Suy Tư Chúa Nhật 31 TNC: để tìm và để cứu

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,

Bài Tin Mừng hôm nay kể cho chúng ta chuyện ông Da-kêu “tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai,” nhưng đây cũng là câu chuyện Thiên Chúa đi tìm kiếm con người – tìm kiếm mỗi người chúng ta.

Để có thể xem thấy Đức Giê-su, ông Da-kêu đã phải nỗ lực vượt qua chính giới hạn của bản thân, cũng như rào cản của xã hội. Trước hết, ông không thể nhìn thấy Đức Giê-su vì giới hạn thể lý, đó là: “dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn.” Da-kêu thấp bé dường như bị mất hút vào trong đám đông ồn ào náo nhiệt. Ông không chỉ bị giới hạn về thể lý, nhưng Da-kêu dường như cũng trở nên ‘vô hình,’ trở nên ‘chẳng là gì’ trong ánh mắt xem thường của những người khác. Thời ấy người ta vẫn coi khinh những người thu thuế là những kẻ tội lỗi, huống gì ông lại là người đứng đầu của những người thu thế. Chúng ta có thể hình dung ra những tiếng xầm xì khinh miệt và sự xa lánh của dân chúng khi thấy ông cũng lân la chen lấn để có thể thấy Đức Giê-su.

Ấy vậy, những giới hạn này không khiến Da-kêu nản lòng bỏ cuộc. Chính lòng khao khát mãnh liệt muốn “xem cho biết Đức Giê-su là ai” đã cho ông có được sức mạnh để vượt qua những rào cản của bản thân cũng như của xã hội. Chính lòng khao khát đã làm cho Da-kêu chẳng cần để ý tới thể diện bề ngoài của mình. Ông cũng không cảm thấy ngại ngùng xấu hổ trước những lời cười đùa của đám đông vì hành động lạ lùng của mình. Điều mà Da-kêu bận tâm bây giờ đó là làm cách nào để có thể “xem thấy Đức Giê-su.” Chính lòng khao khát gặp Đức Giê-su khiến Da-kêu không bỏ cuộc: ông liền chạy lên phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó. Có thể nói Da-kêu đã vượt qua khỏi sự chen lấn và vượt qua cả thành kiến của đám đông, khi ông chạy vượt lên phía trước. Ông không để cho sự chen lấn, hay sự khinh khi của đám đông dập tắt lòng ước muốn “xem cho biết Đức Giê-su là ai.” Da-kêu cũng vượt lên khỏi những giới hạn thể lý của bản thân mình, và vượt qua cả lòng tự ái của mình. Ông đã leo lên một cây sung, và vì vậy giờ đây ông đã cao hơn chính bản thân mình, và cao hơn cả đám đông dân chúng đang chen lấn nhau phía dưới. Chính vì vậy, Da-kêu xứng đáng được thỏa mãn lòng ước muốn có thể “xem thấy Đức Giê-su” sau những nỗ lực tuyệt vời của mình.

Diễn biến của câu chuyện lại cho chúng ta thấy một cuộc tìm kiếm khác, đó là Đức Giê-su tìm kiếm ông Da-kêu. Giữa hàng trăm người chen lấn ồn ào, nhưng ánh mắt của Đức Giê-su hướng về phía ông Da-kêu với sự trìu mến. Nếu như dân chúng xem Da-kêu như một người ‘vô hình,’ thì Đức Giê-su lại thấy ông nổi bật giữa đám đông. Da-kêu không chỉ được thỏa mãn lòng ước mong là “nhìn xem Đức Giê-su,” nhưng chính Đức Giê-su cũng đang đưa mắt nhìn lên Da-kêu. Nếu như đám đông dân chúng khinh miệt xa lánh ông, thì Đức Giê-su lại dừng lại nói chuyện thân tình với ông.

Không những vậy, Đức Giê-su còn có một đề nghị, và dường như Người đã có sẵn một kế hoạch: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” Có lẽ Da-kêu ngạc nhiên vô cùng khi Đức Giê-su gọi tên của mình. Ông còn ngạc nhiên hơn nữa với lời đề nghị của Đức Giê-su xin được ghé thăm nhà ông. Như lời của dân chúng xầm xì với nhau: nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!, Da-kêu có lẽ cũng tự biết rằng chẳng mấy người muốn đến nhà ông, ngoại trừ những người cũng bị gán cho là phường tội lỗi như ông. Thế nên chúng ta có thể thấy được niềm vui lớn lao được tỏ lộ trên khuôn mặt của Da-kêu. Ông mừng rỡ đón rước Đức Giê-su vì có lẽ đây là một trong những lần hiếm hoi ông cảm nhận được sự trân trọng quý mến của người khác. Chính vì sự đón nhận ấy khiến cho ông Da-kêu không còn cảm thấy mặc cảm về bản thân mình. Ông đã vui mừng tiếp rước Đức Giê-su với tất cả tấm lòng thành, với tất cả con người của mình.

Cuộc gặp gỡ với Đức Giê-su không chỉ mang lại niềm vui cho Da-kêu, nhưng còn biến đổi hoàn toàn đời sống của ông. Ông tự nguyện thưa với Đức Giê-su: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” Nếu như đời sống trước đây của ông là để thu góp tiền của, thì bây giờ ông dùng chúng để chia sẻ với những ai cần đến nhất. Nếu như trước đây ông đã sống bất công với người khác, thì bây giờ ông muốn đền bù cho họ. Hệ quả của việc chia sẻ của cải và đền bù cho người khác có thể khiến Da-kêu nghèo đi, nhưng bây giờ ông tìm được ý nghĩa của cuộc sống mới nơi Thiên Chúa. Ông Da-kêu chỉ mong nhìn thấy mặt Đức Giê-su, nhưng Thiên Chúa ban cho ông nhiều hơn những gì ông ước mong: hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu của tổ phụ Abraham.

Như vậy, khởi đi từ lòng khao khát “xem cho biết Đức Giê-su là ai,” Đức Giê-su đã tỏ lộ cho ông Da-kêu thấy chính dung nhan Thiên Chúa: một Thiên Chúa dịu dàng hiền hậu, một Thiên Chúa tìm kiếm con người, một Thiên Chúa tìm đến với tội nhân…một Thiên Chúa đi tìm và cứu những gì đã mất. Đây là câu chuyện kể về việc ông Da-kêu khát khao tìm gặp Chúa, nhưng kỳ thực chính Chúa mới là người đi tìm kiếm Da-kêu. Con người đi tìm kiếm Thiên Chúa nhưng chính Thiên Chúa mời là Đấng đi tìm kiếm con người.

Ước mong mỗi người trong chúng ta cũng có lòng khao khát tìm gặp Chúa mỗi ngày như ông Da-kêu. Chính qua những giờ phút gặp gỡ Thiên Chúa trong đời sống thường ngày, Thiên Chúa tỏ lộ cho chúng ta nhìn thấy dung nhan dịu hiền của Người. Đời sống của mỗi người chúng ta chắc chắn cũng sẽ được biến đổi, nếu chúng ta chào đón Chúa Giê-su đến thăm và ở lại trong ngôi nhà tâm hồn đơn sơ của mình. Thiên Chúa chẳng ngại tìm đến và ở lại dùng bữa với chúng ta, dù ta có nhỏ bé thấp hèn đến mấy – “Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.” Amen!

Giuse Hoàng Thanh Phong, S.J.

Kiểm tra tương tự

Các Thánh và hành trình chữa lành từ nỗi đau

  Vì Con Chiên đang ngự ở giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa …

10 sách nói tuyệt vời gia đình cùng thưởng thức

  Đây là những cuốn sách sẽ giúp cả người lớn lẫn trẻ em say …