SỰ TƯƠNG TÁC GIỮA ĐỨC TIN VÀ CÔNG BÌNH
TRONG NHỮNG VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG
Prem Xalxo, S.J
Đại học Gregoriana, Roma, Ý
“Rất thường xuyên, chúng ta bị tách khỏi việc tiếp xúc thực sự với sự vô tín và với những hậu quả khó chịu và hằng ngày của sự bất công và áp bức. Kết quả là chúng ta có nguy cơ không còn khả năng nghe được tiếng kêu của Tin Mừng, khi tiếng kêu này nhắm đến chúng ta qua những con người trong thời đại chúng ta. Do đó, một sự dấn thân sâu xa hơn cho tha nhân trong thế giới này sẽ là một bảng trắc nghiệm mang tính quyết định cho đức tin, đức cậy, và cho đức ái có tính tông đồ của chúng ta”[1].
Tổng hội (TH) 32 của Dòng Tên đã nhìn thẳng vào việc cần phải ghi nhớ mối quan hệ làm phong phú lẫn nhau giữa đời sống đức tin với sự dấn thân của chúng ta trong những công việc bác ái và công bình. Nếu không có một đời sống đức tin thực sự, sự dấn thân của chúng ta cho tha nhân trong thế giới này sẽ chỉ càng tôn vinh chính mình, thay vì nhằm vinh danh Thiên Chúa hơn. Sự tương tác giữa đức tin và công bình này giới thiệu một niềm hy vọng mới để hiểu biết về những vấn đề môi trường hiện nay, và cũng đưa ra một số câu trả lời thích hợp nhằm bảo vệ, gìn giữ và duy trì vẻ đẹp, sự hài hòa và sự hợp nhất của toàn thể công trình tạo dựng.
Năm 2012, Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình đã tổ chức hai phiên nhóm họp lấy ý kiến nhằm khảo sát kỹ càng về những vấn đề nổi cộm liên quan đến môi trường và công bình xã hội, và cũng nhằm chuẩn bị tài liệu cho Hội nghị Thượng đỉnh Trái đất R+20 được tổ chức sau đó tại Rio de Janeiro, từ ngày 20/6 đến 22/6 năm 2012. Nhóm này bao gồm các chuyên gia trong các lãnh vực khác nhau – các giáo sư, các nhà khoa học, các kỹ sư, các nhà sinh vật học và những nhà nghiên cứu. Chủ trì các cuộc họp là Hồng y Peter K.A. Turkson, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình. Trong một bài tham luận, tôi đã đưa ra vấn đề phát triển bền vững dưới nhãn quan đức tin và luân lý, nhấn mạnh đến việc con người đã thay đổi thái độ đối với những nguồn tài nguyên thiên nhiên, những điều lẽ ra là những phúc lành của Thiên Chúa dành cho mọi người. Điều này có thể giúp nâng cao tinh thần chia sẻ và tinh thần công bình đối với mọi người, trong mức độ liên quan đến những nhu cầu cơ bản của con người cho thế hệ hiện tại cũng như các thế hệ sau này. Những nhận xét của tôi đã đánh động một kỹ sư đến từ khối NATO (North Atlantic Treaty Organization: Khối quân sự Bắc Đại Tây Dương, bao gồm Hoa Kỳ và một số nước ở châu Âu-ND), bởi vì trong những cuộc thảo luận của họ, họ chưa bao giờ phân tích những vấn đề này từ góc độ đức tin và luân lý. Đối với họ, vấn đề quan trọng nhất là việc thẩm tra có tính khoa học vào tận những nguyên nhân gốc rễ của mỗi vấn đề môi trường và tác động của vấn đề này trên hoàn cảnh sống con người ở đây và bây giờ (hic et nunc).
Liệu chúng ta có thể nói về những vấn đề môi trường hiện nay từ nhãn quan đức tin không? Chúng ta có thể tìm thấy ngay câu trả lời từ những lời của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Trong thông điệp nhân Ngày Hòa bình Thế giới (năm 1990): Cuộc khủng hoảng sinh thái: Một trách nhiệm chung (The Ecological Crisis: A Common Responsibility), Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh: “Đặc biệt, những Kitô hữu phải ý thức rằng trách nhiệm của họ đối với công trình tạo dựng và nghĩa vụ đối với thiên nhiên và với Đấng Tạo Thành là một phần cốt yếu của đức tin”. Đức tin được dùng như một thấu kính qua đó chúng ta chiêm ngắm cả vũ trụ này như việc làm hay như công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Trong cùng một thông điệp, Đức Gioan Phaolô II đã mô tả cuộc khủng hoảng sinh thái như một vấn đề luân lý. Do đó, việc nhìn những vấn đề môi trường nổi cộm dưới nhãn quan đức tin có thể làm sáng tỏ tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa, với anh chị em đồng loại và với toàn thể công trình tạo dựng; và qua đó có thể đưa chúng ta đi trên con đường xây dựng một xã hội nhân đạo, công bình và bình đẳng hơn.
Hoàn cảnh hiện nay
Bối cảnh thế giới đang trải qua một cuộc thay đổi về văn hóa – xã hội, tôn giáo và chính trị nhanh chóng. Chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa tiêu thụ, chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa thế tục triệt để (radical secularism) dường như chiếm vị trí trung tâm trong đời sống thường ngày của đại bộ phận dân số thế giới, đẩy cảm thức về tôn giáo, đức tin và luân lý ra vị trí phía sau. Thái độ tiêu thụ quá đáng bị dẫn dắt bởi một nền kinh tế dựa trên thị trường và lợi nhuận đang gây ra những thiệt hại to lớn cho môi trường. “Cái gì tốt và ích lợi cho tôi là cái tốt; nếu không nó là cái xấu” dường như là châm ngâm luân lý đang thịnh hành. Chịu sự thúc đẩy của châm ngôn như thế, người ta đã khai thác quá mức các nguồn nguyên thiên nhiên để thỏa mãn cơn khát vô tận muốn nhiều hơn và tốt hơn của con người. Điều này đã dẫn đến những tác động tàn phá rõ nét trên môi trường dưới dạng trái đất nóng lên và khí hậu biến đổi, ô nhiễm đất đai, nguồn nước và không khí. Khi khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên nhằm thỏa mãn lòng tham và những nhu cầu được thổi phồng của chúng ta, chúng ta quên rằng, thay vì hoàn thành vai trò của những người cộng tác với Thiên Chúa trong công trình tạo dựng, chúng ta đã hành động độc lập với Thiên Chúa. Do đó, chúng ta đã khơi lên cuộc nổi loạn của thiên nhiên, một thiên nhiên mà chúng ta thống trị hơn là quản lý. (cf. Thông điệp Bách chu niên (Centesimus Annus), 37).
Mặc dù các nhà môi trường học đang nỗ lực để gây ý thức về những vấn đề môi trường, nhiều nhà khoa học vẫn chối bỏ tính khẩn cấp và nghiêm trọng của vấn đề này. Điều đáng quan tâm là khoa học hiện đại cổ điển (classical modern science) đã xem tạo dựng như “một chuyện chán ngắt, không âm thanh, không hương vị và không có màu sắc; tạo dựng đơn giản chỉ là sự chạy vội (hurrying) của vật chất, chạy mải miết một cách vô nghĩa”[2]. Mặt khác, đức tin Kitô giáo dạy ta điều ngược lại: tạo dựng không phải là một chuyện chán ngắt. Tạo dựng, công trình của Thiên Chúa, có ý nghĩa và tầm quan trọng sâu xa cho đời sống và phẩm giá của chúng ta, xét như những con người, cũng như cho đời sống đức tin của chúng ta, xét như những Kitô hữu. Trong và ngang qua công trình tạo dựng, chúng ta vươn tới Thiên Chúa, và nhận ra sự hiện diện yêu thương, sáng tạo và có tính cứu độ của Người nơi chúng ta. Trong mỗi cử hành thánh lễ, chúng ta vui mừng tung hô: “Thánh, Thánh, Thánh, Chúa là Thiên Chúa các đạo binh. Trời đất đầy vinh quang Chúa”, bởi lẽ Đấng tạo thành trời đất đáng được tán dương ca ngợi vì công trình tạo dựng kỳ diệu Người đã làm.
Lynn White, Jr., vào năm 1967 đã từng cho rằng, Kitô giáo mang “một gánh trách nhiệm nặng nề” về những vấn đề môi sinh hiện nay của chúng ta. Ông cũng nhấn mạnh rằng, chúng ta có thể tìm kiếm những câu trả lời có thể có và phù hợp cho những vấn đề như thế bằng cách quay về với đức tin của chúng ta: “Cả nền khoa học và kỹ thuật của chúng ta hiện nay bị ảnh hưởng bởi tính kiêu hãnh của Kitô giáo chính thống liên quan đến thiên nhiên, đến nỗi chúng ta không mong đợi bất kỳ một giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng sinh thái của chúng ta đến từ khoa học hay kỹ thuật. Bởi lẽ gốc rễ những rắc rối của chúng ta mang đậm tính tôn giáo, nên giải pháp cũng phải thiết yếu có tính tôn giáo, dù chúng ta có bảo nó có tính tôn giáo hay không”[3]. Và như thế, mọi vấn đề môi trường sẽ được xem xét và được bàn từ nhãn quan đức tin để tìm kiếm những câu trả lời thích hợp cho các vấn đề ấy[4]. Đời sống đức tin của chúng ta, điều vốn truyền cảm hứng cho chúng ta làm việc cho con người và cho công bình môi trường, cũng mời gọi chúng ta đảm nhận trách nhiệm của những người quản lý công trình tạo dựng, để nuôi dưỡng và chăm sóc công trình tạo dựng (cf. Sáng thế 2, 15).
Đức tin thực thi công bình
Đức tin của chúng ta vào Chúa Giêsu Kitô và sứ mạng loan báo Tin Mừng đòi chúng ta dấn thân thăng tiến công bình và liên đới với những người thấp cổ bé miệng. Sự dấn thân này sẽ đưa chúng ta thật sự hòa mình vào những vấn đề phức tạp mà những con người này đang phải đương đầu trong cuộc sống của họ, để rồi chúng ta nhận ra và mang lấy trách nhiệm của chính chúng ta đối với xã hội[5].
Rõ ràng, một trong số những vấn đề phức tạp mà con người hôm nay phải đương đầu bắt nguồn từ việc chúng ta liên tục đe dọa đến môi trường. Nhân danh sự phát triển, người nghèo bị mất nhà cửa, đất đai của họ bị cưỡng bức thu hồi – một cách hợp pháp hay bất hợp pháp – và bị bán cho các công ty đa quốc gia, các khu rừng bị tàn phá và các nguồn tài nguyên thiên nhiên bị khai thác mà không có bất kỳ sự quan tâm thích hợp nào đến môi trường. Nước, không khí và đất đai, những gì là cốt yếu cho mọi dạng sống, đều đang bị ô nhiễm và nhiễm độc – tất cả cũng là nhân danh sự phát triển. Tiếc thay, quan niệm hiện nay về phát triển bị xác định và chi phối bởi một nền kinh tế có tính bán mua và hám lợi, coi cả công trình tạo dựng và tài nguyên của công trình tạo dựng này chỉ là hàng hóa. Đây chính là một hệ thống kinh tế đẩy mạnh việc khai thác mọi thứ để cải thiện đời sống nhưng chẳng có mối bận tâm nào dành cho các thế hệ tương lai. Những lời của ngôn sứ Giêrêmia dường như giải thích cho hoàn cảnh bi đát này: “Ta đã đưa các ngươi vào miền đất xanh tươi để các ngươi được ăn hoa trái thổ sản của nó. Nhưng một khi vào rồi, các ngươi đã làm nhơ nhớp đất của ta, và biến gia sản của Ta thành đồ ghê tởm” (Giêrêrmia 2, 7).
Thật đáng tiếc, hình thức phát triển hiện nay không mang lại phúc lợi cho đa số dân trên thế giới – khoảng cách giữa người giàu và người nghèo vẫn liên tục và đều đặn gia tăng; người giàu càng giàu thêm và đời sống người nghèo ngày càng trở nên cực nhọc, khổ sở. Người giàu dường như tích trữ mọi thứ họ có, và như thế họ đã tước đi của người khác những nhu cầu sống thiết yếu. Chúa Giêsu đã cảnh báo chúng ta không được có thái độ như thế: “Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, và kẻ trộm khoét vách lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi. Vì kho tàng của anh ở đâu, thì lòng anh ở đó” (Mátthêu 6, 19-21). Với những kẻ chỉ lo tích trữ của cải, lời cảnh tỉnh và lên án của Chúa Giêsu cũng giống như “nước đổ đầu vịt”.
Trong dụ ngôn ông nhà giàu và anh Ladarô, Chúa Giêsu dường như không lên án ông nhà giàu vì những gì ông ta có; đúng hơn, Ngài lên án ông ta vì thái độ thụ động và dửng dưng của ông ấy đối với anh Ladarô nghèo khó. Thật là một ví dụ hoàn hảo của tình trạng bất công, rất gần gũi với tình hình hiện nay của chúng ta. Những người giàu dường như bưng tai bịt mắt trước đại đa số những người đang thiếu thốn những nhu cầu cơ bản – thức ăn, nước uống, trang thiết bị học tập thích hợp, điều kiện vệ sinh, chăm sóc sức khỏe và những tiện nghi cần thiết khác. Họ là những người bị bóc lột và là nạn nhân của tình trạng bất công và đối xử phân biệt. Trớ trêu thay, họ thường bị đổ lỗi là những người đã gây ra sự suy thoái môi trường hiện nay. Trong tình cảnh như thế, niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô phải thúc đẩy chúng ta hành động – hành động vì công bình cho con người và môi sinh. Thánh Giacôbê đã viết trong thư của ngài: “Thưa anh em, ai bảo mình có đức tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: “Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no”, nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì? Cũng vậy, đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Giacôbê 2, 14-17). Do đó, như “một bảng trắc nghiệm mang tính quyết định cho đức tin, đức cậy và cho đức ái có tính tông đồ của chúng ta”[6], chúng ta phải sống đức tin của mình một cách đích thực nhằm sinh những hoa trái công bình và bác ái đáng ước ao.
Sự gắn bó của chúng ta với niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô sẽ chỉ sinh hoa trái trong những công việc bác ái cụ thể và trong một thái độ được khẳng định rõ ràng và nhắm đến công bình cho những anh chị em đồng loại, đặc biệt là những người nghèo, những người khốn khó và những người bị gạt ra bên lề xã hội. Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong Thế giới ngày nay (Gaudium et spes) mời gọi mỗi tín hữu mang lấy vào mình nỗi đau khổ của người nghèo bởi vì đó là sứ mạng Chúa Giêsu Kitô đã truyền cho các môn đệ của Ngài: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô” (Gaudium et spes, số 1). Điều răn lớn nhất của Chúa Giêsu là điều răn yêu thương: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là, ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy” (Mátthêu 22, 36-40). Yêu thương người thân cận không loại trừ trách nhiệm của chúng ta đối với môi trường, vốn là điều không thể thiếu cho hạnh phúc, cho sự sống còn và lưu tồn của nhân loại. Đức tin của chúng ta, cùng với sự dấn thân vì công bình cho những người yếu thế trong xã hội, phải hướng dẫn chúng ta biết cách chăm sóc, bảo tồn và duy trì trật tự hài hòa và sự toàn vẹn của công trình tạo dựng. Chúng ta không thể làm gì ngoài việc đặt sự sáng tạo trong bối cảnh của mầu nhiệm nhập thể, bởi vì ơn cứu độ Chúa Giêsu mang đến là ơn cứu độ cho cả vũ trụ (cosmic salvation), bao gồm việc khôi phục những tương quan đã bị phá vỡ – tương quan với Thiên Chúa, với anh chị em đồng loại và với toàn thể công trình tạo dựng.
Trong bài nói chuyện với những người tụ họp nhân dịp trường trung học Arruppe mở tại Harrare, ngày 22 tháng 8 năm 1998, cha Bề trên cả Peter-Hans Kolvenbach đã tổng hợp một cách tuyệt vời sự tương tác giữa đức tin và công bình trong những vấn đề môi trường bằng những lời sau: “[…] chúng ta phải bảo vệ các quyền của người nghèo, bởi vì họ chịu đau khổ nhiều nhất do sự khủng hoảng sinh thái; chúng ta phải làm sáng tỏ các giá trị đạo đức của sự hiệp thông giữa con người và môi trường họ đang sống, và giáo dục người trẻ về những giá trị này; chúng ta phải giúp khám phá ra những giá trị thẩm mỹ của môi trường để có thể cùng với thánh Phanxicô, chúng ta ca ngợi vinh quang Thiên Chúa, và cùng với thánh I-nhã, trong tinh thần cầu nguyện, chúng ta cảm nhận tình yêu của Thiên Chúa đang chiếu tỏa ngang qua môi trường”. Khi đặt các suy tư của mình dưới tựa “Trách nhiệm của chúng ta đối với công trình tạo dựng của Thiên Chúa”, cha Kovenbach đã chỉ ra con đường đi đến sự công bình kép (two-fold justice) – công bình đối với anh chị em đồng loại và công bình đối với môi trường. Định nghĩa trước đây và rõ ràng về công bình là trả lại cho mỗi người điều thuộc về người ấy. Liệu định nghĩa ấy có thể đứng vững trong bối cảnh cảnh hiện nay không? Có, vì việc chúng ta xây dựng công bình, được gợi hứng từ đức tin, thì chắc chắn bao hàm việc chúng ta cam kết đề xuất và cổ vũ một sự phát triển đích thực. Sự phát triển này bảo đảm phẩm giá, hạnh phúc và sự thịnh vượng, chẳng những của mỗi người xét như là con cái Thiên Chúa, được tạo dựng theo hình ảnh của Ngài và giống như Ngài (Sáng thế 1, 27), mà còn của tất cả công trình tạo dựng nữa.
Đức tin khơi lên nhiều cuộc hòa giải
Đức Gioan Phaolô II, trong Thông điệp ngày Hòa bình Thế giới (2002), đã kêu gọi hòa bình và công bình ngang qua câu nói hòa giải sau đây: “Không có hòa bình nếu không có công bình, và không có công bình nếu không có tha thứ”. Điều cần thiết hôm nay chính là sự tha thứ cho tất cả những việc làm sai trái con người đã gây ra cho công trình tạo dựng, khi con người cưỡng đoạt những nguồn tài nguyên của công trình tạo dựng, và phá hủy viễn tượng tương lai sống còn và lưu tồn của nhân loại. Hòa giải với Thiên Chúa, với chính mình và với nhau là trung tâm của đức tin Kitô giáo chúng ta. Trong bối cảnh ngày nay, ý thức ngày càng tăng về những tác động thảm khốc trên môi trường do sự điên rồ của con người buộc chúng ta phải suy nghĩ về việc cần phải làm hòa với thiên nhiên. Việc khai thác quá mức nguồn nhân lực lẫn nguồn tài nguyên thiên nhiên thường biểu lộ tính ích kỷ, kiêu ngạo, tính hung hăng và lòng lam vô đáy của con người. Những điều này rốt cục sẽ dẫn đến sự phá hủy vẻ đẹp, sự toàn vẹn và hài hòa của công trình tạo dựng. Những hành động này “làm suy thoái trái đất, và do đó, đe dọa đến cuộc sống và lợi ích của con người và những sinh vật khác”[7]. Theo Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong Thế giới ngày nay: “Nhiều khi từ chối nhìn nhận Thiên Chúa như nguyên ủy của mình, con người cũng phá đổ trật tự phải có để đạt tới cùng đích của mình và đồng thời phá vỡ mọi hòa hợp nơi chính bản thân cũng như đối với những người khác và với mọi loài thụ tạo” (Gaudium et spes, số 13). Hòa giải đưa chúng ta bước tới việc sửa đổi những lề lối của chúng ta, đồng thời thiết lập bình an giữa chúng ta với tha nhân và với công trình tạo dựng. Thánh Phaolô đã mạnh mẽ cho rằng, mọi sự đã được hòa giải với Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô: “Cho nên, phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thụ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi. Mọi sự ấy đều do bởi Thiên Chúa là Đấng đã nhờ Đức Kitô mà cho chúng ta được hòa giải với Người, và trao cho chúng tôi chức vụ hòa giải. Thật vậy, trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hòa giải với Người” (2 Côrintô 5, 17-19).
Hòa giải bao hàm việc phục hồi mối tương quan đã bị gián đoạn. Hòa giải với công trình tạo dựng nghĩa là phục hồi mối tương quan phụ thuộc nhau giữa con người với công trình tạo dựng, tái xác nhận sự quyết tâm sử dụng mọi sự vật trên mặt đất này cho hạnh phúc của con người và của toàn thể công trình tạo dựng, đặt sang một bên thái độ và những hành động thù nghịch, gây hấn đối với trật tự đã được tạo nên. Hòa giải vừa là quà tặng, vừa là nhiệm vụ, và biểu hiện rõ nét của hòa giải là tình yêu, sự tôn trọng và sự dấn thân cho công bình. Thiên Chúa của Kinh Thánh là Thiên Chúa của tình yêu, lòng thương xót, lòng trắc ẩn và công bình. Người là nguồn mạch và chuẩn mực của lòng thương xót, tình yêu và công bình. Với lòng thương xót và tình yêu, Người đã làm cho đức công bình của Người được toàn thắng, và đã hòa giải mọi sự với Người trong Chúa Giêsu Kitô, Đấng là “hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loại thụ tạo […] Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi người, cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hòa giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Côlôxê 1, 15; 17; 19-20). Nói cách khác, niềm tin của chúng ta vào Chúa Giêsu Kitô, nếu được sống một cách trung tín và chân thực, sẽ có khả năng khơi lên nhiều cuộc hòa giải nhằm tái thiết lập hòa bình và sự hòa hợp với nhau và với tất cả công trình tạo dựng.
Niềm hy vọng cho tương lai
Ngoài những nỗ lực không ngừng nghỉ của một số nhà khoa học và nhà môi trường học nhằm gây ý thức về vấn đề môi sinh giữa người dân, Đức Giáo hoàng Phanxicô cũng cho chúng ta một dấu chỉ lớn lao về niềm hy vọng của việc bảo vệ và gìn giữ môi trường. Ngay từ lúc vừa được bầu làm đấng kế vị thánh Phêrô, ngài đã nhiều lần kêu mời mọi người chăm sóc công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Ngài đã lấy tước hiệu Phanxicô để làm trẻ lại tinh thần của thánh Phanxicô Assisi, người đã yêu thương và bảo vệ công trình tạo dựng. Trong thánh lễ khai mạc triều đại giáo hoàng của mình, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã kêu mời những người thuộc mọi niềm tin khác nhau hãy trở nên những người bảo vệ những quà tặng của Thiên Chúa, và ngài lặp lại rằng, ơn gọi làm người bảo vệ nghĩa là “bảo vệ tất cả công trình tạo dựng và vẻ đẹp của một thế giới đã được dựng nên”. Hầu như ngài cũng cho thấy điểm hội tụ giữa hạnh phúc của con người và hạnh phúc của môi trường, và nhấn mạnh trách nhiệm “bảo vệ mọi người, biểu lộ sự quan tâm yêu thương dành cho mỗi người và mọi người, đặc biệt trẻ em, người già, người nghèo, là những người chúng ta thường nghĩ đến sau cùng”. Thực vậy, đây là trách nhiệm chung của chúng ta trong việc xây dựng “tình bạn qua đó chúng ta bảo vệ nhau trong sự tin tưởng, tôn trọng và trong sự tốt lành”.
Các thực tế và nhu cầu hiện nay cho thấy cần phải có một lối tiếp cận tổng thể đối với các vấn đề môi trường, qua đó, đức tin có thể khơi lên niềm hy vọng phục hồi các tương quan phụ thuộc nhau với anh chị em đồng loại và với công trình tạo dựng. Các thực tế này cũng chứng minh rằng những vấn đề môi trường hiện nay không thể được bàn như là những vấn đề riêng rẽ, tách biệt với những hy vọng và khát vọng của cuộc sống đời thường. Điều cần làm là đánh giá và duyệt xét lại các chọn lựa và khuôn mẫu hành xử của con người. Tổng hội 32 của Dòng Tên đã đúng khi nhấn mạnh rằng: “Ngày nay, việc làm cho thế giới công bình hơn thì nằm trong khả năng của con người […] Quyền làm chủ mới của chúng ta trên thiên nhiên và trên chính con người thường được dùng để khai thác các cá nhân, các nhóm, các dân tộc, hơn là để phân phối các nguồn tài nguyên của hành tinh này một cách công bằng hơn”[8]. Câu hỏi đặt ra là: “Chúng ta có thể làm gì hay có thể đóng góp gì để giữ cho niềm hy vọng vào tương lai của chúng ta được sống động và năng động”? Câu trả lời đơn giản là: “Mỗi người chúng ta có thể hành động để sắp xếp cho có trật tự ngôi nhà nội tâm của chính chúng ta. Sự hướng dẫn mà chúng ta cần để làm việc này không thể tìm thấy nơi khoa học hay kỹ thuật, […] tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể tìm thấy sự hướng dẫn này trong truyền thống khôn ngoan của nhân loại”[9]. Do đó, niềm hy vọng vào tương lai nằm ở việc quay trở lại gốc rễ – gốc rễ xã hội, văn hóa và tôn giáo, là những điều có thể giải nghĩa cho mối tương quan liên kết giữa chúng ta với nhau và với toàn thể công trình tạo dựng. Người ta nhận xét một cách chí lý rằng “Những mối bận tâm về môi trường chỉ được xem xét một cách nghiêm túc như một vấn đề đức tin nếu các tín hữu Công giáo và những cộng đồng đức tin khác coi mối bận tâm này như đã được bén rễ sâu nơi Kinh Thánh và thần học, nơi linh đạo và thờ phượng, và nơi những quy tắc luân lý và đạo đức”[10]
Ngày nay, việc lặp lại châm ngôn đạo đức “Mọi người đều có quyền sống và quyền hưởng tài nguyên thiên nhiên” là chưa đủ. Đức tin phải làm cho các tín hữu mạnh mẽ đấu tranh chống lại bất công, tham nhũng, hành động bất lương và tham lam vô độ; đấu tranh để đạt được bình đẳng và công bình xã hội, và để duy trì sự toàn vẹn của công trình tạo dựng. Việc chăm sóc môi trường có ảnh hưởng lên phẩm chất của các tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa, với những người khác, và với chính công trình tạo dựng. Điều này chạm đến cốt lõi của niềm tin của chúng ta vào Thiên Chúa, và tình yêu của chúng ta đối với Người, Đấng “chúng ta đến từ Người và chúng ta đang đi về với Người”[11]. Chúng ta phải chăm sóc, tôn trọng, bảo vệ, gìn giữ và sử dụng hợp lý cả nguồn nhân lực cũng như nguồn tài nguyên thiên nhiên. Chúng ta có trách nhiệm chung đối với nhau và đối với công trình tạo dựng. Tuy nhiên, khi quá nhấn mạnh đến việc gìn giữ môi trường, chúng ta có khuynh hướng lờ đi nỗi đau khổ thực sự của người nghèo. Nếu không có một sự thay đổi triệt để trong ý thức và trong sự sẵn sàng ứng trực của chúng ta đối với những nạn nhân của bất công, bóc lột và phân biệt, và nếu không có kế hoạch cứu vãn sự hài hòa và đẹp đẽ của công trình tạo dựng, thì những nỗ lực của chúng ta sẽ mãi là những danh sách dài ngoằng của những điều nên làm và những điều không nên làm. Tuy vậy, khi chúng ta “dọn dẹp một ít bên trong cũng như bên ngoài”, chúng ta có thể hy vọng rằng những nỗ lực của chúng ta sẽ “không phải chỉ là một phong trào đổi mới có tính giúp vui” mà thôi[12]. Sau cùng, như Thánh vịnh gia nói, “Chúa làm chủ trái đất cùng muôn vật muôn loài, làm chủ hoàn cầu với toàn thể dân cư” (Thánh vịnh 24, 1). Chúng ta đừng quên rằng chúng ta cần duy trì sự toàn vẹn, vẻ đẹp, trật tự và sự hài hòa của công trình tạo dựng vì hạnh phúc và vì sự sống còn của chính chúng ta; trái đất vẫn tiếp tục sống và tiến hóa bất kể có chúng ta hay không.
Vì thế, nhờ đức tin, chúng ta có thể học hỏi, nghiên cứu, suy tư và thực hiện những cách thức và phương thế để sống hài hòa với nhau và với công trình tạo dựng. Thánh Irênê đã nói rằng “Vinh quang của Thiên Chúa là con người sống viên mãn”. Chúng ta có thể sống viên mãn và có thể là vinh quang của Thiên Chúa qua việc sống hài hòa với nhau và với toàn thể công trình tạo dựng, một đời sống được thúc đẩy và được gợi hứng bởi đức tin và tinh thần công bình.
Thật thích hợp để kết luận về sự tương tác giữa đức tin và công bình trong những vấn đề môi trường bằng những lời của Đức Giáo hoàng Phanxicô, người đã rửa chân cho mười hai tù nhân bị giam giữ tại trung tâm thanh thiếu niên Casal Del Marmo, ở Rôma, vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh, và ngài đã khích lệ họ khi nói rằng: “Đừng đánh mất niềm hy vọng, trong hy vọng, các con luôn có thể tiến bước”. Và đó chính là niềm hy vọng cho tương lai!
(Philipphê Trần Thanh Minh, SJ chuyển ngữ từ tài liệu “Interplay of Faith and Justice in Environmental Issues” trích trong tạp chí Promotio Iustitiae, n0111, 2013/2)
[1] TH 32, Sắc lệnh (SL) 4, số (s) 35 [84];
cf., John W. Padberg, ed., Jesuit Life & Mission Today: The Decrees & Accompanying Documents of the 31st – 35th General Congregation of the Society of Jesus, The Institute of Jesuit Sources, Saint Louis, 2009, 306.
[2] Alfred N. Whitehead, Science and the Modern World, MacMillan, New York 1926, 80. Xem thêm, David Toolan, “The Voice of the Hurricane: Cosmology and a Catholic Theology of Nature” in Drew Christian – Walter Grazer, ed., “And God Saw That It Was Good”: Catholic Theology and the Environment, United States Catholic Conference, Washington D.C. 1996, 77.
[3] Lynn White, Jr., “The Historical Roots of our Ecological Crisis”, in Mary H. MacKinnon – Moni McIntyre, eds, Readings in Ecology an Feminist Theoloy, Sheed and Ward, Kansas City 1995, 34. Bài báo được in lần đầu trong tạp chí Science 155 (1967) 1023 1027.
[4] Cf., Prem Xalxo, “God – Centered Approach to Creation: A Need of the Hour” in Jeevadhara XLII (2012) 252, 464.
[5] TH 32, SL 4, s. 42 [91];
Cf ., John W. Padberg, ed., op.cit., 308.
[6] TH 32, SL 4, s. 35 [84]; cf. ibid., 306
[7] William C. French, “Ecological Security and Policies of Restraint” in D.T. Hessel – R.R Ruether, ed., Christianity and Ecology: Seeking the Wellbeing of Earth and Humans, Harvard University Press, Cambridge, Massachusetts 200, 476-477.
[8] TH 32, SL. 4, số 27 [76]; cf., John W. Padberg, ed., op.cit., 304.
[9] F.F Schumacher, Small is beautiful: Economics as if People Mattered, Abacus, London 1976, 250.
[10] D. Christiansen – W. Grazer, ed., “And God Saw That it Was Good”: Catholic Theology and the Environment, United States Catholic Conference, Washington D.C. 1996, 6.
[11] TH 35, SL. 3, số 32 [76]; cf., John W. Padberg, ed., op.cit., 751.
[12] Arne Naess, Ecology, Community and Lifestyle, Cambridge University Press, Cambridge 1989, 91.