Hình ảnh chúng ta có về Thiên Chúa, hay những kinh nghiệm chúng ta có về Ngài, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống đạo đức của chúng ta. Nếu chúng ta xác tín Thiên Chúa là Đấng yêu thương và đầy lòng trắc ẩn, chắc chắn chúng ta sẽ sống vị tha và biết yêu thương người khác hơn; còn nếu hình ảnh Thiên Chúa bị bóp méo: Ngài là ông chủ hà khắc, thích dọa nạt… thì cuộc đời của chúng ta có thể rơi vào một lối sống tiêu cực, lo âu, sợ hãi… Như vậy, đời sống của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào hình ảnh về Thiên Chúa, mà chúng ta có trong mình. Nói một cách khác, lối sống của chúng ta không chỉ bị ảnh hưởng bởi những điều đến từ bên ngoài, mà còn bởi những điều từ bên trong chúng ta. Cho nên, nếu muốn sống tốt “bên ngoài,” thì trước tiên chúng ta phải đào sâu những điều “bên trong”.
Nhiệm vụ quan trọng, mỗi người chúng ta phải khám phá ra khuôn mặt đích thực về Thiên Chúa. Tất nhiên, nếu lớn lên trong môi trường gia đình Công giáo, và được nuôi dưỡng đức tin nơi cộng đoàn tín hữu sốt sắng, thì chắc chắn chúng ta có được những hiểu biết cần thiết về Thiên Chúa từ những bài học giáo lý, từ những thực hành tôn giáo. Tuy nhiên, những kiến thức ấy cần phải được trải nghiệm, thì chúng mới hình thành trong tâm hồn chúng ta những hình ảnh đúng đắn về Thiên Chúa. Nói một cách khác, ngoài những sinh hoạt đức tin với cộng đoàn, mỗi người chúng ta cần đào sâu mối tương quan cá vị với Thiên Chúa. Chỉ trong mối tương quan thân mật ấy, chúng ta mới có thể nhận biết Thiên Chúa, Ngài thực sự là ai đối với tôi.
Một điều thú vị. Đôi khi, không chỉ những người đạo đức, mới có khả năng nhận ra Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, mà cả những kẻ bị quỷ ám cũng nhận ra Đức Giê-su là Đấng đến từ Thiên Chúa. Chẳng hạn, trong bài Tin Mừng hôm nay[1], khi Đức Giê-su và các môn đệ vào hội đường ở Ca-phác-na-um, có một người bị thần ô uế nhập, la lên: „Tôi biết Ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!”
Những lời nói này có vẻ giống như lời tuyên xưng về danh tính của Đức Giê-su, nhưng thực ra, đây không phải là một lời tuyên xưng đức tin. Đúng hơn, ẩn dưới lời mỹ miều ấy là „một cái nhìn sai lầm” về Đức Giê-su, một hình ảnh bóp méo về Thiên Chúa. Người bị thần ô uế la lên rằng: „Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi?” Trong cái nhìn của người bị quỷ ám, Đức Giê-su không đến để cứu chữa, mà đến để tiêu diệt họ! Ngài chính là kẻ thù của họ.
Suy tư đến đây, chúng ta đã nhận ra phần nào tầm quan trọng của việc nhận ra khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa. Những hình ảnh về Thiên Chúa trong chúng ta sẽ giúp chúng ta sống triển nở hơn, hoặc sẽ đẩy chúng ta vào ngõ cụt, tùy thuộc vào những hình ảnh về Thiên Chúa, mà chúng ta có ở trong tâm hồn mình.
Nếu chúng ta cưu mang một hình ảnh sai lệch về Thiên Chúa – Ngài như một ông chủ hà khắc, hay nóng giận và đố kỵ… thì đời sống của chúng ta không thể hạnh phúc và triển nở được. Hình ảnh méo mó ấy về Thiên Chúa sẽ khiến chúng ta trở thành những người cũng hà khắc và thích chỉ trích người khác. Cho nên, không lấy làm lạ: có những người vẫn đi lễ thường xuyên, nhưng lại thích nói xấu sau lưng người khác, thường xuyên lên án và chỉ trích người khác…; hoặc có những người sống giữ đạo nhiệt thành, nhưng trong lòng không có bình an và niềm vui thực sự!
Bên cạnh đó, nếu chúng ta sống gắn bó với những hình ảnh sai lạc về Thiên Chúa, chúng ta dễ dàng hợp tác với sự dữ, mà không nhận ra. Như Pascal[2], một triết gia người Pháp đưa ra nhận xét: con người không bao giờ hành động xấu xa và tàn ác như khi họ làm điều đó vì niềm tin tôn giáo. Nói một cách dễ hiểu: đôi khi chúng ta làm những điều xấu xa ghê tởm, mà cứ nghĩ rằng mình đang thực hiện ý muốn của Thiên Chúa. Chúng ta nhầm tưởng rằng, mình đang làm điều đó theo ý Chúa, mà không nhận ra rằng: chúng ta đang đi theo một Thiên Chúa đã bị bóp méo. Chúng ta có thể hiểu điều này rõ hơn khi suy ngẫm về những sự dữ đã và đang diễn ra trên thế giới. Không ít người cực đoan cầm súng xả vào người khác, hoặc đánh bom liều chết… và hãnh diện rằng: tôi làm những điều đó nhân danh Thượng Đế! Thật không có gì đáng sợ và đáng ghê tởm bằng những người chạy theo một niềm tin cực đoan.
Ngược lại, những hình ảnh đúng đắn về Thiên Chúa sẽ giúp chúng ta sống mạnh mẽ và triển nở hơn. Đó là lý do tại sao chúng ta cần khám phá ra khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa. Để nhận ra Ngài thực sự là ai, chúng ta cần phải chú ý xây dựng mối tương quan cá vị và thân mật với Thiên Chúa: bằng đời sống cầu nguyện chung và cá nhân; siêng năng tham dự thánh lễ và lãnh nhận các bí tích; trao đổi và học hỏi với những người có kinh nghiệm thiêng liêng. Bên cạnh đó, việc tôn sùng và yêu mến các vị thánh sẽ giúp chúng ta nhận ra khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa rõ nét hơn. Khi suy ngẫm về đời sống của các vị thánh, chúng ta sẽ học được những cách thức sống thánh thiện hơn.
Tắt một lời, đời sống đạo đức của chúng ta được bắt đầu từ cái nhìn, từ lối suy nghĩ bên trong chúng ta. Để có một lối sống lành mạnh và tích cực, chúng ta cần để ý đến những điều ở bên trong mình, nhất là về hình ảnh Thiên Chúa đang có trong tâm hồn mình. Hình ảnh về Thiên Chúa sẽ định hình lối sống đạo đức của chúng ta. Nếu hình ảnh Thiên Chúa bị bóp méo một cách phiến diện, thì sớm hay muộn nó cũng dẫn chúng ta đến những hành động méo mó.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, sau khi chữa lành cho người bị quỷ ám ở trong hội đường Ca-phác-na-um, mọi người đều kinh ngạc và nói với nhau: Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Sự uy quyền ấy không đến từ việc: Ngài đã tốt nghiệp từ một ngôi trường danh tiếng, được học với những giáo sư giỏi, có những bằng cấp cao hay có nhiều thành công trên các lĩnh vực…. nhưng sự uy quyền của Đức Giê-su đến từ sự gắn bó thân mật với Thiên Chúa.
Lạy Chúa, xin tỏ lộ dung nhan Ngài cho chúng con. Xin cho chúng con khám phá ra khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa trong đời sống chúng con. Xin cho chúng con mỗi ngày hiểu biết về Chúa hơn, yêu mến Chúa hơn và bước theo Ngài sát hơn.
Lm. Giuse Trần Văn Ngữ, SJ
[1] Tin Mừng Chúa Nhật IV Mùa Thường Niên Năm B: Đức Giê-su giảng dạy tại Ca-phác-na-um và chữa lành một người vị quỷ ám (Mc 1,21-28).
[2] Blaise Pascal (1623-1662).