Sống ở nơi dành cho người chết

Tôi thấy mình háo hức nhưng cũng còn nhiều suy nghĩ vào mỗi cuối tuần khi chúng tôi có được thời gian để đi thăm những người nghèo trong khu vực Thủ Đức. Cuối tuần qua, hai anh em chúng tôi đang đi trên đường qua một nghĩa trang phía bên tay phải theo hướng đi. Một trong hai chúng tôi đã nhìn thấy một người đàn ông mặc một chiếc quần lửng, ở trần và đang nằm trên một chiếc võng ở trong khu vực chôn người chết. Chúng tôi lưỡng lự không biết có nên vào thăm chú một chút không vì chưa biết bối cảnh thế nào? Quyết định được đưa ra là chúng tôi sẽ đến và nói chuyện với chú.

Ban đầu, cuộc trò chuyện của chúng tôi diễn ra với đôi chút nghi ngại từ cả hai phía, nhưng càng lúc càng cởi mở và chân thành hơn. Thú vị hơn vì đang lúc chúng tôi trò chuyện thì có một người dân ở khu vực quanh đó, người đã giúp chú nhiều lần với những đĩa cơm và chai nước. Lại nói đến nước, sự thật là chú đã chưa tắm mấy năm rồi vì sợ nước. Được sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, rồi cũng xây dựng gia đình và có một người con trai khoảng 40 tuổi rồi và có được ba cháu nội, một trai và hai gái, nhưng chú chỉ biết mặt được mỗi đứa cháu trai khoảng mười chín đôi mươi vì lâu lâu nó đến thăm ông nội và biếu ông một vài đồng.

Người con của chú cũng đang ở Sài Gòn nhưng đến thăm chú mỗi năm được một đến hai lần và mỗi lần được một lúc. Tôi cũng chưa biết lý do nhưng trước đây chú đã ở trong một bệnh viện gần đây khoảng mười mấy năm, không phải để chữa bệnh nhưng cứ nằm ở hành lang để có chỗ tựa đầu vậy thôi. Theo lời chú nói, ông Giám đốc mới của Bệnh Viện đã không cho phép chú ở đó nữa. Như vậy, từ khoảng năm hay sáu năm nay chú ở nghĩa địa này, không mái che, có chiếc võng ngả lưng, không giường, không chiếu, chú có một chiếc xe đạp cũ, mấy chai nước và gói mì tôm. Đồ ăn cho mỗi bữa là của bố thí từ những người ở quanh khu vực nghĩa địa đó. Nói chuyện với chúng tôi được một lúc, chú thấy mệt và nằm xuống. Chúng tôi tự hỏi: đâu là niềm hy vọng và niềm vui của chú trong cuộc đời? Phải chăng chú không có quyền được hưởng những điều tối thiểu đó?

Chọn ‘nơi dành cho người chết này làm chỗ ở của mình’, có phải chú muốn nói rằng đối với mọi người tôi đã chết từ lâu?
Kể câu chuyện về chú như là một điển hình về nhiều mảnh đời khác mà chúng tôi đã có dịp gặp gỡ trên hành trình đến với những người nghèo. Tôi không có ý lên án ai hay muốn làm sáng tỏ lý do cụ thể nào? Nhưng tôi tự hỏi vì đâu nên nông nỗi này? Chúng ta đang thiếu những căn nhà hay thiếu ‘Cái Gì Đó’ khác? “Cái Gì Đó” làm cho nhiều người bớt đi cái lạnh và nỗi cô đơn của kiếp nghèo, làm bớt đi những mảnh đời đang sống mà như thể đã chết.

Nhóm Tông Đồ Xã Hội – Học Viện Dòng Tên
Bá Nhật, S.J.

Kiểm tra tương tự

“Lạy Đấng Emmanuel, xin hãy đến!”: Nỗi khắc khoải và niềm hy vọng trong Mùa Vọng

Người phương Tây thế kỷ 21 – từ Taylor Swift đến Billie Eilish – đã …

365 Ngày Hy Vọng với lời khôn ngoan của Giáo Phụ

Chương Trình Sống Năm Thánh 2025   365 NGÀY HY VỌNG VỚI LỜI KHÔN NGOAN …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *