Suy Tư Chúa Nhật 32 TNC: Niềm tin vào sự sống đời sau

Các bạn thân mến,

Chúng ta đang dần bước vào những tuần cuối cùng của Năm Phụng Vụ, Giáo Hội cho chúng ta nghe những bài đọc liên quan đến thời cánh chung. Một câu hỏi gợi lên cho chúng ta là chúng ta sẽ hiện hữu ra sao sau khi chết? Tuy nhiên câu hỏi này thực chất là câu hỏi liên quan đến niềm tin của tôi vào Thiên Chúa. Thiên Chúa là ai đối với tôi và tôi sẽ hiện hữu ra sao đối với Ngài. Nói cách khác câu hỏi về cùng đích đời sống con người thực chất là câu hỏi về niềm tin và cách thức sống niềm tin.

  1. Thế giới tự nhiên và thế giới siêu hình

Khi chúng ta nhìn vào lòng mình và nhìn vào thế giới tự nhiên, chúng ta thấy rằng đằng sau những thực tại khả giác còn có thực tại vô hình. Thực tại đó đang tác động đến chúng ta. Thế giới đó vẫn là một bí ẩn thôi thúc con người đi tìm và khám phá. Các Khoa Học Nhân Văn, Xã Hội và Triết Học đang cố gắng đi tìm câu trả lời về thế giới siêu hình và nguyên nhân đầu tiên của vạn vật? Một số nhà khoa học và một số triết gia vô thần đã “hùng hổ” đi tìm nguyên nhân đầu tiên hòng làm cơ sở nhằm phá đổ mọi hệ thống giá trị để rồi cuối cùng bị vùi lấp trong một mớ hỗ độn của thế giới vô trật tự và chua chát nhìn nhận sự vô lý của đời sống. Tuy nhiên câu hỏi về tác nhân đằng sau thế giới hữu hình vẫn là một vấn đề luôn thôi thúc con người lên đường đi tìm và khám phá. Thế giới đằng sau cái chết vẫn là một bí ẩn. Bí ẩn này được giải thích phần nào nhờ các tôn giáo.

Trước thời Ma-ca-bê, người Do Thái không tin vào sự sống đời sau. Quan niệm phổ biến vào thời ấy cho rằng con người sau khi chết thì sẽ bị giam giữ trong một nơi gọi là Sheol[1], nơi tối tăm và xa cách vĩnh viễn với cuộc sống con người. Sheol là tình cảnh con người bị bỏ rơi hoàn toàn.[2] Câu hỏi đặt ra là số phận người công chính sẽ ra sao khi họ sẵn sàng hy sinh sự sống của mình vì đức tin? Anh em nhà Ma-ca-bê tin rằng “Chúng tôi chết vì luật pháp của Vua vũ trụ, nên Người sẽ cho chúng tôi sống lại hưởng sự sống muôn đời.”[3] Người trung tín tuân giữ luật pháp Chúa Trời sẽ được Người cho ở vào một nơi vĩnh viễn. Điều này khác biệt hẳn với quan niệm của những người Sa-đốc. Những người không tin vào sự sống đời sau và tìm cách để gài bẫy Chúa Giê-su.    

  1. Niềm tin vào sự sống đời sau

Tin Mừng thuật lại việc mấy người thuộc nhóm Sa-đốc đến gặp Đức Giê-su để thử người và chất vấn người về sự sống đời sau bằng cách hỏi về số phận của người phụ nữ cho bảy đời chồng. Câu hỏi này là cái bẫy nhằm trắc nghiệm về lập trường của Chúa Giê-su vì nhóm này chủ trương không có sự sống sau. Chúa Giê-su khẳng định hai điều căn bản về định chế hôn nhân và sự sống đời sau.

“Đức Giê-su đáp: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại. Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Mô-sê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp. Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống.[4]  

Định chế hôn nhân chỉ tồn tại khi con người còn ở thế gian này còn những ai đáng hưởng sự sống đời sau thì không còn lấy vợ gả chồng nữa. Họ sống như các thiên thần, là con cái Thiên Chúa và là con cái sự sống lại. Hôn nhân hiện tại là phản ánh của cuộc hôn nhân vĩnh cửu trên Thiên Quốc. Hạnh phúc đời này sẽ được hoàn tất vào thời sau hết. Còn về sự sống đời sau thì chính Mô-sê là người đã được mạc khải trong thị kiến về bui gai bốc cháy. Thiên Chúa là Thiên Chúa của Abraham, Issac và Giacob nghĩa là Thiên Chúa của kẻ sống chứ không phải của kẻ chết. Người là Thiên Chúa hằng sống, ai gắn bó với Ngài thì có sự sống đời đời. Như thế lập trường của Chúa Giê-su khẳng định hai điều rõ nét. Thứ nhất Ngài khẳng định sự sống đời sau thực sự tồn tại. Thứ hai, sự sống đời sau có liên quan đến Thiên Chúa hằng sống. Hai điều trên thực sự gắn bó chặt chẽ với nhau. Sự sống đời đời của chúng ta liên quan đến Thiên Chúa hằng sống.  

Sự sống mà Chúa nói đến được mặc khải trọn vẹn nơi Đức Giê-su Ki-tô. Ngài là Ngôi Hai Thiên Chúa, Đấng đã đánh bại tử thần, xuống ngục tổ tông phá tan xiềng xích, trả lại tự do và loan báo tin Mừng Phục sinh cho những kẻ đang bị giam giữ. Tin Mừng phục sinh được công bố cho người sống và kẻ chết chính là niềm tin và sự sống của chúng ta. Chính Thiên Chúa là Cha chúng ta ban cho chúng ta niềm an ủi và niềm hy vọng bất diệt. Nói như thánh Phao-lô trong thư thứ hai gửi tí hữu Thê-xa-lô-ni-ca: “Thưa anh em, xin chính Chúa chúng ta là Đức Giê-su Ki-tô, và xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, Đấng yêu thương chúng ta và đã dùng ân sủng mà ban cho chúng ta niềm an ủi bất diệt và niềm cậy trông tốt đẹp, xin các Ngài an ủi và cho tâm hồn anh em được vững mạnh, để làm và nói tất cả những gì tốt lành.[5] Đối tượng của niềm hy vọng là Đức Giê-su Ki-tô và nội dung của niềm hy vọng ấy là sự sống đời đời. Như thế, niềm tin vào sự sống đời sau bắt nguồn từ việc xác tín rằng Thiên Chúa là Thiên Chúa hằng sống và Đức Ki-tô là Đấng cứu độ trần gian, Ngài đã công bố Tin Mừng giải thoát cho toàn thể vũ trụ địa cầu. Chính ân sủng từ cái chết và sự phục sinh của Chúa ban cho chúng ta niềm hy vọng và sự sống mới một khi chúng ta gắn bó với Người.   

  1. Tôi muốn tôi trở nên ra sao

Rốt cuộc, câu hỏi về sự sống đời sau thực chất là câu hỏi về sự tự do và việc chọn lựa giá trị. Thiên Chúa đã tự mặc khải chính mình, mặc khải con đường của Ngài cho bạn và tôi, vấn đề quan trọng tôi sẽ sống ra sao và tôi sẽ xử dụng tự do của mình như thế nào.

Niềm tin Ki-tô giáo xác tín rằng Nước Trời đã được Đức Ki-tô đem đến thông qua việc nhập thể, đời sống ẩn giật, công khai, chịu chết và phục sinh. Nói chung toàn thể Lời, Hành động và ngôi vị Chúa Ki-tô phát sinh ơn cứu độ và sự sống đời sau. Tuy nhiên hiệu quả của ơn cứu độ có tác động và ảnh hưởng đến bạn và tôi như thế nào còn tùy thuộc vào bạn có sẵn sàng mở lòng ra với ơn cứu độ hay không. Như thế vấn đề quan trọng vẫn là vấn đề tôi muốn tôi trở nên ra sao trước mặt Chúa. Tôi tôi tin rằng Thiên Chúa là cùng đích mà tôi luôn mong ước và khao khát, tôi sẽ huy động mọi năng lực để giúp tôi đạt được mục đích cuối cùng. Còn nếu tôi tin rằng thế giới mai sau chỉ là một ảo tưởng, nó là một phát minh của những nhà lãnh đạo tôn giáo nhằm điều khiển con người, các bạn sẽ sống khác. Nói một cách đơn giản bạn tin ra sao bạn sẽ sống như vậy!

Thành thử ra, cách thức mà bạn sống sẽ ảnh hưởng đến cách mà bạn tương quan với người khác và cách thức giúp bạn có được hạnh phúc. Bạn và tôi luôn khao khát hạnh phúc nhưng điều kiện để có được hạnh phúc đôi khi bạn và tôi không muốn thực hiện. Hạnh phúc không phải là một thực tại để chiếm giữ nhưng là kết quả của một tương quan với một ngôi vị. Ngôi vị đó thay đổi hướng đi căn bản của đời tôi.

Lạy Chúa xin gia tăng lòng tin nơi chúng con để chúng con luôn xác tín rằng Ngài là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Ngài, tất cả đều đang sống. Amen 

Gioan Phạm Duy Anh SJ

[1] https://www.biblestudytools.com/dictionary/sheol/ (Truy cập 16/10/2022)

[2]  ĐIỂN NGỮ THẦN HỌC THÁNH KINH, Phân Khoa Thần Học, GHHV Piô X, NXB TG, Tr. 73

[3] 2 Mcb 7, 9

[4] Lc 20, 37-38

[5] 2 Tx 2, 16-17

Kiểm tra tương tự

Cuộc đời Thánh Anê dạy chúng ta biết coi trọng con trẻ

  Là người lớn, chúng ta luôn có những điều cần phải học hỏi từ …

Năm mới, tâm hồn mới: Cảm hứng từ Giáo lý Hội thánh Công giáo

Ký ức là một phần không thể thiếu đối với bản sắc con người. Sách …