Ta đã thấy gì?

Có lẽ người ta phải đồng ý với nhau rằng, khi cùng đứng trước một thực tại nào đó, mỗi người có thể có những cảm nhận khác nhau. Do đó, khi viếng thăm và chiêm ngắm hang đá, người ta có những cảm nghiệm khác nhau vì có người quan tâm về phối cảnh, có người quan tâm chủ đề, có người lại để ý tới tính độc đáo mới lạ hay điều gì tương tự thế, lại có người chỉ quan tâm đến vẻ lộng lẫy của đèn điện nơi hang đá mà thôi. Thế nhưng, có lẽ người ta cần vượt qua những cảm nhận ban đầu khi viếng thăm hang đá, nhất là với các hang đá của Học viện Dòng Tên, và dừng lại lâu hơn để suy ngẫm xem đâu là thông điệp thực sự của chúng.

Xa lạ. Đó có thể là cảm giác đầu tiên khi người ta mục kiến hang đá này. Thế nhưng, ngắm nhìn kỹ hơn và dừng lại lâu hơn, tôi nhận ra thông điệp đằng sau vẻ xa lạ ấy. Đó  là, “Thiên Chúa đã nhập thể giữa lòng nhân loại.” Ngài đã cư ngụ và chia sẻ thân phận của con người. Ngài đã dang tay ôm ấp những trăn trở và ưu tư của những người “bên lề” xã hội khi hòa mình với đa số họ. Ngài không “hạ sinh” nơi những tòa cao ốc xa hoa hay thánh đường nguy nga lộng lẫy, mà chia sẻ với những người bình dân, ngoại kiều hay những người yếu thế trong chính hoàn cảnh của họ. Thế nên, sự hiện diện của Ngài trở thành niềm hy vọng, khích lệ những người bình dân, yếu đuối, khổ đau.

Có lẽ  người ta phải dừng lại lâu hơn nơi hang đá này vì sự mới mẻ, lạ lẫm của hình ảnh Thánh gia thất. Ngắm nhìn dung mạo của Thánh Gia thất, tôi nhớ tới những khuôn mặt của những người di cư từ châu Phi tới châu Âu vì lý do sinh tồn. Những khuôn mặt “lạ lẫm” ấy cũng bị từ chối. Những con người “xa lạ” ấy cũng bị xua đuổi. Xưa kia, có lẽ người ta cũng nhìn Thánh Gia thất với cặp mắt xa lạ ấy! Bên cạnh đó, phong cách mới mẻ của Thánh Gia thất mang tới sự trẻ trung, năng động của những người trẻ trong xã hội hôm nay. Nó như muốn nói rằng: Giáo Hội luôn đồng hành cùng các gia đình trẻ. Giáo Hội, là Mẹ và Thầy, muốn chung chia, cảm thông với những vui mừng, lắng lo và hy vọng của các gia đình trẻ nữa.

Lạc lõng. Có lẽ đó là cảm nhận nổi bật khi ngắm nhìn hang đá này. Không có thánh Giuse và Mẹ Maria cùng Hài Nhi Giêsu như phong cách truyền thống. Thay vào đó là một bức chân dung duy nhất: Cụ Simêon ẵm Hài Nhi Giêsu. Liệu phá cách này có đem lại điều gì mới mẻ không?

Ngẫm nhìn hồi lâu, tôi nhận ra hình ảnh cụ Simêon ẵm Hài Nhi Giêsu có một ý nghĩa sâu xa. Nó gợi lên cho tôi điều quan trọng nhất trong cuộc đời của người môn đệ: kinh nghiệm cá vị về Thiên Chúa. Nói đúng hơn, đó là kinh nghiệm được Ngài đụng chạm. Nhờ kinh nghiệm ấy, người môn đệ dám mở lòng ra và đáp lại tình yêu Ngài dành cho họ. Nhờ kinh nghiệm ấy, tâm hồn họ cất lên lời hân hoan chúc tụng, ca ngợi Thiên Chúa vì chính Ngài cho họ được cảm nếm tình yêu và lòng thương xót của Ngài. Như Cụ Simêon đã buông mình cho Thánh Thần hướng dẫn, nhờ đó Cụ được chính mắt nhìn thấy ơn cứu độ; hôm nay, Thiên Chúa cũng đang chờ đợi tôi, Thánh Thần vẫn muốn thúc đẩy tôi bước đi trong Thần Khí. Liệu tôi có sẵn sàng mở rộng lòng mình ra như cụ Simêon để ôm ấp, ẵm lấy một vị Thiên Chúa Nhập Thể hay không?

Cô đơn. Chỉ một mình Hài Nhi Giêsu nơi hang đá này. Không cha mẹ. Không người thân. Không bò lừa; và không có hang đá. Giêsu Hài Nhi được đặt trên một gốc cây. Nói đúng hơn là không có gì theo truyền thống cả.

Thế nhưng, thông điệp về Sứ Mạng Hòa Giải thật rõ ràng nơi hang đá này. Nếu thiên nhiên là ngôi nhà chung của nhân loại, thì nỗ lực hòa giải giữa con người với thiên nhiên đang cần tất cả mọi người góp phần góp sức. Màu xanh chủ đạo nơi hang đá như nói với tôi về điều ấy. Hai bàn tay nâng lên đón nhận Thần Khí như một biểu tượng lãnh nhận sự hòa giải của Thiên Chúa dành cho con người; và tiếp tục đến lượt mình, đôi bàn tay biểu trưng cho nhân loại ấy, hòa giải nhân loại với vũ trụ tạo thành. Sứ mạng hòa giải ấy có thể thành hiện thực nếu người ta quy hướng mọi sự về Thiên Chúa qua Chúa Giêsu.

Lắng lòng lại, tôi nhận ra lời mời gọi làm điều gì đó để giảm bớt đi thái độ hờ hững, lạnh lùng vốn đang chiếm ưu thế trong đời sống xã hội hôm nay; và hãy góp phần nhỏ bé của mình vào việc chăm sóc ngôi nhà chung của nhân loại. Tôi cảm nhận mình được mời gọi nhận ra khuôn mặt Thiên Chúa nơi tha nhân, nơi những người cần nâng đỡ, của những người vô gia cư, nghèo khổ, những người bị loại trừ và bị bỏ rơi. Tôi cũng được nhắc nhớ về cộng đoàn nơi mình đang thuộc về, và cật vấn mình: Còn có anh em nào là “xa lạ” đối với tôi không? Liệu những kinh nghiệm cá vị về Thiên Chúa của tôi có trở thành năng lực thúc đẩy tôi dấn thân hơn trong ơn gọi, sứ mạng và cộng đoàn không? Và những điều tôi nhận thấy hôm nay có đem đến một năng động nào đó cho cuộc sống của tôi chăng?

Xa lạ, lạc lõng và cô đơn hẳn không thể đảm nhận ý nghĩa của ba hang đá nơi Học viện Dòng Tên, vì đằng sau nó còn những thông điệp sâu xa khác mời gọi người ta mục kiến để cảm nhận. Đó hẳn không chỉ là một tâm tình, nhưng còn là lời mời gọi người xem chiêm ngắm và lắng nghe điều gì đó từ bên trong.

Công Trình, SJ

 

 

 

 

Kiểm tra tương tự

Khóa học: “Tông huấn Đức Kitô Hằng Sống”

  Bạn thân mến!   Trong Tông Huấn “Đức Kitô Hằng Sống” Đức Thánh Cha …

Cuộc đời Thánh Anê dạy chúng ta biết coi trọng con trẻ

  Là người lớn, chúng ta luôn có những điều cần phải học hỏi từ …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *