Sự khốn cùng dẫn bà Út đến với Chúa

 

Ảnh minh họa

 

“Tui biếc ơn dì zứ lắm! Dì hổng đớn tui hổng biếc sao!”

Bà Út nói thế lúc chúng tôi đến thăm bà.

Bà Út có con, nhưng lúc này phải ở một mình, tự lo cho thân già vốn như túp lều đã xiêu vẹo. Số là con cái bà làm ăn cũng chẳng gặp, rồi vì nợ nần mà phải đi xa. Bà có miếng đất nền, người ta chung tay cất cho ngôi nhà nhỏ, gọi là có chỗ ra vào tránh mưa tránh nắng.

Đêm ấy trời mưa nên người ta cúp điện. Bà Út đốt nến trên chiếc ghế nhựa và ngủ thiếp đi. Đến khuya, nến cháy xuống ghế, lửa lan vào bình ga nhỏ dưới gầm giường. Khi bà phát hiện lửa thì cũng là lúc bình ga phát nổ, lửa bùng lên, cháy rụi vào mặt, ngực và hai tay bà Út.

Vì là người “không nơi nương tựa” nên bà Út vẫn được các Soeur đến thăm thường xuyên. Nhưng lần này, khi các Soeur đến thì chuyện đã xảy ra mấy ngày rồi. Như “con chiên” hiền lành, chẳng biết phải làm gì, bà Út cứ ở trong nhà, một mình chịu đau đớn – đau đớn thể xác và nỗi tủi buồn cô quạnh.

Thật đúng là cái khó “bó” cái khôn! Chẳng có tiền nên bà Út cũng chẳng nghĩ đến bệnh viện. Chỉ đến khi các Soeur đến, như mở cờ trọng bụng, bà nói: “Tui biếc ơn dì zứ lắm! Dì hổng đớn tui hổng biếc sao!” Bất đắc dĩ, các Soeur trở thành những nhân viên y tế, rửa ráy, chăm sóc các vết thương cho bà. Nhưng “không bất đắc dĩ,” các Soeur trở thành “con cái trong nhà,” hiện diện, lắng nghe, thấu cảm và xót xa khi thấy “người thân yêu” của mình chịu khổ.

Lúc đó, tôi đứng đàng sau, nghe và chăm chú dõi theo ánh mặt bà cụ. Và khi ấy, câu chuyện của bà cứ chất vấn tôi. Liên tục những câu hỏi về phận người, về sự khốn cùng trong kiếp nhân sinh đến với tôi, và tôi cảm thấy mình bất lực trước cảnh huống cuộc đời.

Trên đường về và cả một ngày sau đó, những câu hỏi vẫn không ngừng tra vấn tôi. Vào buổi tối, một ý tưởng chợt đến khi tôi suy nghĩ về Lòng Thương Xót của Chúa. Trong tiếng La-tinh, Lòng Thương Xót được viết là Misericordiae, có nghĩa là trái tim đặt cạnh sự khốn cùng, có nghĩa là một trái tim biết cảm thương khi đối diện với nỗi khổ của phận người. Chính nơi sự khốn cùng của bà Út, ngang qua những con người cụ thể, Lòng Thương Xót của Chúa được tỏ lộ rõ nét hơn.

Trong sự khốn cùng, bà Út được tiếp nhận kho tàng vô giá. Giả như bà Út xưa nay khá giả, liệu các Soeur có cơ hội được đồng hành và trao chia một Trái Tim giàu lòng thương xót? Bà Út trước đây chưa theo Đạo Chúa, và lúc này thấy an lòng vì “có Chúa làm gia nghiệp.” Giả như bà Út vẫn luôn đầy đủ, chẳng cần đến ai, thì ai có cơ hội đến nói cho bà biết Chúa Giêsu, Đấng mà lúc này bà đang nương ẩn và hằng thầm thĩ kêu xin. Và nếu thế, làm sao có được “con chiên bé nhỏ” ấy trong đoàn chiên của Chúa Giêsu?

Tác giả: Đaminh Phan Quỳnh, S.J.

 

 

Kiểm tra tương tự

Đại kết và hòa giải dân tộc

    Trong sắc lệnh mới nhất về Năm Thánh 2025, Hy vọng không làm …

Nhân văn, Cơ hội, Đam mê, Đồng cảm

  Xin chúc mừng người bạn của Thinking Faith, Christine Allen của CAFOD, người đã …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *