Sống, chứ đừng chờ đợi để sống

Trích từ: Jacques Philippe, Tự Do Nội Tâm, Hà Nội, NXB. Tôn Giáo, 2007.

Ta không nên gieo mình vào tương lai, nhưng hãy “ở lại” trong mỗi phút giây hiện tại, và gặt hái những ơn đặc sủng của thời điểm ấy, đón nhận nó như một điều tốt lành, mặc cho tính chất của hiện tại có như thế nào, thậm chí nó là một điều khó chịu. Đây là phương thế tốt nhất để tiếp tục đi tới. Đời sống hiện tại luôn luôn tốt đẹp, như sách Sáng Thế nói: “Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp”, một khi Đấng Tạo Hoá đã chúc phúc rồi thì không bao giờ Người lấy lại, dù cho tội lỗi con người đã làm phức tạp hoá một số điều. Đối với Chúa, nhìn thấy (“Thiên Chúa thấy thế”) không chỉ là ghi nhận, mà còn là thiết lập một thực tại. Bản chất cao quý của hiện hữu này được Chúa Giê-su nhắc đến trong đoạn nói về phó thác cho Chúa quan phòng: “Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặt sao?” (Mt 6,25)
Điều chúng ta dự định cho tương lai không luôn luôn là một nỗi lo âu, mà đôi khi là một sự chờ đợi để có một cuộc sống hạnh phúc hơn. Có thể đó là một mong chờ cụ thể như: gặp một người tri kỷ, ngày trở lại quê nhà sau một chuyến du lịch dài và mệt mỏi,… Cũng có thể là một chờ đợi không có mục đích cụ thể, một hy vọng mù mờ, đôi khi do trí tưởng tưởng: chẳng hạn như người ta chờ đợi một lúc nào đó hoàn cảnh thay đổi, đời mình khá hơn và cuộc sống có nhiều điều thú vị hơn. Còn cuộc sống hiện tại, người ta lại không sống trọn vẹn, họ chờ khi nào thời đến (khi nào?) họ mới “sống hết mình”. Loại chờ đợi cụ thể hay mơ hồ này, dĩ nhiên là chính đáng, nhưng đều ẩn chứa một nguy cơ nào đó mà ta phải cảnh giác. Đôi khi người ta để cuộc đời trôi qua mà không “tận hưởng”, nhưng lại chờ đợi cuộc sống mới! “Điều chỉnh lại” thái độ tâm lý này hoàn toàn không phải là không quan trọng. Thật vậy, thái độ này đưa ta ra khỏi thực tại, khỏi cuộc sống hiện sinh: những gì tôi đang sống đây không làm tôi thoả mãn, tôi hy vọng trong vài ngày, hoặc vài tháng nữa tôi sẽ có được một điều gì đó dễ chịu hơn; tôi đã dự tính rồi, tôi mong thời gian trôi càng nhanh càng tốt để được sống trong hoàn cảnh mới, trong tương lại, như lòng tôi mơ ước. Nhưng chính với tư tưởng này, ta lại có nguy cơ thiếu thực tế, thiếu chấp nhận cuộc sống hiện tại của mình. Trước tiên, ai sẽ đảm bảo rằng tôi sẽ không thất vọng, khi thời gian chờ đợi ấy đến? Và nhất là, trong khi chờ đợi “tận hưởng cuộc sống” tương lai, tôi có nguy cơ rơi vào tình trạng bỏ qua một cơ hội tốt đẹp mà cuộc sống hiện tại ban tặng. Tôi không đầu tư đủ cho ngày hôm nay, và tôi đã đi trệch ra ngoài một số ân sủng của hiện tại. Phải sống cho trọn vẹn từng giây phút, không nên quá bận tâm đến việc thời gian trôi nhanh hay chậm, nhưng đón nhận tất cả những gì đang được trao ban trong từng giây phút.
Để sống tốt mỗi ngày, ta chớ nên quên rằng, Thiên Chúa không bao giờ đòi hỏi ai làm một lúc hai công việc. Và bất kể việc tôi đang làm là thứ yêu (lau bếp chẳng hạn), hay quan trọng (như đang giảng thuyết trước bốn mươi ngàn người), cũng cần phải làm với tất cả sự hiện diện, đơn sơ, trầm tĩnh, và không tìm giải quyết thêm một vấn đề nào khác cùng lúc ấy. Khi tôi đang thực hiện một việc gì, dù nhỏ bé, cũng sẽ phạm sai lầm, nếu như tôi làm với sự vội vã, vì sợ mất thời giờ, hoặc để chuyển sang việc khác mà tôi cho là quan trọng hơn. Việc gì cũng cần có thời gian của nó, dù là việc tầm thường, nó dệt nên cuộc sống, nó xứng đáng được thực hiện trọn vẹn, có nghĩa là nó phải được sống tròn đầy trong phút hiện tại.

 

Kiểm tra tương tự

Có Chúa luôn bên ta – Lời nhắc nhở mỗi ngày

  Có cám dỗ cho rằng Thiên Chúa không ở gần ta, hoặc làm ta …

Các tham dự viên Thượng Hội đồng giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ gì?

  Trong khi Chúa Thánh Thần nói trực tiếp vào tâm hồn mà không cần …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *