Kinh nghiệm thường ngày cho ta biết rằng, nếu có sự chuẩn bị sẵn sàng, thì ta không phải sợ những điều bất ngờ xảy đến. Trong đời sống đức tin cũng thế, nếu chúng ta đang sống trong tỉnh thức, sống trong ân nghĩa với Thiên Chúa, thì chúng ta không cần biết ngày giờ trở lại của Con Người. Vì chúng ta đã sẵn sàng rồi!
Ý nghĩa đầu tiên của từ „ngày Con Người quang lâm”,[1] có nghĩa là sự hiện diện. Tuy nhiên, các sách Tân Ước, thường dùng từ này để nói về thời điểm ai đó đến. Trừ một vài ngoại lệ,[2] từ này ám chỉ việc Chúa Ki-tô Phục Sinh sẽ đến, để xét xử thế gian. Chúng ta biết rằng, không gì có thể làm cản trở ngày Con Người tái lâm. Lời hứa ấy được Đức Giêsu hứa cách đây hai ngàn năm. Ngày nay, Giáo hội, cũng như mỗi người chúng ta đang đón chờ ngày ấy. Đây là một mục đích của mùa Vọng, là thời gian giúp chúng ta chuẩn bị tâm hồn đón Chúa Giáng Sinh, và hướng tới sự trở lại của Đức Ki-tô.
Trong Tin Mừng Mát-thêu, chúng ta thấy bài giảng về thời cánh chung được trình bày với nhiều khía cạnh. Dường như đối với thánh sử Mát-thêu, ngài rất quan tâm đến việc các môn đệ chuẩn bị thế nào để đón Chúa trở lại. Ngài nói nhiều đến những điều liên quan đến ngày Con Người trở lại lần thứ hai.[3] Đặc biệt, những lời của Đức Giêsu nói về thời cánh chung có liên hệ chặt chẽ đến thời gian hiện tại và những gì đang diễn ra xung quanh chúng ta. Có thể nói, thánh sử Mát-thêu muốn nhắm đến, muốn khơi lên ý thức trong lòng độc giả: hãy thức tỉnh và thay đổi lối sống ngay lúc này.
Bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ nhất mùa Vọng[4] đặt chúng ta vào bối cảnh: phải canh thức và sẵn sàng.[5] Câu chuyện về sự thờ ơ của những người cùng thời ông Nô-ê và sự đe dọa của kẻ trộm đối với chủ nhà, Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy nhạy bén với thực tại sâu xa hơn. Phải tỉnh thức và sẵn sàng, vì kẻ trộm sẽ lấy hết những gì mà người ngủ đang có. Chỉ người thức mới giữ được vật có giá trị của mình. Điều này, mời gọi chúng ta để ý đến những giá trị cao quý, mà chúng ta cần phải gìn giữ và phát triển. Đừng để trái tim của chúng ta cảm thấy trống rỗng, và bị lấp đầy bởi rác rưởi! Bên cạnh đó, sự tỉnh thức và sẵn sàng đến từ bên trong, chứ không phải mang phương diện thể lý bên ngoài. Các môn đệ của Đức Giêsu chỉ có thể tỉnh thức, nếu họ trung tín trong đời sống cầu nguyện; có mối tương quan thân thiết với Thiên Chúa và với nhau.
Nhịp sống thường ngày: ăn uống, duy trì sự sống, cưới xin dựng vợ gả chồng… Tất cả những điều này là tự nhiên và cần thiết. Đức Giêsu không cho rằng những việc này là kém quan trọng. Tuy nhiên, chúng ta cần xác định vị trí của chúng trong đời sống của mỗi người chúng ta. Vào thời ông Nô-ê thế nào, thì ngày nay chúng ta cũng vậy, nhịp sống thường nhật và các hoạt động giải trí dễ làm chúng ta ngủ mê. Đôi khi, chúng ta biện hộ cho những lần chúng ta không làm tròn các việc bổn phận, hoặc tìm những lý do chính đáng, vì phải lo toan cơm áo gạo tiền cho gia đình…. mà bỏ qua những điều quan trọng hơn, để rồi đến đêm khuya về, hoặc khi đã quá muộn, chúng ta mới nhận ra rằng: Tôi chưa dành thời gian cho Chúa, cho tâm hồn mình và cho những người thân yêu.
Điều khác biệt giữa người được cứu độ và người đánh mất linh hồn mình là gì? Tại sao hai người đàn ông đang làm ruộng, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại? Nhìn từ bên ngoài, cả hai cùng làm chung một công việc, nhưng có sự khác biệt bên trong! Ai trong chúng ta cũng phải làm việc và bươn trải với cuộc sống thường ngày. Có người phải lăn lộn với đời, nhưng lòng vẫn hướng lên cao và sống theo những giá trị vĩnh cửu. Người ấy gắn kết các hoạt động thường ngày của mình, trong mối tương quan với Thiên Chúa. Người ấy không chỉ nghĩ đến các lợi lộc trước mắt, nhưng ý thức đến sự hiện diện và tình yêu của Thiên Chúa, và để cho Thiên Chúa hướng dẫn cuộc sống của mình. Người ấy có thể vượt qua khó khăn của cuộc sống và giới hạn của phận người, để sống cho những điều cao quý hơn.
Vậy đâu là điều thực sự quan trọng? Nếu ngày cuối cùng đến, ai ở trên sân thượng mà đồ đạc ở dưới nhà, thì đừng xuống lấy (Lc 17,31a). Đức Giêsu cảnh báo chúng ta đừng bám víu vào của cải vật chất, nhưng hãy coi vận mệnh linh hồn là quan trọng hơn. Vì chúng ta không bao giờ có thể biết được thời điểm cuối cùng của cuộc đời mình, nên tốt hơn hết là chúng ta nên kiểm tra mỗi ngày: đâu là điều dẫn tôi đến ơn cứu rỗi; đâu là điều cản trở và gây hại đến phần rỗi của mình; sau đó, xin Thiên Chúa trợ giúp ban thêm sức mạnh để tôi dám chọn lựa và sống theo những điều Chúa mời gọi. Đừng hài lòng với những gì trên bề mặt của cuộc sống! Có lần tôi nghe một người đàn ông chia sẻ: “Vợ tôi đi lễ cho cả hai chúng tôi rồi”. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu chỉ có người vợ được cứu rỗi, chứ không phải cả hai người được cứu?
Lạy Chúa Giêsu, khi Ngài được sinh ra nơi hang đá Bê-lem, Ngài đã đem đến sự thay đổi cho thế giới và cuộc đời con. Mùa Vọng năm nay, con muốn chuẩn bị thật tốt. Con muốn dâng lên Chúa một món quà xứng đáng trong đêm Chúa Giáng Sinh. Xin giúp con biết sử dụng thời gian Chúa ban mỗi ngày, để con được lớn lên trong sự thánh thiện và luôn hướng lòng lên Trời cao!
Giuse Trần Văn Ngữ, SJ
[1] παρουσίᾳ (Parousia) có thể dịch là sự hiện diện, thời điểm đến.
[2] xem 1Cr 16,17; 2Cr 10,10; Pl 2,12.
[3] Thánh sử Mát-thêu lấy các bài giảng của Đức Giê-su về thời gian cánh chung theo tin Mừng Mác-cô, và bổ sung nó một cách kỹ lưỡng hơn. Sau khi liệt kê những thử thách, những căng thẳng nội tâm, những dấu hiệu vũ trụ, và tiên đoán về sự phá hủy đền thờ Giê-ru-sa-lem…, ngài dẫn chúng ta đến những dụ ngôn ngắn: phải canh thức và sẵn sàng; dụ ngôn người đầy tớ trung tín (x. Mt 24,37-41.42-44.45-51); và sau đó là những dụ ngôn dài hơn (trong chương 25), hai trong số đó chỉ có trong Tin Mừng Mát-thêu: dụ ngôn mười trinh nữ (25,1-13); sự phán xét cuối cùng (25,31-46).
[4] Tin Mừng Chúa Nhật I Mùa Vọng: phải canh thức và sẵn sàng (Mt 24,37-44).
[5] “Anh em hãy canh thức (γρηγορεῖτε), vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến.” (Mt 24,42). Động từ gốc γρηγορέω (gregoreo), có thể được dịch là „giữ tỉnh táo”, hoặc „giữ quan sát”, hoặc „giữ đề phòng.”