Mở đầu bài Tin Mừng hôm nay Chúa nói đến những chuyển biến lớn lao khiến con người sợ hãi: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét. Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển.”
Để chuẩn bị cho hoàn cảnh này, Chúa khuyên: “Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất.” Và Chúa chốt lại một câu ngắn gọn “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn”.
Con người ta kể ra cũng lạ: sợ hãi tận thế, sợ hãi điềm lạ trên mặt trời mặt trăng, sợ hãi đến hồn siêu phách lạc trước cảnh biển gào sóng thét.
Nhưng chúng ta thử làm một phép so sánh: tận thế chỉ xảy ra một lần, và chẳng biết khi nào, có thể ngày mai, và cũng có thể hằng triệu hay tỷ năm nữa, điều này không ai biết. Và khi tận thế xảy ra, những người đang sống cùng lắm thì chỉ phải chết như bao người cũng phải chết thôi, rồi cũng được sống lại cùng với những người đã chết để được phát xét.
So sánh này có ý nói: rất nhiều người đã chết và đã không biết tận thế là gì. Mấy chục ngàn năm qua, hay đã hàng triệu năm qua, bao con người đã chết mà không biết tận thế. Nói tóm lại, làm người và được chứng kiến tận thế quả là điều rất hiếm hoi!
Thế nhưng, nếu chúng ta coi tận thế là ngày chúng ta phải chết, và không biết nó đến khi nào, ngày mà thân xác chúng ta hư hoại, thì tận thế này ai cũng được chứng kiến và phải chứng kiến, và tận thế này cũng đang được báo hiệu bởi những điềm lạ nơi cơ thể chúng ta, ốm đau bệnh tật già nua. Hai tận thế này chẳng có gì khác nhau nếu xét riêng từng người: vì cả hai kiểu tận thế đều kết thúc mạng sống của người ấy, người ấy đều chịu phán xét, và đều không thể làm gì thêm được nữa, sẽ đi vào cõi đời đời. Thế mà, thường thì con người sợ kiểu tận thế nơi vũ trụ chứ không biết sợ tận thế nơi bản thân.
Khi hiểu tận thế theo nghĩa “tận mạng, tận số” của một cá nhân, chứ không phải của vũ trụ, tức hiểu theo nghĩa ngày giờ chúng ta đi vào cõi đời đời, một ngày giờ bất ngờ ập đến với chúng ta, chúng ta quả là phải run sợ và cảm thấy hồn siêu phách lạc. Nghĩ đến ngày ra trước Chúa, ngày mà chúng ta không biết có thể “đứng vững trước mặt Con Người” hay không, ngày mà các thánh vốn sống rất thánh thiện cũng phải sợ hãi, luôn lo tận dụng từng phút giây để ăn ăn sám hối, thì chúng ta sợ hãi cũng là điều hợp lý.
Sợ hãi đôi khi cũng có lợi, nó khiến chúng ta hành động chứ không chần chừ, kiểu như nước đến chân sẽ giúp chúng ta nhảy. Cách nhảy mà Chúa muốn chúng ta làm đó là “tỉnh thức và cầu nguyện luôn”.
Tỉnh thức là cách nói bóng, vì thế để hiểu ta cần so sánh với hoàn cảnh phát sinh ra nó đó là việc ngủ mê. Ngủ mê là tình trạng cơ thể không còn ý thức, tất cả diễn ra một cách vô thức, tự động, theo bản năng. Vậy tỉnh thức có nghĩa là không để mọi cái diễn ra theo vô thức, thói quen, tự động hay bản năng nữa nhưng luôn có sự can thiệp của ý thức một cách tối đa có thể. Sự can thiệp của ý thức đó là mình thể hiện sự chọn lựa trong tất cả những gì có thể chọn được. Ngay cả trong ăn uống là điều khá bình thường, chúng ta cũng chọn để sao làm vinh danh Chúa như thánh Phao lô nói: dù ăn uống hay làm gì anh em hãy làm sáng danh Chúa (1Cr 10, 31). Chọn lựa khó nhất đó là những việc như đưa má kia cho người ta, yêu thương kẻ thù, và tha thứ đến bảy mươi lần bảy, vì nó trái hẳn với bản năng và tính tự nhiên.
Con vật không có ý thức và không có chọn lựa dựa trên giá trị, điều này chỉ có nơi con người. Thế nên càng ý thức, càng tối đa hóa các hành vi chọn lựa, con người càng thể hiện bản chất con người hơn. Ngược lại, một người hành động theo bản năng, mà không có chọn lựa, thì đấy là ngủ mê, và ít là người hơn.
Thế nhưng chọn điều gì đây? Người ta hay khuyên sống trong giây phút hiện tại, sống tỉnh thức, điều này rất tốt nhưng chưa đủ. Sống giây phút hiện tại và tỉnh thức đây là điều tự nó có giá trị, vì đó là cuộc sống, nhưng nó cũng cần một định hướng: giữa bao điều tôi đang ý thức và hiện diện cùng, tôi chọn điều gì đây?
Để biết điều gì cần chọn, ta phải cầu nguyện luôn. Cầu nguyện là ở bên Chúa, chiêm ngắm Chúa, lắng nghe kế hoạch yêu thương, tầm nhìn, viễn tượng, ước mơ của Chúa. Khi cầu nguyện như vậy, với thời gian và sự kiên nhẫn, dần dần chúng ta sẽ có một đường hướng, hay “thái độ và tâm tình” của Đức Ki-tô. Khi có điều này cộng với sự tỉnh thức, mỗi người sẽ có những chọn lựa thích hợp trong mọi giây phút của cuộc sống. Chọn lựa thích hợp được hiểu theo nghĩa những chọn lựa giúp ta trở nên một công trình đẹp đẽ như Chúa đã thiết kế.
Và đây chính là cuộc sống Chúa muốn chúng ta sống. Dù có tận thế hay không chúng ta vẫn luôn sống như vậy, vì đây là cách sống hạnh phúc, cách sống tròn đầy, cách sống đẹp lòng Chúa. Giống như một người yêu thích việc học, thì dù có thi hay không, chừng nào thi, đề dễ hay khó, đều là những điều thứ yếu; bận tâm duy nhất của người này là học cách chăm chỉ và miệt mài, vì chính nơi đây họ tìm được ý nghĩa.
Khi hiểu như vậy chúng ta cũng hiểu đôi chút về Mùa Vọng. Mùa Vọng là mùa đợi trông theo nghĩa “hướng đến” như nghĩa gốc của tiếng nước ngoài “Advent”, nghĩa là hướng đến, hay “chuẩn bị cho” một thành toàn viên mãn nơi Thiên Chúa: Chúa đến lần hai để nhiệm thu và hoàn tất mọi sự. Và trước khi ngày ấy đến, chúng ta luôn “tỉnh thức và cầu nguyện” cùng chăm chỉ làm việc như một đầy tớ siêng năng và trung tín để chúng ta luôn hoàn thành theo ý Chúa mọi chi tiết mà Chúa đã thiết lập và đặt nền móng, để rồi chúng ta không chỉ “đứng vững trước mặt Con Người” nhưng còn được Con Người, tức người chủ, “thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ” (Lc 12, 37)
Vũ Uyên Thi, S.J.