Nguyên văn bài phỏng vấn ĐHY Tagle về việc Tòa Thánh gia hạn hiệp định với Trung Quốc

NGUYÊN VĂN BÀI PHỎNG VẤN ĐHY TAGLE
VỀ VIỆC TÒA THÁNH GIA HẠN HIỆP ĐỊNH VỚI TRUNG QUỐC
(Gia hạn Hiệp định để bảo đảm sự kế vị các Tông đồ trong đời sống Giáo Hội Trung Hoa)

ĐHY Luis Antonio Tagle

Gianni Valente

Trả lời phỏng vấn của ông Gianni Valente – Giám đốc hãng  hãng tin Fides của Bộ Loan Báo Tin Mừng cho Các Dân Tộc, Đức Hồng Y Luis Antonio Gokim Tagle giải thích lý do của việc gia hạn hiệp định tạm thời với Trung Hoa là nhằm đảm bảo rằng các giám mục Công Giáo Trung Hoa có thể thực thi chức vụ của họ trong sự hiệp thông hoàn toàn với Đức Giáo Hoàng, cũng như nhằm bảo vệ đời sống bí tích của Giáo Hội Công Giáo tại Trung Hoa.

Bằng những lời nhẹ nhàng và cẩn trọng, Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle giải thích lý do Tòa Thánh quyết định gia hạn hiệp định tạm thời với Trung Hoa về việc bổ nhiệm các giám mục.

“Lý do của mọi thứ là để gìn giữ sự kế vị tông đồ hợp pháp và bản chất bí tích của Giáo Hội Công Giáo ở Trung Hoa. Và điều này có thể củng cố, nâng đỡ và chấn hưng” các tín hữu Công Giáo Trung Hoa,” vị hồng y người Phi Luật Tân cho biết.

Đức Hồng Y cũng gợi nhắc về cảm thức đức tin của rất nhiều tín hữu Công Giáo Trung Hoa và mô tả đó như là “một chứng tá quý giá vốn thường nảy mầm không phải trong những khu vườn được chăm bón và bảo vệ tốt, mà trên những mảnh đất khắc nghiệt và gập ghềnh.” Đồng thời, ngài thừa nhận rằng “một số vết thương cần thời gian và sự an ủi của Chúa để được chữa lành.”

Ngài cũng lưu ý rằng các Giám mục “không thể được coi là ‘những công chức’” và khẳng định “các giám mục không phải là ‘những công chức của Đức Giáo Hoàng’ hay ‘của nhà nước Vatican’, mà là những người kế vị các Tông đồ.”

Dưới đây là toàn văn cuộc phỏng vấn:

Thưa Đức Hồng Y, đâu là những tiêu chí khiến Tòa Thánh kiên trì với quyết định được đưa ra cách đây 4 năm?

Hiệp định tạm thời giữa Tòa Thánh và Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được ký kết vào năm 2018 liên quan đến các thủ tục lựa chọn và bổ nhiệm các giám mục Trung Hoa. Đây là một vấn đề đặc biệt, chạm đến điểm cốt yếu trong đời sống của cộng đồng Công Giáo ở Trung Hoa. Tại đất nước đó, các sự kiện lịch sử đã dẫn đến những chia cắt đau đớn trong Giáo Hội, đến mức tạo ra một bóng đen nghi ngờ lên chính đời sống bí tích. Vì vậy, có những điều đang bị đe dọa chạm đến bản chất sâu xa của Giáo Hội và sứ mạng cứu độ của Giáo Hội.

Với hiệp định này, các nỗ lực được thực hiện để đảm bảo rằng các giám mục Công Giáo Trung Hoa có thể thực hiện vai trò giám mục của mình trong sự hiệp thông trọn vẹn với Đức Giáo Hoàng. Lý do của mọi thứ là để gìn giữ sự kế vị tông đồ hợp pháp và tính chất bí tích của Giáo Hội Công Giáo ở Trung Hoa. Và điều này có thể có thể củng cố, nâng đỡ và chấn hưng người Công Giáo tại Trung Hoa.

Tòa Thánh luôn nhắc lại bản chất tạm thời của hiệp định, vốn cũng chạm đến một vấn đề sống còn đối với Giáo Hội và vì lý do này, nó không thể bị giảm xuống thành một yếu tố phụ của một số chiến lược ngoại giao. Bất kỳ sự cân nhắc nào mà bỏ qua hoặc che đậy đặc điểm cơ bản này của hiệp định đều dẫn đến một lối giải thích chưa chính xác.

Bây giờ chưa phải là lúc đánh giá lại, ngay cả với hiệp định tạm thời. Nhưng từ quan điểm của Đức Hồng Y, ngài thấy tiến trình đã được thực thi và những hiệu quả của hiệp định như thế nào?

Kể từ tháng 9 năm 2018, sáu giám mục đã được tấn phong theo đúng các thủ tục đã được thoả thuận trong Hiệp định. Các kênh và không gian cho việc đối thoại vẫn mở và điều này đã phù hợp trong hoàn cảnh cho phép. Tòa Thánh, sau khi lắng nghe chính phủ Trung Hoa cũng như các giám mục, linh mục, tu sĩ và giáo dân, ý thức hơn về thực tế này, nơi mà lòng trung thành với Đức Giáo Hoàng đã được gìn giữ ngay cả trong những thời điểm và bối cảnh khó khăn, như một dữ liệu nội tại của sự hiệp thông Giáo Hội. Việc lắng nghe những lập luận và phản đối của chính phủ cũng khiến chúng tôi phải tính đến các bối cảnh và “não trạng” của những người đối thoại với chúng tôi. Chúng tôi khám phá ra rằng những điều hoàn toàn rõ ràng và gần như hiển nhiên đối với chúng tôi có thể là điều mới mẻ và chưa được biết đến đối với họ. Đối với chúng tôi, điều này cũng đưa đến một một thách đố để tìm ra những ngôn từ mới, những ví dụ mới có sức thuyết phục và quen thuộc cho sự nhạy cảm của họ, giúp họ hiểu dễ dàng hơn những gì chúng tôi thực sự quan tâm.

Và Tòa Thánh thực sự ưu tiên điều gì?

Ý định của Tòa Thánh chỉ ưu tiên lựa chọn các giám mục Công Giáo tốt của Trung Hoa, những người xứng đáng và phù hợp để phục vụ nhân dân của họ. Nhưng việc ưu tiên lựa chọn các giám mục xứng đáng và phù hợp cũng là lợi ích của các chính phủ và chính quyền quốc gia, bao gồm cả chính phủ và chính quyền Trung Hoa. Và một trong những mong muốn của Tòa Thánh là thúc đẩy hòa giải, và nhìn thấy những chia cắt và xung đột trong lòng Giáo Hội do những đau khổ mà Giáo Hội tại Trung Hoa đã trải qua được chữa lành. Một số vết thương cần thời gian và sự an ủi của Chúa để được chữa lành.

Liệu có nguy cơ che giấu các vấn đề dưới bức màn của một sự lạc quan mang tính giả định nào đó hay không, thưa Đức Hồng Y?

Kể từ khi tiến trình này bắt đầu, không ai thể hiện sự đắc thắng ngây thơ. Tòa Thánh chưa bao giờ nói hiệp định này là giải pháp của mọi vấn đề. Người ta luôn nhận thức và khẳng định rằng con đường còn dài, có thể gây mệt mỏi và bản thân hiệp định có thể gây ra những hiểu lầm và mất phương hướng. Tòa Thánh không làm ngơ và thậm chí không coi nhẹ những phản ứng khác nhau giữa những người Công Giáo Trung Hoa trước hiệp định, nơi mà niềm vui của nhiều người đan xen với sự bối rối của những người khác. Đó là một phần của tiến trình. Nhưng người ta luôn phải vấy bẩn bàn tay của mình với thực tế vốn có của nó. Nhiều dấu hiệu chứng minh rằng nhiều người Công Giáo Trung Hoa đã nắm bắt được nguồn cảm hứng mà Tòa Thánh đang theo đuổi trong tiến trình đang diễn ra. Họ biết ơn và được an ủi vì một tiến trình khẳng định trước tất cả mọi người sự hiệp thông trọn vẹn của họ với Đức Giáo Hoàng và Giáo Hội hoàn vũ.

Chính quyền dân sự can thiệp vào sự lựa chọn các giám mục Trung Hoa. Nhưng điều này dường như không mới hoặc không chỉ xảy ra đối với hoàn cảnh của Trung Hoa…

Sự can thiệp của chính quyền dân sự vào sự lựa chọn các giám mục đã xảy ra nhiều lần và dưới nhiều hình thức khác nhau trong suốt lịch sử. Ngay cả ở Philippines, đất nước của tôi, các quy tắc của “Patronato Real” đã có hiệu lực trong một thời gian dài, trong đó tổ chức của Giáo Hội phải phục tùng quyền lực hoàng gia Tây Ban Nha. Ngay cả thánh Phanxicô Xaviê và các tu sĩ Dòng Tên đã thực thi sứ mạng của họ ở Ấn Độ dưới sự bảo trợ của triều đình Bồ Đào Nha … Đây chắc chắn là những điều và bối cảnh khác nhau, vì mỗi trường hợp đều có đặc tính và cách giải thích lịch sử của nó. Nhưng trong những tình huống như vậy, điều quan trọng là thủ tục được sử dụng để bổ nhiệm các giám mục phải bảo đảm và bảo vệ những gì giáo lý và kỷ luật của Giáo Hội công nhận là thiết yếu để sống sự hiệp thông phẩm trật giữa Đấng kế vị thánh Phêrô và các giám mục khác, những người kế vị các Tông đồ. Và điều này cũng xảy ra trong các thủ tục hiện đang được sử dụng ở Trung Hoa.

Chính phủ Trung Hoa luôn kêu gọi “Hán hóa” (sinicization) Giáo Hội địa phương …

Trong suốt lịch sử, Kitô giáo luôn sống trong các tiến trình hội nhập văn hóa cũng như thích nghi với các bối cảnh văn hóa và chính trị. Thách thức ở Trung Hoa cũng có thể chứng minh rằng việc thuộc về Giáo Hội không phải là trở ngại để trở thành một công dân Trung Hoa tốt. Không có mâu thuẫn, không có hoặc là-hay là, và thực sự việc bước theo các tông đồ trong đức tin có thể giúp các Kitô hữu tốt cũng trở thành công dân tốt.

Ở giai đoạn này của tiến trình, và trước những chậm chạp và thất bại có thể xảy ra, Tòa Thánh có thể dựa vào điều gì? Và người ta có thể tin tưởng điều gì?

Cảm thức đức tin (sensus fidei) được làm chứng bởi rất nhiều tín hữu Trung Hoa luôn mang lại an ủi. Một chứng tá quý báu, thường nảy mầm không phải trong những khu vườn được chăm bón và bảo vệ tốt, mà trên những mảnh đất khắc nghiệt và không bằng phẳng. Nếu tôi nhìn vào lịch sử Công Giáo ở Trung Hoa trong những thập kỷ gần đây, đoạn thư của thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma luôn đến với tôi: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?… Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thằng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta.” (Rm 8,35.37). Nhiều tín hữu Trung Hoa đã kinh nghiệm những điều thánh Phaolô viết. Những khó khăn, gian truân, nhưng cũng là chiến thắng do tình yêu của Đức Kitô dành cho họ.

Câu trả lời nào được đưa ra cho những người nói rằng Tòa Thánh, để thoả hiệp với với chính quyền Trung Hoa, đã che giấu và phớt lờ những đau khổ và vấn đề của người Công Giáo Trung Hoa?

Những đau khổ và khó khăn trong quá khứ và gần đây luôn luôn hiện hữu trước cái nhìn của Toà Thánh về các sự kiện của Giáo Hội tại Trung Hoa. Ngay cả những lựa chọn hiện tại cũng được thực hiện chính xác bắt đầu từ sự công nhận và lòng biết ơn này đối với những người đã tuyên xưng đức tin của mình vào Chúa Kitô trong những thời gian khó khăn. Trong cuộc đối thoại, Tòa Thánh tôn trọng các đại diện của chính phủ Trung Hoa, nhưng không bao giờ phớt lờ và luôn đưa ra những tình cảnh đau khổ của các cộng đồng Công Giáo, đôi khi nảy sinh từ những áp lực và sự can thiệp không phù hợp.

Điều gì có thể giúp bộ máy chính trị Trung Hoa công nhận các giám mục “hầm trú”?

Đây là một điểm luôn được cân nhắc trong cuộc đối thoại. Để ủng hộ giải pháp của vấn đề này, có lẽ sẽ hữu ích khi ghi nhớ rằng tất cả các giám mục không thể được coi là “những quan chức”: các giám mục không phải là “những quan chức của Đức Giáo Hoàng” hay “của nhà nước Vatican,” mà là “những người kế vị các Tông đồ; và các ngài thậm chí không thể được coi là “những quan chức tôn giáo” của các bộ máy chính trị trên thế giới, hay như Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói, “các giáo sĩ của nhà nước.”

Sự nhầm lẫn liên quan đến nhiệm vụ giám mục và mối quan hệ giữa các giám mục và Đức Giáo Hoàng dường như không chỉ tồn tại ở Trung Hoa …

Có lần tôi nghe một hướng dẫn viên du lịch ở Đền thờ thánh Phêrô đang cố gắng giải thích cho khách du lịch về hình ảnh và vai trò của Đức Giáo Hoàng trong Giáo Hội. Người hướng dẫn viên cố gắng tìm những hình ảnh quen thuộc với khách du lịch, “Giáo Hội giống như một công ty lớn, như Toyota hay Apple. Và Đức Giáo Hoàng giống như giám đốc điều hành của ‘công ty’ này.” Khách du lịch có vẻ hài lòng với lời giải thích này, và chắc chắn trở về nhà với ý tưởng này dù chúng không hoàn toàn phù hợp với vai trò thực sự của Đức Giáo Hoàng là Giám đốc điều hành và của Giáo Hội với tư cách là một doanh nghiệp kinh tế và tài chính …

Đức Hồng Y được Đức Giáo Hoàng Phanxicô gọi về Rôma để đảm trách Tổng trưởng Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc, Đức Hồng Y có ấn tượng gì về những hình thức và năng lượng mà người Công Giáo Trung Hoa sống ơn gọi truyền giáo của họ ngay cả đối với vô số đồng bào chưa biết Chúa Giêsu?

Tôi thấy rằng các giáo xứ và cộng đồng thực hiện công việc mục vụ và bác ái với lòng nhiệt thành và sự sáng tạo trên khắp Trung Hoa. Hàng năm có nhiều lễ rửa tội mới ngay cả cho những người lớn. Đây là một hoạt động tông đồ do các cộng đồng Công Giáo Trung Hoa thực hiện hàng ngày, luôn phù hợp với những đề nghị của Huấn Quyền, ngay cả trong nhiều giới hạn. Trong những năm gần đây, các cộng đồng Công Giáo Trung Hoa đã sống cách mạnh mẽ Năm Đức Tin, Năm Thánh Lòng Thương Xót, và nhiều sáng kiến bác ái trong thời Covid. Ngay cả khi tôi sống ở Manila, tôi luôn bị ấn tượng bởi chứng tá của những người Công Giáo Trung Hoa và các cộng đồng khác từ các quốc gia nơi họ sống trong các điều kiện thiểu số và cũng trong bối cảnh khó khăn. Những người Công Giáo Trung Hoa xa xứ cũng tiếp tục giúp đỡ Giáo Hội ở Trung Hoa bằng nhiều cách, chẳng hạn bằng cách hỗ trợ xây dựng các nhà thờ và nhà nguyện. Các Giáo Hội địa phương có ranh giới địa lý, nhưng có một không gian nhân tính của sự hiệp thông Giáo Hội vượt ra ngoài các ranh giới.

Mẹ của Đức Hồng Y có ký ức gì về đức tin của tổ tiên người Hoa của mình?

Mẹ tôi sinh ra ở Philippines, và bà lớn lên ở Philippines chứ không phải ở Trung Hoa. Ông ngoại của tôi đã trở thành một Kitô hữu và đã lãnh nhận phép Rửa tội. Ông là một người Công Giáo Trung Hoa rất cụ thể và “thực dụng”.

Vào ngày giỗ bà cụ, ông ngoại dâng hương và đồ ăn trước di ảnh bà cụ và nói với các cháu: “Không ai được đụng vào đồ ăn này! Trước hết bà cụ phải nếm thử trên trời, rồi mới đến lượt chúng ta…”

Ở một khía cạnh nào đó, kí ức của ông ngoại, giờ đây cũng giúp tôi xem xét điều gì có thể hữu ích hơn trong cuộc đối thoại với chính phủ Trung Hoa.

Ngài đang đề cập đến điều gì?

Khi tôi tâm sự với ông ngoại về mong muốn được vào Chủng viện, ông nói với tôi: “Ta đã không tưởng tượng rằng cháu sẽ trở thành một linh mục… Ta không hiểu thế giới của các linh mục!” Tôi cảm thấy hơi buồn, và sau đó ông nói thêm: “Ta không hiểu, nhưng ta vẫn muốn cháu trở thành một linh mục tốt.” Bây giờ, khi xem xét cuộc đối thoại với chính phủ Trung Hoa về các vấn đề của Giáo Hội, tôi nghĩ rằng đôi khi tốt hơn nên tìm kiếm những lập luận đơn giản và trực tiếp, để đáp ứng cách tiếp cận cụ thể và thực dụng của những người đối thoại với chúng ta. Không thể mong đợi họ hiểu biết sâu sắc mầu nhiệm Giáo Hội, được Chúa Thánh Thần linh động. Tôi cũng khó giải thích cho ông tôi về nguồn gốc ơn gọi linh mục của tôi… Và điều quan trọng là tôi phải tính đến mong muốn đơn giản của ông rằng tôi sẽ là một linh mục tốt.

Năm 2022 đánh dấu 400 năm thành lập Bộ Truyền bá Đức tin, nay là Bộ Loan báo Tin Mừng cho các Dân tộc, một tổ chức đóng một vai trò quan trọng trong hành trình của Giáo Hội tại Trung Hoa. Chúng ta nên nhìn việc kỷ niệm này như thế nào? Liệu nó có đánh dấu sự kết thúc của một lịch sử?

Từ Văn Phòng của Bộ Truyền bá Đức tin, luôn có một cái nhìn có tính tiên tri đối với các sự kiện của Kitô giáo ở Trung Hoa. Hãy nghĩ đến vai trò của Celso Costantini, đại diện Tông toà đầu tiên tại Trung Hoa thời hậu đế quốc và sau đó trở thành Thư ký của Bộ Truyền bá Đức tin.

Về hiện tại và tương lai, lịch sử vĩ đại của Bộ Truyền bá Đức tin không bị gạt bỏ và rơi vào quên lãng. Nhiều điều có thể thay đổi, và bối cảnh hiện tại không còn là bối cảnh mà Bộ Truyền bá Đức tin được thành lập. Nhưng dòng chảy của đức tin, niềm hy vọng và lòng bác ái được thông truyền qua Bộ Truyền bá Đức tin không bị mất đi. Và nhiều hiểu biết xuất hiện trong các thời đại trước đây có thể đề xuất các giải pháp và cách tiếp cận rất hiện tại và hoàn toàn phù hợp với tình hình hiện nay. Đức Giáo Hoàng Phanxicô lặp lại rằng Thánh Truyền không phải là một viện bảo tàng của những điều xưa cũ, mà là con đường của một thực tại sống động trong đức tin. Các cấu trúc và hình thức được sinh ra như là sự đáp ứng nhu cầu của một số thời điểm nhất định, nhưng khi các cấu trúc thay đổi, đời sống đã kích ứng các cấu trúc ấy không hề phá sản.

Điều này cũng áp dụng cho Bộ Truyền bá Đức Tin. Đây là một tổ chức được sinh ra trong những điều kiện lịch sử nhất định, nhưng sức sống tông đồ đó cũng đã được công nhận và xác chuẩn tại Công Đồng Vatican II, nơi mà người ta nhắc lại rằng toàn thể Giáo Hội được kêu gọi trở nên nhà truyền giáo trong mọi tín hữu. Đã đến lúc phải nhận ra rằng mọi thực tại và cấu trúc của Giáo Hội đều được mời gọi đến một cuộc hoán cải truyền giáo. Điều này đúng cho mọi cha xứ, cho mọi giám mục. Tông huấn Evangelii Gaudium của Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng cho thấy trong điều kiện hiện tại của Giáo Hội, mọi sự đối lập biện chứng giữa điều gì là “mục vụ” và điều gì là “truyền giáo” dường như được vượt qua.

Mọi công việc, mọi sáng kiến mục vụ phải được sống với một trái tim truyền giáo.

Tháng 10, tháng truyền giáo. Ngày Thế giới Truyền giáo năm nay được tổ chức vào Chúa Nhật, ngày 23 tháng 10. Theo Đức Hồng Y, chúng ta nên tập trung vào điều gì để tôn vinh một cách thoả đáng sự kiện truyền thống này, ở Trung Hoa và trên toàn thế giới?

Năm nay, Sứ điệp cho Ngày Thế giới Truyền giáo của Đức Giáo Hoàng Phanxicô có chủ đề: “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8). Chủ đề này lấy từ sách Công vụ Tông đồ. Và chứng tá mà Đức Giáo Hoàng nói đến chính là chứng tá về đời sống Phúc Âm hóa của các Kitô hữu. Họ có thể tỏa sáng trong đời sống hàng ngày, trong sự kiên trì trung thành và vui mừng của những người đã được biến đổi và chữa lành nhờ cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu.

Đôi khi chúng tôi nghe nói rằng có nguy cơ “giảm bớt” sứ mạng đối với các hoạt động xã hội. Và rằng cần phải loan báo Tin Mừng một cách rõ ràng và riêng biệt để tạo một nền tảng cho các “hoạt động” …

Trong những năng động của việc làm chứng và tuyên xưng đức tin Kitô giáo, tôi dường như không nhận thức được những biện chứng rõ ràng này giữa việc loan báo Tin Mừng và các hoạt động bác ái. Có lần tôi đi cùng với những người đang mang hàng viện trợ đến một trại tị nạn, nơi không có người Kitô hữu. Một trong những người tị nạn hỏi: Tại sao các bạn là những Kitô hữu lại lo lắng cho chúng tôi? Tại sao bạn đi rất xa để đến đây mà không hề biết chúng tôi? Tôi trả lời rằng chúng tôi chỉ theo Chúa Giêsu, Chúa của chúng tôi, bởi vì Ngài đã dạy chúng tôi yêu thương và phục vụ mọi người. Lúc đó, một cô gái nói: Tôi muốn biết Chúa Giêsu này. Một cử chỉ bác ái đã làm dấy lên nhiều câu hỏi. Tôi nghĩ rằng Chúa Thánh Thần đã hoạt động trước sự tò mò của những người đặt câu hỏi. Nhờ đó, trái tim có thể mở ra để loan báo Tin Mừng. Việc làm chứng chắc chắn có thể được thực hiện bằng cách lặp lại những lời chân thật loan báo về sự cứu rỗi mà Chúa Kitô đã hứa. Nhưng chứng tá sống động của đức ái tự nó đã là một sự công bố Lời Chúa.

Văn Quynh, SJ

Chuyển ngữ từ: vaticannews.va/en (22.10.2022)

 

Kiểm tra tương tự

Thánh Thể, vầng trăng mơ ước của tuổi thơ

Nhìn trăng lên, con người mọi thời đều mơ một cuộc sống trường sinh bất …

Kết nối với Gen Z: 4 chiến lược cho Giáo hội Công giáo

Chúng ta đều đang đặt ra cùng một câu hỏi: làm thế nào để kết …