Suy tư Tin Mừng – Sống giới răn hiếu thảo

Hôm nay là Mồng Hai Tết Giáp Thìn. Ngày đầu năm mới, lịch phụng vụ đưa ta về những giáo huấn ban đầu mà Thiên Chúa lập ra để hướng dẫn dân Người trong tư cách là con cái: đó là thờ kính cha mẹ! (Mt 15,4). Đây là điều răn thứ năm trong Mười Điều mà Môsê đã nhận được trên núi Sinai. Chính miệng Thiên Chúa đã truyền dạy rằng: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi”. (Xh 20,12). Thờ kính cha mẹ được hiểu và thực hành như thế nào trong cuộc sống hằng ngày? Dưới đây là hai suy tư nhỏ bé của ngày đầu năm kính nhớ tổ tiên, cầu nguyện cho ông bà cha mẹ:

Thứ nhất, thờ kính cha mẹ trong tương quan giao ước với Thiên Chúa.

          Cha mẹ có chỗ hết sức quan trọng trong cái nhìn của Chúa. Cụ thể, khi thiết lập giao ước mới với dân Israel và ban cho họ Mười Điều Răn như kim chỉ nam để sống giao ước với Người, Thiên Chúa không chỉ phán và bắt dân chúng cứ nhắm mắt làm theo. Khi Người truyền “hãy thảo kính Cha Mẹ”, Người cũng đồng thời giải thích cho những người làm con biết lý do tại sao phải thực thi điều đó. Trong sách Châm Ngôn, Người đã tha thiết truyền cho các bậc làm cha mẹ phải biết cách sửa phạt con cái khi chúng dại khờ, lầm lỗi (Cn 22,15; 29,17). Họ không chỉ có trách nhiệm “kính sợ ĐỨC CHÚA, yêu mến Người hết lòng hết dạ, và tuân giữ tất cả những chỉ thị và mệnh lệnh của Người …mà còn phải lặp lại những lời ấy cho con cái, phải nói lại cho chúng (x. Đnl 6,1-7). Trách nhiệm của các bậc làm cha mẹ thật cao quý nhưng cũng thật nặng gánh biết bao, phải vậy không? Thiên Chúa biết rõ hơn ai hết điều đó, và Người rất thương quý họ.

          Về phần những người làm con, Thiên Chúa cũng có những lời giáo huấn rất nhẹ nhàng và thân tình: “Này con, giáo huấn của cha, con hãy nghe, lời dạy của mẹ, con đừng gạt bỏ.Vì những lời ấy sẽ là vòng hoa xinh con đội lên đầu, là vòng kiềng con đeo vào cổ.” (Cn 1,8-9). Như vậy, khi định hướng lối đường cho dân để bắt đầu sống tương quan giao ước tình yêu với Người, Thiên Chúa đã khởi sự ngay trong gia đình, từ chính sự hiện diện có trách nhiệm của mỗi bên dành cho nhau:

  • Cha mẹ yêu thương, đồng hành và dạy dỗ con cái để chúng biết kính sợ Chúa, đặt Người ưu tiên trên hết mọi sự.
  • Con cái trân quý tình thương và những dạy dỗ của cha mẹ để rồi dành cho các ngài sự tôn trọng, yêu thương, quan tâm và vâng phục các ngài là những bậc được Thiên Chúa trao cho quyền bính trên cuộc đời của họ, nhằm nuôi dưỡng và giáo dục họ nên người tốt.

Thứ hai, thờ kính cha mẹ trong văn hoá địa phương.

          Người Á Đông, và cách riêng là người Việt Nam chúng ta rất coi trọng chữ hiếu. Chúng ta còn gọi đó là “Đạo hiếu”. Dù một người đang theo hay không theo tôn giáo, tín ngưỡng nào, thì đạo hiếu, đạo làm con là một trong những giá trị đạo đức tốt đẹp cần vươn tới. Các nhà ngôn ngữ học đã phân tích chữ Hiếu trong tiếng Hán Nôm (孝) như sau: chữ Hiếu được viết gồm bộ lão ở trên bộ tử , giống hình ảnh con cõng cha mẹ trên lưng[1], và theo tự điển Hán Việt Thiều Chửu, nghĩa là hết lòng phụng dưỡng cha mẹ hay là đạo lý phụng thờ cha mẹ.[2]

          Thế nhưng, xã hội và con người ngày nay đang nghe, nói, và viết quá nhiều về những hoàn cảnh thương tâm: con cái ruồng rẩy cha mẹ, thậm chí bất hiếu sát hại cả cha mẹ ruột vì những bất đồng và xung khắc trong gia đình. Lời Chúa từ bao ngàn đời vẫn nhắc nhớ con cái mình: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6, 1-3). Kẻ bất hiếu đối với cha mẹ sẽ phải chịu một hình phạt rất nặng như sách Lêvi đã cảnh báo: “Khi một người nào chửi cha mắng mẹ mình, thì phải bị xử tử: nó đã chửi rủa cha mẹ; huyết nó sẽ đổ lại trên mình nó.” (Lêvi 20:9). Và có lẽ, hình phạt nặng nề nhất là khi cha mẹ mất đi, thì lúc đó con cái mới nhận ra mình đã đánh mất một chỗ dựa tinh thần vững chắc.

Thứ ba, thờ kính cha mẹ trong đạo làm người.

          Con người không phải tự nhiên được sinh ra trong cuộc đời này. Ngạn ngữ Pháp có câu: Lòng biết ơn là ký ức của con tim. Biết ơn cha mẹ dù không phải là những người hoàn hảo, nhưng luôn mong muốn dành cho con cái mình những gì tốt đẹp nhất. Các ngài có thể mắc sai lầm trong cách nuôi dạy, nhưng có lẽ ít cha mẹ nào cố ý muốn làm tổn thương con cái của họ, đặc biệt là những người mẹ đã phải mạo hiểm vượt cạn để sinh ra chúng ta. Triết lý Phật Giáo cũng dạy rằng: hiếu thảo với cha mẹ là cái gốc để làm người lương thiện. Và người Ki tô hữu chúng ta lại có một Đức Giêsu quá tuyệt vời về mẫu gương hiếu thảo đối với cha mẹ trần gian của mình là Đức Maria và Thánh Giuse. Ngài không xuống thế làm người trong một ngày, nhưng là 30 năm sống ẩn dật trong gia đình Nazaret trong tư cách là một người con luôn hằng yêu mến và vâng phục cha mẹ mình (Lc 2, 50), và đang khi sống tâm tình thảo hiếu đó, Ngài tìm và thi hành ý muốn của Chúa Cha.

          Như vậy, chính khi sống thảo hiếu với cha mẹ, chúng ta thể hiện lòng biết ơn từ trái tim mình về món quà sự sống. Từ sự sống này, chúng ta xây dựng thêm những giá trị tốt đẹp cho cuộc đời. Và hơn thế, chính khi thảo hiếu với cha mẹ, chúng ta cũng đang sống tương quan giao ước với Thiên Chúa: yêu mến và thực thi giới luật của Người.

Cầu Nguyện

Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con có ông có bà, có cha có mẹ. Đó là ân phúc lớn lao trong cuộc đời chúng con. Nhờ các ngài, chúng con được hướng dẫn để học biết về Chúa.

Xin niềm vui và bình an của Chúa xuống trên ông bà cha mẹ chúng con, nhất là ơn an ủi khi các ngài sầu khổ vì những áp lực cuộc sống và việc nuôi dạy con cái đòi nhiều vất vả hy sinh. Xin Chúa dùng tình thương mà bù đắp cho các ngài.

Xin cũng ban cho các bậc làm cha mẹ ơn khôn ngoan, nhẫn nại và đức tin để giáo dục con cái theo đường lối của Chúa.

Và xin cho chúng con là những người con trong gia đình, luôn biết yêu thương, quan tâm, kiên nhẫn và dành nhiều thời gian hơn để trò chuyện tâm sự cùng cha mẹ. Nhờ đó, chúng con có cơ hội đáp đền phần nào công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Amen. 

Sơ Quỳnh Thoại

[1] Chữ Hiếu- con ở dưới, cha mẹ trên lưng. https://baoquangnam.vn/chu-hieu-con-o-duoi-cha-me-tren-lung-3027603.html

[2] Hiếu Thảo, https://vi.wikipedia.org/wiki/Hi%E1%BA%BFu_th%E1%BA%A3o#:~:text=Hi%E1%BA%BFu%20(ti%E1%BA%BFng%20H%C3%A1n%3A%20%E5%AD%9D%2C,l%C3%BD%20ph%E1%BB%A5ng%20th%E1%BB%9D%20cha%20m%E1%BA%B9.

Kiểm tra tương tự

Mùa Vọng & Bí Tích Hoà Giải

“Vậy các con hãy tĩnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi …

Thầy Mátthêu Huỳnh Minh Thiện, S.J. – Hành trình ơn gọi khởi nguồn từ khóa linh thao sinh viên

  Từ một người chưa biết, chưa thiết thân với Chúa, thầy Mátthêu Huỳnh Minh …