Sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân Ngày Thế Giới Truyền Giáo 2014

Papa-Enciclica-06-09-2013VATICAN. Hôm 14.6 vừa qua, Phòng báo chí Tòa Thánh đã cho công bố sứ điệp của Đức Thánh Cha nhân ngày Thế giới Truyền Giáo, diễn ra vào ngày 19.10 năm nay. Ngày này được khai sinh vào năm 1926 do Đức Pio XI, và theo truyền thống thường rơi vào Chúa Nhật áp chót của tháng mười. Sứ điệp của ĐTC Phanxicô gồm 5 số, nói về niềm vui của việc loan báo Tin Mừng.

Sau đây là toàn văn sứ điệp của ngài:

“Anh chị em thân mến,

Ngày nay, vẫn còn rất nhiều người chưa biết Đức Giêsu Kitô. Vì thế, sứ mạng ad gentes [đến với muôn dân] vẫn đang là sứ mạng cấp thiết nhất. Tất cả mọi thành viên trong Giáo Hội đều được mời gọi để tham gia vào sứ mạng này vì Giáo Hội có tính truyền giáo ngay từ trong bản chất của mình: Giáo Hội được khai sinh để “ra đi”. Ngày Thế Giới Truyền Giáo là một thời gian thuận tiện để các tín hữu trên khắp các châu lục khác nhau dấn thân trong lời cầu nguyện và trong hành vi liên đới cụ thể để nâng đỡ các Giáo Hội trẻ trên các mảnh đất sứ mạng. Đây là một việc cử hành của ân sủng và niềm vui. Của ân sủng vì Thánh Thần, được Chúa Cha sai đến, đã ban sự khôn ngoan và sức mạnh trên những ai vâng nghe theo tác động của Ngài. Của niềm vui, vì Đức Giêsu Kitô, Con của Cha, được sai đến để loan báo tin mừng cho thế giới, vẫn hằng nâng đỡ và đồng hành với công việc sứ mạng của chúng ta. Chính trong niềm vui của Đức Giêsu và các môn đệ thừa sai mà tôi xin mạn phép chia sẻ với anh chị em một hình ảnh trong Kinh Thánh, mà chúng ta có thể tìm thấy nơi Tin Mừng theo Thánh Luca (x. Lc 10,21-23) 

1. Thánh sử kể với chúng ta rằng Chúa đã sai 72 môn đệ, từng hai người một, đến các thành phố và làng mạc để loan báo rằng Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần, và để chuẩn bị cho con người gặp gỡ Đức Giêsu. Sau khi hoàn thành sứ mạng loan báo này, các môn đệ trở về tràn ngập niềm vui: vui là một đề tài chủ đạo của kinh nghiệm sứ mạng đầu tiên và không thể quên được này. Tuy nhiên, Thầy Chí Thánh nói với họ rằng: “Anh em chớ vui mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy vui mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời. Vào giờ phút ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giêsu hớn hở vui mừng và nói: “Lạy Cha, con xin ngợi khen Cha…” Và, Đức Giêsu quay sang các môn đệ và nói riêng với các ông rằng:“Phúc cho mắt nào được thấy điều anh em đang thấy” (Lc 10,20-21,23) 

Thánh Luca đã trình bày ba cảnh. Đầu tiên, Đức Giêsu nói với các môn đệ, sau đó, Ngài hướng về  Chúa Cha, rồi sau đó lại nói với các môn đệ. Đức Giêsu muốn các môn đệ chia sẻ niềm vui của Ngài, một niềm vui khác và vượt trên tất cả những niềm vui mà các ông đã trải nghiệm trước đây.           

2. Các môn đệ ngập tràn niềm vui, hớn hở về quyền năng giải phóng con người khỏi bị quỷ ám. Nhưng Đức Giêsu cảnh giác họ là đừng vui vì quyền năng mà họ nhận được nhưng vì tình yêu mà họ đã nhận lãnh, “vì tên anh em đã được ghi trên trời” (Lc 10,20). Các môn đệ được ban cho một kinh nghiệm về tình yêu Thiên Chúa, cũng như khả năng chia sẻ tình yêu ấy. Và kinh nghiệm này là nguyên nhân của tâm tình biết ơn đầy niềm vui tận sâu trong lòng của Đức Giêsu. Thánh Luca đã hiểu sự vui mừng trong viễn tượng sự hiệp thông Ba Ngôi: “Đức Giêsu vui trong Thánh Thần”, hướng về Cha và chúc tụng Người. Khoảnh khắc niềm vui thân mật này tuôn chảy từ tình yêu sâu thẳm của Đức Giêsu, như là người con thảo hướng về Cha là Chúa tể trời đất, Đấng giấu những điều này với những người khôn ngoan và có học thức nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn (x. Lc 10,21). Thiên Chúa vừa giấu kín vừa mạc khải, và lời cầu nguyện chúc tụng này làm nổi lên hơn nữa mặc khải của Người. Thiên Chúa đã mặc khải điều gì và giấu kín điều gì? Các mầu nhiệm Vương Quốc của Người, xác nhận quyền chúa tể của Người nơi Đức Giêsu và cuộc chiến thắng trên Satan.

Thiên Chúa đã giấu kín điều này khỏi những ai cho rằng mình tự đủ và tuyên bố rằng mình đã biết mọi thứ. Họ bị trói buộc bởi sự tụ phụ của mình và không dành cho Chúa chỗ nào cả. Người ta có thể dễ dàng nghĩ đến một vài người cùng thời với Đức Giêsu, những người đã bị Đức Giêsu quở trách nhiều lần, nhưng đáng lo ngại là những lời quở trách ấy vẫn luôn tồn tại và liên quan đến chúng ta. Còn “những người bé mọn” là những người khiêm nhường, giản dị, nghèo hèn, bị loại bỏ, những ai không có tiếng nói, những ai mệt mỏi và mang gánh nặng, những người mà Đức Giêsu gọi là “có phúc”. Người ta có thể nghĩ ngay đến Mẹ Maria, Thánh Giuse, các ngư phủ ở Galile và các môn đệ được Đức Giêsu kêu gọi trên hành trình rao giảng của Người.

3.  “Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha [bản dịch tiếng Ý: vì Cha đã quyết định như thế trong sự tốt lành của Cha]” (Lc 10,21). Lối diễn tả này của Đức Giêsu phải được hiểu như đang nói đến niềm vui nội tâm của Ngài, nơi đó, sự tốt lành ám chỉ đến kế hoạch cứu độ và từ nhân của Chúa Cha dành cho con người. Chính trong bối cảnh sự tốt lành thánh thiêng này mà Đức Giêsu đã vui mừng hớn hở, vì Chúa Cha muốn yêu con người với cùng một tình yêu mà Người dành cho Con của mình. Ngoài ra, Thánh Luca cũng gợi cho chúng ta nhớ đến niềm vui tương tự của Maria: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa. Thần Trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi” (Lc 1,47). Đây là Tin Mừng dẫn chúng ta đến ơn cứu độ. Maria, mang Đức Giêsu trong lòng, Mẹ là vị truyền giảng tin mừng tuyệt vời nhất, đã gặp bà Elizabeth và vui niềm vui trong Thánh Thần khi mẹ ca vang bài Magnificat. Đức Giêsu, khi thấy những thành công trong sứ mạng của các môn đệ và niềm vui của họ, đã vui trong Thánh Thần và hướng về Cha trong lời cầu nguyện. Trong cả hai trường hợp, đó là niềm vui cho hoạt động vì ơn cứu độ để tình yêu mà Chúa Cha đã yêu Chúa Con tuôn chảy xuống trên chúng ta, và nhờ hoạt động của Thánh Thần, tình yêu ấy tràn ngập chúng ta, làm cho chúng ta đi vào trong sự sống của Ba Ngôi.

Chúa Cha là nguồn mạch của niềm vui. Chúa Con là sự diễn tả, và Chúa Thánh Thần là khơi lên niềm vui ấy. Thánh sử Matthew kể với chúng ta rằng ngay sau khi tán dương Cha, Đức Giêsu nói: “Hãy đến với Ta, hỡi tất cả những ai vất vả mang gánh nặng nề, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Hãy mang lấy ách của ta và hãy học cùng ta vì ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng và các người sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng, vì ách ta êm ái và gánh ta nhẹ nhàng” (Mt 11,28-30). “Niềm vui của Tin Mừng đong đầy con tim và trọn vẹn cuộc sống của tất cả những ai gặp gỡ Đức Giêsu. Những ai để cho Ngài cứu độ mình thì sẽ được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn phiền, trống vắng nội tâm và sự cô đơn. Với Đức Kitô, niềm vui sẽ luôn luôn được sinh ra” (Tông Huấn Evangelii Gaudium, 1) 

Đức Trinh Nữ Maria đã có một kinh nghiệm độc nhất của việc gặp gỡ này với Đức Giêsu và nhờ đó, Mẹ trở nên “causa nostrae laetitiae” [căn nguyện sự vui mừng của chúng ta]. Về phần mình, các môn đệ đã lãnh nhận lời mời gọi ở với Đức Giêsu và được Ngài sai đi để loan báo Tin Mừng (x. Mc 3,14), và vì thế họ cũng được đầy tràn niềm vui. Tại sao chúng ta lai không đi vào dòng chảy niềm vui này? 

