Tuần trước, khi trở về thăm quê hương, tôi có dịp gặp gỡ và trò chuyện với các em thiếu nhi, và nhận được một câu hỏi: Làm sao cha biết được Chúa gọi cha đi tu? Một câu hỏi hay và làm tôi bất ngờ, vì nó đến từ một em còn rất nhỏ. Tôi tự hỏi: một em nhỏ như thế, sao lại quan tâm đến việc làm thế nào để nghe được tiếng Chúa nói với mình. Trong câu hỏi, tôi nhận ra em đang khao khát nghe được và nhận ra tiếng nói của Chúa dành cho mình. Bạn có khao khát nghe được tiếng Thiên Chúa nói với bạn trong cuộc sống không? Và làm sao bạn nghe được tiếng Chúa nói chuyện với mình?
Cách phổ biến và thông thường là lắng nghe tiếng nói của Chúa trong thinh lặng và cầu nguyện. Các thánh thường dành thời gian để suy ngẫm Tin Mừng và có được những hiểu biết rất sâu sắc về Thiên Chúa, cũng như nhận ra cách hành động của Ngài. Những hiểu biết ấy đến từ sự mạc khải của Thiên Chúa, chứ không đến từ trí khôn của con người. Nhờ suy ngẫm và cầu nguyện mà các thánh có thể đụng chạm đến những lớp nghĩa sâu xa ẩn chứa nơi các câu chuyện trong Kinh Thánh.
Câu chuyện về việc Đức Giêsu dẹp tan sóng dữ và khiến biển phải câm lặng trong bài Tin Mừng Chúa Nhật 12 thường niên năm B (Mc 4,35-41), sau khi suy ngẫm và cầu nguyện, thánh giáo phụ Bêđa[1] đã giải thích: Chiếc thuyền là hình ảnh tượng trưng cho cây thập giá. Đức Giêsu đã dùng chiếc thuyền để sang đến bờ bên kia bình an, đó là việc Ngài đã bước qua thập giá và bước vào thiên đàng. Những chiếc thuyền khác theo sau là những người có niềm tin vào thập giá Đức Kitô và đi theo. Mặc dù, họ sẽ phải đối diện với những cám dỗ và khó khăn, nhưng họ luôn tiến bước, nhờ cậy dựa vào sức mạnh ơn cứu độ của thánh giá. Đức Giêsu đang ngủ ở cuối thuyền tượng trưng cho cái chết của Ngài, và khi Ngài thức dậy, đó là hình ảnh về Sự Phục Sinh. Lời cầu xin của các môn đệ tượng trưng cho những nhu cầu của mỗi người chúng ta hướng về Thiên Chúa, khi chúng ta phải đối diện với những khó khăn và thử thách trong cuộc sống. Khi làm cho sóng yên biển lặng – chính là quyền năng và ân sủng nơi Đức Giêsu khi Ngài đã trải qua cái chết và Sự Phục Sinh. Ân sủng và quyền năng ấy khiến ma quỷ phải câm lặng và giúp ta dẹp bỏ mọi đam mê rối loạn. Nỗi sợ hãi mà các môn đệ đang đối diện, chính là nỗi sợ hãi trong mỗi người chúng ta, nếu chúng ta thiếu niềm tin và không cậy dựa vào Thiên Chúa.
Với sự phát triển của internet, bạn và tôi có nhiều cơ hội để tiếp cận với những giải thích sâu sắc về các bài Tin Mừng. Tuy nhiên, thật hữu ích, nếu ta không chỉ đọc những lời giải thích và nghe cắt nghĩa về các đoạn Tin Mừng, nhưng còn dành thời gian để thinh lặng cầu nguyện và tự mình suy ngẫm với Tin Mừng mỗi ngày, để trò chuyện và lắng nghe điều Thiên Chúa muốn nói với riêng tôi. Mỗi đoạn Tin Mừng ẩn chứa nhiều tầng ý nghĩa, và dường như ta không bao giờ có thể tát cạn. Tùy vào mức độ kết thân với Thiên Chúa trong đời sống cầu nguyện và chiêm niệm, bạn và tôi có thể đụng chạm được những điều sâu kín mà Thiên Chúa muốn tỏ lộ cho mỗi người.
Hôm nay, bạn và tôi hãy dành thời gian để đọc chậm và suy ngẫm từng câu trong đoạn Tin Mừng. Hãy nhắm mắt lại để tưởng tượng những điều đang xảy ra, và thấy mình cũng ở trong câu chuyện ấy. Sau đó, có thể đặt câu hỏi: câu chuyện này muốn nói với tôi điều gì?
Nếu để ý toàn cảnh bức tranh của bài Tin Mừng hôm nay, ta không chỉ nhìn thấy sức mạnh cuồng nộ của thiên nhiên và sự hoảng sợ của các tông đồ, nhưng ta còn thấy giữa cơn bão dữ dội, Đức Giêsu đang yên giấc ở đàng lái thuyền. Rất có thể, Ngài đang ngủ say vì kiệt sức sau một ngày làm việc vất vả! Trận cuồng phong chắc là dữ dội lắm, nên các môn đệ mới tưởng mình sắp chết đến nơi rồi. Trong số các tông đồ, nhiều ông đã là những ngư dân kỳ khôi đầy kinh nghiệm và đã nhiều lần đối diện với những cơn sóng dữ, nhưng đây là lần họ đang phải đối diện với tử thần, sinh mạng bị đe dọa, nên các ông hồn xiêu phách lạc. Các ông hốt hoảng đánh thức Đức Giêsu: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi!” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ. Người nói với các ông: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?”
Đã bao lần, bạn và tôi cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời mình, và chúng ta xác tín rằng, có Chúa ở cùng tôi, tôi không sợ hãi gì! Nhưng khi một tai họa xảy đến bất ngờ và vượt ngoài sức chịu đựng của mình, chúng ta thường than thở và kêu trách: Tại sao Chúa lại để điều này xảy ra với con? Chúa không quan tâm gì đến con sao?
Câu trả lời Đức Giêsu dành cho các môn đệ, cũng là câu trả lời cho mỗi người chúng ta: Tại sao các con sợ hãi? Các con vẫn chưa tin sao?
Sự sợ hãi lúc đầu là sự kinh hoàng trước cuồng phong và biển động, còn sự sợ hãi thứ hai – sau khi chứng kiến Đức Giêsu khiến cả đến gió và biển phải tuân lệnh – là sự sợ hãi vì thiếu niềm tin. Điều này cho thấy mối tương quan của các ông với Thiên Chúa vẫn chưa đúng đắn! Họ vẫn chưa hiểu được lời dạy của Thầy Giêsu. Trong các sách Tin Mừng, các ông luôn là những người chậm hiểu, thậm chí họ chẳng hiểu gì. Đặc biệt trong Tin Mừng Mátthêu và Luca, các môn đệ còn không hiểu gì cho đến khi Chúa sống lại.
Khi quá lo lắng và sợ hãi, con người khó có thể vượt lên trên hoàn cảnh hiện tại của mình, và không nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa. Nhất là khi con thuyền cuộc đời ta gặp phải cơn bão lớn và bất ngờ, chúng ta dễ rơi vào sự bấn loạn và mất phương hướng. Những lúc ấy, bạn có khao khát nghe được tiếng Chúa nói và nhận ra sự hướng dẫn của Ngài không? Bạn và tôi cần khao khát và tập lắng nghe tiếng “trò chuyện” của Thiên Chúa mỗi ngày, qua việc thinh lặng và cầu nguyện với các bản văn Tin Mừng. Xin cho chúng con tin vào ân sủng cứu độ của Thánh Giá và Sự Phục Sinh của Đức Kitô. Xin cho chúng con nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa và sự quan phòng của Ngài.
Lm. Giuse Trần Văn Ngữ, SJ
[1] Thánh Bêđa khả kính – linh mục, tiến sĩ Hội Thánh (khoảng 673-735). Xem thêm: https://www.tonggiaophanhanoi.org/ngay-25-5-thanh-be-da-kha-kinh-linh-muc-tien-si-hoi-thanh-khoang-673-735/