[Suy Tư Chúa Nhật] Cuộc hiện xuống mới

Các bạn thân mến,

Nếu bạn sống trong những năm 60 của thế kỷ XX, bạn mới hiểu được sức mạnh đổi mới của Công Đồng Vatican II. Công Đồng đã thay đổi cách hiểu của Giáo Hội về mặc khải của Thiên Chúa, về căn tính và sứ mạng của chính mình, cũng như cách thức Giáo Hội tuyên xưng, cử hành, sống niềm tin và hiện hữu với thế giới. Công Đồng được xem như là “một cuộc Hiện Xuống mới.” Thánh Thần đã thổi một luồng gió mới vào Công Đồng Vatican II cũng sẽ tiếp tục thổi một luồng gió mới trong bạn. Luồng gió mới này đem đến cho bạn một luồng sinh khí mới, sức sống mới và mở ra với những chân trời mới.   

  1. Lễ Hiện Xuống, một luồng gió mới

Sự đổi mới bắt nguồn từ chính Thiên Chúa. Ngài là sự mới mẻ và không bao giờ trở nên cũ kỹ. Ngài phá vỡ sự im lặng, chết chóc để đem đến một sự năng động đầy sinh khí. Ngài chính là hơi thở của Thiên Chúa, hoạt động tự do, tiếng gió rít gào, gầm thét, bẻ gẫy, uốn cong và bứt tung[1] nhưng lại hoạt động âm thầm sâu lắng trong tâm hồn bạn. “1 Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, 2 bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. 3 Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. 4 Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho.”[2] Thần Khí đã thổi một luồng gió mới vào các tông đồ, và trong tâm hồn bạn. Những động từ đầy sinh khí của ngày Lễ Ngũ Tuần: tiếng động phát ra, tiếng gió ùa mạnh, lưỡi lửa xuất hiện, nói các tiếng lạ.” Chính Thánh Thần tạo lên một luồng sinh khí mới cho tâm hồn các ông, khi tâm hồn các ông bị đóng kín vì sợ hãi. Thánh Thần lay động không gian và hồn bạn. Ngài phá vỡ sự chia cắt, tạo nên hiệp nhất dù khác biệt ngôn ngữ các tông đồ cũng có thể rao truyền Lời Chúa. Điều này có thể xảy ra là bởi vì: thứ nhất, Thánh Thần hiện xuống ban cho các tông đồ có khả năng biết nhiều ngôn ngữ khác nhau nên các ông có thể nói và người khác có thể hiểu. Thứ hai, các tông đồ có thể nói một loại ngôn ngữ và những người khác có khả năng hiểu các ông dù khác biệt về ngôn ngữ. Thứ ba có một loại siêu ngôn ngữ vượt lên trên mọi ngôn ngữ, dù khác biệt về mặt cấu tạo nhưng các ông có thể hiểu được. Bạn có thể hiểu được người khác không chỉ ngôn ngữ bằng lời nhưng còn ngôn ngữ không lời. Đó là ngôn ngữ của sự hiệp nhất, ngôn ngữ của con tim, và ngôn ngữ của Thánh Thần. Ngôn ngữ của Thánh Thần và ngôn ngữ của đức tin truyền đạt từ trái tim đến trái tim.     

Cái mới mà Thánh Thần đem đến cho bạn là trái tim mới, Thần Khí mới, cái nhìn mới. Nếu như cái nhìn của Thánh I-nhã sau khi hoán cải dưới dự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần đem lại cho ngài tâm hồn và cặp mắt mới thì cũng chính Chúa Thánh Thần hướng dẫn, đổi mới trái tim và tâm hồn, làm cho bạn có cặp mắt mới. Chính cái mới này, thay đổi cách mà bạn nhìn thế giới và về chính mình. Cái nhìn này phá vỡ sự tĩnh lặng chết chóc, và đóng kín trong tâm hồn bạn và mở ra với sự sống của Thiên Chúa và của con người.

  1. Lễ Hiện Xuống, một ngọn lửa thiêu đốt

Hình ảnh nổi bật trong Lễ Hiện Xuống là Lửa. Lửa có sức mạnh thiêu đốt, soi sáng, mang lại sự sống và uốn nắn. Thánh Thần chính là ngọn lửa tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Tình yêu đó thiêu đốt nơi Thiên Chúa Ba Ngôi và nơi tâm hồn bạn. Tình yêu đó thúc đẩy các ngôi vị trao hiến cho nhau và cho con người. Thánh Thần nhiệm xuất và trào vọt ra từ cung lòng Thiên Chúa để tuôn đổ trên bạn. Ngọn lửa đó thôi thúc các nhà truyền giáo lên đường, thôi thúc bạn sống sự hiệp nhất, thôi thúc các linh hồn kết hiệp trọn vẹn với Chúa. Điều này được Thánh Gioan Thánh Giá viết trong tác phẩm Ngọn Lửa Tình Nồng: “Ôi ngọn lửa Thánh Thần, Người xuyên thấu bản thể linh hồn em thật thân tình và nồng nhiệt, Người thiêu đốt bản thể linh hồn em bằng sự nồng nàn vinh hiển của Người!”[3] Như thế, ngọn lửa tình yêu của Thánh Thần xuất phát từ tương quan thân mật của Cha và Con, tiếp tục tuôn chảy và thiếu đốt trong tâm hồn bạn.   

Hơn nữa, ngọn lửa của Thánh Thần tạo nên sự hiệp nhất “13 Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất.”[4] Chính Thần Khí liên kết chúng ta trong Đức Ki-tô. Mỗi người được liên kết để xây dựng thân thể người. Bạn và tôi dù khác nhau về đặc sủng nhưng cùng có chung một nguồn ân sủng là chính Chúa Thánh Thần. Ngài là nguyên lý nội tại duy trì sự hiệp nhất và trao ban sức sống. Nếu thiếu Ngài, các chi thể sẽ rệu rã và mất sức sống. 4 Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. 5 Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. 6 Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. 7 Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung.”Bạn cũng nên lưu ý rằng, “Thần Khí tỏ ra nơi mỗi người một cách là vì lợi ích chung.” Điều này nói lên lý do hiện hữu của đặc sủng, đặc sủng là vi lợi ích chung, không vì tư lợi hay những tính toán cá nhân. Đặc sủng của Thần Khí đích thực không tạo nên sự bất hòa và sự xung đột nhưng vì lợi ích chung. “Lời cầu nguyện của Chúa Giê-su:“để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta”[5] vẫn là một lời mời gọi tha thiết dành cho bạn và tôi trên hành trình sống đức tin và truy tìm chân lý.  Như thế bạn không nên để những ơn ích ra vô hiệu nhưng hãy dùng những đặc sủng đó vì lợi ích chung.  

  1. Lễ Hiện Xuống, một sự mở ra

Bản chất của tình yêu là luôn mở ra cho một tha thể và mở ngỏ cho sự sống. Chúa Thánh Thần là hiện thân của tương quan tình yêu của Cha và Con và cũng là tình yêu, sức sống và sự liên kết của các ngôi vị ấy. Tình yêu luôn mở ra cho sự đổi mới và việc trao ban sự sống. Tình yêu đích thực không có sợ hãi. Sự sợ hãi và đóng kín làm bóp nghẹt tình yêu và sự sống. Thánh Thần, tình yêu của Thiên Chúa ban cho các tông đồ sự bình an và lòng can đảm. “19 Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em !” 20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn.”[6] Như thế, sự mở ra vừa là sự tác động của Chúa Thánh Thần, vừa là hành vi của tự do mở ra để đón nhận Thần Khí và bình an của Ngài.

Hệ quả tất yếu là, việc mở ra đón nhận chính Chúa và đón nhận quà tặng của Ngài luôn làm cho bạn cảm thấy được niềm vui. Chính cuộc gặp gỡ này đã biến đổi tâm trạng của các môn đệ từ khép kín đến cởi mở, từ nhút nhát đến can đảm, từ u sầu héo hắt đến tưng bừng hân hoan. “Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.” Nên nhớ rằng, sứ điệp trước tiên mà các tông đồ rao giảng chính là Tin Mừng, Tin Vui. Tin Mừng về một con người đã chết và sống lại và đã thay đổi số phân của tôi. Tin Mừng về viêc tôi đã thấy Chúa. Tôi đã cùng ăn, cùng uống và cùng hiện diện với Người. Như thế, cuộc gặp gỡ Đức Ki-tô phục sinh đích thực phải là cuộc gặp gỡ trong niềm vui và dẫn đến sự vui mừng, hy vọng, bác ái. Đây cũng chính là sự tác động của Thần Khí trên bạn và cũng là tâm điểm của việc loan báo Tin Mừng.

Sự mở ra đối với sự tác động của Thần Khí giống như cánh buồm đón gió. Gió muốn thổi đâu thì thổi, còn con thuyền chỉ căng buồm đón gió. Nếu như con thuyền trôi theo gió thì con thuyền trôi rất nhẹ nhàng. Còn nếu con thuyền ngược gió thì thuyền trôi sẽ rất vất vả. Cũng thế, con thuyền Giáo Hội và cá nhân nếu mở ra cho sự tác động của Thần Khí, con thuyền sẽ lướt nhẹ êm trôi và tới bến bình an. Ngược lại nếu con thuyền đó đi ngược với sự tác động của Thần Khí, nó có nguy cơ đánh mất căn tính, hiệu quả truyền giáo và nguy cơ chìm xuồng.        

Việc mở ra của Thần Khí phải dẫn đến cuộc gặp gỡ với Đức Ki-tô và “những tiếng rên siết.” Những tiếng rên siết trên thế giới và trong tâm hồn là dấu chỉ thời đại và là lời mời gọi dành cho bạn và cho tôi. Nếu thiếu đi mối liên lạc thường xuyên với Đức Ki-tô và với Thần Khí của Ngài đời sống đạo sẽ hoàn toàn mang tính chức năng và cơ chế. Đời sống của bạn mất đi sức sống. Như thế hơn bao giờ hết bạn và tôi mỗi ngày “cần một cuộc hiện xuống mới,” “một luồng gió mới, ” “ một luồng sinh khí mới” để có thể được đổi mới, được thiêu đốt và mở ra với sự sống và chân lý cứu độ. “Lạy Chúa, xin gửi thần khí tới, và Ngài sẽ đổi mới mặt đất này.” Amen

Gioan Phạm Duy Anh, SJ    

[1] Học viện Giáo Hoàng Pi-ô X Đà Lạt, Thần khí của Đấng Phục Sinh – Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống (https://www.tonggiaophanhanoi.org/than-khi-cua-dang-phuc-sinh-le-chua-thanh-than-hien-xuong-hoc-vien-giao-hoang-pi-o-x-da-lat/)

[2] Cv 2, 1-4

[3] Gioan Thánh Giá, Ngọn Lửa Tình Nồng và Thư Tín, Phiên bản B, Ca Khúc I, Nguyễn Uy Nam và Trăng Thập Tự dịch, 85

[4] 1 Cr, 12, 13

[5] Ga 17, 21

[6] Ga 20, 19-20

Kiểm tra tương tự

Ngày ăn chay cầu nguyện cho hòa bình thế giới | 07/10

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi mọi người sống ngày cầu nguyện và ăn chay cho …

Thánh nữ Faustina: Vị Tông đồ của Lòng Chúa Thương Xót

  “Chúc tụng Trái Tim Rất Nhân Lành Chúa Giêsu. Chúc tụng suối mạch hằng …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *