Tình bạn trong Dòng Tên

Lm. Vinhsơn Phạm Văn Mầm, S.J.

Ngay từ đầu, chúng ta phải thừa nhận cùng với Charles M. Shelton rằng có nhiều tài liệu viết về đời sống cộng đoàn, nhưng lại rất hiếm những tài liệu viết riêng về “tình bạn trong Chúa,[i] vốn là một đặc nét của các Giêsu hữu được thể hiện trong suốt lịch sử Dòng Tên. Gọi là đặc nét vì đây là yếu tố uyên nguyên và thiêng liêng xuất hiện trước cả khi Dòng Tên được thành lập. “Tình bạn trong Chúa” là khởi điểm của tình bạn trong Dòng Tên. Nó được coi như là một “hình mẫu” mà mọi mối tương quan trong Dòng để là tình bạn đúng nghĩa phải hướng tới và khuôn theo. Rất có thể đó là lý do mà người ta không cần trình bày nhiều về nó như những kiến thức, nhưng cái mà các Giêsu hữu cần là phải sống và thể hiện nét độc đáo này trong các mối tương quan giữa họ. Vì thế, bài viết này chỉ là nỗ lực gom góp những kiến thức rải rác với mục đích giúp nhau sống tình bạn chân thành giữa những anh em Giêsu hữu. Nó được chia thành sáu đề mục nhỏ không kể phần dẫn nhập và kết luận.

I. Đôi Dòng Lịch Sử

1. Những người bạn trong Chúa: Đoàn Giêsu

Sau khi được ơn hoán cải (1521), đi hành hương Giêrusalem (1523), và rồi, ý định ở lại đó truyền giáo cho người Hồi Giáo không thành, Inhã đã trở lại Tây Ban Nha và đi học để có thể giúp các linh hồn hơn. Trong thời gian này, qua việc giúp Linh thao, Inhã  đã gầy dựng một số nhóm bạn mang cùng chí hướng. Trước hết, nhóm bốn người tại chính quê hương ngài nhưng rồi nhóm này mau chóng tan rã. Điều tương tự cũng xảy ra với nhóm thứ hai được Inhã qui tụ ở Paris sau năm 1527. Chỉ khi đến nhóm thứ ba Inhã mới thành công. Họ gồm 7 người, thánh Inhã và Phanxicô Xavier (người Basque), Phêrô Favre (Pháp), Diego Lainez, Alonso Salmeron và Nicolas Bobadilla (Tây Ban Nha), Simon Rodriguez (Bồ Đào Nha). Sau đó, nhóm bảy này đã tuyên khấn tại nhà thờ Monmartre vào ngày 15.08.1534. Về sau, qua sự hướng dẫn Linh thao của Phêrô Favre, có thêm ba người bạn nữa gia nhập nhóm là Claude le Jay, Paschase Broet, and Jean Codure.[ii] Nhóm bây giờ gồm mười thành viên. Họ tự xưng là “những người bạn trong Chúa” (Friends in the Lord). Đây chính là “Đoàn Giêsu,” (Company of Jesus) cái tên mà họ đã quyết định đặt cho nhóm trong khi chờ đợi thực hiện lời hứa đi hành hương Giêrusalem và nếu không thực hiện được ý định này họ sẽ dâng mình cho Đức Thánh Cha. Như vậy ‘Đoàn Giêsu’ là danh xưng chính thức của nhóm bạn đầu tiên trước khi trở thành tên của Dòng mà tiếng Việt gọi là “Dòng Tên.

2. Nguồn gốc của cụm từ “Những người bạn trong Chúa”

Theo William A. Barry, SJ., “Người bạn được hiểu như là một người gắn bó với một người khác do tình cảm hay lòng quý mến… Một tình bạn có thể dựa trên ba mức độ: (1) cùng chung một cách thức hiện hữu (vì anh là người); (2) do hấp dẫn bởi một tính cách tốt (một người tốt lành); (3) và do một khao khát thăng tiến bản thân (muốn nên tốt như người bạn). Tình bạn hoàn hảo là mối liên hệ hỗ tương kết hợp cả ba yếu tố nền tảng này.[iii] Định nghĩa này cung cấp cho chúng ta khái niệm sơ khởi về ý nghĩa của cụm từ mà những bạn đầu tiên đã dùng như tên gọi của nhóm.

Danh xưng “Những người bạn trong Chúa” đã được dùng trong bối cảnh khởi đầu của nhóm bạn của thánh Inhã.[iv] Thật vậy, Javier Osuna cho rằng cụm từ “Những người bạn trong Chúa” dường như là một cách nói riêng biệt (an isolate phrase): có lẽ nó không bao giờ được lặp lại và nó được viết trước khi Dòng Tên được thiết lập. Bối cảnh của nó là một trình thuật (a narrative) sống động kể lại tất cả mọi điều mà nhóm đã sống trong những năm trước đó và đang hy vọng thực hiện trong tương lai.”[v]

Hiểu như thế, mối tương quan tình bạn của những người bạn thánh Inhã chứa đựng đầy đủ những tính chất của một tình bạn hoàn hảo khi họ kết thân với nhau. Tình bạn của họ vượt ra ngoài biên giới nhân loại mà định nghĩa trên đã đưa ra. Thậy vậy cái liên kết họ không phải là mối dây nhân loại, nhưng là siêu nhiên: họ là những con người, là những Kitô hữu có lòng khao khát, bị hấp dẫn bởi cung cách sống của Inhã và rồi, cùng mang một lý tưởng chung là đi theo và phục vụ Đức Kitô trong Hội thánh của Người, chứ không phải Inhã.

II. Ý Nghĩa của Cụm Từ “Những Người Bạn Trong Chúa”

Theo Javier Osuna, cụm từ “Những người bạn trong Chúa” là một cách nói không bao hàm bất cứ ý tưởng lớn lao nào, nhưng lại gói ghém cách tuyệt vời điều mà nhóm bạn muốn , chứa đựng những dự định đã nối kết họ và những chờ đợi của họ về tương lai.[vi]

Trở lại kinh nghiệm ban đầu gặp gỡ và hình thành nhóm, ta có thể nhận ra rằng danh xưng tập thể này rõ ràng muốn chỉ ra chính cái “kinh nghiệm làm nền” cho nhóm bạn và Dòng Tên sau này. Vì thế, cụm từ “Những người bạn trong Chúa” là một “phát biểu” về phẩm chất của chính đời sống mà những người bạn đầu tiên đã tạo nên. Javier Osuna đã viết về giai đoạn này như sau:

“Họ đã trải nghiệm một giai đoạn bảy năm về tình bạn (1529-1534), về những kinh nghiệm thiết thân cá vị về Thiên Chúa, về mối tương giao đầy nhiệt huyết và nhận định, về những trái tim và tâm trí cùng đến với nhau xoay quanh một lý tưởng được nuôi dưỡng trong Linh thao, về sự hội tụ phát triển không ngừng theo một ‘cung cách hành xử’ riêng biệt. Cộng đoàn nhỏ bé của những người bạn trong  Chúa đã được sinh ra và lớn dần. Cộng đoàn ấy được kêu gọi đến với nhau bằng một tình yêu cá vị mà Chúa Giêsu đã chinh phục mỗi người. Cộng đoàn ấy được duy trì bên nhau bằng sức mạnh của cùng tình yêu này, vốn đã kêu gọi họ dấn thân đời sống của họ trong tình môn đệ và phục vụ Đấng mà họ coi là thủ lãnh và bề trên duy nhất.”[vii]

Như vậy điều mà danh xưng tập thể này muốn diễn tả là một tình bạn được đặt nền trên sự gặp gỡ Thiên Chúa qua Đức Kitô. Con người, đời sống và sứ mạng của Đức Giêsu là lý tưởng để mỗi người trong nhóm noi theo và dấn thân hết mình bằng thái độ đức tin  và trong sự tín thác vào Hiền thê của Người là Giáo hội. Xuất phát từ ý nghĩa  này mà ta có thể khám phá ra những đặc tính riêng biệt của tình bạn Giêsu hữu.

III. Những Đặc Tính của “Tình Bạn Trong Chúa”

Khi khẳng định rằng “chúng ta không đơn thuần là những người làm việc có cùng chí hướng mà thôi; chúng ta là những người bạn trong Chúa,” Tổng Hội 34 đưa các Giêsu hữu về một kinh nghiệm siêu nhiên nền tảng xưa kia của thánh Inhã và các bạn, và khẳng định rằng các Giêsu hữu là những người chia sẻ sự hiệp thông được Thiên Chúa thiết lập giữa thánh Inhã và những người bạn đầu tiên.[viii]

1. Được Chúa Kitô qui tụ

Nói về đặc sủng Dòng Tên, Tổng hội 33 diễn tả rằng “Đời sống của Giêsu hữu được bén rễ trong kinh nghiệm về Thiên Chúa là Đấng, qua Chúa Giêsu Kitô và trong Giáo hội, đã kêu gọi, nối kết và sai phái chúng ta.”[ix] Thật vậy mỗi người trong số họ đã gặp gỡ Đức Kitô qua Linh thao, đã nghe ngài kêu gọi và đã quyết tâm đi theo và phục vụ Ngài trong Giáo hội, hiền thê của Ngài.[x] Đây chính là tinh thần và lối sống đã được các bạn hữu đầu tiên thể hiện trước khi họ quyết định nhận mình là Đoàn Giêsu và đó chính là xác tín của tất cả các bạn đầu tiên liên quan đến thời kỳ thành lập này.[xi]

Kinh nghiệm thiết thân với Chúa và được Chúa quy tụ của các bạn tiên khởi chính là đặc tính đầu tiên và nền tảng của “tình bạn trong Dòng.” Ngoài ra, chúng ta có thể nhận ra năm đặc điểm chính yếu khác nữa. Tình bạn Giêsu hữu trước hết là một quà tặng của Thiên Chúa; tình bạn của họ là tình bạn của những người tu sĩ, của những linh mục thừa tác, của những nhà tông đồ gắn bó với Vị Đại Diện Chúa Kitô nơi trần gian bằng lời khấn vâng phục.

2. Quà tặng của Thiên Chúa [xii]

Cha Howard J. Gray nói rằng tình bạn trong Dòng Tên là một kinh nghiệm và là một quà tặng. Quả thế, tình bạn mà các Giêsu hữu khám phá, ấp ủ, mở rộng, quý trọng, đến từ những sự gặp gỡ không mang tính nhân loại, nhưng là thiêng liêng. Nó đến từ kinh nghiệm chọn lựa trong Linh thao.[xiii] Đó chính là kinh nghiệm của các bạn đầu tiên. Họ không chọn nhau, nhưng chính Chúa đã chọn họ và biến đổi họ thành những người ban của nhau.

Cha Cosma Đạt đã đưa ra nhận xét rằng cứ bình thường, bảy người thật là khó liên kết với nhau lâu dài bởi vì họ khác nhau về chủng tộc, hiềm khích dân tộc, ngôn ngữ, nguồn gốc xã hội và tính tình.[xiv] Điều này càng chứng tỏ rằng sự liên kết của họ không dựa vào yếu tố tự nhiên, nhưng là siêu nhiên. Thật vậy, những người bạn đó “đã trải nghiệm tình bạn do Chúa Giêsu ban tặng và trải nghiệm này đã nối kết tất cả họ trong một sự hiệp thông huynh đệ cũng như giúp vượt qua những khác biệt của họ. Đó là bí quyết đã giữ gìn họ trong một sự bình an, hài hòa và tình mến sâu xa nhất qua sự chia sẻ mọi của cải và trọn con tim của họ.… và dù đó là “Nhóm-Mười” đến từ những quốc gia rất khác nhau mà chỉ có chung một tâm tình và chung một ước muốn.[xv] Điều này chỉ có thể là công trình của Chúa, được khởi sự với Ignatius.

Cùng với đặc tính kể trên, Tổng hội 34 còn nêu lên bốn đặc nét của tình bạn trong Dòng Tên: đó là tình bạn của người tu sĩ, tông đồ, tư tế và gắn bó với Đức Giáo Hoàng bằng mối dây tình yêu và phục vụ.[xvi]

3. Tình bạn dâng hiến

Tình bạn trong Dòng Tên là một tình bạn của người sống đời thánh hiến chứ không phải bất cứ thứ tình bạn nào khác. Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã nói với các tu sĩ Dòng Tên rằng: “Các bạn là những tu sĩ, và do đó là những người cầu nguyện, những người mô phỏng Tin mừng của Chúa Kitô và là những người được phú ban cho tinh thần siêu nhiên, được đảm bảo và bảo vệ bằng những lời khấn khó nghèo, khiến tịnh và vâng phục của người tu sĩ…. Xét như là người tu sĩ, các bạn là những người được ban cho một lối sống ‘khổ chế’ để bắt chước Con Thiên Chúa, Đấng đã tự huỷ mình ra không để đảm nhận thân phận của người nô lệ” (Phil 2: 7). Xét như là người tu sĩ, các bạn phải thoát khỏi những thoả hiệp dễ dãi đi kèm một não trạng đã được giải thiêng (de-sacralized mentality), vốn phơi bày trong qúa nhiều những khía cạnh của lối ứng xử hiện nay,” và hơn nữa các bạn phải nhìn nhận và sống – cách can đảm và gương sáng – ‘giá trị mang tính khổ chế và huấn luyện của đời sống chung,’ gìn giữ nó để không bị sứt mẻ và chống lại các khuynh hướng cá nhân chủ nghĩa và tính lập dị.”[xvii]

4. Tình bạn tông đồ

“Những người bạn đã làm một quyết định chung là dâng hiến trọn cuộc đời của họ cho Thiên Chúa nhằm phục vụ con người theo ‘cung cách hành xử Inhã’.”[xviii] Họ giúp nhau ao ước cùng một sứ mạng trong Chúa.[xix]

Đức Phaolô VI tiếp tục khẳng định đặc nét riêng của Dòng Tên khi nói: các bạn là những người tông đồ, nghĩa là, những người rao giảng Tin mừng, được sai đến bất cứ nơi đâu phù hợp với tính cách riêng và đúng đắn nhất của Dòng. Các bạn là những người mà chính Chúa Giêsu đã sai vào trong toàn thể thế giới để rao giảng giáo lý thánh thiện của Ngài cho những con người thuộc mọi quốc gia và mọi điều kiện. Đây là nét đặc trưng nền tảng và không thể thay thế của một người Giêsu hữu đích thực, được tìm thấy trong Linh thao và Hiến Pháp. Nó được thể hiện một cách mạnh mẽ hơn qua việc liên tục tìm kiếm cái “hơn nữa” (magis) trong các sứ vụ đa dạng của Dòng và là động lực sâu xa nhất của đời sống tông đồ mà mọi Giêsu hữu phải sống cách đầy đủ.[xx]

Nói một cách khác, chính sứ mạng làm cho các thành viên của Dòng trở thành những người bạn của nhau.[xxi] Và cộng đoàn những người bạn trong Chúa này trở nên một thân thể tông đồ cùng theo đuổi một mục đích chung được Giáo hội ủy thác.[xxii]

5. Tình bạn mang tính tư tế

Mặc dù không quên ghi nhận những đóng góp hữu hiệu và đáng ca ngợi của những anh em không nhận lãnh tác vụ thánh như được ghi nhận trong truyền thống Dòng, nhưng đặc tính tư tế là đặc tính then chốt nữa của Dòng Tên. Chính từ đặc sủng tư tế này của Dòng làm phát sinh tính chất tông đồ của sứ vụ được uỷ thác cho các bạn như là các tu sĩ Dòng Tên. Các bạn là những linh mục, là những người phục vụ ân sủng của Thiên Chúa ngang qua các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể; duy trì sự hiệp nhất cộng đoàn Kitô hữu ngang qua việc giảng dạy…[xxiii]

Những đặc tính này đã được thánh Inhã và các bạn diễn tả trong định thức 1540 và 1550 và đã lần lượt được các Đức giáo hoàng Phaolo III và Giuliô III chuẩn nhận: “Họ (các Giêsu hữu) phải nhớ rằng mình là phần tử của một Dòng được thành lập với mục đích chính yếu là bảo vệ và truyền bá đức tin, cùng giúp các linh hồn tiến tới trong đời sống và giáo lý Đức Kitô. Họ thực hiện mục đích trên bằng việc công khai giảng dạy và mọi cách thi hành thừa tác vụ Lời Chúa, bằng Linh thao hay dạy giáo lý cho trẻ em và người ít học, cũng như bằng việc ban bí tích giải tôi và các bí tích khác để đem lại cho các tín hữu niềm an ủi thiêng liêng…”[xxiv]

6. Gắn bó với Đức Giáo Hoàng

Đặc tính thứ tư của tình bạn Giêsu hữu là hiệp thông trong mối dây liên kết với Đức Giáo Hoàng, Đấng kế vị thánh Phêrô, bằng một lời khấn đặc biệt. Chính sự hiệp nhất này đem lại cho các thành viên của Dòng sự tự do thực sự, nghĩa là, được đặt dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần, thích hợp với tất cả các sứ vụ.[xxv] Đặc nét này làm nên sức năng đông riêng của các sứ vụ Dòng Tên vốn được Đức Phaolô VI ca tụng và tiếp tục được lặp lại bởi Đức Bênêdict XVI: “Bất cứ nơi đâu trong Giáo hội,  ngay cả ở những phạm vi thách đố và khó khăn nhất, nơi những giao lộ của những ý thức hệ, nơi những khuynh hướng xã hội, nơi đã có hay đang có sự đương đầu giữa đòi hỏi cháy bỏng của nhân loại và của sứ điệp muôn thuở của Tin mừng, ở đó đã có và đang có các Giêsu hữu.”[xxvi] Mối dây gắn bó với vị Đại diện Chúa Kitô này gợi lại lòng xác tín của các bạn đầu tiên vào sự dẫn dẫn của Thánh Thần trong sứ mạng phổ quát của Giáo hội. Việc lặp đi lặp lại về “sự rạn nứt của lời khấn thứ tư” của Vị Đại Diện Chúa Kitô trong những ngày đầu của Tổng Hội 35 cho thấy yếu tố quan trọng làm nên tính chất căn bản của người Giêsu hữu trong Giáo hội.[xxvii]

Nói rõ hơn, tình bạn trong Dòng là một qùa tặng nhưng không mà Chúa ban cho một Giêsu hữu. Tình bạn ấy có thể mang những tính chất giống như các tu sĩ của các dòng khác (chẳng hạn như họ là nhưng tu sĩ, tư tế và là những người tông đồ), nhưng tình bạn trong Dòng Tên còn bao gồm những yếu tố bao trùm lên những tính chất của đời tu truyền thống của các ẩn sĩ và đan sĩ –  nghĩa là –  những thuộc tính tu sĩ, tư tế và tông đồ lâu đời của đời tu, nay đối với Dòng Tên, mang một chiều kích tông đồ mới mẻ lả đặt trong cái nhìn “Chiêm niệm trong hoạt động.” Cùng với cái nhìn mới mẻ này, lời khấn thứ tư tạo nên sức năng động mới giúp cho Dòng cách chung và cho mỗi một Giêsu hữu nói riêng đạt đến hiệu qủa cao nhất trong việc phục vụ Tin Mừng.

IV. Những cách thể hiện và nuôi dưỡng tình bạn

Sau khi đã nêu lên những đặc tính cốt yếu của tình bạn trong Dòng, giờ đây chúng ta có thể đề cập đến những cách thể hiện và nuôi dưỡng tình bạn.

1. Sự trưởng thành tâm cảm

Lẽ dĩ nhiên để trở thành một Giêsu hữu, điều này đã giả thiết rằng bất cứ ai được nhận vào Dòng đều đã phải đạt đến một mức độ trưởng thành tâm cảm nào đó. Tuy nhiên, người viết bài này nghĩ là sẽ không thừa khi đề cập thêm đến sự trưởng thành tâm lý và tình cảm bởi vì chiều kích này luôn là một “dòng chảy động” ảnh hưởng và chi phối trên toàn bộ đời sống của mọi người, tu hay không tu.

Sự trưởng thành tâm cảm của con người không phải là một thứ máy móc chỉ cần “cài đặt” một lần cho tất cả, nhưng nó lại là yếu tố rất quan trọng góp phần xây dựng hạnh phúc của con người. Chính vì thế, khi nói về ảnh hưởng của nó trên đời sống của các Giêsu hữu, Charles M. Shelton[xxviii] đã khẳng định rằng tình bạn của Giêsu hữu là một kinh nghiệm sống động và nền tảng giúp cho cả việc xây dựng sự thân mật (intimacy) lẫn hạnh phúc (well-being) trong Dòng Tên. Theo ông, sự thân mật là một nhu cầu căn bản của con người, bao gồm những ước muốn gần gũi, thân mật, và khát vọng sâu xa. Thật vậy, con người có nhu cầu chia sẻ những tình cảm và tư tưởng sâu xa nhất của mình với người khác. Nhu cầu này đến từ ước muốn biết người và được người biết. Tuy nhiên, ước muốn thân mật này lại được biểu lộ cách khác nhau tuỳ theo cái mà ta gọi là bậc sống.

Trong hôn nhân, theo cách tự nhiên, người phối ngẫu hướng nhu cầu thâm giao này đến đối tác hôn nhân của họ qua những mối liên hệ vợ chồng và những nhu cầu tự nhiên của thân xác và tinh thần được thoả mãn trong mối liên hệ này.

Trái lại, sự thân mật của tình bạn người Giêsu hữu này hoàn toàn khác với sự thâm giao độc chiếm trong hôn nhân vốn được xem như là phương thế tự nhiên để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Sự thân mật này mở ra với mọi người và với mọi Giêsu khác xét như bạn hữu – vốn được coi là “quà tặng” của đời sống độc thân. Nguồn gốc và nền tảng của sự thân mật giữa những người bạn trong Chúa bắt nguồn từ sự kết hợp mật thiết với Chúa (chiều kích siêu nhiên của ơn gọi) và sứ mạng mà họ được mời gọi dấn thân vào. Chính trên sự  mật thiết này mà mọi mối tương quan nhân loai khác phải được hiểu và thăng hoa. Nói khác đi, để có một tình bạn chân thật giữa các Giêsu hữu, đỉều rất căn bản là họ  phải đạt đến một sự trưởng thành về tâm cảm (vừa nhân loại vừa siêu nhiên) để khả dĩ có thể đảm nhận được chính mình như mình là theo như chính ơn gọi đòi hỏi.

2. Cùng hướng về mục đích của Dòng

Cùng hướng về mục đích của Dòng  được coi như là một trong những đặc tính quan trọng mà Charles M. Shelton, SJ. đã đưa ra trong định nghĩa của ông về tình bạn.[xxix] Dòng Tên được thành lập vì một mục đích rõ ràng[xxx] và chỉ những ai ao ước muốn đeo đuổi mục đích này mới được nhận vào Dòng.[xxxi] Như đã đề cập ở trên, đời sống của Giêsu hữu xoay quanh một lý tưởng được nuôi dưỡng trong Linh thao và cung cách hành xử củq họ phải là ‘cung cách hành xử’ của Dòng. Vì thế mối tương quan tình bạn chân thật giữa các Giêsu hữu, dù đó có thể là giữa hai hay nhiều Giêsu hữu, luôn phải khích lệhỗ trợ và củng cố ước muốn cũng như những nỗ lực của mỗi cá nhân hướng đến việc phục vụ Nước Trời như mục tiêu  mà Dòng đã đề ra.[xxxii] Sẽ là một điều xa lạ trong Dòng, nếu mối tương quan giữa các Giêsu hữu chỉ dựa trên cảm tính, sở thích của những cá nhân hay trên những khuynh hướng trần thế của một nhóm người bất kỳ trong Dòng.

Tổng hội 35 khi nhắc lại những khía cạnh này đã viết như sau: “Được quy tụ với nhau bởi Linh thao, họ (những người bạn đầu tiên) đã chỉ có chung một mục đích là được sai vào sứ vụ theo hình ảnh của Chúa Con, và như thế phục vụ Chúa trong tình bạn.”[xxxiii] Nói cách khác, mối tương quan giữa một hay nhiều Giêsu hữu không có mục đích tự chính nó, nhưng hướng đến mục đích chung của Dòng đã nhận từ chính Chúa Cha qua Chúa Con.

3. Một đời sống tình thân đối với Chúa

Không thể nói là những người bạn trong Chúa giữa các Giêsu hữu, nếu tình bạn của họ không được nuôi dưỡng bằng sư gắn bó thiết thân đối với Chúa. Cụm từ “những người bạn trong Chúa” nói lên nội dung căn bản mà mỗi một Giêsu hữu phải ý thức: trong Chúa họ là mới bạn của nhau. Phạm trù “trong Chúa” phải là yếu tố căn bản bao trùm tất cả những mối liên hệ giữa các Giêsu hữu. Nói theo ngôn ngữ của Hiến pháp thì tình yêu Thiên Chúa phải là mối dây chủ yếu của tình huynh đệ.[xxxiv] Thật vậy, nếu như chính kinh nghiệm nền tảng của Linh thao, chứ không phải kinh nghiệm trần thế hay sở thích mau qua, đã qui tụ các bạn đầu tiên thành một nhóm thống nhất trong cách sống và phục vụ sứ mạng của Giáo hội, thì tình bạn đích thực trong Dòng không thể  duy trì và phát triển lành mạnh nếu mỗi Giêsu hữu không đào sâu và giúp nhau đào sâu tình thân với Chúa, Đấng đã kêu gọi và quy tụ họ.

Sống tình thân với Chúa chính là “chiều kích hàng dọc” hay “trục đứng” tạo nên sự bền vững và sâu xa cho mối thâm giao giữa các Giêsu hữu vốn được xem là “trục ngang”. Một tình bạn mà không hướng đến việc xây dựng trục đứng này bằng cầu nguyện, tham dự bí tích, chia sẻ đời sống đức tin và nhận định thiêng liêng thì không thể được coi là tình bạn chân thật như chính ý nghĩa mà cụm từ “những người bạn trong Chúa” muốn bao hàm. Nói cách khác, một đời sống thân mật đối với Chúa chính là mẫu số chung phải có giữa các mối tương quan của Giêsu hữu để tình bạn của họ được xác thực và thăng hoa.

4. Khả thể chia sẻ và đối thoại thiêng liêng

Chia sẻ và đối thoại thiêng liêng là những yếu tố nền tảng nữa giúp xây dựng và nuôi dưỡng tình bạn giữa các Giêsu hữu mà ta có thể khám phá khi đọc lại lịch sử của Dòng. Các bạn đầu tiên của thánh Inhã đã định hướng những khao khát của con tim của họ ngang qua hàng giờ và hàng giờ của điều mà ngày nay chúng ta gọi là chia sẻ…Cứ chiều thứ năm, họ đi dã ngoại để chia sẻ với nhau những gì họ kiếm được để ăn và cứ mỗi sáng Chúa nhật, họ cùng nhau đi đến Carthusians để chia sẻ và trao đổi thiêng liêng, tham dự phụng vụ và hiệp thông Thánh Thể.[xxxv] Kinh nghiệm chia sẻ và đối thoại này của các bạn đầu tiên đã tạo nên một truyền thống luôn được coi trọng trong Dòng Tên là chiều kích nhận định cộng đoàn. Khả thể đối thoại hay chia sẻ thiêng liêng được coi nhưmức độ thẩm định tình thân của những người bạn trong Chúa. Thật vậy, giữa các Giêsu hữu có thể có sự chan hoà cởi mở (friendliness) như những người ngoài Dòng, nhưng sẽ không thực sự là những người bạn trong Chúa nếu giữa họ thiếu tính chất then chốt này.[xxxvi]

Hơn nữa, chúng ta có thể khẳng định rằng khả thể của việc chia sẻ và đối thoại thiêng liêng nàymang tính biện chứng: nó vừa là dấu ấn xác nhận một tình bạn chân thật, vừa là nguồn nuôi dưỡng tình bạn bền vững giũa các Giêsu hữu. Chính điều này làm cho họ trở thành bạn hữu thiết thân của nhau và, dù ở bình diện cá nhân hay cộng đoàn, nó đều góp phần vào việc nuôi dưỡng và củng cố ơn gọi của các Giêsu hữu cũng như gia tăng tình thân.

Trên bình diện thực hành, việc chia sẻ và đối thoại thiêng liêng giúp họ hiểu biết nhau: hiểu nhữngước muốn hay lý tưởngnhững khó khăn hay những vật lộn mà mỗi người đang ấp ủ hay phải đối diện trong cuộc sống đời thường của ơn gọi và sứ mạng; để rồi từ sự hiểu biết này, họ giúp nhau vượt qua những thách đố để lớn lên và hạnh phúc trong ơn gọi. Khi thực hành như thế, thì Lời Kinh thánh rằng “anh  em hãy mang gánh nặng dùm nhau” đã được áp dụng cách chính xác cho lĩnh vực tình bạn giữa các Giêsu hữu. Nói một cách khác, tình bạn giữa các Giêsu hữu không hệ tại việc gần gũi nhau về không gian và thời gian nhưng hệ ở khả năng chia sẻ với nhau những ước muốn tông đồ và giúp nhau can đảm dấn thân trong các sứ vụ đầy thách đố mà Chúa mời gọi và được Dòng trao phó.

Tóm lại, tình bạn giữa các Giêsu hữu càng thiêng liêng và trong sáng thì họ càng có khả năng dễ dàng chia sẻ và qua đó đời sống ơn gọi của họ càng phong phú và sứ mạng tông đồ của họ càng được củng cố.

5. Mở ra với mọi Giêsu hữu

Có thể có những mức độ thân tình khác nhau giữa các Giêsu hữu. Tuy nhiên tình bạn phổ quát giữa các Giêsu hữu thì không thể thiếu. Do đó, một tương quan chỉ được gói gọn hay giới hạn giữa hai hay một nhóm khép kín các Giêsu hữu như một “ghetto” giữa cộng đoàn là điều không hiểu được trong Dòng Tên. Thật vậy, ngay từ đầu, sự khác biệt về chủng tộc, địa phương, khẳ năng, kiến thức… đã không gây cản trở cho việc phát triển tình bạn giữa các bạn đầu tiên.

Như vậy, cụm từ “Tình bạn trong Chúa” luôn bao hàm chiều kích mở ra với bất cứ ai mà Chúa mang đến cho họ. Chính trong ý nghĩa này mà ta hiểu điều Tổng hội 32 đã lặp lại rằng cộng đoàn địa phương mà một Giêsu hữu tuỳ thuộc vào chỉ là sự diễn tả của tình huynh đệ phổ quát.[xxxvii]Tổng hội 35 một lần nữa tái khẳng định “tính duy-nhất-trong-đa-đạng” là nét đặc trưng của Dòng trải suốt dọc lịch sử: “ngang qua nhận định cầu nguyện, trao đổi cởi mở, và đối thoại thiêng liêng, chúng ta có không biết bao nhiêu thuận lợi để biết tất cả chúng ta là một trong Chúa.”[xxxviii]

Tổng hội cũng tái khẳng định căn tính của Dòng như là những người bạn trong Chúa: “chúng ta sống căn tính của chúng ta như những người bạn của Chúa Giêsu.”[xxxix] Và để giải thích điều này, Tổng hội cho rằng chúng ta, những Giêsu hữu, tìm thấy căn tính chúng ta không phải là trong sự đơn lẻ, nhưng trong tình bạn: trong tình bạn với Chúa, Đấng kêu gọi, và trong tình bạn với người khác, những người chia sẻ tiếng gọi này bởi có chung một kinh nghiệm và nguồn là  kinh nghiệm của Inhã được đặt với Con tại La Storta.[xl] Sự khác biệt về bậc sống trong Dòng (tu huynh hay thệ sĩ) cũng không làm cho việc phát triển tình bạn bị giới hạn hay nghèo nàn, nhưng ngược lại, bởi vì tất cả phục vụ một sứ mạng duy nhất của Chúa Kitô theo những ân huệ mà mỗi người được trao ban.[xli] Những điều này khẳng định tính cách mở của tình bạn trong Chúa mà các Giêu hữu phải hướng tới.

Chúng ta đang sống trong bối cảnh toàn cầu hóa, chính “bối cảnh toàn cầu hóa mời gọi chúng ta hành động như một thân thể phổ quát với một sứ mạng phổ quát.”[xlii] Tình bạn luôn mở rộng của người Giêsu hữu sẽ góp phần vào việc phục vụ sứ mạng phổ quát ấy và ta có thể nói rằng tình bạn giữa các Giêsu hữu càng có chiều sâu thì càng tạo nên một bầu khí thuận lợi giúp cho việc tông đồ đạt đến hiệu quả tốt nhất.

V.  Vai trò của tình bạn Giêsu hữu

Charles M. Shelton,[xliii] với cái nhìn tâm lý, cho rằng tình bạn Giêsu hữu đem đến ba chức năng chính góp phần giúp người Giêsu hữu triển nở trong đời sống nhân bản cũng như tông đồ.

1. Tạo điều kiện triển nở

Trong tương quan tình bạn chân thành, mỗi người sẽ cảm thấy mình được chấp nhận bởi tha nhân và cũng dễ dàng chấp nhận chính mình như mình là so với những tương quan khác. Ta cũng phải nói như thế đối với tương quan tình bạn giữa các Giêsu hữu. Tình bạn giữa họ cho phép mỗi người trong họ dễ dàng nhận ra mình là ai. Quả thế, với (những) người bạn này, tôi cảm thấy thoải mái hơn và do đó tôi ít phải tự vệ hơn so với các mối tương quan huynh đệ khác trong Dòng Tên. Tôi là tôi nhất với (những) người bạn này – tôi ý thức nhiều hơn về bản thân tôi; tôi cảm thấy bình an để dễ dàng nhận ra những khả năng khác nhau cũng như giới hạn của tôi, và cũng dễ dàng hiểu được con người bên trong của chính tôi. Tình bạn mà tôi kinh nghiệm như thế sẽ tạo thuận lợi cho tôi sự triển nở là mình nhất, vì tôi không phải tự vệ, và do đó tôi có thể qui hướng nhiều hơn nữa những năng lực tâm lý của tôi đến những kinh nghiệm triển nở khác và huy động chúng vào những nỗ lực tông đồ đầy phong phú.

2. Giúp củng cố tình huynh đệ trong Dòng

Trong Dòng Tên, bất cứ người Giêsu hữu nào cũng thuộc về một cộng đoàn cụ thể và chia sẻ sứ mạng chung của cộng đoàn đó. Tuy nhiên, dù tôi có thực sự là thành phần của một cộng đoàn và có những mối tương quan trong cộng đoàn đó, thì cũng có thể xảy ra là cái “cơ cấu” đó có thể vẫn còn xa xa với những mong ước của tôi về cộng đoàn; và như vậy cách nào đó, điều đó có thể làm cho tôi thất vọng. Trong trường hợp đó, tình bạn như được trình bày và mô tả sẽ giúp người Giêsu hữu gần gũi hơn với lý tưởng nhất. Trong bối cảnh như thế, tình bạn Giêsu hữu sẽ đem đến cho người Giêsu hữu những sự trợ giúp nhân bản đầy yêu thương, sự nâng đỡ thiêng liêng và tông đồ. Chính kinh nghiệm này sẽ góp phần làm sáng tỏ và củng cố  các mối liên hệ cộng đoàn cũng như sứ mạng của cá nhân đó trong cộng đoàn mà anh là thành phần. Hơn nữa, kinh nghiệm này còn cung cấp một bức tường bảo vệ chống lại những khoảnh khắc ngã lòng và tránh được những cám dỗ chỉ trích cay đắng.

3. Dấn thân xây dựng cộng đoàn

Về phương diện nhân bản, một người khi cảm thấy được nâng đỡ và yêu thương, người ấy dễ dàng chia sẻ với người khác những “cái có” hay “cái là” của mình qua những hành động dấn thân của mình. Cũng vậy, trong tình bạn chân thành giữa họ, các Giêsu hữu sẽ được khích lệ và thúc đẩy hướng đến những hành động dấn thân chia sẻ và phục vụ. Như ta đã tìm hiểu, tình bạn chân thật giữa các Giêsu hữu phải được bén rễ, nuôi dưỡng và duy trì  trong tình thân mật đối với Chúa, là Đấng hết lòng yêu thương và xả thân cho bạn hữu mình (con người).  Tương tự như thế, tình bạn giữa các Giêsu hữu cũng được mời gọi noi theo “hình mẫu” của họ là chính Chúa, ra khỏi “chân trời” của bản thân hướng đến tha nhân bằng việc dấn thân chia sẻ, xây dựng và phục vụ tha nhân. Một khát vọng “hướng ngoại” như thế sẽ được coi là sâu xa và có ý nghĩa nếu nó được hướng đến xây dựng và phục vụ sự sống và hạnh phúc của tha nhân. Nếu các Giêsu hữu biết cùng nhau nuôi dưỡng và thể hiện khát vọng cao thượng trong mỗi tương quan của họ thì  tình bạn của họ được triển nở ở chiều sâu và tránh được tình cảm ủy mị thái quá, đồng thời ra khỏi sự tự kỷ (narcissism) đầy quyến rủ và tế vi. Nói vắn gọn, tình bạn của họ làm tăng thêm sức sống mới cho chính cuộc sống của các Giêsu hữu, cộng đoàn và tha nhân.

VI. Những lệch lạc trong tình bạn

Vì tất cả chúng ta, những Giêsu hữu, đều là con người nên việc hình thành, phát triển và duy trì “tình bạn” trong Dòng Tên có thể đặt chúng ta trên một con đường nhiều chông gai với những lệch lạc và có thể cả sai lầm nữa.

1. Chiếm hữu

Ở trên chúng ta nói rằng một trong những đặc tính của tình bạn Giêsu hữu là sự cởi mở hay tính phổ quát của tình bạn, thi ở đây chúng ta nói đến khía cạnh tiêu cực của nó là khả thể chiếm hữu mối tương quan chỉ giữa hai hay một nhóm các Giêsu hữu.

Tính chiếm hữu này được hiểu như là một sự ưu đãi “nội bộ” chỉ dành cho một hay nhóm tương quan (tình cảm) mà một hay nhóm Giêsu hữu có liên hệ và loại trừ sự mở rộng với những tương quan khác. Nếu tính chiếm hữu này, một cách nào đó được biểu lộ như là sự ghen tuông trong đời sống vợ chồng góp phần bảo vệ hạnh phúc lứa đôi của họ, và cũng được biểu lộ nơi những người chưa trưởng thành tâm lý, thì trong đời sống tu trì nói chung và trong đời sống người Giêsu hữu nói riêng, tính chiếm hữu nếu có trong đời tu sẽ gây ra nguy cơ chia rẽ cộng đoàn và làm giảm sức năng động tông đồ của Dòng. Tính nghiêm trọng của nguy cơ này được thánh Inhã tiên liệu trong hiến pháp là phải tách ngay (khai trừ hay chuyển chỗ) những ai gây chia rẽ những người đang sống với nhau hay giữa họ với đầu và coi sự chia rẽ này là một thứ ôn dịch gây nhiễm độc cộng đoàn.[xliv]

2. Luyến ái đồng giới

Jame J. Gill, SJ., một nhà tâm lý đã đưa ra một phát biểu thú vị:

“Mỗi tế bào của thân xác người Giêsu hữu về phương diện giải phẫu học có thể nhận ra như một tế bào của người đàn ông; mỗi năng lực thể lý hay tinh thần mà chúng ta có cũng là của người đàn ông. Những cảm giác và tri nhận của chúng ta, những ký ức và tưởng tưởng của chúng ta được thực hiện bởi những giác quan, khối óc, và tâm trí của người đàn ông. Những tư tưởng, cảm xúc, thái độ, ước muốn, chọn lựa, việc làm và kinh nghiệm về bất cứ loại nào phát xuất từ trong chúng ta, theo cách thức nào đó, tất cả đều là những hoạt động của người đàn ông. Mỗi cử chỉ, cuộc đối thoại, sự tương tác với người khác, bao gồm cả Thiên Chúa, đều được định giới tính theo mức độ nào đó; trong trường hợp của chúng ta tất cả những điều này đều  mang hơi hướng của nam tính.”

Và sau khi trình bày những nét tương tự của phái tính nữ, Gill đã đưa ra một kết luận: “

Vì thế, sự tương tác bất cứ loại nào giữa hai người cùng phái sẽ luôn luôn mang khía cạnh của bản năng tính dục cả, và theo một nghĩa hẹp có thể được gọi là “đồng tính.”[xlv]

Theo nghiã hẹp ở đây được hiểu sự luyến ái đồng giới trong thực hành. Tương quan đồng tính đang trở thành hiện tượng khá phổ biến ở các xã hội Tây phương và ít nhiều ở nước ta(1-2%). Điều được nói tới nhiều trong phạm vi này là luyến ái đồng giới (đồng tính). Luyến ái đồng giới giữa nam với nam thường được gọi là pedeastie. Nguyên nhân của hiện tượng yêu đương đồng giới vẫn còn là một vấn đề thách thức các nhà khoa học. Có giả thiết cho rằng tình trạng này mang tính bẩm sinh hoặc liên quan đến rối loạn nội tiết tố, tâm lý, thần kinh, yếu tố môi trường, xã hội.[xlvi]

Tuy nhiên, nhìn từ góc độ y học có thể chia làm hai dạng: đồng tính luyến ái thật và giả. Thật, đó là những người bị rối loạn các chất nội tiết tố hoặc cơ quan sinh dục bị dị hình. Giả, là những người không bị rối loạn thực tế như thật mà do yếu tố tâm lý, bị rủ rê, lôi kéo của bạn bè. Nhiều người tưởng rằng những người đồng tính luyến ái biểu lộ ra ngoại hình như đi đứng, nói năng ẻo lả có vẻ hơi “ai ái”. Nhưng thật ra điều này không phụ thuộc vào ngoại hình hay học thức lẫn địa vị xã hội. Nó có thể là bất kỳ ai.[xlvii] Nguy cơ tiềm ẩn trong tương quan đồng giới là khả thể thực hành luyến ái đồng giới (sexual practices).

Charles M. Shelton thừa nhận sự hiện hữu của những Giêsu hữu có khuynh hướng đồng tính trong Dòng Tên, dù ông không đưa ra có con số thống kê chính xác, nhưng ông cho thấy sự hiện hữu này ít nhiều gây ra sự chia rẽ trong cộng đoàn.[xlviii] Đây chính là quan tâm của chúng ta vì nó được coi như những nguy cơ tác động trên mối tương quan huynh đệ trong đời sống cộng đoàn trong Dòng.

Điều hiển nhiên là sự luyến ái giả hay thật giữa hai hay nhiều Giêsu hữu có khuynh hướng đồng giới, thì nó cũng tạo nên một sự “xáo trộn khác thường” giữa những tương quan bình thường trong cộng đoàn gồm những người đàn ông biết yêu thương khác giới, bởi vì nhu cầu yêu thương của những người luyến ái đồng giới hoàn toàn khác với những thành viên còn lại trong cộng đoàn. Chỉ điều này thôi cũng đủ để tạo nên một sự “xung khắc” trong sự cảm thông giữa hai nhóm (khác giới và đồng giới) trong cùng một cộng đoàn. Đối với những người luyến ái đồng giới thật mà tương quan của họ hướng đến thực hành tính dục thì càng phải lưu ý hơn vì nó đặt “tình bạn” đó trong mối nguy là phá đổ đời tu và như thế họ tự đặt mình trong mối nguy đánh mất hạnh phúc đời sau và như vậy rõ ràng là xa lạ với mục đích của Dòng. Nói cách khác tương quan ấy không phải là tương quan tình bạn mà Dòng Tên chờ đợi.

3. Càm ràm và chỉ trích

Có thể xảy ra là trong mối tương quan tình bạn giữa một số Giêsu hữu không được xây dựng trên sự liên đới hỗ tương, nhưng chỉ trên thói quen càm ràm hay chỉ trích mà thôi. Thật vậy, với những người này họ dễ dàng tìm thấy những khiếm khuyết hay bất toàn của những thành viên trong cộng đoàn hay những công việc tông đồ mà những thành viên này đảm nhận để chỉ trích và phê phán như thể họ là người ngoài cuộc. Nếu một khiếm khuyết nào đó sớm được khắc phục, thì họ dễ dàng chuyển những phê bình của họ sang một khó chịu khác để biện minh cho cách thức bới móc của họ. Nếu họ không khám phá ra khiếm khuyết nào, thì họ mau chóng tìm cách tạo ra một khiếm khuyết mới. Đành rằng có nhiều điều thiếu sót và sai lầm trong Dòng và chúng ta không nên dùng hình thức thiêng liêng hóa để tránh phải đối diện với những vấn đề của Dòng. Tuy nhiên, một tình bạn mà chỉ được lèo lái bởi sự phàn nàn không nguôi và không bao giờ nhìn thấy điều tích cực hay vui với những thành công của những Giêsu hữu khác thì họ đã tự biến mình thành những “gã đầu to với trái tim nhỏ” và vô tình tự biến đời sống của mình trở thành nghèo nàn.

4. Cổ xúy lối sống tục hóa

Tổng Hội 35 vừa qua đã phác họa một cái nhìn toàn cảnh về bối cảnh toàn cầu hóa xã hội hiện nay như sau:

“Toàn cầu hóa đã mau chóng phổ biến một nền văn hóa thống lĩnh mang đến cho nhiều người dễ dàng tiếp cận những thông tin và kiến thức, một cảm ý thức tiến bộ về cá nhân và tự do chọn lựa, và mở ra với những ý tưởng và các giá trị mới ngang qua thế giới. Nhưng đồng thời, nền văn hóa này cũng được đánh dấu bởi chủ nghĩa cá nhân, chủ thuyết tương đối luân lý, chủ nghĩa khoái lạc, và chủ nghĩa duy vật thực hành dẫn đến một cái nhìn giả tạo và sai lầm về Thiên Chúa và con người.”[xlix]

Nói một cách khác nền văn hóa tiêu thụ toàn cầu hóa hiện nay đang cổ võ một lối sống tục hóa xa lìa với đời sống tu trì. Tổng Hội 35 chỉ ra sự “nhiễm độc” của nền văn hóa tiêu thụ này đối với đời tu là khả năng gây nghiện và lệ thuộc. [l] Điều này được một Giám mục xác nhận khi nói về những mảng tối của đời sống một số linh mục Việt Nam sau khi mở cửa nền kinh tế: … Sự thật là một số linh mục ngày nay không thể chịu được sự thiếu thốn tiện nghi vật chất; và khuynh hướng tìm kiếm một lối sống dễ dãi và tiện nghi này sẽ dẫn đến việc tìm kiếm sự thư giãn và lạc thú, đặc biệt một khi họ đánh mất quan niệm về những đòi hỏi của đời sống độc thân.[li] Những ảnh hưởng của não trạng thị trường trên đời thánh hiến được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II tóm lại bằng ba thách đố: đó là thách đố của nền văn hóa khoái lạc liên hệ đến khiết tịnh thánh hiến; thách đố của chủ nghĩa duy vật muốn chiếm hữu; và thách đố của tự do đối với lời khấn vâng phục.[lii] Một tình bạn giữa hai hoặc nhiều Giêsu hữu cổ võ cho một lối sống tục hóa sẽ đi ngược với chính căn tính của Giêsu là bước theo Đức Kitô tự hủy, nghèo và vâng phục. Hơn bao giờ hết các Giêsu hữu phải học thuộc câu ngạn ngữ mang đầy ý nghĩa này và áp dung vào chính mối tương quan tình bạn của họ: “The Church is called to ‘be more’ rather than to ‘have more’.” (“Giáo hội được mời gọi ‘để là hơn nữa’ hơn là “có hơn nữa’.”)[liii]

Kết luận: Tình bạn diễn tả cung cách hành xử của Dòng

Tình bạn trong Dòng Tên là một tình bạn nhân bản, thiêng liêng và dấn thân tông đồ. Tình bạn ấy có ‘hình mẫu’ của nó nơi tình bạn của các bạn đầu tiên đã được Chúa gầy dựng, khởi sự với thánh Inhã. Cha Nadal đã diễn tả kinh nghiệm ấy và được Tổng hội 34 trích lại “Thiên Chúa đặt thánh Inhã như một mẫu gương sống động của cung cách hành xử của chúng ta.” Để kết luận cho bài viết này, chúng ta mượn những lời của Tổng hội 34 nói về những nét chinh của tình bạn trong Dòng phải có[liv]:

Đó là một tình bạn bắt nguồn từ tình yêu cá vị sâu xa đối với Chúa Kitô. Tình bạn giữa họ phải giúp nhau khám phá và nhận ra tình yêu Thiên Chúa là nền tảng mối tương quan của họ và đồng thời như động lực thúc đẩy họ mở ra với những tương quan khác hầu giúp tha nhân đi vào mối tương quan thâm sâu như họ đã cảm nghiệm, thay vì chỉ quy vào chính con người.

Tình bạn giữa hai hay nhiều Giêsu hữu phải giúp nhau thể hiện tinh thần “Chiêm niệm trong hoạt động.” Nói cách khác, tình bạn này phải đi vào chiều sâu của chiêm niệm là thấy Thiên Chúa hoạt động trong mọi sự. Và vì thế, cả họ nữa (Giêsu hữu) cũng được mời gọi dấn thân trong mọi lãnh vực vì hạnh phúc của tha nhân chứ không chỉ giữa những người bạn của mình mà thôi.

Tình bạn trong Dòng phải giúp nhau ý thức thuộc về một thân thể tông đồ trong Giáo hội. Vì thế, tầm nhìn của họ phải lớn hơn những bận tâm liên quan đến mối tương quan thân thiết giữa họ: trước hết là giúp gầy dựng thân thể tông đồ phổ quát của Dòng và lưu tâm đến ích lợi của Giáo hội. Nói cách khác, tình bạn giữa họ phải giúp thăng tiến chính mình và tha nhân biết lắng nghe và dấn thân theo tiếng gọi của Chúa Kitô.

Tình bạn giữa các Giêsu hữu là xác thực và cao quý khi mối tương quan của họ giúp nhau luôn là những người sẵn sàng được sai vào trong những sứ vụ mới. Vì  đặc sủng của chúng ta là phải đi đến những nơi mà những nhu cầu không được đáp ứng. Người Giêsu hữu là người thuộc về sứ vụ, nhận lãnh từ Đức Thánh Cha và Bề Trên, nhưng cuối cùng là Chúa Kitô. Chúng ta sống một cách tự do mang tính thực hành: cởi mở, khả thể thích nghi, ngay cả hăng hái với bất cứ sứ vụ nào đực trao cho chúng ta.

Tình bạn trong Dòng phải luôn là động lực không ngừng tìm kiếm cái magis trong mọi sứ vụ của Dòng. Tinh thần magis và điều tốt hơn nữa luôn phải thấm vào tất cả những khía cạnh của mọi Giêsu hữu. Giêsu hữu không bao giờ được với status quo, nhưng phải luôn khám phá, làm sáng tỏ và vươn tới cái hơn nữa.

Nói với những người trong thời gian thụ huấn, “Tổng hội 35 mời gọi các Giêsu hữu trong thời gian thụ huấn sống sự hội nhập hằng ngày của họ vào Dòng bằng những con tim đầy niềm vuitái tạo lại kinh nghiệm đầy hoa trái của các Bạn đầu tiên là những người bạn trong Chúadấn thân cuộc sống của họ cho việc phục vụ quảng đại tất cả mọi người, đặc biệt những ai đang cần.” [lv]

 

 

Our Way of Proceeding

 

Lord, meditating on ‘our way of proceeding’, I have discovered that the ideal way of ourway of acting is your way of acting.

Give me that sensus Christi that I may feel with your feelings, with the sentiments of your heart, which basically are love for your Father and love for all men and women.

Teach me how to be compassionate to the suffering, to the poor, the blind, the lame and the lepers.

Teach us your way so that it becomes our way today, so that we may come closer to the great ideal of Saint Ignatius: to be companions of Jesus, collaborators in the work of redemption.

Pedro Arrupe


[i] Charles M. Shelton, SJ., “Friendship in Jesuit life,” in Studies: in the Spirituality of Jesuits (N. 27/5 November, 1995), p. 2: “Though several have written about Jesuit community and the wider notion of Jesuit brotherhood, to my surprise I have never seen anything written on “Jesuit friendship.”

[ii] William J. O’Malley, S.J., The Fifth Week (Chicago:  Loyola Press, 1996), p. 14.

[iii] William A. Barry, SJ., A Friendship Like No Other: Experiencing Godls Amazing Embrace (Loyola Press: Chicago, 2008), p. 3.

[iv] Javier Osuna, “Nine of My Friends in the Lord,” in Review of Ignatian Spirituality (N. 89, 1998) p. 58-60.

[v] Javier Osuna, “Nine of My Friends in the Lord,” p. 60.

[vi] Ibid., pp. 57-58.

[vii] Ibid., p. 60.

[viii] Ibid., p. 61

[ix] G.C. 33, d. 1, n.11.

[x] Ignatius, The Spiritual Exercises, nn. 95-98.

[xi] Javier Osuna, “Nine of My Friends in the Lord,” p.61.

[xii] Howard J. Gray, “Jesuits as Friends in the Lord,” pp. 43-49.

[xiii] Ibid., p. 43.

[xiv] Hoàng Sóc Sơn S.J., Đôi Nét Lịch Sử Dòng Tên: Thời Kỳ Khai Sinh và Phát Triển (San Diego: An Tôn & Đuốc Sáng, 2007), p. 16.

[xv] Javier Osuna, “Nine of My Friends in the Lord,” p. 66.

[xvi] GC. 32. n. 34 and Complementary Norms of the Constitutions of the Society of Jesus, n. 2.2.

[xvii] Pope Paul VI, “Address to the Members of the 32nd General Congregation,” Part II, December 3, 1974.

[xviii] Javier Osuna, “Nine of My Friends in the Lord,” p. 66.

[xix] Joseph A. Tetlov, ed., “First Things,” in Review of Ignatian Spirituality (N. 89, 1998) p. 5.

[xx] Pope Paul VI, “Address to the Members of the 32nd General Congregation,” 1974.

[xxi] GC. 32, nn. 23, 24, 25, 87, and 204

[xxii] Javier Osuna, “Nine of My Friends in the Lord,” p. 68.

[xxiii] Pope Paul VI, “Address to the Members of the 32nd General Congregation,” 1974.

[xxiv] The Society of Jesus, Formulas, n.1.

[xxv] Pope Paul VI, “Address to the Members of the 32nd General Congregation,” 1974.

[xxvi] Pope Benedict XVI, “Address to the 35th General Congregation of the Society of Jesus, February 21, 2008.

[xxvii] Ibid.

[xxviii] Charles M. Shelton, SJ. “Friendship in Jesuit Life,” p. 18-19.

[xxix] Charles M. Shelton, SJ., “Friendship in Jesuit Life,” p. 8.

[xxx] The Constitutions of the Society, General Examen, n. 3: “The end of this Society is to devote itself with God’s grace not only to the salvation and perfection of the members’ own souls, but also with that same grace to labor strenuously in giving aid toward the salvation and perfection of souls of their neighbors.”

[xxxi] The Formulas, n. 1: “Whoever desires to serve as a soldier of God beneath the banner of the cross in our Society, which we desire to be designated by the name of Jesus and to serve the Lord alone and the Church, his spouse, under the Roman Pontiff, the Vicare of Christ on earth, should, after a solemn vow of perpetual chastity, poverty and obedience, keep what follows in mind. He is a member of a Society founded chiefly for this purpose: to strive especially for the defense and propagation of the faith and for the progress of souls in Christian life and doctrine…”

[xxxii] Charles M. Shelton, SJ., “Friendship in Jesuit life,” p. 7.

[xxxiii] GC. 35, d. 4, no. 23.

[xxxiv] Constitutions, part VIII, 1.8 [671].

[xxxv] Joseph A. Tetlow, SJ., editor, “First Things,” p. 8.

[xxxvi] Venancio Calpotura, SJ., The Collected Writings: Ignatian Spirituality, Vol. 2, (Jesuit Communications Foudation, Inc: Quezon City,Philippines) p.134.

[xxxvii] GC. 32, n. 26.

[xxxviii] GC. 35, d. 2, no. 2.

[xxxix] GC. 35, d. 2, no. 25.

[xl] GC. 35, d. 2, no. 3.

[xli] GC. 35, d. 2, no. 18.

[xlii] GC. 35, d. 2, no. 20

[xliii] Charles M. Shelton, SJ. “Friendship in Jesuit Life,” p. 33-35.

[xliv] The Society of Jesus, Constitutions, n. 664-665: “Thấy ai gây chia rẽ giữa những người đang sống với nhau, hoặc giữa họ với đầu, phải rất ý tứ tách người ấy ra khỏi tập thể, đó là ôn dịch có thể làm tập thể  nhiễm độc nghiêm trọng, nếu không mau chóng chữa tri…”

[xlv] Jame J. Gill SJ., Introduction to “Affectivity and Sexuality: Their Relationships to the Spiritual and Apostolic Life,” In Studies In The Spirituality Of Jesuit 10, nn. 2-3 (March-May, 1978), p. 49.

[xlvi] Electronic Daily Newspapers, “Yêu Đương Đồng Giới,” assessed fromwww.ngoisao.net/News/Chang-nang/2007/12/3B9C2C13/?q=1,  Sunday, December 30,2007.

[xlvii] Ibid.

[xlviii] Charles M. Shelton, SJ. “Friendship in Jesuit Life,” p. 23

[xlix] GC. 35, d. 3, no. 20.

[l] GC. 35, d. 3, n. 21.

[li] Bishop Paul Nguyễn Bình Tĩnh, “Vietnam Clergy Face New Temptations from Society,” In AsiaFocus, Vol. 18 (N. 42, November 8, 2002). p. 3.

[lii] John Paul II, Apostolic Exhortation Vita Consecrata, (1996), nn. 87-91.

[liii] Archi de Sousa, “A Challenge for the Church,” In Focus, Vol. 18 (N. 3, 1998), p.103.

[liv] GC. 34, d. 26.

[lv] GC. 35, d. 4, n. 36.

 

Kiểm tra tương tự

Linh mục tốt cần học suốt đời

Ca dao tục ngữ Việt Nam có vô số câu nói đề cao tinh thần …

Tin mừng, phúc âm hay tin lành?

Chúng ta đồng ý với nhau rằng Kinh Thánh là quốn sách chứa đựng 73 …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *