Sức mạnh huyền siêu của thứ tha

Tối muộn thứ hai vừa qua, bố chồng tôi qua đời. Chỉ vài tiếng trước đó, cả gia đình tôi đã tổ chức lễ mừng con gái tròn 12 năm lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Ông ấy ra đi đúng vào ngày chúng tôi kỷ niệm con gái bước vào đời sống mới trong Chúa Kitô và Hội thánh Người. Giờ đây, chúng tôi cầu nguyện cho ông được an nghỉ đời đời.

 

 

Thật khó để tiếc thương sự ra đi của một người mà trớ trêu thay, tôi hầu như không biết gì nhiều. Chồng tôi đã cố gắng diễn tả điều này với bạn bè và các linh mục, những người đã cầu nguyện trong hai tuần qua để cho ông ấy có một cái chết an lành và thánh thiện. Thật khó để giải thích và hiểu cảm giác thương tiếc cho một người đã là bóng ma trong nhiều thập kỷ.

 

Sự thật là, bố chồng tôi đã chọn từ chối và bỏ rơi anh ấy cùng chín người con khác của ông cách đây nhiều năm. Tôi đã đau buồn vì sự mất mát trong mối quan hệ với bố chồng tôi, cho cả chồng tôi, con gái chúng tôi và bản thân tôi. Hy vọng duy nhất của tôi bây giờ là ở kiếp sau. Mọi thứ sẽ được chữa lành và hòa giải trong Chúa Kitô.

 

Tuy trong suốt cuộc hôn nhân, chúng tôi không có mối quan hệ tốt với bố chồng nhưng tôi thật may mắn được chứng kiến Chúa làm việc theo những cách tuyệt vời trên chồng tôi. Qua chứng tá là chồng tôi, tôi hiểu sâu sắc hơn về lời mời gọi tha thứ và những ân sủng huyền siêu mà Chúa Kitô ban cho chúng ta khi chúng ta đến với người khác trong sự tha thứ.

 

Hai năm trước, rõ ràng là bố chồng tôi có thể đã qua đời rồi, chứ không phải đến bây giờ. Ông ấy mắc bệnh Parkinson, chứng mất trí nhớ, và đã bỏ bê việc điều trị ung thư da đến mức nó bắt đầu lan sang tai, và cuối cùng dẫn đến tử vong bởi ung thư não vào năm nay. Chồng tôi ngày càng lo lắng về phần rỗi của cha mình và mong muốn cha mình hòa giải với những thành viên gia đình mà ông đã làm tổn thương trước khi qua đời, thậm chí là một người Công giáo mộ đạo, thì cũng cần hòa giải với Chúa. Cách duy nhất chồng tôi có thể bắt đầu tiến trình này là đau đớn làm việc đó thay cho bố mình. Hoàn toàn tha thứ cho bố, và nói với ông ấy điều đó.

 

Một chiều nọ, chồng tôi đi đến phòng bệnh của bố mình. Điều đó không hề dễ dàng vì cả hai đã gần như không gặp nhau trong nhiều thập kỷ. Chỉ nhờ ơn Chúa chúng ta mới tìm thấy sức mạnh để gác lại những gì mình đáng được hưởng theo lẽ công bình và bác ái để hướng đến tha thứ cho những người đã làm cho chúng ta tổn thương sâu sắc với lòng thương xót. Anh ấy muốn đi một mình để có thể trò chuyện chân thành với bố. Tôi đứng đằng sau, lần chuỗi Mân Côi và cầu nguyện cho anh ấy suốt buổi thăm.

 

Mọi thứ sẽ được chữa lành và hòa giải trong Chúa Kitô. Ảnh: Canva

 

Đây là một trong những khoảnh khắc mạnh mẽ nhất mà tôi từng trải qua trong cuộc hôn nhân của chúng tôi. Tôi đã chứng kiến sức mạnh mãnh liệt của tình yêu Chúa tuôn đổ trên anh. Tôi thấy anh ấy gạt bỏ những tổn thương của bản thân vì bố của mình. Anh ấy ngồi cạnh bố trong phòng bệnh và nói rằng anh đã tha thứ cho ông. Bố anh ấy không hiểu mình đã gây ra những tổn thương gì cho anh ấy trong suốt những năm qua. Điều đó không quan trọng. Đó không phải là vấn đề. Sự tha thứ phải được trao ban một cách vô điều kiện và tự do giống như Chúa đã trao ban cho chúng ta, và đó là điều anh ấy đã nói với bố mình.

 

Sau khi anh trao cho bố sự tha thứ này, bố của anh ấy đã hỏi anh ấy có muốn gì từ ông không. Chồng tôi nói không. Tất cả những gì anh ấy muốn là bố mình hòa giải với những người ông đã làm tổn thương và hòa giải hoàn toàn với Chúa. Mối bận tâm duy nhất của chồng tôi là sự cứu rỗi linh hồn của bố mình và sự chữa lành cho những người khác đã bị tổn thương. Sự tha thứ của anh ấy là một món quà tinh khiết.

 

Là người Công Giáo, đây là mức độ tha thứ mà chúng ta được mời gọi để thực hiện. Tôi chưa thể nhận mình đã đạt được điều đó. Tôi vẫn còn yếu đuối và vật lộn để tha thứ bảy mươi lần bảy. Nhưng tôi đã chứng kiến sức mạnh của mức độ tha thứ này qua tấm gương của chồng tôi. Chính điều này đã bắt đầu quá trình chữa lành trong cuộc sống của chính tôi, cũng như cuộc sống của những thành viên khác trong gia đình anh ấy. Nó không chữa được tất cả mọi thứ và đâu đó vẫn còn những vết thương sâu hoắm được tạo ra sau cái chết của bố chồng tôi, nhưng Chúa đã bắt đầu mở ra những hạt giống mà sự hy sinh bản thân của chồng tôi đã gieo vào.

 

 

Cái chết là kẻ san bằng vĩ đại. Tất cả chúng ta rồi cũng sẽ chết. Câu hỏi mà chúng ta phải đối mặt mỗi ngày khi chứng kiến nỗi đau và tội lỗi của người khác, cùng với thực tế về tội lỗi và điểm yếu của bản thân là: chúng ta muốn sống như thế nào? Liệu chúng ta có muốn sự ruồng bỏ của người khác kìm hãm mong muốn và khả năng yêu thương người khác của mình không, đặc biệt khi đó là những người thân thiết nhất?

 

Liệu chúng ta có muốn bám víu vào sự oán giận cay đắng, biến mình thành những kẻ vô hồn không? Liệu chúng ta có muốn tham gia vào đội quân “không phục vụ” của Luxiphe vì không muốn bị đóng đinh trên cây thập giá của sự tha thứ không?

 

Thật không dễ để yêu thương. Nếu không có thập giá, tình yêu không phải là tình yêu. Không có tình yêu nào mà không có hy sinh và đau khổ. Chúa cho chúng ta thấy rằng sự tha thứ có nghĩa là đi đến thập giá vì người khác, ngay cả với những người nhiều lần phạm tội chống lại chúng ta hoặc chối bỏ chúng ta. Trong trường hợp này, ngay cả khi một người bố bỏ bê bổn phận của mình và không yêu thương những người Chúa đã ban cho mình. Chúng ta hy vọng sau khi chết, người đàn ông này được giao hòa hoàn toàn với Thiên Chúa qua các Bí tích mà ông đã lãnh nhận và từ bỏ hoàn toàn quá khứ.

 

Tha thứ theo nhiều cách giống như chịu đóng đinh. Đó là sẵn sàng chết đi cho đòi hỏi công bình. Đó là sẵn sàng gác lại hy vọng hàn gắn ở đời này với những người muốn chối bỏ chúng ta. Đó là sẵn sàng để không trở nên vô cảm trước sự ngược đãi, bỏ rơi và từ chối. Đó là là sẵn sàng bùng nổ tình yêu vào nơi không có tình yêu. Thánh Gioan Thánh Giá đã nói: “Nơi nào không có tình yêu, hãy đặt tình yêu vào đó và bạn sẽ tìm thấy tình yêu.” Chồng tôi đã tìm thấy tình yêu khi anh ấy kết hợp mình với Chúa Kitô chịu đóng đinh và tha thứ cho bố mình hết lòng.

 

Tha thứ theo nhiều cách cũng giống như chịu đóng đinh. Ảnh: Canva

 

Sự tha thứ không phớt lờ những thương tổn và bất công. Nó không có nghĩa là các mối quan hệ sẽ được hàn gắn trong cuộc sống này. Trong một số trường hợp, đó là hy vọng mà chúng ta phải đợi đến đời sau. Tha thứ có nghĩa là buông bỏ món nợ mà người khác nợ chúng ta. Đây chính xác là điều Chúa Kitô đã làm cho chúng ta trên Thánh Giá. Đây là ý nghĩa của việc yêu thương như Chúa Kitô yêu thương. Chúng ta được kêu gọi chịu đóng đinh trong tình yêu cho kẻ thù. Đôi khi, kẻ thù của chúng ta là những người mà chúng ta yêu thương sâu sắc hoặc những người đáng lẽ phải yêu thương và bảo vệ chúng ta, nhưng vì nhiều lý do, họ đã quay lưng lại với chúng ta.

 

Tất cả chúng ta đều có những người cần phải tha thứ trong cuộc sống – kể cả tôi. Con đường đến với sự tha thứ thường không diễn ra ngay lập tức đối với những vết thương sâu. Chúng ta cần cầu nguyện, ăn chay và lãnh nhận các Bí tích để mở lòng đón nhận ân sủng mà Chúa Kitô muốn ban cho chúng ta, điều này sẽ cho phép chúng ta tha thứ. Dù những phương thế đó có tốt lành và thánh thiện đến đâu thì chúng ta cũng cần phải buông bỏ những ước mơ và hy vọng về mối quan hệ với những người chối bỏ chúng ta.

 

Chồng tôi đã phải buông bỏ ước mơ có một người bố yêu thương, gần gũi và ủng hộ để có thể tha thứ cho bố anh ấy. Nhưng Chúa bù đắp cho anh ấy theo những cách khác nhau. Qua một người hàng xóm lớn tuổi mà chồng tôi đã chăm sóc trước khi ông ấy đột ngột qua đời cách đây hai năm, người xem anh ấy như con trai. Chúa cũng đã ban cho anh ấy một người bố nuôi như người bố thực sự của anh ấy.

 

Thánh Giuse là một người bố thiêng liêng đích thực đối với chồng tôi. Lời cầu bầu cùng tình phụ tử thiêng liêng của thánh Giuse đã mang đến sự chữa lành to lớn cho gia đình chúng tôi. Chồng tôi đã tìm thấy hình ảnh người bố mà anh ấy cần nơi thánh Giuse. Một người bố với sức mạnh thầm lặng, lòng vâng phục và tình yêu thương, đã giúp anh ấy tha thứ cho người bố trần thế và dẫn dắt anh ấy đến gần hơn với Cha Trên Trời.

 

Chúa muốn cho anh ấy biết thánh Giuse là bố của mình bằng cách ban tặng một món quà vào ngày anh ấy biết tin bố mình đã qua đời. Khi tôi bước vào tham dự thánh lễ hàng ngày, một người đàn ông quen biết đã đến tặng tôi một quyển sách về thánh Giuse và tràng hạt cầu nguyện với thánh Giuse. Ông ấy không hề hay biết bố chồng tôi đã mất trong đêm đó. Thánh Giuse muốn chồng tôi biết rằng ngài luôn ở bên cạnh anh ấy, hôm nay và mãi mãi. Chúa luôn ban ơn ngay cả khi thế giới và những yếu đuối của con người không thể làm được gì.

 

Tất cả chúng ta rồi cũng sẽ chết. Bài Tin Mừng cho Thứ Ba – ngày chúng tôi nhận tin bố mất – tập trung vào tên trộm đến trong đêm và chúng ta không biết giờ nào. Thời gian chúng ta có trên đời này để học cách yêu thương như Chúa Kitô đã yêu thương thì có hạn. Để nên thánh, chúng ta phải học cách dũng cảm tha thứ cho những tổn thương sâu sắc nhất. Chồng tôi đã chứng kiến ​​sức mạnh cứu chuộc của sự tha thứ được thể hiện qua hình ảnh Chúa Kitô chịu đóng đinh, và qua gương chứng nhân ​​của anh ấy, Thiên Chúa được tôn vinh.

 

Hôm nay, tôi cầu nguyện cho linh hồn của bố chồng tôi được an nghỉ. Tôi hy vọng rằng ông ấy đang vui mừng cùng các thiên thần và các thánh, hoặc nếu như ông ấy đang ở trong luyện ngục, thì quá trình thanh tẩy sẽ sớm đưa ông ấy đến Tiệc Cưới của Con Chiên.

 

Tác giả: Constance T. Hull
Người dịch: Mai Ni
Nguồn: Catholic Exchange

Kiểm tra tương tự

Khóa học: “Tông huấn Đức Kitô Hằng Sống”

  Bạn thân mến!   Trong Tông Huấn “Đức Kitô Hằng Sống” Đức Thánh Cha …

Cuộc đời Thánh Anê dạy chúng ta biết coi trọng con trẻ

  Là người lớn, chúng ta luôn có những điều cần phải học hỏi từ …