[Suy niệm Mùa Vọng] Thứ Hai Tuần IV: Lc 2, 1-14

Thời ấy, hoàng đế Au-gút-tô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ.2 Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Qui-ri-ni-ô làm tổng trấn xứ Xy-ri.3 Ai nấy đều phải về nguyên quán mà khai tên tuổi.4 Bởi thế, ông Giu-se từ thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê lên thành vua Đa-vít tức là Bê-lem, miền Giu-đê, vì ông thuộc gia đình dòng tộc vua Đa-vít.5 Ông lên đó khai tên cùng với người đã thành hôn với ông là bà Ma-ri-a, lúc ấy đang có thai.6 Khi hai người đang ở đó, thì bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa.7 Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ.

8 Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật.9 Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu toả chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng.10 Nhưng sứ thần bảo họ: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân:11 Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa.12 Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.”13 Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng:

14 “Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.”

……………..

“vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ”

Hang đá và máng cỏ là hình ảnh nổi bật của Giáng Sinh. Tuy vậy, khi suy nghĩ kỹ về nguồn gốc của hang đá và máng cỏ, lòng chúng ta cảm thấy buồn vui lẫn lộn.

Trước hết là nỗi buồn. Buồn vì hang đá là bằng chứng cho thấy Chúa đến mà không được tiếp đón. Bất chấp sấm ngôn loan báo Chúa Giáng sinh, bất chấp việc Chúa đã chọn và chuẩn bị một dân, bất chấp việc Chúa đã đợi đến thời gian viên mãn, bất chấp thánh Giuse và Mẹ Maria đã nỗ lực tìm chỗ trọ, con Thiên Chúa đã không có một nơi dành cho cho người để sinh ra. Chúa sinh ra nơi hang Bê lem, hang hốc là nơi các người chăn chiên canh giữ đàn vật của mình. Chúa đã sinh ra ở đó, và được đặt trong máng đựng cỏ cho gia súc ăn, gọi là máng cỏ.

Nhưng đấy mới chỉ là nỗi buồn bên ngoài, nỗi buồn bên trong mới thấm thía. Cứ coi như việc Chúa sinh hạ quá âm thầm, không ai biết nên không có sự chuẩn bị, nên có thể bỏ qua; thế nhưng khi Chúa Giêsu lớn lên và đi rao giảng, con người ta có cơ hội để nghe, để suy gẫm, để chứng kiến phép lạ, thế nhưng số người tiếp đón Chúa thật ít ỏi biết bao. Chúa đã nhiều lần ví Chúa như thể một hạt lúa bị rơi vào nơi vệ đường hay bụi gai; Chúa như một bữa tiệc thịnh soạn bày ra, đã mời khách trước, đến giờ lại đi mời nữa nhưng không ai đến, vì mỗi người đều bận bịu với những đam mê và ước muốn riêng; Chúa như người con trai của ông chủ được sai đến để thu hoa lợi, nhưng đã bị những tá điền giết và quăng xác ra ngoài vườn nho, Chúa như viên đá vô dụng bị thợ xây nhà loại bỏ…

Như thế, khi chiêm ngắn Chúa trong hang đá, chúng ta chiêm ngắm thân phận của Chúa, một thân phận bị bỏ rơi, bị gạt ra bên lề, bị khước từ. Thiên Chúa đã mất chỗ đứng trong lòng con người khi nguyên tổ phạm tội; việc Con Thiên Chúa Giáng sinh là để Thiên Chúa tìm lại được chỗ đứng trong lòng con người, nhưng xem ra hành trình này vất vả quá. Thiên Chúa đã làm tất cả những gì có thể, phần còn lại là chúng ta, chúng ta có dám mở cửa cho Chúa không?

Tuy vậy, nơi hang đá vẫn có niềm vui. Niềm vui ở đây là việc Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô điều kiện và yêu đến cùng. Vì thế, xét về phía chúng ta, chúng ta thấy buồn vì đã bỏ rơi khước từ Thiên Chúa, nhưng xét từ phía Chúa, chúng ta có được một niềm vui khôn tả. Niềm vui đó do tình thương của Chúa, một tình thương xót đã đoái đến những gì bé mọn, đáng bị hư mất. Quả vậy, Bê-lem là một thành nhỏ bé, nhưng Chúa đã chọn làm nơi Giánh sinh; Nazareth là nơi chẳng có gì hay như tông Đồ Nathanaen nhận xét, nhưng Chúa đã chọn làm quê hương, Đức Maria trước mắt người dân thời đó chỉ một cố gái bình thường, và đối với Chúa, Mẹ chỉ là “phận nữ tỳ hèn mọn”, nhưng Chúa đã chọn Người làm Mẹ. Hang Bê-lem là hang dành cho gia súc nhưng Chúa vẫn chọn làm nơi sinh ra.

Phải chăng Chúa sinh ra trong nơi dành cho gia súc nói lên một ý nghĩa khác? Phải chăng khi con người phạm tội, bị hư mất đời đời thì thân phận họ cũng không khác gì gia súc, cầm thú? Giữa một nhân loại hư mất vì tội lỗi, Thiên Chúa đã sinh hạ giữa họ, để gánh vác tội lỗi của họ.

Vì thế, trong đêm Giáng Sinh đón con Thiên Chúa chào đời, mặc dù vẫn ý thức rất rõ về khuynh hướng khước từ Thiên Chúa nơi cõi lòng chúng ta, chúng ta cũng hãy hướng lòng về Thiên Chúa, để chiêm ngắm một Tình Yêu hay một Lòng Thương Xót nhập thể. Vì là Lòng Xót Thương nên vô điều kiện, nên không quản ngại. Dù thân phận của chúng ta có là hang đá nơi đàn vật sinh sống, chứ không phải là đền thờ sạch sẽ uy nghiêm nơi Chúa ngự, Con Thiên Chúa vẫn chọn chúng ta. Sự chọn lựa này là niềm vui Giáng Sinh. Sự chọn lựa này làm cho Hang Bê-lêm trở nên lung linh, đẹp đẽ. Và phải chăng hình ảnh Hang đá cũng là lời tiên báo: Cuộc đời tôi dẫu tồi tàn đến mấy, khi có Chúa, cũng sẽ được biến đổi trở bên lung linh đẹp đẽ như Hang đá đêm Noel.

Uyên Thi SJ.

Kiểm tra tương tự

Tông Đồ Cầu Nguyện, 21-11-2024

TÔNG ĐỒ CẦU NGUYỆN, NGÀY 21/11/2024 CÙNG CHÚA GIÊ-SU BUỔI SÁNG Trong Gia Đình của …

Mến Yêu Hằng Ngày, 21-11-2024

MẾN YÊU HẰNG NGÀY Thứ 5, 21-11-2024 (Mt 12,46-50) “Người còn đang nói với đám …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *