[Suy Tư Tin Mừng] Chiến tranh và hòa bình

Sau hai cuộc thế chiến, con người đã mệt mỏi và sợ hãi về sự tàn phá của chiến tranh. Trong thế kỷ 21 này, chẳng ai nghĩ rằng sẽ có những cuộc chiến tranh đầy bạo lực và thảm sát như thế nữa. Chính người dân Ucraina không tin là có chiến tranh. Khi chiến sự xảy ra vài ngày, không ít người nghĩ rằng, đó chỉ là những điều xảy ra trong giấc mơ thôi, và những điều tồi tệ ấy sẽ chấm dứt khi tỉnh giấc. Nhưng sự thực cuộc chiến đã diễn ra một tháng rồi, và dường như chưa thấy hồi kết.

Cuộc chiến tranh nào cũng tấn công và làm tổn hại đến toàn diện con người, cả về thể lý lẫn tâm hồn. Chiến tranh chỉ tạo ra hận thù, và gia tăng sự trả thù. Chiến tranh diễn ra càng lâu, sự hận thù càng trở nên sâu sắc, người trong cuộc lúc nào cũng chỉ nghĩ tới sự trả thù mà thôi.

Ở giữa sự hỗn loạn này, vẫn một câu hỏi quen thuộc được đặt ra: Thiên Chúa ở đâu, mà để cho những sự dữ ngang nhiên hoành hành thế này? Chúng ta tìm đâu ra một câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi này? Trong sách Tin Mừng, chúng ta có thể tìm thấy một câu trả lời ngắn gọn của Đức Giê-su: Từ bên trong, từ lòng người, phát xuất ra những ý định xấu.[1] Chúng ta có thể tự hỏi: Phải chăng từ trong thâm tâm xấu xa, con người đã phát động những cuộc chiến tranh xâm lược?

Chắc chắn, trước khi cuộc chiến xảy ra ở bên ngoài, nó đã khởi sự và nổ ra ở bên trong thâm tâm con người rồi. Cuộc chiến xảy ra vì sự ích kỷ, tự mãn, tự cao tự đại của con người. Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ 4 Mùa Chay Năm C,[2] chúng ta thấy nguyên nhân của các cuộc xung đột khởi đi từ sự mất trật tự trong lòng con người. Nơi hình ảnh hai người con, chúng ta thấy hình bóng của chính mình – dường như con người thích gây chiến, hơn là khao khát xây dựng hòa bình.

Ở nơi người con thứ, nhiều lúc chúng ta muốn nổi loạn – một sự tự do muốn làm gì thì làm. Chúng ta đề cao tự do cá nhân và chống lại sự giám sát đến từ bên ngoài. Sự tự do mất trật tự này không dẫn chúng ta đến hạnh phúc đích thực, mà chỉ làm cho cuộc sống của ta trở nên bế tắc và gặp nhiều tai họa hơn. Đôi khi, chúng ta tưởng tượng rằng chỉ cần có một cú hích nào đó, tôi có thể làm được những điều lớn lao: Giá như tôi có thể đi khỏi nhà; Giá như tôi đừng có trách nhiệm với một gia đình…. Giống như người con thứ, chúng ta đang xây dựng cuộc sống của mình trên những điều ảo tưởng „giá như thế này, giá như thế nọ”. Thực vậy, không ít người có được nhiều tài sản một cách nhanh chóng, nhưng thiếu một lối sống lành mạnh, không sớm thì muộn sẽ gặp tai họa.

Như người con cả, đôi lúc chúng ta sống trong sự nhỏ nhen, ghen tỵ và tự mãn.

 “Tôi đã phục vụ ông nhiều năm nay, và tôi chưa bao giờ làm trái lệnh” (câu 29c). Nếu người con thứ tự cắt đứt mối quan hệ với gia đình, để chạy theo đam mê của riêng mình, thì giờ đây, người anh cả công khai rằng mình cũng đã đoạn tình cha con. Anh ta đang sống với cha bằng sự trả giá, giống như một người làm thuê, chứ không sống tình con thảo của một người con.

Người con cả thừa nhận rằng anh ta có thể tìm thấy niềm vui bằng cách tổ chức một bữa tiệc với bạn bè của mình, chứ không thể tìm thấy niềm vui khi thấy em trai mình trở về từ cõi chết. „Còn thằng con của ông đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!” (câu 30). Người anh cả cho rằng, em trai mình đã tiêu tiền của mình cho gái mại dâm, nhưng chính anh không biết em trai mình đã tiêu tiền như thế nào. Anh chỉ muốn ném em trai mình trong bóng tối tồi tệ nhất có thể.

Chúng ta có thể thấy, người anh cả đã cố gắng giành tình yêu của người cha, nhưng chưa bao giờ anh tin là cha yêu mình. Và có lẽ cũng chưa bao giờ, anh yêu cha thực lòng. Anh là người thích tìm lỗi của người khác để chỉ trích và lên án. Nếu có binh quyền trong tay, chắc chắn anh sẵn sàng phát động một cuộc chiến loại trừ em mình rồi!

Chính khi coi thường em trai và từ chối vào nhà, người anh cả đã tự biến mình thành người xa lạ, không chỉ với em trai mà còn với cha của mình nữa. Hành động của người anh cả có ý tuyên bố rằng anh đã đoạn tuyệt với gia đình – một hành động gây sốc không kém gì đối với người em, khi bỏ nhà ra đi.

Ngược lại với thái độ dẫn đến cuộc xung đột và gây ra sự đổ vỡ của hai người con trai, người cha nhân hậu là người kiến tạo hòa bình.

Khi người con thứ trở về, ông đã mở tiệc ăn mừng. Khi nhận thấy người con cả không bao giờ coi người con thứ là em trai của mình, ông đã kiên nhẫn sửa lại sự khước từ, và tuyên bố „đây là em của con.”(câu 32). Khi người con cả từ chối vào nhà để tham gia bữa tiệc, người cha không lên tiếng trách mắng, nhưng thay vào đó cầu xin anh thay đổi ý định (câu 28).

Hình ảnh người cha nhận hậu cho chúng ta một hình mẫu về người chữa lành vết thương. Người cha đã tỏ tình thương cho người con thứ, và trao tình mến thương cho người con cả. Người cha trấn an người anh cả rằng, sự hiện diện của người em không ảnh hưởng đến tình cảm của cha dành cho con, cũng như cả quyền thừa kế của con nữa. Cả hai anh em đều được quý trọng và được yêu thương.

Chúng ta lưu ý rằng, Đức Giê-su kể dụ ngôn này để đáp lại lời phàn nàn của những người Pha-ri-sêu và các kinh sư, những người đã phàn nàn rằng: Tại sao ông lại tiếp đón và dùng bữa với những người tội lỗi? (câu 2). Những người Pha-ri-sêu luôn tự hào và tự mãn về lối sống đạo đức của mình. Giống như người anh cả, họ sẵn sàng gây chiến và loại bỏ người khác ra bên ngoài. Nhưng tình yêu của Thiên Chúa dành cho người tội nhân, dạy cho chúng ta hiểu rằng: không một ai có quyền vạch ra những ranh giới để loại trừ người khác ra khỏi tình yêu và sự hiện diện của Thiên Chúa.

Như vậy, „thay vì đổi lỗi sự dữ cho Thiên Chúa, Đức Giê-su nói chúng ta phải nhìn vào bên trong: chính tội lỗi tạo ra sự chết; chính sự ích kỷ của chúng ta đã làm rạn nứt các mối quan hệ; chính những lựa chọn sai lầm và bạo lực của chúng ta đã gây ra sự dữ…[3]

Phải chăng chiến tranh hay hòa bình đều xuất phát từ trong con tim của mỗi người?

Giuse Trần Văn Ngữ, SJ

……………..

[1] Cái gì làm cho con người ra ô uế? (Mc 7,21-22).

[2] Ba dụ ngôn về lòng thương xót của Thiên Chúa. Trong đó có ”Dụ ngôn người cha nhân hậu” (Lc 15,1-3, 11-32).

[3] Trích từ Kinh Truyền Tin 20/03 của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô: Ở đâu có tình huynh đệ, sự dữ không còn quyền lực (https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2022-03/kinh-truyen-tin-o-dau-co-tinh-huynh-de-su-du-khong-con-quyen-luc.html ).

Kiểm tra tương tự

Thánh lễ cầu cho các Giêsu Hữu đã qua đời

Sáng ngày 02/11/2024, tại Đất Thánh Đan Viện Biển Đức Thiên Bình, Tỉnh Dòng Tên …

Inhaxio Loyola, Linh Thao và Dilexit Nos

    Mới đây, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành một Thông Điệp có …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *