Suy Tư Chúa Nhật 4 MVB- Chuyện ấy sẽ xảy ra thế nào?

 

Bạn có bao giờ tin vào may mắn?

Cuốn sách „Bí mật của may mắn”[1] chỉ ra cho chúng ta thấy những dấu chân của may mắn mà ai cũng có thể tìm gặp. Trái với điều mọi người thường nghĩ, may mắn đến với chúng ta một cách tình cờ và ngẫu nhiên, thì tác giả cuốn sách đưa ra nhận định: Nhìn chung mọi người sinh ra đều công bằng. May mắn không đến theo kiểu may rủi. May mắn là do chúng ta tạo ra. Nói một cách khác, chỉ những người tạo ra những điều kiện lý tưởng nhất cho may mắn đến, người đó sẽ gặp may mắn. Vấn đề là ở chỗ hầu hết mọi người đều nghĩ rằng may mắn sẽ đến với họ, mà không cần phải làm bất cứ điều gì.

Điều quan trọng đầu tiên, cần nhận ra sự khác biệt giữa may mắn ngẫu nhiên (xác suất hên xui, mà xui là chính!) và may mắn do con người tạo ra. May mắn do con người tạo ra, nghĩa là cần chuẩn bị những điều kiện để may mắn tìm đến với mình. Nói một cách khác, may mắn là sự chuẩn bị kỹ lưỡng, biết nhận ra và nắm lấy cơ hội khi nó đến. Chứ may mắn không phải là một ngẫu nhiên tình cờ theo may rủi. Chỉ có sự may mắn do chúng ta tạo ra mới là may mắn thực sự, và nó sẽ dẫn chúng ta đến hạnh phúc vững bền, đến thành công lâu dài. Mỗi ngày đều có rất nhiều cơ hội cho mọi người, nhưng ai là người nhận được sự may mắn thực sự? May mắn đến và ở lại với ai, đều có lý do riêng của nó!

Cách đây hai ngàn năm, mọi người mong ngóng đợi chờ Đấng Cứu Thế, nhưng có mấy ai nhận ra Người, khi Ngài đến? Ngày nay, nhiều người „ganh tị” với Mẹ Ma-ri-a: Tại sao Mẹ là người duy nhất – người may mắn nhất! –  được diễn phúc làm Mẹ Thiên Chúa? Trong cái nhìn của đức tin, chúng ta biết rằng, Thiên Chúa đã chuẩn bị từ xa xưa[2] và Mẹ là người duy nhất tạo ra „những điều kiện tuyệt vời” – thưa lời xin vâng trọn vẹn – để Thiên Chúa thực hiện kế hoạch cứu độ con người. Thiên Chúa chọn Mẹ Ma-ri-a, đó vừa là hồng ân nhưng không mà Thiên Chúa dành tặng riêng cho Mẹ, nhưng đó cũng vừa là, vì Mẹ có tâm hồn khiêm nhường, tin tưởng tuyệt đối và quảng đại với Thiên Chúa.

Khi nghe những điều sứ thần nói: „Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su.” Mẹ Ma-ri-a rất bối rối, không hiểu những lời ấy. Mẹ suy đi nghĩ lại trong lòng: Chuyện ấy sẽ xảy ra cách nào? Đây là một câu hỏi tuyệt vời! Một thái độ mở toang lòng mình ra với Thiên Chúa và sẵn sàng đón nhận tất cả mọi sự ở phía trước. Mẹ Ma-ri-a chưa hiểu hết những điều sứ thần nói, nhưng Mẹ đã tin „đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được”, và trao phó trọn vẹn đời mình trong bàn tay yêu thương quan phòng của Thiên Chúa. Như thế, Đức Ma-ri-a đã tạo điều kiện tuyệt vời để Thiên Chúa có thể thực hiện những điều kỳ diệu trong cuộc đời Mẹ.

Thiên Chúa chỉ có thể hành động, khi Mẹ Ma-ri-a đồng ý với kế hoạch của Ngài. Tất nhiên, Thiên Chúa toàn năng, và thực hiện mọi điều Ngài muốn, nhưng Ngài vẫn cần câu trả lời đồng ý của Mẹ Ma-ri-a. Đây cũng chính là điều sẽ diễn ra trong cuộc sống của chúng ta! Chỉ khi chúng ta thưa xin vâng, thì Thiên Chúa mới có thể thực hiện điều Ngài muốn trong cuộc đời chúng ta.  Như thánh Âu-tinh nói: „Để tạo dựng con người, Thiên Chúa không cần con người, nhưng để cứu độ con người, Thiên Chúa cần con người cộng tác.” Thiên Chúa đang chờ đợi lời đáp xin vâng, để Ngài có thể bước vào cuộc đời chúng ta, và thực hiện những điều Ngài muốn cho chúng ta.

Ngày lễ mừng Chúa Giáng Sinh đã gần kề, Giáo hội mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng mẫu gương xin vâng của Mẹ Ma-ri-a, như là bước chuẩn bị cuối cùng để niềm vui của ngày Giáng Sinh trở nên trọn vẹn.[3] Tuỳ mức độ xin vâng, mà mỗi người sẽ đón nhận được Chúa đến nhiều hay ít! Mẹ Ma-ri-a đã xin vâng trọn hảo, nên Mẹ là người duy nhất trên trần gian được diễm phúc cưu mang Ngôi Hai Thiên Chúa trong cung lòng.

Tiếng thưa xin vâng không có nghĩa là biết trước tất cả những gì sẽ xảy ra, nhưng là thái độ tin tưởng và sẵn sàng đón nhận bất cứ chuyện gì xảy đến. Chúng ta biết rằng, đối với Mẹ Ma-ri-a khi ấy, một tương lai mịt mờ đang chờ đón, nhưng Đức Mẹ vẫn can đảm thưa xin vâng trong tin yêu. Đời chúng ta cũng thế, sống ở trần gian này, chắc chắn ai cũng đã, đang hoặc sẽ gặp đau khổ, gặp khó khăn trắc trở và phải đối diện với những bóng tối. Mỗi người đều có nỗi khổ riêng, nhưng đau khổ nhiều hay ít chưa phải là quan trọng nhất. Có lẽ, điều quan trọng hơn, chúng ta đối diện với những đau khổ và khó khăn ấy với tinh thần và thái độ nào. Chúng ta được mời gọi, hãy bắt chước Mẹ Ma-ri-a: luôn an tâm phó thác mọi sự nơi Thiên Chúa.

Sự đợi chờ của mùa Vọng, mời gọi chúng ta nhạy bén hơn với lòng thương xót của Thiên Chúa. Niềm vui bình an trong mùa Giáng Sinh giúp chúng ta cảm nếm sự hiện diện gần gũi và thân tình của Thiên Chúa. Khoảng thời gian này vừa là cơ hội, vừa là mời gọi chúng ta làm mới lại chính mình. Chúng ta hãy dành thời gian để lắng nghe, để nhận ra và mở lòng cho phép Thiên Chúa thực hiện những điều Ngài muốn trong đời mình.

Noi gương xin vâng của Mẹ Ma-ri-a, chúng ta hãy tạo nên cơ hội thuận lợi, tạo nên những điều kiện tốt – bằng cách sống khiêm nhường, luôn tin tưởng và quảng đại thưa xin vâng –  để Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể vào trong cuộc đời mỗi người chúng ta.

Lạy Chúa Hài Đồng Giê-su, cám ơn Ngài đã đến và đem bình an, hạnh phúc vào thế giới. Xin giúp chúng con mở lòng đón nhận những hồng ân ấy và luôn thao thức: Làm thế nào để sự bình an và hạnh phúc của Chúa luôn ở giữa chúng con?

Lm. Giuse Trần Văn Ngữ, SJ

[1] Tìm đọc cuốn sách “Good luck – Bí mật của may mắn”, của Alex Rovira và Fernando Trias de Bes (có thể đọc online: https://thieutrung.com/bookeverywhere/wp-content/uploads/2019/10/Bi-mat-cua-may-man.pdf )

[2] Để Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, chính Thiên Chúa cũng phải thực hiện công việc chuẩn bị từ trước. Từ khi con người sa ngã phạm tội, Thiên Chúa đã chuẩn bị và cưu mang kế hoạch cứu rỗi con người. Ngài đã chuẩn bị một dân riêng trong suốt chiều dài lịch sử. Cho đến ngày ấy, Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ tên là Ma-ri-a. Ngài ngỏ lời, và Trinh Nữ Ma-ri-a thưa xin vâng theo kế hoạch của Thiên Chúa. Mẹ Ma-ri-a đã trở nên Mẹ Thiên Chúa. Mẹ hạ sinh Đấng Cứu Thế, Đấng là nguồn ơn cứu độ cho tất cả mọi người.

[3] Truyền tin cho Đức Ma-ri-a (Lc 1,26-38). Tin Mừng Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Vọng B.

Kiểm tra tương tự

Năm mới, tâm hồn mới: Cảm hứng từ Giáo lý Hội thánh Công giáo

Ký ức là một phần không thể thiếu đối với bản sắc con người. Sách …

Giáo hội và Thuyết Tiến hóa: Câu chuyện về cuốn sách bị lên án

  Trong loạt bài về Giáo hội và Khoa học, chúng ta sẽ xem xét …