4. “Mối nguy hiểm to lớn trong thế giới ngày nay, với sự tấn công đa dạng của chủ nghĩa tiêu thụ, là nỗi buồn mang chính cá nhân chủ nghĩa, sinh ra từ một con tim thích tiện nghi và ích kỷ, từ một cuộc theo đuổi bệnh hoạn những thỏa mãn phù hoa và từ một lương tâm cô lập” (Tông huấn Evagelii Gaudium, 2). Bởi thế, nhân loại đang rất cần ơn cứu độ mà Đức Kitô mang đến. Các môn đệ là những người đã để mình được tình yêu của Đức Giêsu chiếm đoạt và được ghi khắc bởi ngọn lửa nhiệt tâm cho Vương Quốc Thiên Chúa, để trở thành người mang niềm vui Tin Mừng. Tất cả các môn đệ của Chúa được mời gọi để nuôi dưỡng niềm vui của việc rao giảng Tin Mừng. Các Giám Mục, xét như là những người chịu trách nhiệm chính yếu cho việc loan báo này, phải cổ võ sự hiệp nhất của Giáo Hội địa phương trong dấn thân mang tính sứ mạng, trong việc chân nhận rằng niềm vui của việc thông truyền Đức Giêsu Kitô được diễn tả rất nhiều trong mối bận tâm rao giảng về Ngài trong những nơi xa xôi nhất, cũng như trong một sự vươn xa không ngừng đến những vùng ngoại biên của địa hạt mình, nơi có rất nhiều người nghèo đang chời đợi thông điệp này.

Rất nhiều vùng trên thế giới đang khan hiếm ơn gọi linh mục và đời sống dâng hiến. Thường thì điều này là do không có sự nhiệt thành tông đồ lan truyền trong các cộng đoàn, vốn thiếu đi sự hăng hái và không thu hút. Niềm vui Tin Mừng được khai sinh từ việc gặp gỡ Đức Kitô và từ việc chia sẻ với người nghèo. Vì thế, tôi khuyến khích các cộng đoàn giáo xứ, hiệp hội và nhóm đoàn hãy sống một đời sống huynh đệ sâu sắc, đặt nền tảng trên tình yêu dành cho Đức Giêsu và quan tâm đến những nhu cầu của những người thiệt thòi nhất. Nơi nào có niềm vui, sự hăng hái và khao khát mang Đức Giêsu đến cho người khác, nơi đó sẽ có những ơn gọi chân thực trổ sinh. Giữa những ơn gọi này, chúng ta không nên bỏ qua ơn gọi giáo dân phục vụ cho sứ mạng. Đã có một sự ý thức đang lớn dần về căn tính và sứ mạng của giáo dân trong Giáo Hội, cũng như một sự nhận thức rằng họ được mời gọi để đảm nhận một vai trò ngày càng trọng yếu trong việc loan truyền Tin Mừng. Vì thế, thật quan trọng khi dành cho họ một sự huấn luyện thích hợp để hướng đến những hoạt động tông đồ hiệu quả. 

5. “Thiên Chúa yêu thương người trao ban niềm vui” (2 Cr 9,7). Ngày Thế Giới Truyền Giáo cũng là một cơ hội để tái nhóm lên khao khát và nghĩa vụ luân lý của việc tham gia cách vui vẻ vào sứ mạng ad gentes [đến với muôn dân]. Một sự đóng góp vật chất nơi các cá nhân cũng là một dấu chỉ của sự tận hiến, trước hết là với Thiên Chúa, sau đó là với người khác anh chị em, để việc dâng tặng của cải vật chất cũng trở thành một phương tiện cho công cuộc loan báo Tin Mừng cho nhân loại được xây dựng trên tình yêu.           

Anh chị em thân mến, nhân Ngày Thế Giới Truyền Giáo này, tôi nghĩ đến các Giáo Hội địa phương. Đừng bao giờ để mình mất đi niềm vui của việc loan báo tin mừng! Tôi mời gọi anh chị em hãy chìm mình trong niềm vui của Tin Mừng và nuôi dưỡng một tình yêu có thể thắp sáng lên niềm ơn gọi và sứ mạng của anh chị em. Tôi thúc bách mỗi người trong anh chị em đã nhớ lại, như thể anh chị em đang thực hiện một cuộc hành hương nội tâm, “mối tình đầu”, mối tình mà Đức Chúa Giêsu Kitô đã sưởi ấm con tim anh chị em, không phải để nhớ nhung, nhưng là để luôn ở lại trong niềm vui. Các môn đệ của Chúa đã luôn ở lại trong niềm vui khi họ ở với Ngài, thực thi ý Ngài và chia sẻ với người khác đức tin, niềm hy vọng và đức ái tin mừng.

Hướng về Mẹ Maria, mẫu gương loan báo tin mừng khiêm nhường và với trọn niềm vui, chúng ta hãy dâng lên lời cầu nguyện của chúng ta, để Giáo Hội có thể trở nên mái nhà cho tất cả mọi người, một người mẹ cho tất cả mọi dân tộc và có thể sinh ra một thế giới mới.  

 Từ Vatican, 8.6.2014, Lễ Trọng Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.”

 

 Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

(chuyển dịch từ bản Ý ngữ)

 

Kiểm tra tương tự

“Chúng tôi là anh em trong Chúa”

  “You are mine” là bài hát dẫn chúng tôi vào bầu khí linh thao …

ĐTC Phanxicô: Căn tính và sứ mạng của Đại học Urbaniana là loan báo Tin Mừng

Sáng 30/8/2024, gặp gỡ các tham dự viên Đại hội ngoại thường của Bộ Loan …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *