Sinh viên Công giáo vùng Thủ Đức tĩnh tâm mùa Chay 2017

Chủ đề: Chúa Giêsu, Ánh sáng của Nhân loại

Ngày 26/03/2017, hơn 400 bạn sinh viên Công giáo Thủ Đức đã quy tụ về Học viện Thánh Giuse Dòng Tên để tĩnh tâm Mùa Chay. Ngày tĩnh tâm năm nay đã thu hút thêm được sự tham gia của bảy nhóm mới bên ngoài cụm Thủ Đức. Trong đó có nhóm Hướng Dương gồm các em dân tộc đang làm việc ở quận 12, nhóm SVCG Vàng Mai (thuộc giáo hạt Vàng Mai – địa phận Vinh) lần đầu tiên tham gia dịp tĩnh tâm Mùa Chay dành cho Sinh Viên.  Chủ đề của ngày tĩnh tâm năm nay là: “Chúa Giê-su, Ánh Sáng của nhân loại.”

Trước khi bước vào ngày tĩnh tâm, một số bạn đã chia sẻ như sau: “Con muốn đến với buổi tĩnh tâm này vì trong lòng cảm thấy khao khát sự thinh lặng và thanh thản trong tâm hồn, muốn được xưng tội, trở về với Chúa và sống xứng đáng với Ngài hơn.” (Giu-se Vũ Minh Nhật – nhóm Thông Xanh), “Sau những ngày học tập và làm việc vồn vã, con muốn được gần Chúa hơn, sám hối lỗi lầm để có những giây phút thanh thản trong tâm hồn” (Anna Nguyễn Thị Nguyệt – nhóm Vàng Mai), “Con muốn được gặp Chúa để được biến đổi” (Phê-rô Đoàn Công Đạt- nhóm Nông Lâm).

Trong buổi sáng, cha đồng hành sinh viên cụm Thủ Đức Đaminh Nguyễn Đức Hạnh S.J đã chia sẻ Lời Chúa (Ga 9, 1-41) và giúp các bạn sinh viên có những giây phút hồi tâm trước Chúa Giê-su Thánh Thể. Trong bài chia sẻ, cha đã phác họa lại hình ảnh của ba nhân vật trong đoạn Kinh Thánh: Người Mù, Người Pha-ri-sêu và Chúa Giê-su. Người mù mặc dù mù về thể lý nhưng anh sống đơn sơ và khiêm tốn, mặc dù anh không thấy được cảnh vật đất trời cũng chẳng được chiêm ngưỡng cuộc sống sinh động nhưng anh không càm ràm kêu trách. Mặc dù anh không cầu xin Chúa chữa cho lành nhưng Chúa Giê-su đã tiến đến, xoa bùn lên mắt anh và bảo anh đi rửa; anh đã đi rửa dù không biết người nói với mình là ai. Các bạn sinh viên được mời gọi sống đơn sơ và khiêm tốn, biết để Chúa Giê-su đến và đụng chạm những chỗ mùa lòa trong tâm hồn mình. Để rồi cũng giống như người mù, mỗi người chúng ta được Chúa thương mở mắt tâm hồn và dẫn ta về với nguồn sáng đích thực là chính Thiên Chúa.

Trái lại, Người Pha-ri-sêu không mù về thể lý nhưng lại mù về tâm hồn, họ quá cao ngạo, tự tin, luôn nghĩ mình sáng suốt và đạo đức. Họ luôn mang trong mình những thành kiến không tốt về Chúa Giê-su và những người nghèo khổ – bất hạnh. Họ khước từ Chúa Giê-su cho dù đã chứng kiến tình thương và quyền năng kỳ diệu mà Chúa đã thực hiện cho người mù. Họ không vui mừng trước tình trạng được sáng mắt của người mù, trái lại họ tra hỏi để bắt anh khai ra ai đã chữa bệnh ngày Sabbat. Đối với người Pha-ri-sêu, luật còn cao hơn hạnh phúc và phẩm giá của con người; những người này cũng dùng luật để đối xử và kết án người khác, để nói rằng mình vô tội, để đổ tất cả mọi thứ tội lỗi lên đầu người khác. Các bạn sinh viên được mời gọi nhìn lại cuộc sống của mình: “đừng sống như những người Pha-ri-sêu, cũng đừng sử dụng quyền bính để kết án và trói buộc người khác.” Bởi vì chính khi sống như thế, con mắt tâm hồn của người Pha-ri-sêu đã ra mù và cuộc đời của họ ngày càng đi vào chỗ tối tăm vì khước từ Chúa Giê-su.

Chiêm ngắm Chúa Giê-su, chúng ta nhận ra chính Ngài là Ánh Sáng và Ơn Cứu độ của toàn thể nhân loại. Chính Ngài đã chuyển trao tình thương của Thiên Chúa Cha đến với cuộc đời của mỗi người chúng ta. Các bạn sinh viên được mời gọi chọn lựa cho mình một thái độ sống, đón nhận Đức Giê-su là Ánh Sáng cho cuộc đời của mình, để cuộc đời mờ tối được bước ra Ánh sáng, để những lúc tâm hồn đi trong tăm tối nhận được sự dẫn dắt, hoán cải mỗi ngày để trở nên trong suốt với chính mình và với người khác, để Chúa chạm thạt sâu và tận đáy lòng của mình, và để can đảm sống niềm tin giữa muôn vàn thử thách của cuộc đời.

Trong những giây phút hồi tâm xét mình trước Chúa Giê-su Thánh Thể, các bạn sinh viên đã có một khoảng thời gian để ở với Chúa trong thinh lặng và lắng đọng. Cầu nguyện và xét mình trước Chúa Giê-su Thánh Thể, mỗi bạn được mời gọi nhìn lại những mù tối trong tâm hồn của mình, để thấy mình là nạn nhân của những thành kiến: người mù, hay mình là những người Pha-ri-sêu có quyền xét đoán. Để nhìn thấy trong cuộc sống của mình: “có những sự ích kỷ không thấy nhu cầu của tha nhân, có những lần tự phụ không tôn trọng nhân phẩm người khác, những lúc kiêu căng không thấy được bản thân bất toàn, những lúc hẹp hòi không thấy cần được thứ tha và thông cảm, hay có những lúc thành kiến khiến cho bản thân không thấy được sự thật, hoặc có những lúc sống hối hả mà không thấy vẻ đẹp của cuộc đời, và nhất là có những lúc sự tham lam vật chất lấn át đi những giá trị thiêng liêng.”

Trong buổi tĩnh tâm, có quý cha dòng Biển Đức, Đồng Công, Don Bosco và Dòng Tên giúp các em lãnh nhận bí tích giao hòa.

Buổi chiều, thầy Đa-minh Trần Văn Tân đã chia sẻ với sinh viên kinh nghiệm loan báo Tin Mừng cho đồng bào dân tộc. Trước hết, thầy chia sẻ hình ảnh của một người mang Chúa đến cho người khác phải là một người có Con Tim của Chúa, phải mang hình hài của Chúa Giê-su (Mt10,40). Những người dấn thân trên cánh đồng truyền giáo phải là người công chính, người đi theo đường lối của Chúa. Nhìn vào xã hội và thế giới hôm này, ta thấy đâu đâu cũng cần đến những người công chính. Câu hỏi được đặt ra cho các bạn sinh viên “Tôi là người công chính hay bất chính?”

Trước hết, thầy đã chia sẻ kinh nghiệm thầy đã gặp Chúa ở nơi đồng bào dân tộc khi thầy bước vào những bản làng xa xôi và bước vào từng ngôi nhà của họ. Thầy cảm thấy không phải mình đem Thiên Chúa đến cho những đồng bào dân tộc, nhưng là mình đã thấy Thiên Chúa đã hiện diện ở giữa họ rồi. “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” nên Thiên Chúa luôn ở cùng với con người, bao gồm cả những người chưa được nghe biết về Chúa. Trong mọi dân tộc trên đất nước Việt, con người tin vào thần linh: thần núi, thần nước, thần lúa… không phải người dân tộc thờ nhiều thần, nhưng là họ tin ở mọi sự vật đều có sự hiện diện của thần linh. Quả thế, Thiên Chúa và quyền năng của Ngài đã bao phủ và quan phòng cho tất cả nhân loại, cho các dân tộc Việt. Từ bàn thờ Thiên đến bàn thờ đất, tất cả đều cho thấy Cha Trời-Mẹ Đất đã luôn ôm trọn căn nhà, nơi ở của con người. Sự bao phù và quan phòng ấy luôn thể hiện một tâm thức hướng về Thượng Đế về Thiên Chúa. Tuy nhiên, có thần thì cũng có ma, ma quỷ cũng phá rối đời sống bà con dân tộc nhiều vì những mê tín dị đoan và cả bùa ngải. Đó là lý do vì sao phải truyền giáo cho các anh chị em đồng bào dân tộc. Truyền giáo để đem ánh sáng Lời Chúa đến cho họ, giúp họ thoát ra khỏi cảnh khổ cực và ràng buộc của những mê tín – dị đoan.

Người loan báo tin mừng, hay người tông đồ của Chúa luôn luôn được Chúa bao bọc chở che, bởi vì họ đang phục vụ Ngài. Trong kinh nghiệm truyền giáo, thầy đã gặp nhiều biến cố mà qua đó thầy nhận ra “Bàn tay quan phòng kỳ diệu của Chúa” trên những nẻo đường truyền giáo. Đối với thầy, cuộc đời của những người dấn thân cho sứ mạng của Chúa không có chữ “khó khăn”, bởi vì nếu có bắt bớ, tù đày thì người tông đồ phải xứng đáng lắm mới được ơn trở nên giống Chúa Ki-tô chịu đóng đinh.

Tuy nhiên, “Lúa chín đầy đồng và thợ gặt thì ít,” cũng thách đố đối với sứ mạng truyền giáo của Giáo hội. Người Công giáo bao nhiêu năm vẫn dẫm chân tại chỗ và dường như không truyền giáo được cho ai. Vì sao? Bởi vì người Công giáo “ít Lời Chúa,” nghĩa là họ không đọc, suy ngẫm và cầu nguyện với Lời Chúa. Lời Chúa không là trung tâm không là ánh sáng trong cuộc sống của họ. Quả vậy, Lời Chúa ở đâu? Lời Thiên Chúa ở gần bạn, ngay trên miệng, ngay trong lòng. Lời đó chính là lời chúng tôi rao giảng để khơi dậy đức tin.(Rm 10,8). Muốn truyền giáo, người Ki-tô hữu phải tập đọc và lắng nghe điều Chúa muốn nói.

Trong buổi chia sẻ, thầy Tân đã mời gọi các bạn sinh viên sống tinh thần truyền giáo ở nơi trường học, cố gắng tập nhận ra Chúa nơi những người bạn lương dân và nếu có dịp thì hãy nói Lời Chúa cho họ. Để sống tinh thần truyền giáo, thầy không ngừng mời gọi sinh viên cũng tập đọc và lắng nghe Lời Chúa mỗi ngày một cách đơn sơ và chân thành. Đọc Lời Chúa và để Thần Khí hướng dẫn “Lời Chúa tới đâu thì nương theo tới đó.” Trong buôi chiều, thầy cũng dành nhiều thời gian giải đáp nhiều thắc mắc của các bạn sinh viên về kinh nghiệm hành trình truyền giáo cũng như về giáo lý và đức tin.

Cuối ngày tĩnh tâm, Thánh Lễ Chúa Nhật IV Mùa Chay đã được cử hành cách long trọng và sốt sắng.

Giuse Nguyễn Văn Đức, SJ.

Xem thêm hình tại đây

Kiểm tra tương tự

Trong Chúa, chúng ta là những người bạn đích thực

Trong tâm tình chờ đón Đại lễ Mừng Chúa Giáng Sinh, Học Viện Thánh Giuse …

Thế giới kịch nghệ đã ảnh hưởng thế nào đến thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II

  Từ khi còn trẻ, chàng thanh niên Karol Wojtyła đã bị cuốn hút vào …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *