Tài dùng binh của Nguyễn Huệ – Kỳ I: Nguyễn Huệ, một thiên tài quân sự chưa hề nếm mùi thất bại.

Nguyễn Huệ nghiêm khắc việc quân sự như vây, không hẳn con người sắt thép ấy không còn tình cảm mà sự thực Nguyễn Huệ lại là người nhiều tình cảm hơn hết. Bằng chứng như khi người vợ cả của ông mất, ông đã thương tiếc gần như điên khùng (27).

Ngày 16 tháng 06 năm 1792, giáo sĩ Le Lalousse lại viết thơ cho người bạn của ông:

“Cuối cùng tôi được biết rằng một trong những bạn của chúng ta (Girard) ở Nam Hà hiện nay đương ở trong triều đình phiến loạn, ông ta bị bắt phải đến để chữa bệnh cho người vợ của “bạo chúa” vì ông đã đòi 01 người y sĩ người Âu. Tại triều đình, ông này được đón tiếp rất trọng hậu và hạnh phúc lớn lao nhất có lẽ chính là vợ của Tiếm Vương đã chết trước khi ông có thể khám bệnh. Ông “bạo chúa” đã đau khổ đến cùng cực về việc ông Girard không được gọi đến kịp thời (28).

Nguyễn Huệ dù sắt đá đến đâu cũng phải mềm lòng trước nước mắt của giai nhân. Khi Lê Hiển Tông chết, Huệ giận Tự Tôn đã không mời trước đến bàn việc tang ông bố vợ mà lại để khi nhập liệm xong mới đến mời. Nguyễn Huệ cho đó là có ý coi mình như những người ngoài, lập tức sai người vào triều bắt phải hoãn lễ đăng quang, muốn lập người khác. Nhưng khi công việc đăng cực đã xong, triều đình đã cho người ra báo tin thành lễ với ông, Nguyễn Huệ giận dữ bèn truyền lệnh các quân thủy bộ sắm sửa hành trang cho kịp ngày rút quân về nước (20). Nhưng đến khi Ngọc Hân công chúa khóc xin Huệ ở lại, thì Huệ không thể đành lòng.

Người anh hùng ấy cũng hơn một lần chiều theo ý giai nhân. Ngọc Hân đã “thỏ thẻ” đễn nỗi Huệ có ý không chịu lập Tự Tôn lên ngôi. Đến khi công chúa nghe nói triều đình giận mình, kết tội mình làm hại đến việc lớn của xã tắc thì Ngọc Hân công chúa lại về phủ để xin với Huệ lập Tự Tôn trở lại. Công Chúa đã nói thế nào để Nguyễn Huệ cũng lại mềm lòng, nể “người đẹp” mà bằng lòng.

Không phải là con người không có tình cảm nên Nguyễn Huệ thật cũng có thừa lòng nhân. Xem việc Nguyễn Huệ xử sự trước cái chết của Trịnh Khải thì biết. Khi bọn Nguyễn Trang đến nộp đầu Trịnh Khải. Nguyễn Huệ nói: “Đáng tiếc cho một hảo nam tử, lúc đầu nếu sớm đầu hàng thì hẳn không mất phú quý, sao lại khổ tử, hủy mạng”. Rồi Huệ cho lấy lễ bực vương tống táng Trịnh Khải (31). Thật khác hẳn với kẻ hẹp lượng, chỉ muốn băm vẳm kẻ địch, đến nỗi kẻ thù chết rồi vẫn không tha, cho quật mồ quật mả. Thái độ đối với Trịnh Khải thật là độ lượng của người anh hùng.

Còn lòng kính hiền đãi sĩ của một võ tướng như Nguyễn Huệ thì thật khó ai bì kịp. Điển hình như sự đối xử của Nguyễn Huệ với La Sơn phu tử. Bao lần “mời cụ không ra, lễ cụ không nhận, lộc dưỡng lão cụ cũng từ. Thế mà Quang Trung chỉ ôn tồn kính cẩn, trách nhẹ mà thôi, rồi lại cố mời cụ ra. Lòng mến kẻ hiền lớn mạnh biết chừng nào!” (32)

Với tư cách ấy, Nguyễn Huệ đã tỏ ra một vị tướng tài ba vẹn toàn. Vị Tài ba này đã hơn một lần được chứng tỏ bằng những chiến tích anh dũng của ông. Từ trận đánh úp tại Phú Yên quân Tống Phúc Hiệp (năm 1773) đến trận Đống Đa (năm 1789), gần 20 năm trời vị tướng trẻ tài ba ấy đánh nam dẹp bắc, không hề nếm mùi thất bại. Trong bài hịch gửi đến quan quân và dân hai tỉnh Quảng Ngãi, Qui Nhơn, ông đã nói: “Nơi nào có ta mang quân đến, nơi đó quân thù bị đánh tan tành” (33).

Trong sử sách không thấy đoạn nào ghi chép sự thất bại của Nguyễn Huệ. Trong 04 lần vào đánh Gia Định, nơi nào Nguyễn Huệ tới, nơi đó đối phương phải chịu thảm bại. Đại Nam thực lục chính biên của triều Nguyễn, vốn ác cảm với Nguyễn Huệ cũng chỉ có thể viết: “Tháng 12 (năm Giáp Thìn 1784) giặc Tây Sơn Nguyễn văn Nhạc nghe tin quân giặc cấp báo, tức thì sai Nguyễn văn Huệ đem binh thuyền vào cứu Sai-gon. Huệ đến, đánh vài trận không được, muốn đem quân về. Có tên phản thần là Lê Xuân Giác bày kế cho Huệ đem hết quân mạnh mai phục ở rạch Gầm và ở Xoài Mút (Định Tường) rồi dụ quân Xiêm lại đánh (34). Đó là lần duy nhất sách Thực lục nói Nguyễn Huệ không thắng, nhưng cũng không nói là thua.

Đánh Gia Định lần thứ nhất vào mùa Xuân Đinh Dậu (1777), quân Nguyễn phải chạy dài, đến tháng 09 mùa thu năm ấy, chúa Nguyễn Duệ Tông bị giết, chỉ một mình Nguyễn Ánh thoát, lên thuyền đậu sông Khoa (Long Xuyên) rồi lẩn tránh.

Đánh Gia Định lần hai vào mùa Xuân (tháng 03) Nhâm Dần (1782). Quân Nguyễn không ngăn được sự tiến quân của Tây Sơn từ biển vào theo lối Cần Giờ, Nguyễn Ánh phải chạy đến Lữ Phụ (Giồng Lữ) thuộc tỉnh Định Tường, nhặt tàn quân còn khoảng hơn 300 người. Nguyễn Ánh cố gắng vùng lên, đánh bại được quân của tướng Tây Sơn là Đô đốc Nguyễn Học tới đánh; thừa thắng quân Nguyễn phản công Tây Sơn, khí thế lên mạnh. Nhưng khi quân Nguyễn tới đóng ở Ngã Tư (Tứ Kỳ Giang, thuộc tỉnh Gia Định), Nguyễn Huệ đem quân mạnh ập tới, bày trận bối thủy (quay lưng xuống nước như Hàn Tín) mà đánh, quân Nguyễn thảm bại. Nguyễn Ánh chạy về miền Hậu Giang, tới Hà Tiên rồi ra Phú Quốc, và phải sai Nguyễn Hữu Thụy, Trần Xuân Trạch cùng cai-cơ Cao Phúc Trí sang Xiêm cầu viện (35).

Lần thứ ba, cũng vào mùa Xuân (tháng 02) Quý Mão (1783), Nguyễn Huệ cùng Nguyễn Lữ lại vào đánh Gia Định cũng từ cửa Cần Giờ tiến vào… Quân Nguyễn lại bị bại, Nguyễn Ánh phải chạy về Ba Giồng (Tam Phụ, Định Tường), quân không còn đầy một trăm, bầy tôi còn 5, 6 người. Nguyễn Ánh phải chạy về Mỹ Tho rồi cùng mẹ và cung quyến chạy ra Phú Quốc. Lần này Nguyễn Huệ cho quân truy kích, cho phò mã Trương Văn Đa đem thủy quân vây ba vòng Nguyễn Ánh ở đảo Côn Lôn. Nhờ có bão, Nguyễn Ánh thoát vòng vây, qua đảo Phú Quốc, rồi sai người mời Bá-Đa-Lộc đến nhờ đi Pháp cầu viện (tháng 7 Quý Mão).

Và lần cuối cùng, vào tháng 12 năm Giáp Thìn (1784), Nguyễn Huệ đem quân đánh Gia Định và đại phá 2 vạn quân Xiêm cùng 300 chiến thuyền (35).

Rồi từ năm Bính Ngọ (1786) trở đi, thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ được phát triển, nẩy nở toàn vẹn, khiến ông mạnh tiến trên đài danh vọng như diều gặp gió, thoát khỏi quyền kiểm tỏa của anh ông để rồi Nguyễn Nhạc đành phải chấp nhận sự thoái bộ của mình. Rút kinh nghiệm những trận chiến dai dẳng với Nguyễn Ánh, phải 3, 4 lần vào đánh Gia Định, mỗi lần phải ở tới 5, 6 tháng trời đánh dẹp, từ khi đánh Phú Xuân, ông đã phối hợp giữa mặt trận quân sự, chính trị, tâm lý và với lối đánh thần tốc, ông đã thắng những trận lớn một cách nhanh chóng.

Đối với kẻ nội thù, ông đã đánh trận nào thắng trận ấy, từ chiến trường miền Nam ra chiến trường miền Bắc, đánh tan quân Nguyễn và làm sụp đổ hoàn toàn cơ nghiệp họ Trịnh.

Đối với ngoại thù, ông cả thắng 2 vạn quân Xiêm và đại phá 20 vạn quân Thanh (37) dù rằng nhà Thanh đã mưu nhờ tới cả quân Xiêm tiếp viện (38) để 2 mặt cùng đánh.

Con người cái thế anh hùng như Nguyễn Huệ có thể làm nổi những chuyện kinh thiên động địa hơn nữa với mộng đánh Tàu của ông. Nhưng anh hùng mệnh đoản, vào mạnh thu năm Nhâm Tý (1792) ông đã từ trần (39).

(Trích lược từ Tài  dùng binh của Nguyễn Huệ, Tập san sử địa số 13, tháng 1 năm 1969)

Kiểm tra tương tự

Năm Ất Tỵ: Bàn về con rắn – Biểu tượng Thiện hay Ác?

Theo Âm lịch, năm 2025 là năm con Rắn. Dù yêu hay ghét, những chú …

Thông điệp Truyền thông 2025: ‘Giải trừ vũ khí trong truyền thông’ để nuôi dưỡng niềm hy vọng và sự hiệp nhất

Nhân Ngày Thế giới Truyền thông, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố Thông điệp …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *