máu, không cùng sở thích… với chúng ta. Vòng tròn ấy không còn là “tôi”, “chúng tôi”, mà là “chúng ta”.
Xin cho chúng con ơn hoán cải và đổi mới con tim, để thấy mọi sự mới mẻ trong Đức Ki-tô. Amen.
Giuse Trần Văn Ngữ, SJ
[1] Mc 9, 38-43. 45. 47-48.
[2] Tin Mừng Gio-an đề cập đến “ Nhóm Mười Hai” bốn lần. (x. Ga 6, 67; 6, 70-71; 20, 24).
[3] Ds 11, 25-29.
[4] Trích bài giảng của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô trong thánh lễ bế mạc đại hội Thánh Thể quốc tế ở Budapest, thủ đô của Hungary: „..Thánh Phê-rô nhận ra rằng trung tâm không phải là Chúa Giê-su của mình, mà là Chúa Giê-su thật sự. Thánh nhân sẽ tiếp tục vấp ngã, nhưng từ lần tha thứ này đến lần tha thứ khác, ngài sẽ nhận thấy khuôn mặt của Thiên Chúa rõ ràng hơn. Và từ sự ngưỡng mộ trống rỗng đối với Chúa, thánh nhân sẽ noi gương Chúa cách cụ thể”…” (x. https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-09/dtc-phanxico-thanh-le-ket-thu-dai-hoi-thanh-the-lan-52-budapest.html ).