Suy Tư Chúa Nhật 27 TNC: Sức mạnh của đức tin

 

Các bạn thân mến!

Có một câu chuyện kể rằng: Ở làng quê nọ, trời đã hạn hán trong khoảng thời gian rất lâu. Các cánh đồng đều khô hạn, cỏ cây héo úa cuộc sống trở nên vô cùng khó khăn. Hàng tháng đã trôi qua và mọi người dường như đã mất hết kiên nhẫn. Nhiều gia đình đã rời khỏi làng, còn những gia đình khác chỉ còn biết chờ đợi trong tuyệt vọng. Cuối cùng ông trưởng làng quyết định tổ chức một buổi cầu nguyện tập thể trên ngọn đồi cao nhất vùng. Ông thuyết phục tất cả mọi người trong làng đến dự và mỗi người phải mang theo một vật thể hiện lòng tin của mình.

Chiều thứ Bảy, những người dân làng với vẻ mặt mệt mỏi tập trung trên ngọn đồi và đều không quên mang theo những đồ vật thể hiện lòng tin. Có người mang theo một cái móng ngựa may mắn, có người mang theo chiếc mũ bảo vật của gia đình… Mặc dù chẳng ai tin chúng có thể thay đổi điều gì nhưng họ cũng đã mang theo rất nhiều thứ quý giá. Tất cả những người tham dự bắt đầu cầu nguyện và giơ cao những vật tượng trưng cho niềm tin. Như thể có phép màu, mây đen kéo tới và trời đổ mưa – những giọt mưa đầu tiên sau bao tháng trời khô hạn. Mọi người đều hân hoan vui sướng và ngay lập tức nổ ra một cuộc tranh cãi xem đồ vật nào đã mang lại may mắn cho ngôi làng. Ai cũng cho rằng đồ vật của mình là linh thiêng nhất. Bỗng người ta nghe thấy tiếng một em bé gái reo lên:

– Con đã biết thế nào trời cũng đổ mưa mà. Mẹ thấy không, con mang theo chiếc ô này, bây giờ thì mẹ con mình về nhà mà không bị ướt!

Em bé giơ cao chiếc ô và cùng mẹ đi về nhà trong niềm hân hoan. Những người còn lại nhìn theo và hiểu rằng chính em bé mới là người có niềm tin lớn nhất. Niềm tin ấy đã mang mưa đến.

Như thế, Niềm tin là động lực quan trọng giúp chúng ta thành công trong cuộc sống: Niềm tin là sức mạnh có thể khiến thế giới tan vỡ xuất hiện trong ánh sáng, là sức mạnh mang mưa về tưới mát cho những vùng đất đang mùa khô hạn. [1] Niềm tin nối kết những lục địa xa xăm, những bến bờ xa cách, những tâm hồn xa lạ, những trái tim băng giá. Niềm tin xét trên bình diện tự nhiên đã thế huống hồ trên bình diện siêu nhiên. Đức tin giúp con người có khả năng làm những điều phi thường.    

Đức tin giúp con người có thể đứng vững trước cơn gian nan thử thách

Thử thách thì thời nào cũng có. Thử thách có thể đến từ bên trong và đến từ bên ngoài. Tuy nhiên dù là thử thách bên trong hay bên ngoài thì nó cũng tác động đến cách mà các bạn sống tương quan với Chúa. Nhất là khi con người đối diện với sự dữ thì thử thách này càng gian nan hơn. Tiên tri Khabacúc cảm thấy Thiên Chúa vắng mặt trước sự dữ hoành hành. Thiên Chúa làm ngơ trước nỗi bất công của con người phải gánh chịu. “Lạy Chúa, con kêu cầu Chúa cho đến bao giờ mà Chúa không nghe? Con phải ức ép kêu lên cùng Chúa, mà Chúa không cứu con sao? Cớ sao Chúa tỏ cho con thấy sự gian ác và lao khổ, cướp bóc và bất lương trước mặt con? Dù có công lý, nhưng kẻ đối nghịch vẫn thắng.”

Người không có niềm tin khi gặp thử thách sẽ bị ngã gục, người có niềm tin sẽ đứng vững. Chính niềm tin sẽ giúp người công chính đứng vững trước cơn thử thách. Dù có công lý nhưng kẻ đối nghịch vẫn thắng, đó là một sự vô lý nhưng sự vô lý đó có thể được lý giải nếu có đức tin.   

Đức tin giúp khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa

 Đặc sủng đó giúp người môn đệ trở nên can đảm, sống bác ái, tiết độ để gìn giữ kho tàng tốt đẹp và dấn thân vì Tin Mừng. “Thiên Chúa không ban cho chúng ta một thần khí nhát sợ, mà là thần khí dũng mạnh, bác ái và tiết độ. Vậy con chớ hổ thẹn làm chứng cho Chúa chúng ta, và cho cha nữa, là tù nhân của Người, nhưng con hãy đồng lao cộng tác với cha vì Tin Mừng, nhờ quyền năng của Thiên Chúa.” Thánh Phaolô trong thư gửi cho anh Timôthê quả quyết, chúng ta không được ban cho thần khí làm cho chúng ta trở nên nhát sợ nhưng là thần khí can đảm. Điều này chỉ có được khi bạn và tôi xác tín vào giá trị Tin Mừng mà bạn đang theo đuổi.

Bạn và tôi hay than phiền về công việc truyền giáo của Giáo Hội Việt Nam trong hơn 50 năm qua tỉ lệ phân trăm người Công giáo không thay đổi. Tuy nhiên nếu đặt mình trong tâm tình của thánh Phaolô thì bạn và tôi có thể thấy được phần nào nguyên nhân của việc này. Đó chính là “sự hổ thẹn” làm chứng cho Chúa và thiếu bầu khí thánh thiêng. Thánh Phaolô khuyên Timôthê: “con chớ hổ thẹn làm chứng cho Chúa chúng ta, và cho cha nữa, là tù nhân của Người, nhưng con hãy đồng lao cộng tác với cha vì Tin Mừng, nhờ quyền năng của Thiên Chúa.” Là thành phần nhỏ bé so với tỉ lệ dân số của cả nước, cho nên Kitô hữu vẫn làn thành phần thiểu số. Phần vì tôn giáo là đạo tại tâm.” Cộng với tâm lý bị cái nhìn chi phối thành ra người Kitô hữu cũng ngại bày tỏ đức tin của mình nơi công cộng.

Cũng có thể là vì sau Công Đồng Vaticanô II phong trào đối thoại liên tôn được nhấn mạnh, cộng với sự tự do cá nhân và ý thức về quyền nâng cao cho nên việc dấn thân quyết liệt cho công cuộc truyền giáo và mời người khác gia nhập đạo Kitô giáo cũng có vẻ không được nhấn mạnh và mang tính quyết liệt như thời thánh Phao-lô và thánh Phan-xi-cô Xavie. Có thể vào thời đó, những quan niệm thần học có khác như không rửa tội thì sa hoảng ngục. Điểm tích cực ở thời này là “lửa” nhiệt thành cho công cuộc truyền giáo, còn ở thời đại mới này mặt tích cực đó là sự tôn trọng lương tâm và tự do cá nhân. Tuy nhiên nó cũng có thể tạo ra lối suy nghĩ về “tính tương đối” của chân lý Kitô giáo. Chân lý Kitô giáo là một trong những chân lý bên cạnh những chân lý khác và việc thiếu “lửa” và tính quyết liệt dấn thân cho việc truyền giáo. Nói như cách nói của thánh Phao-lô, những điều trên tạo nên sự hổ thẹn của người môn đệ khi làm chứng cho Chúa. Sự hổ thẹn vì không xác tín vào chân lý mình đang tin nhận. Chính vì thế chỉ có niềm tin mới mang lại sức mạnh phi thường.

Đức tin giúp người môn đệ thực hiện những việc phi thường

Sức mạnh phi thường như Chúa Giêsu nói đó là có thể bứng cả cây dâu ra biển hay có thể dời núi, lấp bể. Sức mạnh phi thường của niềm tin không chỉ trừ được sự dữ nhưng còn giúp cho người môn đệ nhận ra bản chất thật của mình, từ bỏ chính con người của mình và trung thành tin tưởng phó thác vào Chúa. Niềm tin đảo lộn tương quan chủ tớ của Thiên Chúa và con người. Và giúp con người ý thức hơn về thân phận của chính mình.

Sự trung thành với mệnh lệnh của chủ làm đảo lộn tương quan giữa chủ tớ. Ông chủ trở thành người phục vụ và ban phần thường cho người đầy tớ trung tín. “Mau lên, Hãy vào bàn dùng bữa.” Sự trung tín với ông chủ và sự trung thành với sứ mạng được giao là điều phải làm đối với người đầy tớ vô dụng.” “Khi các con làm xong mọi điều đã truyền dạy các con, thì các con hãy nói rằng: ‘Chúng tôi là đầy tớ vô dụng, vì chúng tôi đã làm điều chúng tôi phải làm’” Người đầy tớ trung thành không làm vì được trả công nhưng làm vì tin rằng mình chỉ là người đầy tớ vô dụng làm những gì cần phải làm với sự tin tưởng của người chủ.

Sức mạnh của niềm tin thay đổi cách bạn và tôi nhìn về thực tại, nhìn về chính mình và chính Chúa. Bạn và tôi chỉ là những người đầy tớ vô dụng chỉ làm những gì phải làm cho vinh quang Nước Trời. Thiên Chúa công bằng sẽ trả công xứng đáng cho người đầy tớ trung tín còn nhiệm vụ của người đầy tớ trung tín là cần làm những gì phải làm. 

Gioan Phạm Duy Anh SJ

[1] https://kienthuccuocsong.edu.vn/cau-chuyen-cuoc-song-cau-chuyen-ve-niem-tin/

Kiểm tra tương tự

Thánh lễ cầu cho các Giêsu Hữu đã qua đời

Sáng ngày 02/11/2024, tại Đất Thánh Đan Viện Biển Đức Thiên Bình, Tỉnh Dòng Tên …

Inhaxio Loyola, Linh Thao và Dilexit Nos

    Mới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành một Thông Điệp có …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *