Sống ước mơ của Chúa | Suy Tư Tin Mừng Chúa Nhật 29 Thường Niên B (Khánh Nhật Truyền Giáo)

Thiên Chúa có một ước mơ! 

Một ước mơ lớn cho nhân loại.

Người đã ấp ủ ước mơ này từ rất lâu rồi, như Thánh Phaolô đã bày tỏ trong bài đọc thứ hai, đó là “muốn cho mọi người được cứu thoát và được nhìn biết sự thật”. (1Tm 2, 4). Ước mơ này Chúa cũng tâm huyết truyền lại cho các Tông Đồ khi dặn rằng: anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.” (Mt 28, 19). Chúa muốn các Tông Đồ tiếp tục sống và thực hiện ước mơ của Ngài một cách chủ động với hai động từ: “đi” và “làm”.

 

 

Đi – một hành trình ra khỏi chính mình

 

Trong tiếng Hy Lạp, động từ “đi” (poreuthentes) còn có ý nghĩa là “hành trình.” Đây không chỉ đơn thuần là hành động di chuyển về một địa điểm cụ thể, nhưng còn là việc thực hiện sứ mạng rao giảng và làm chứng cho đức tin. Trong bối cảnh bài Tin Mừng, thì trách nhiệm này được trao ban cho mọi tín hữu, vì tất cả được mời gọi không chỉ giữ đức tin, giáo lý của Chúa cho riêng mình, mà còn phải chia sẻ với anh chị em xung quanh. Thêm vào đó, động từ “đi” còn là lời mời gọi người Tông Đồ can đảm ra khỏi vùng an toàn của bản thân: đó có thể là môi trường thuận lợi, là những mối tương quan thân thuộc, hay những đảm bảo về vật chất…để rồi đến những vùng “ngoại biên”, với những con người và những tâm hồn nguội lạnh, hoặc thậm chí chưa biết Chúa và chưa tiếp cận những giá trị Tin Mừng. Hành trình đi để đến này được ví như một cuộc xuất hành mới, vì cũng như Dân Do Thái xưa, trên mỗi chặng đường từ Ai Cập tiến về miền Đất Hứa, người tông đồ nối dài những bước chân xa khỏi chính mình để đến gần hơn với anh em bằng việc đem Tin Mừng Chúa len lỏi vào cuộc đời nhân loại. 

 

“Hãy đi” còn mang chiều kích tham gia vào sứ mạng của Chúa như đã được Đức Thánh Cha giải thích trích trong sứ điệp truyền giáo năm 2024 này, khi ngài cảm ơn tất cả các vị truyền giáo, họ “là những người đã đáp lại tiếng gọi của Chúa, rời bỏ mọi sự và cả quê hương để đi đến những nơi xa xăm mang Tin Mừng cho những người chưa từng được đón nhận Tin Mừng hay mới chỉ đón nhận một thời gian ngắn trước đó…Sự tận hiến quảng đại của các nhà truyền giáo là một sự thể hiện cụ thể cam kết dấn thân của họ cho sứ vụ đến với muôn dân của Chúa”.

 

Làm – một cuộc đời, sống và thực hiện ước mơ của Chúa

 

Động từ “làm” bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp: didaskontes, có nghĩa là “dạy dỗ”. Điều này nhấn mạnh vai trò của các Tông Đồ không chỉ trong việc loan báo Tin Mừng mà còn trong việc giáo dục và hướng dẫn những người mới tin Chúa: “hãy dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em”. Tuy nhiên, việc dạy bảo người khác tuân giữ những điều mình tin thật khó nếu chính bản thân người dạy không sống những điều đó, cụ thể là không đối xử tốt với người khác theo đức tin Kitô giáo như yêu thương, nhân từ, tha thứ, bác ái, khiêm nhường… Quả vậy, các Tông Đồ được kêu gọi không chỉ để lặp lại những lời dạy của Chúa, mà trước tiên là để sống và làm chứng cho những giá trị Tin Mừng trong từng lời nói, ý hướng và hành động hằng ngày của mình. Khi sống theo gương Thầy Chí Thánh như vậy thì cuộc đời người Tông Đồ sẽ trở nên tấm gương sáng để khuyến khích những người khác đi tìm và khám phá những gì được loan báo. 

 

Sau khi tìm hiểu đôi chút về hai động từ “đi” và “làm”, chúng ta hãy trở về với ước mơ của Chúa, là muốn tất cả mọi người được cứu thoát và được nhận biết sự thật”. Nhìn vào thực tế xã hội và những biến động hôm nay, chúng ta có thể nhìn ra những thách đố, những rào cản cho việc biến ước mơ của Chúa thành sự thật: 

 

  • sự nguội lạnh của những người đã chịu phép rửa, 
  • sự đa dạng về tôn giáo và những hoài nghi về sự hiện diện của Thiên Chúa,
  • văn hóa sự chết đang bành trướng, 
  • giá trị sự thật đang bị xem nhẹ…

 

Tuy nhiên, những thách đố này cũng mở ra cho người tông đồ Chúa những cơ hội và sáng kiến mới để tiếp cận với những nhu cầu cốt lõi của con người: tình yêu, lòng thương xót, chân lý và sự bình an (Như trong lời kinh Hòa Bình)

Suy Tư

Dựa vào sứ điệp truyền giáo năm nay, chúng ta có thể suy tư theo những câu hỏi gợi ý sau đây:

 

  • Tôi đang ở đâu trong hành trình đức tin của mình? 
  • Tôi có dám ra khỏi vùng an toàn và sẵn sàng đến những nơi Chúa mời gọi tôi cộng tác qua Giáo Hội, Hội Dòng, hay các tổ chức đoàn thể khác trong giáo xứ?
  • Tôi đang đi và thực hiện ước mơ của ai? Của Chúa hay của riêng mình?
  • “Trong các hoạt động truyền giáo, người Kitô hữu được yêu cầu rao giảng Tin Mừng cho mọi người, người Kitô hữu phải tỏ ra như là những người muốn chia sẻ niềm vui của mình, chỉ ra một chân trời của cái đẹp, và mời gọi mọi người khác tới dự một bữa tiệc ngon”. Tôi có đang làm như vậy không? Hay tôi thường áp đặt những bó buộc mới cho người khác?
  • “Các môn đệ truyền giáo của Đức Kitô đã luôn luôn chân thành quan tâm tới hết mọi con người, bất kể tình trạng xã hội hay thậm chí luân lý của họ thế nào”.  Tôi thường đi để đến với những đối tượng nào? Tôi co khuynh hướng loại trừ, tránh né ai không? Vì sao?
  • Truyền giáo cho mọi người đòi hỏi sự dấn thân và tham gia của mọi người. Tôi có dễ dàng cộng tác với người khác trong sứ mạng loan báo Tin Mừng không?

 

Cầu Nguyện

 

Lạy Chúa, ước mơ của Ngài, xin dạy chúng con thực hiện mỗi ngày và mọi ngày bằng chính đời sống gắn kết và noi gương Chúa.

Xin cho chúng con ơn quảng đại và khiêm tốn để có thể cộng tác với nhau làm việc của Chúa.

Và xin biến đổi chúng con trở nên khí cụ loan Tin Mừng Chúa cho mọi người. Amen.

 

 

Quỳnh Thoại, CĐM

Kiểm tra tương tự

Sinh Nhật Chúa Giêsu và câu chuyện Giáng Sinh

  Tại sao Sinh Nhật của Chúa Giêsu được gọi là Giáng Sinh?   Thuật …

Manna: Tôi đây là nữ tỳ của Chúa (20.12 trước Lễ Giáng sinh – Lc 1,26-38)

Lời Chúa: Lc 1, 26-38 26 Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên …