Sự hòa hợp giữa tư tưởng nhân bản trong Khổng giáo và trong Nguyên lý và nền tảng theo I-nhã Loyola

Dẫn nhập

Người ta vẫn thường nói giữa triết học phương Đông và phương Tây có một khoảng cách nhất định, nhiều khi khó dung hợp. Chính vì thế, quan niệm về con người hai bên cũng có nhiều điểm khác biệt. Đơn cử,  trong khi triết học nhân bản phương Tây nhấn mạnh đến “con người lý trí” (mind, rationality) thì phương Đông lại nhấn mạnh đến “con người tình cảm” (con tim – heart). Tuy nhiên, có thật thực là người phương Tây duy lý còn người phương Đông là duy cảm đến độ cả hai không thể hòa hợp được với nhau? Một linh mục từng nói: “làm người, đó làm mẫu số chung, những hình dung từ theo sau chỉ là phụ thuộc”. Có lẽ có nhiều điểm khác nhau trong cách nhìn, nhưng thiết nghĩ đã là người thì thiết yếu có những điểm tương đồng xét về mặt bản chất, cho dẫu đó là những con người sống từ phương Tây hay tận đàng Đông. Trong bài viết này, tôi muốn trưng ra những nét tương đồng trong tư tưởng nhân bản giữa Khổng Giáo (vốn đại diện cho phương Đông) và Nguyên Lý Nền Tảng trong Linh Thao của Thánh I-nhã (phương Tây) như một chia sẻ về tính tương đồng và khả năng hội nhất trong cái nhìn nhân văn về con người.

Theo đó, bài viết này sẽ đề cập đến quan điểm con người tự bản chất là thiện như là một khuôn mẫu chung trong cả hai nền văn hóa. Sau đó, bài viết lần lượt đề cập đến quan niệm về nhân bản trong Khổng Giáo (tập trung vào mẫu người quân tử với các đức tính nhân,nghĩa, lễ, trí, tín) và trong Nguyên Lý nền tảng (con người bình tâm) trên cơ sở đối chiếu so sánh, để sau cùng đặt vấn đề về sự hòa hợp, coi đó như cái nhìn của người viết về nhân bản của một người sống và tiếp biến hai nền văn hóa: nền văn hóa phương Đông vốn được ảnh hưởng khá mạnh của tư tưởng Khổng Giáo và nền văn hóa Giêsu hữu vốn khởi đi từ linh đạo thánh I-nhã Loyola.

Con người vốn thiện và không ngừng quy hướng về sự thiện

Quan điểm Khổng Giáo cho rằng “nhân chi sơ tính bản thiện”, con người sinh ra vốn đã có sự thiện làm gốc. Tuy nhiên, thiết  nghĩ cần phân biệt rằng Khổng Tử không là người chủ trương như thế, trong sách Luận Ngữ, ông viết rằng: “bản tính con người gần giống nhau, do tập nhiễm mới khác xa nhau”[1]. Từ câu này, ta thấy ông không kết luận gì về bản chất con người mà muốn nhấn mạnh nó như là sản phẩm do sự tác động từ những điều kiện bên ngoài. Mạnh Tử đi xa hơn thầy mình và khẳng định tính thiện của con người là bẩm sinh. “Nhân chi sơ tính bản thiện” là phát biểu của Mạnh Tử chứ không phải của Khổng Tử. Theo đó, con người được sinh ra trong sự thánh thiện và “quy hướng về sự thiện”[2] (tending toward goodness), nói cách khác, “Mạnh tử nghĩ rằng mọi người đều có tiềm năng để trở nên thánh thiện”[3]. Để minh chứng điều này, ông trưng ra ví dụ về nước. Để bác bỏ quan niệm của Cáo Tử cho tính người không phân biệt được thiện với bất thiện vì giống như nước: nếu ta khơi nó sang đàng đông thì nó sang đàng đông, nếu khơi đàng tây thì nó sang đàng tây, Mạnh tử chất vấn rằng: “Nước không phân biệt được đông tây thật, nhưng không phân biệt cao thấp ư? Tính con người vốn thiện cũng như tính của nước là chảy xuống chỗ thấp”.[4] Mạnh Tử cho rằng đặc điểm này là một khuynh hướng trong con người mình. Có lẽ ta sẽ hiểu rõ hơn ý nghĩa của thuật từ “nhân bản” khi chiết tự nó. “Nhân” có nghĩa là người, cũng có nghĩa là lõi. “Bản” là gốc, cho nên có thể hiểu nôm na “nhân bản” là những điều cốt lõi nơi con người. Tuy nhiên, điều đặc biệt cần biết: “bản” ngoài ý nghĩa là gốc, nó còn thuộc “bộ mộc”[5] (cây), chính điều này tạo nên yếu tố động trong nhân bản: nhân bản không là một mớ quy chuẩn cho hành vi con người được định hình ngay từ đầu, trái  lại nó không ngừng lớn lên (như một cây xanh) theo thời gian.

Bên cạnh đó, hai điểm đặc biệt khác về chữ “nhân” trong nhân bản theo Khổng Giáo cần được lưu ý thêm. Thứ nhất, nhân không đơn thuần hai nét nhưng còn có hai nét liền kề sau, điều này chứng tỏ con người luôn vươn lên trong mối tương quan với tha nhân chứ không đơn độc. Ta có thể hiểu đặc điểm này qua hệ thống từ nhân xưng mà con người dùng. Mỗi cá nhân chỉ là một mắt xích nhỏ trong chuỗi tương quan ông bà, cha mẹ, cô cậu dì dượng chú bác, anh em (ruột thịt và anh em chú bác), cháu chắt… Đó là chưa kể đến những mối tương quan xã hội. Và chính từ những tương quan đó mà các quy tắc xã hội được thiết định, rõ nhất  là luật hôn nhân gia đình. Thành ra, mỗi cá nhân đều có một vị trí nhất định trong gia đình và xã hội, sự thành toàn hay đổ vỡ của một cá nhân đều tác động đến cả một đại gia đình. Chính vì thế mà Đông phương có câu: “một người làm quan cả họ được nhờ” hay ngược lại “con dại cái mang”. Và một khía cạnh khác, sự thành toàn hay đổ vỡ của cá nhân đều có liên quan đến người khác trong tập thể ấy: “con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” hay “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”[6]. Vượt ra khỏi tương quan gia đình, con người vẫn gắn bó mật thiết với xã hội. Ngạn ngữ Trung Quốc nói: “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”.[7]

Thứ đến, trong văn tự Trung Hoa, chữ “nhân” (người) là một bộ phận của “thiên” (chữ thiên gồm chữ nhân thêm hai gạch ngang ở trên đầu). Điều này muốn diễn tả con người vốn thộc về thiên (ta sẽ thấy đây là một trùng hợp khá lý thú giữa Khổng giáo và Công Giáo (I-nhã thuộc về) trong quan niệm về con người khi Công Giáo cho rằng con người là hình ảnh Thiên Chúa). Chính trời cao ban cho con người “yếu tố nhân” như được hiểu trong nhân bản[8], trong đó tính thiện được hiểu là một thuộc tính căn bản của nhân. Hành trình kiếp nhân sinh cũng là để hiện thực hóa (actualization) tính thiện vốn là một tiềm thể (potentiality) trong con người thành hiện thể (actuality). Như thế, con người theo quan niệm Khổng giáo tự bản chất hướng thiện, và còn cả “hướng thiên” mặc dù Khổng Tử có cái nhìn rất mơ hồ về đời sau.

Đâu là điều cốt lõi của học thuyết nhân bản theo Khổng giáo? Hay nói cách khác, một người trưởng thành về nhân bản theo Khổng giáo là thế nào? Khổng giáo đề cao tu thân trước khi có thể làm được gì cho đời (tu thân rồi mới tề gia, trị quốc, bình thiên hạ). Và để tu thân, Khổng tử đặt ra một loạt các quy tắc: “tam cương ( đạo vua-tôi, phụ-tử, phu-phụ), ngũ thường: nhân-nghĩa-lễ-trí-tín, tam tòng (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử), tứ đức (công dung ngôn hạnh)”.[9] Đích đến của việc tu thân là trở thành một người đạt đạo và đạt đức, trong đó ngũ thường là yếu tố hàng đầu giúp con người biết cư xử đúng mực với chính mình và với người xung quanh.

Quan điểm này thật gần gũi với cái nhìn của I-nhã về bản chất và đích nhắm của con người. Kitô giáo quan niệm con người được sinh ra theo hình ảnh của Thiên Chúa – Đấng trọn tốt trọn lành. Điều này có ý nghĩa gì? Ta có thể hình dung con người là sản phẩm của một sự trừu xuất, là một “sự thiện nho nhỏ” khởi phát từ một Sự Thiện tròn đầy. Thật vậy, con người đã tồn tại từ trong ý định của Thiên Chúa, và con người đi vào cuộc hiện hữu bằng “lao nhọc” của Thiên Chúa qua một quá trình tạo dựng sáu ngày mà con người là đỉnh cao (được làm bá chủ cá biển chim trời). Hơn thế nữa, con người lại được vinh hạnh mang lấy hình ảnh Thiên Chúa, thay Ngài để làm chủ thế giới. Vì lẽ đó, ta có thể thấy con người tự mình là một sự phản chiếu của chính hình dạng và một phần đặc tính của Thiên Chúa (tính thiện). Nhờ chia sẻ sự thiện của Đấng dựng nên mình nên con người ngay từ khi vào đời đã có sẵn tính thiện. Đây cũng chính là cái nhìn của I-nhã về khởi phát của con người. Không những thế, ngài còn đưa ra cái nhìn cá nhân về mục đích cuộc sống của con người ở đời này và cùng đích mà con người nhắm đến khi viết trong Linh Thao số 23: “Con người được dựng nên để ngợi khen, tôn kính và phụng sự ‘Thượng Đế’[10] (…) và nhờ đó cứu rỗi linh hồn mình, ước muốn và lựa chọn điều gì dẫn đưa chúng ta hơn tới cứu cánh vì đó chúng ta được dựng nên”. Con người trong Nguyên Lý và Nền Tảng của I-nhã luôn có khát vọng thẳm sâu trong hồn là vươn về với Đấng Tạo Hóa. Điều này cho thấy trong con người luôn có một lỗ hổng, một “sự thiếu thốn” nào đó cần được lấp đầy. Ta hiểu đấy chính là sự thiện chưa trọn vẹn, một thứ “sự thiện” ở dạng phôi thai, đang muốn phá tung những lớp đất bên trên để bung mình trong ánh sáng chân lý, trong sự thánh thiện trọn hảo vốn tìm thấy trong Đấng Tạo Thành. Con người trong I-nhã do thế là một con người đang trên đường vươn tới sự thiện trọn hảo với xuất phát điểm là một “sự thiện ban đầu”. Hẳn điều này không xa với quan niệm về sự thiện của Khổng Giáo khi cho rằng sự thiện là một thứ “mầm” (sprout), một khuynh hướng cần được nuôi dưỡng để trở thành cây  trưởng thành qua quá trình giáo dục.

Ắt hẳn I-nhã chẳng hề biết đến Khổng Giáo là gì, và những người viết Kinh Thánh cũng chẳng hề biết đến Khổng Giáo để “tham khảo” một quan niệm như thế, nhưng cái nhìn về con người lại khá tương đồng. Ta có thể lý giải như thế nào? Hẳn là chẳng có câu trả lời nào khả dĩ ngoại trừ một điều: con người là như vậy, cho nên đứng ở góc nhìn của nền văn hóa nào rồi cũng nhận ra đặc điểm căn bản  nhất trong ơn gọi làm người: vì được sinh ra trong sự thiện, con người suốt đời không ngừng hướng về sự thiện.

Tuy đều đồng thuận rằng con người vốn thiện, quy hướng về sự thiện, nhưng cả Khổng Giáo lẫn I-nhã không xem đấy là một con đường tất định. Chính Mạnh Tử đã khẳng định: “hoàn cảnh ảnh hưởng rất lớn đến sự tu dưỡng của con người”[11], ông viết:

Những năm được mùa, phong túc, hạng con em nhờ được no đủ mà nhiều người trở nên tử tế; trái lại những năm đói kém, con em nhiều đứa sinh ra hung bạo. Chẳng phải tại trời phó cho họ tư chất khác nhau đâu, chỉ vì hoàn cảnh xấu đã nhận chìm lương tâm họ đấy thôi (…) cùng một giống lúa đem gieo một lượt với nhau mà tới mùa gặt thì chỗ được nhiều lúa, chỗ ít, chính là do những nguyên nhân ở ngoài; đất chỗ này tốt, đất chỗ kia xấu, mưa và sương chỗ này đủ, chỗ kia không đủ, công săn sóc không đồng đều.[12]

I-nhã cũng đề cập đến sự “chông chênh” của con người trên hành trình vươn đến sự thiện. Một khi không còn “để mắt” đến cứu cánh, một khi để cho tình yêu đối với tạo vật lớn hơn tình yêu đối với Đấng Tạo Hóa, hay nói cách khác, một khi rơi vào những “quyến luyến lệch lạc”[13], con người đã đánh mất sự thiện, sự tốt lành, và đấy chính là tội. Chẳng thế mà chính những người Giêsu hữu đã đưa ra một định nghĩa thời danh về bản thân họ: “ Giêsu hữu cần ý thức mình là những tội nhân được Chúa yêu, và được mời gọi làm bạn đường của Ngài…”[14]. Định nghĩa này không nhằm chối bỏ căn tính thiện của con người cho bằng khẳng định tính bấp bênh trong ơn gọi làm người, trong cuộc hành trình tìm về sự thiện tột bậc của con người.

Vươn đến sự thiện trong hai chiều kích hướng thân và hướng tha

Về căn bản, cả I-nhã lẫn Khổng-Mạnh trước tiên đều nhấn mạnh đến tính cá nhân trong hành trình hướng về sự thiện. Khổng giáo đề cập đến tu thân trong hành trình làm người (tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ) trong đó chuỗi nhân đức “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín” được xem là những công cụ chính giúp thành toàn cuộc sống. Nhờ gắn bó với những nhân đức này, con người theo Khổng Giáo sẽ đạt đến cái gọi là “quân tử”, “chính nhân” – một khuôn mẫu điển hình cho sự thành toàn của con người. Và một khi đạt đến sự chín muồi trong chiều kích hướng thân, người quân tử cũng tự khắc hướng tha trọn vẹn. Thật đặc sắc khi cách đó nửa vòng trái đất, mặc dù chưa có sự giao lưu và tiếp biến văn hóa nhưng I-nhã Loyola cũng đưa ra một nhân sinh quan thú vị trong chiều kích hướng thân và hướng tha như sẽ được trình bày ngay sau trong khuôn mẫu “con người bình tâm”.

Người quân tử và người bình tâm – con người hướng thân

Trong Khổng Giáo, lễ được đặt giữa nhân, nghĩa và trí, tín giúp định hình nên một người quân tử có khả năng tu thân, tề gia, trị quốc, để rồi có thể bình thiên hạ. Hướng thân được hiểu như việc xây dựng “nguồn nội lực”, căn tính của chính mình để xứng hợp với nhân phẩm. Khổng Tử đề cao nhất chữ nhân, chính vì thế, quân tử được đồng hóa với con người thể hiện, sống cái “nhân” chân thật của mình. Xây dựng căn tính ấy đi đôi với việc bảo vệ nó, và Khổng Tử cho rằng bằng mọi giá phải bảo vệ cho được: “người sĩ có chí và người có đức nhân không cầu sống mà làm hại điều nhân, mà có khi hi sinh tính mạng để làm thành điều nhân.”[15] Có thể thấy rằng, trong chiều kích hướng thân, người quân tử ôm ấp mộng thành toàn, vượt trên những khen chê, tính toan của nhân thế để tìm đến cái “nhân” đích thực. Chính vì thế, người quân tử “luôn nghiêm khắc với chính mình, luôn truy tìm nguyên nhân ở chính mình”[16]. Dường như “họ sống giữa thế gian nhưng không thộc về thế gian”.

Mẫu người quân tử ấy có thể coi như “người bình tâm” trong Nguyên Lý Nền Tảng theo thánh I-nhã. Bình tâm chính là chiều kích hướng thân để giữ mình được tự do đối với mọi tạo vật, tuy sống giữa nhưng không thuộc về tạo vật. Hẳn ai cũng thừa nhận rằng trong con người luôn có những tình cảm quyến luyến; thánh nhân cũng “yêu người này nhiều hơn người kia”, ngay cả Chúa Giêsu khi sống trên trần gian cũng như thế. Tuy nhiên, vấn đề là, tình yêu “ưu tiên” ấy không mang đến sự loại trừ, tình yêu ấy không làm con người bị lệ thuộc vào đối tượng. Trong con người bình tâm, vẫn còn đó những khao khát, nghiêng chiều, vấn đề là con người ấy ý thức những nghiêng chiều đó, đón nhận chúng như một phần tất yếu của kiếp nhân sinh. Một khi đã đón nhận chính giới hạn của mình, con người ấy mới có thể vượt lên chính mình để “không ước muốn giàu sang hơn nghèo khổ, sức khỏe hơn bệnh tật, danh vọng hơn nhục nhã…” Con người ấy chỉ ước ao đảm nhận kiếp nhân sinh của mình cách triển nở nhất cho dẫu điều kiện bên ngoài là gì. Sự hợp nhất của hai mẫu người trong chiều kích hướng thân là đều thiết lập một thứ “thành trì” để bảo vệ sự tự do nội tâm trước bao tác động của ngoại cảnh. Ta lại bỗng thấy thấp thoáng trong con người bình tâm hình ảnh của người quân tử “đầu đội trời chân đạp đất”, không vì lợi danh, khen chê để rồi chà đạp nhân phẩm chính mình hay tha nhân. Chính cái “ngạo nghễ”, “dửng dưng” giúp người quân tử (cũng là con người bình tâm) không trở nên lệ thuộc vào thị phi, nhưng luôn “ngạo nghễ” tìm về Chân Lý, mưu ích cho đời.

Người quân tử và người bình tâm – con người hướng tha

Các nhân đức nhân, nghĩa, lễ, trí, tín một đàng giúp con người xây đạt đến sự trưởng thành nội tại, đàng khác giúp con người hướng tha. Trong cư xử với tha nhân, nhân nghĩa là yếu tố đầu tiên cần lưu ý đến để có thể mưu ích cho tha nhân, đặt tha nhân vào đúng vị trí mà nhân phẩm của họ đòi hỏi. Như thế, con người phải là một con người xã hội mới có thể có nhân nghĩa (và hẳn nhiên ba nhân đức còn lại cũng hòa hợp với hai nhân đức này trong cùng một chức năng).

Chiều kích hướng tha nơi người quân tử trước tiên được thể hiện qua chính hành động của họ, điều này quá hiển nhiên đến nỗi không cần đề cập ở đây, chỉ xin đưa ra ví dụ về “Kinh Kha và Nhan Hồi”[17] như hai kiểu (trong nhiều kiểu) bộc lộ về người quân tử. Mặt khác, không chỉ hệ ở hành động, tính hướng tha nơi người quân tử còn là một “sức mạnh lặng thầm” hoạt động theo cơ chế “hữu xạ tự nhiên hương”[18]. Sức mạnh ấy chính là lòng đạo đức. Một khi “người quân tử làm trong sạch chính mình từ bên trong, người quân tử đồng thời làm trong sạch cái không gian quanh mình…”[19], và Khổng Tử khẳng định điều này khi nói: “đức của người quân tử như gió, đức của người tiểu nhân như cỏ, gió thổi thì cỏ rạp xuống”[20]  Chính lối sống nhân nghĩa của người quân tử tự nó hướng tha, trở thành một động lực, một lời mời gọi cho hết thảy những ai tiếp xúc. Khổng Tử đã làm một phép so sánh về lẽ trị dân: “dùng chính lệnh để dắt dẫn dân, dùng hình phạt để bắt dân vào khuôn phép, dân tránh khỏi tội nhưng không biết hổ thẹn. Dùng đạo đức để dắt dẫn dân, dùng lễ giáo để đặt dân vào khuôn phép, dân biết hổ thẹn mà lại theo đường chính.”[21] Theo lẽ này, cai trị bằng mệnh lệnh, uy quyền chỉ tạo nên sự bình an bên ngoài, nhiều khi mang tính giả tạo. Chỉ có cai trị bằng con tim, nhân nghĩa mới đem lại bình an đích thực. Khổng Tử trưng dẫn hình ảnh vua Nghiêu, Thuấn[22] như những điển hình trong lẽ trị dân bằng nhân nghĩa. Rõ ràng, người quân tử tìm thấy căn tính của mình trong chính mối tương quan với tha nhân, và quân tử chỉ có ý nghĩa trong mối tương quan ấy.

Tương tự, I-nhã không xem con người là một ốc đảo trong hành trình đi tìm về tuyệt đối, nhưng là một sinh vật có xã hội tính, đi về nguồn cội trong một cuộc đồng hành cùng tha nhân và muôn tạo vật khác. Con người trong Nguyên Lý Nền Tảng, trong hành trình ấy, luôn biết “chân nhận”[23] phẩm giá của tha nhân, của mọi tạo vật. Điều này thể hiện trong thuật ngữ “bình tâm”. Trong quan niệm của I-nhã, mọi vật đều có giá trị riêng của nó trước Đấng Tạo Hóa; do thế, mặc nhiên I-nhã thừa nhận sự bình đẳng trong tương quan người với người. Nhiều người tìm thấy trong câu: “Bởi thế người ta chỉ được sử dụng tạo vật trong mức độ chúng giúp đạt tới ‘cứu cánh’[24], và phải loại bỏ khi chúng làm cản trở mình đến cứu cánh đó” một tinh thần vụ lợi, xem mọi thứ là phương tiện để giúp mình đạt được mục đích. Tuy nhiên thực tế không phải vậy. Chính yếu I –nhã muốn nhấn mạnh ở đây giới hạn mà mỗi người phải ý thức trong tương quan với tha nhân: biết dừng lại trước khi ta xâm phạm đến phẩm giá của tha nhân vốn đồng nghĩa với việc biến tha nhân thành công cụ của mình. Điểm này thể hiện trọn vẹn chiều kích hướng tha, vì một khi giữ được sự bình tâm cho bản thân, con người ấy sẽ giúp cho tha nhân quanh mình ý thức và đạt đến sự bình tâm về phần họ.

Mệnh đề cuối cùng trong câu đầu của Nguyên Lý và Nền Tảng đã chân nhận mọi vật đều có một cùng đích của chúng, và mọi tha nhân đều có một cùng đích của riêng mình, hẳn nhiên cùng đích ấy là sự thiện.  Mỗi người có thể “tận dụng” tương quan với tha nhân để đạt tới cùng đích của mình, vì vậy, tự khắc có một mối liên kết giữa mọi người trong hành trình hướng thiện. Chính ở điểm này ta có thể bàn rộng hơn: không có một vị thánh đơn độc trong Giáo Hội Công Giáo, không thể “làm thánh một mình” mà không giúp người khác cùng nên thánh (tất nhiên người khác có nên thánh hay không là điều ta không phải muốn là được) Ngay cả đối với trường hợp cá biệt của các thánh ẩn tu trong Giáo Hội Công Giáo (thánh Anthony tu cột) chẳng hạn. Các ngài có vẻ như chẳng làm gì cho người khác, nhưng con đường, linh đạo của các ngài đã trở thành nguồn hứng cho bao người trên hành trình nên thánh của riêng họ. Đây chính là đặc điểm của lối sống người quân tử “hữu xạ tự nhiên hương” như đã đề cập.

Quan niệm nhân bản của một người sống linh đạo I-nhã trong lòng xã hội Đông Phương – thay lời kết

Một tương đồng khá thú vị giữa Khổng Giáo và I-nhã thiết nghĩ nên trưng dẫn ở đây là vị thế của con người quân tử và người bình tâm trong hành trình nên thành toàn. Khổng Tử nhấn mạnh mẫu người quân tử là đích nhắm của việc tu thân, và đó chỉ là bước đầu trong cuộc hiện sinh của con người, bởi sau tu thân, người quân tử đi vào hành trình tề gia, trị quốc và bình thiên hạ (tất nhiên không luôn hẳn theo trật tự này nhưng có sự đan quyện). I-nhã cũng không xem “bình tâm” là đích đến của con người nhưng chỉ xem nó là điều kiện thiết yếu để con người vươn đến cùng đích mà mình được dựng nên. Có lẽ một người sống linh đạo I-nhã trong lòng xã hội phương Đông tìm được ở đây chìa khóa cho cuộc hội nhập. Tất nhiên ta không thể chối bỏ sự khác biệt giữa hai bên như đã đề cập ngay từ đầu: phương Tây nhấn mạnh đến lý trí (mind) trong khi phương Đông nhấn mạnh “con tim” (“heart”), mà rõ nhất có thể thấy: ngày nay phương Tây nhấn mạnh đến nhân quyền trong khi phương Đông vẫn nhấn mạnh đến nhân nghĩa, cách giải quyết vấn đề của phương Tây vẫn thiên về luật trong khi phương Đông vẫn nghiêng chiều về sự thỏa thuận trên tương quan tình cảm. Bên cạnh đó, trong tương quan giữa Khổng giáo và I-nhã, ta thấy Khổng giáo dường như chưa đề cao đủ vai trò của người phụ nữ khi quá nhấn mạnh hình mẫu người quân tử (trong khi đó I-nhã đề cập đến con người cách chung). Đặc biệt, cái nhìn của Khổng giáo chỉ giới hạn trong cuộc sống này (thiếu siêu việt tính) trong khi cái nhìn của I-nhã hướng về Thượng Đế.

Vậy có thể hội nhập như thế nào?

Trước tiên là chân nhận sự hòa hợp có thể có được như đã trình bày về bản chất con người, về tính hướng thân và hướng tha. Thật vậy, một lần nữa, ta khẳng định cho dù là ở tận đàng Đông hay xa mãi về phía Tây, con người luôn có những phẩm chất căn bản như nhau, có khác nhau chỉ là hiện tượng, và trong cách dùng câu từ để diễn đạt. Bởi thế, tất yếu có sự hài hòa nội tại khi ta bóc bỏ lớp vỏ bên ngoài của hiện tượng và câu từ. Tư tưởng nhân bản trong Khổng Giáo hay trong linh đạo I-nhã (cụ thể trong Nguyên Lý và Nền Tảng) theo đó đều cùng chân nhận khởi phát của con người là lành thiện, và con người luôn khao khát vươn lên để thành toàn trong nhân cách, thành toàn nơi Đấng Tạo Hóa đã sinh ra mình. Trong hành trình ấy, con người phấn đấu để trở nên một “quân tử”, hay một “con người bình tâm” và điều này đặc biệt được nhấn mạnh trong chiều kích hướng tha.

Thứ đến, là một Giêsu hữu, ý thức cùng đích của mình là hướng về Thiên Chúa và đồng thời quy hướng mọi sự, giúp mọi thụ tạo cùng quy hướng về Ngài, thay vì xây dựng mình trở nên một con người bình tâm, tại sao không nghĩ về hình mẫu một người quân tử? Sống trong nền văn hóa Á Đông, thuật ngữ “sự bình tâm” theo I-nhã dễ làm cho người khác lầm tưởng là “dửng dưng với đời” trong khi tự bản chất nó gồm chứa những đặc tính nhân bản (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín) trong Khổng giáo. Sá gì một tên gọi, ta đâu nhất thiết trung thành trên từng con chữ đối với linh đạo, điều cốt yếu là tinh thần, nội dung của linh đạo ấy vẫn giữ được trong một mô hình mới – mô hình người quân tử trong truyền thống Á Đông. Trong hoàn cảnh người ta nói nhiều đến hội nhập, đối thoại văn hóa để đưa con người ở những vùng miền khác nhau xích lại gần nhau, thiết nghĩ cách thích ứng nội dung nhân bản của Đông Phương trong một khuôn mẫu linh đạo được diễn tả qua Nguyên Lý Nền Tảng là điều khả thi và đáng khuyến khích. Điều này trong thực tế đã được chứng minh với nỗ lực của những Giêsu hữu Việt Nam với những “thánh lễ nhập thể”[25]. Thực tế, nỗ lực ấy chưa được đón nhận cách rộng rãi, nhưng thiết nghĩ có thể nó là một hướng hội nhập thiết thực chăng? Lời Chúa vẫn có thể được tìm thấy trong tư tưởng của các “thánh nhân” bên ngoài Kitô giáo, đó là điều mà hiện nay Giáo Hội đã đón nhận.

“Làm người, đó là mẫu số chung, những hình dung từ theo sau chỉ là phụ thuộc”. Một lần nữa, người viết xin được nhắc lại câu này để tóm kết một cái nhìn nhân bản cả Đông lẫn Tây, từ cổ chí kim, khi bàn đến con người với những khác biệt tùy nơi và tùy thời. Đông, Tây có khác nhau trong cách diễn đạt, cách nghĩ, từ đó định hình nên những cung cách hành xử khác nhau là điều đương nhiên vì mỗi nơi có một lịch sử rất riêng. Khác biệt là cần thiết để có cái nhìn mang tính chất bổ sung, để hiểu con người toàn diện hơn từ những góc nhìn khác nhau. Vấn đề là trong tất cả những nét riêng có thể thấy được mỗi người cần tìm đến để hội nhất thành một cái nhìn. Đây cũng là cách thức để hội nhất con người mình trong bối cảnh đa văn hóa, trong bối cảnh việc giao lưu và tiếp biến văn hóa diễn ra ngày càng sâu rộng (không chỉ giới hạn đơn thuần trong sự tiêp biến của một Giêsu hữu sống linh đạo I-nhã với Khổng Giáo Đông Phương).

Nguyễn Huy Hoàng S.J.

 


[1] Khổng Tử, Luận ngữ (Nguyễn Hiến Lê chú dịch và giới thiệu), Tp. HCM., Cty. Văn Hóa quận 11, 1995, trang 284.

[2] Human nature and human education on human nature as tending toward goodness in classical Confucianism, tài liệu học tập tại lớp.

[3] Kwong-loi Shun and David B. Wong, Confucian Ethics: A Comparative Study of Self, Autonomy, and Community, New York, Cambridge Unversity Press, 2004.

[4] Nguyễn Hiến Lê, Mạnh Tử, Tp. HCM., NXB. Văn Hóa, 1996, trang 159.

[5] Bửu Kế, Từ điển Hán Việt từ nguyên, Tp. HCM., NXB Thuận Hóa, 1999, trang 81.

[6] Like father like son.

[7] Mỗi người dù tài giỏi hay không đều phải có trách nhiệm đối với sự  tồn vong của đất nước.

[8] Sở dĩ nói như vậy vì chữ nhân trong tiếng Trung Quốc có rất nhiều nghĩa.

[9] Nho giáo, từ trang: http://vi.wikipedia.org/wiki/Nho_gi%C3%A1o.

[10] Nguyên văn là Thiên Chúa

[11] Nguyễn Hiến Lê, Mạnh Tử, trang 176.

[12] Như trên.

[13] Từ của I-nhã, nguyên ngữ tiếng Anh là “disordered attachment”

[14] Tổng Hội Dòng Tên thứ 32, nghị quyết 2, số 1.

[15] Như trên, trang 257.

[16] Như trên, trang 261.

[17] Kinh Kha là một anh hùng vì muốn giúp người dân thoát những chính sách hà khắc của Tần Thủy Hoàng nên đã lên đường hành thích Tần Thủy Hoàng, việc bất thành nên vong mạng ở cung Tần Vương (Hàm Dương). Nhan Hồi là một học trò “cưng” của Khổng Tử, ông đã ăn phần cơm bẩn trong nồi để nhường phần cưm sạch cho thầy và các anh em khác, nhưng vô tình hành động đó bị thầy hiểu nhầm, tuy nhiên ông đã chấp nhận sự hiểu nhầm ấy.

[18] Đây là một cách nói mang tính văn chương xưa (ngày nay người bình dân vẫn hay dùng). Nghĩa đen là có hương thơm thì tức khắc hương ấy lan tỏa ra, nó còn ám chỉ rằng người có nhân đức thì không cần phải phô trương, tỏ bày, nhân đức ấy tự khắc sẽ được người xung quanh nhận biết, và ảnh hưởng trên người khác.

[19] Nguyễn Thị Kim Chung, Mẫu người quân tử – con người toàn thiện trong “luận ngữ của Khổng Tử”, trang http://chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Luan-Ly/Mau_nguoi_quan_tu-con_nguoi/, 27/11/2006.

[20] Khổng Tử, sách đã dẫn, trang 205.

[21] Như trên, trang 39.

[22] Hai vị vua nổi tiếng thời xa xưa của Trung Hoa (thời lập quốc). Theo tương truyền, dưới thời hai vua này, đất nước được thanh bình tuyệt đối, người dân đêm ngủ không cần phải khóa cửa vì hoàn toàn không có nạn trộm cắp, cướp bóc.

[23] Chân thành (thực) nhìn nhận một điều gì đấy.

[24] Theo quan niệm của I-nhã, cứu cánh ở đây được hiểu là Thượng Đế (Thiên Chúa)

[25] Đi đầu trong phong trào này là linh mục Giuse Hoàng Sỹ Qý, S.J. Ngài đã thử nghiệm những thánh lễ nhập thể ít lâu trước đây (năm 2006) tại giáo xứ Hiển Linh (với nhóm “gia đình nhập thể”). Trong các thánh lễ ấy, ngai sử dụng trang phục truyền thống của dân tộc, một số loại hình hát xướng dân tộc. Đặc biệt, một số bài đọc Kinh Thánh được thay bằng các trích đoạn trong các sách thánh hiền Phương Đông.

Kiểm tra tương tự

Âm nhạc: Chìa khóa nuôi dưỡng tâm hồn và nhân cách

  Shinichi Suzuki đã thay đổi cách giáo dục âm nhạc cho trẻ em. Nhờ …

Tại sao lễ Chúa Hiển Linh được coi là lễ hội ánh sáng?

  Lễ Chúa Hiển Linh tập trung cách đặc biệt vào thực tại Chúa Giêsu …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *