Các bạn thân mến!
Chắc hẳn các bạn đã từng nghe: “Thế giới phụ thuộc vào cái nhìn của chúng ta.”[1] Điều này vừa đúng vừa không đúng. Không đúng ở chỗ thế giới có quy luật vận động khách quan độc lập với suy nghĩ của con người. Đúng là bởi vì chúng ta nhận thức thế nào thì chúng ta sẽ hành động như vậy. Cách mà các bạn tiếp nhận thế giới khách quan sẽ phụ thuộc vào cái nhìn, hệ thống giá trị và nền tảng đức tin của bạn. Tùy thuộc vào cách mà bạn nhìn về Thiên Chúa, tha nhân, chính mình và thế giới chung quanh mà bạn có cách hành động và đánh giá. Muốn thay đổi thế giới bạn cần thay đổi cái nhìn và thoát ra khỏi sự trói buộc. Lời Chúa hôm nay mời gọi bạn suy nghĩ về 3 sự trói buộc.
Sự trói buộc của cái nhìn
Chính cái nhìn của bạn về Thiên Chúa, thế giới, tha nhân và bản thân sẽ ảnh hướng đến cuộc đời của bạn. Thiên Chúa là Người Cha đầy yêu thương hay là Đấng thích trừng phạt? Thế giới là ngôi nhà hay là đối tượng để bạn chinh phục và chiếm hữu? Tha nhân là anh chị em có cùng một Cha hay là thù địch? Con người tôi là quà tặng của Thiên Chúa hay là gánh nặng mà tôi phải mang vác? Như thế, cách bạn nhìn và khuôn mẫu niềm tin sẽ ảnh hưởng đến cách bạn hành xử và phản ứng.
Dân Israel được Thiên Chúa yêu thương và giải thoát, nhưng theo thời gian họ lại quên mối dây ân tình và giao ước tình yêu với Thiên Chúa, họ chạy theo ngẫu tượng, phản bội lại giao ước, chống lại Thiên Chúa. Thiên Chúa sai ngôn sứ Ezekiel đến cảnh cáo dân và mời gọi dân hoán cải. “3 Người phán với tôi : “Hỡi con người, chính Ta sai ngươi đến với con cái Ít-ra-en, đến với dân phản nghịch đang nổi loạn chống lại Ta ; chúng cũng như cha ông đã nổi lên chống lại Ta mãi cho đến ngày nay.”[2] Bạn thử tưởng tượng một dân mà bạn đã yêu thương giải phóng lại quay lưng với bạn, chối bỏ tình yêu của bạn, bạn sẽ nghĩ sao. Như thế bạn sẽ cảm nhận rõ hơn về chính Thiên Chúa. Cũng thế, dân làng Nazareth nhìn Chúa Giêsu như một con người tầm thường. Họ nhìn Chúa Giêsu ở nguồn gốc xuất thân và mối tương quan huyết thống tự nhiên hơn là cái nhìn siêu nhiên về Ngài. Chúa Giêsu là người làng Nazareth chứ không phải là Ngôi Hai Thiên Chúa, nhập thể, sống như con người để cứu độ con người.
Kết quả là họ không mở lòng để đón nhận con người và giáo huấn của Chúa. Điều gợi lên cho bạn suy nghĩ là bạn đang có cái nhìn thế nào về chính mình, Thiên Chúa, tha nhân và thế giới chung quanh bạn? Bạn đang nhìn thế giới chung quanh và con người với cặp mắt siêu nhiên hay đơn giản là cặp mắt tự nhiên, hoặc thậm chí là cái nhìn bị lệch lạc?
Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Phillipphe có viết: “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người.”[3] Cuộc gặp gỡ với Đức Kitô phục sinh đã thay đổi cái nhìn, nhận thức, giá trị và con người của Ngài. Những gì trước kia ngài xem là có lợi, xem là kho tàng thì nay nhờ Đức Kitô, ngài xem là thiệt thòi, không có giá trị. Cách nhìn của ngài về Đức Kitô đã thay đổi nhận thức và hệ thống giá trị. Đức Kitô giờ đây là kho tàng duy nhất cho cuộc đời của ngài.
Sự trói buộc của lý trí
Cách thứ hai giúp gợi lên suy nghĩ là sự trói buộc bởi lý trí. “Chúng ta nhận thức làm sao thì chúng ta sẽ sống như vậy.”[4] Nếu nhận thức đúng thì bạn sẽ hành động đúng, nếu nhận thức sai bạn sẽ hành động sai. Vấn đề là làm sao bạn biết đâu là đúng và đâu là sai. Điều này phụ thuộc vào tiêu chuẩn của nhận thức và giá trị để đánh giá. Mặc dầu dân Do Thái đã nhiều lần nghe và chứng kiến những phép lạ Chúa đã làm, nhưng họ vẫn cố tình chối bỏ, hoặc phủ nhận, hoặc cố gắng giải thích sai lệch về bản chất thật của sự việc và con người Chúa Giêsu.
Nhận thức sai lầm về Chúa Giêsu không chỉ ở góc độ cá nhân, nhưng còn ở góc độ tập thể, đám đông. Lãnh đạo tôn giáo Do Thái đến từ Giêrusalem cho rằng Ngài dùng thế Beelzebul mà trừ quỷ.[5] Người nhà của Chúa coi Chúa là kẻ mất trí nên đến bắt về. Dân làng Nazareth phủ nhận thẩm quyền và phép lạ Chúa làm.
Sự nguy hiểm về nhận thức sai lầm của đám đông là nhận thức này được phổ quát hóa và được xem như là chân lý. Họ đồng hóa quan niệm của đám đông với chân lý, “ý chí tập thể,” và dân chủ. Dân chủ giả định một sự trưởng thành của nhận thức và lý trí đúng đắn và một lương tâm ngay thẳng. Đằng sau tiếng nói của đám đông và dân làng Nazareth có nhiều tiếng nói lẩn khuất. Nếu tiếng nói đó không phản ánh lương tâm được huấn luyện và lý trí đúng đắn, thì tiếng nói đó có thể dẫn đến sai lầm. Nói cách khác, dân chủ cần dựa trên sự hoán cải và sự tự do nội tâm. Việc thay đổi nhận thức và phản tỉnh về nền tảng giá trị đang chi phối đến tôi, giúp tôi có cái nhìn đúng đắn hơn về đời sống và về niềm tin.
Sự trói buộc của con tim
Sự trói buộc của con tim hệ tại ở việc bạn không thể mở rộng con tim và tấm lòng để yêu mến Thiên Chúa và tha nhận như Chúa mời gọi. Niềm tin tôn giáo không chỉ là nhận thức nhưng còn là cảm biết và sống đức tin. Cái nhìn sai lầm dẫn đến sự lựa chọn sai lầm, và kết quả là họ khép lòng lại trước việc đón nhận Chúa Giêsu.
Vấn đề của dân làng Nazareth không chỉ là nhận thức, nhưng là con tim họ bị trói buộc, họ không thể yêu mến và đón nhận Chúa Giêsu như Ngài chờ đợi. Họ yên trí hoặc cố tình ở lại trong cái biết của mình, và để rồi họ không mở lòng và đón nhận Chúa Giêsu. Điều giúp bạn suy nghĩ và phản tỉnh là:
Tôi có hoàn toàn tự do để yêu mến Chúa và tha nhân không?
Tôi có bị trói buộc bởi cái nhìn, lý trí và con tim không?
Suy nghĩ về đời sống của tôi sau bao năm là con Chúa, và làm môn đệ của Đức Ki-tô.
Tôi được xem như là đạo gốc, môn đệ chính cống, nhưng liệu rằng sau bao năm đi theo Chúa, tôi vẫn tham dự những cử hành phụng vụ, tiếp xúc với Lời Chúa và Thánh Thể, nhưng đời sống của tôi có trở nên khác, tôi có thực sự gặp Chúa, để rồi Chúa làm tâm điểm và làm chủ trái tim tôi. Phải chăng đâu đó trong trái tim và tâm hồn tôi vẫn còn bị trói buộc? Trái tim tôi vẫn khó đón nhận Chúa, anh chị em tôi và thậm chí đón nhận chính tôi? Vẫn còn đó hình bóng của dân làng Nazareth còn bị trói buộc nơi trái tim và tâm hồn của tôi, nhưng Chúa mời gọi tôi hãy ra khỏi cái nhìn, nhận thức và tình trạng đó để tôi được hoàn tự do để yêu mến và phụng sự Chúa.
Xin cuộc gặp của Chúa biến đổi trái tim tôi. Xin Chúa đổi mới cái nhìn, nhận thức và trái tim tôi bằng cái nhìn, nhận thức và trái tim Chúa để rồi tôi có thể yêu mến Chúa như cách Ngài đã yêu mến tôi.
Lm. Gioan Phạm Duy Anh, SJ
[1] “Con người là thước đo của vạn vật.”“Man is the measure of all things” Protagoras of Abdera (l. c. 485-415 BCE)
[2] Ed 2, 3
[3] Phil 3, 7-8
[4] Cn 23, 7
[5] Mc 3, 22-30