Tấm hình cha Diệp

(Truyện ngắn)

1.

Ngoại làm dấu Thánh Giá, đọc kinh trước bàn thờ Chúa, rồi bước vài bước sang bên vách, ngó lên tấm hình cha Diệp được đặt kính cẩn bên cặp vách căn nhà lá, với tay cầm ba cây nhang đốt lên, đôi bàn tay gầy guộc phẩy cho nhang tắt lửa, nghiêm cẩn cầm nhang bằng hai tay, đưa lên trán, nhắm mắt rồi rầm rì điều gì đó. Sau đó, ngoại cúi đầu thành khẩn rồi cắm nhang lên lon gạo đặt cạnh tấm hình cha Diệp.

Ngoại thường hay đọc kinh và cầu nguyện với cha Diệp. Ngoại hay nói rằng:

-“Cha Diệp vì thương đoàn chiên mà chịu chết, chắc chắc giờ cha cũng tiếp tục cầu nguyện cho đoàn chiên. Con ráng cầu nguyện với cha nhiều vô nha con!”

Đứa bé thơ ngây như tôi lúc ấy chỉ biết gật đầu đồng ý với ngoại, và cứ mỗi lần ngoại đứng trước bàn thờ của cha Diệp, thì tôi cũng chạy lại đứng cạnh ngoại. Lấy tay khều khều, ngoại chia bớt cho tôi một cây nhang, thấy ngoại cúi đầu tôi cũng cúi đầu theo.

2.

Tấm hình cha Diệp mà ngoại đặt lên bàn thờ không mới và đẹp như những tấm ảnh màu ngày nay, mà là ảnh trắng đen. Tấm ảnh phác họa không rõ nét và sắc sảo như những tấm ảnh kỹ thuật số hiện đại, nhưng thay vào đó sắc thái và khuôn mặt của nhân vật trong tấm ảnh lại vô cùng sinh động và gần gũi. Tôi thích ngó tấm ảnh ấy vì nó mang lại cho tôi sự gần gũi, như tấm ảnh của ông ngoại tôi ở bàn thờ bên cạnh vậy.

Sự tích về bức ảnh cha Diệp trên bàn thờ của Ngoại lại thêm phần đặc biệt. Đó là bức ảnh mà ngoại nhặt được tại một bãi rác. Một lần đạp xe ngang bãi rác gần nhà, ngoại thấy một khung gỗ nằm lăn lóc cạnh đường, nghĩ tới mấy tấm hình ở nhà không có khung, chợt muốn lấy tấm khung ấy đặt hình ở nhà vào, nhưng khi giở lên là tấm hình của cha Phanxico Trương Bửu Diệp, vậy là ngoại cung kính cầm tấm hình về và đặt lên bàn thờ bên vách nhà, dưới bàn thờ Chúa.

Ngoại vẫn thường nói cha Diệp hay cầu nguyện cho con cái, cách riêng là ngoại được nhiều ơn lành. Nhất là cái tuổi ngoài bảy mươi của ngoại mà không hề có dấu hiệu nhứt mỏi xương khớp, không đau bệnh gì nhiều, ngoại nói là nhờ Chúa nhậm lời qua cha Diệp, vì bà hay cầu nguyện với cha.

3.

Ngày giỗ cha gần kề, hai bà cháu dắt díu nhau ra bến xe tỉnh, bắt xe lên Bạc Liêu để dự Thánh Lễ ở trung tâm hành hương kính nhớ cha Diệp. Sau gần một giờ ngồi xe, cuối cùng bà cháu cũng tới nơi.

Vừa bước xuống xe, một khung cảnh đông nghẹt người đang chen lấn trong bãi sân rộng. Lần đầu tiên trong cuộc đời toi được thấy khung cảnh đông người như vậy. Chật vật lắm bà cháu chúng tôi mới chen được vào bên trong. Ngó một vòng quanh sân, thấy có người lót chiếu ngồi ở các góc tường, người thì râm ran lần chuỗi Mân Côi, người giở hộp cơm, hay cầm cái bánh bao ăn vội để kịp đọc kinh chung với mọi người. Gian phòng mà ngoại dắt tôi vào là khu vực xin lễ và xin khấn.

-“Nắm tay ngoại cho chắc nha con! Coi chừng lạc, đông người ngoại không kiếm con được”.

Tôi “dạ!” một tiếng rõ to rồi tiếp tục chen vào đám đông, tay nắm tay ngoại thật chặt.

Cuối cùng, bà cháu đã tới khu vực xin lễ, bà xin một lễ tạ ơn cha Phanxico Trương Bửu Diệp, và sau đó dắt tôi trở ra bức tượng mô phỏng về cha Diệp đặt phía trước. Mọi người rất đông, ai cũng chen vào để được sờ vào người cha. Ngoại với đôi tay gầy guộc sờ vào chân tượng, rồi xoa lên đầu ngoại và xoa lên đầu tôi. Bà chắp tay khấn vái râm ran trong miệng, nhìn mọi người xung quanh, tôi thấy họ cũng đang làm như thế.

Khu vực tiếp theo mà bà dắt tôi ra viếng là ngôi mộ của cha Diệp. Đứng đọc những dòng lịch sử được tóm tắt trên một tấm bảng nhỏ, tôi thấy được lòng yêu mến mà Cha dành cho giáo dân, và lòng yêu mến mà giáo dân dành cho Cha từ xưa tới nay như lời kể của ngoại.

Ngôi mộ nhỏ được rào chắn xung quanh, mọi người đứng xung quanh hàng rào nhìn vào bên trong và thành khẩn cầu nguyện. Tôi thấy người ta mua những chai nước suối, những chai dầu xanh hay những bó hoa huệ đặt vào xung quanh hàng rào nơi mộ cha yên nghỉ. Sau hồi lâu khấn vái, họ mang những thứ ấy về như những món “quà thiêng liêng” quý giá mà họ nhận được từ vị mục tử nhân lành.

 4.

Thánh Lễ hôm ấy được cử hành gần giờ trưa do một vị Giám Mục chủ tế, và các cha đồng tế. Bầu không khí trang nghiêm và thánh thiện lạ thường. Dù chen chúc và không đủ chỗ ngồi, nhiều người phải đứng, nhưng tôi thấy hiện lên khuôn mặt của họ sự sốt sắng và khao khát nhiều điều.

Đến phần bài giảng, Đức Giám Mục đã chia sẻ về cuộc đời thánh thiện của cha Phanxico Trương Bửu Diệp, và mời gọi mọi người nhìn vào gương Cha mà quy hướng về Thiên Chúa như Cha xưa kia vậy, đã dám xả thân vì đoàn chiên và bảo vệ đoàn chiên đến cùng.

Phần rước lễ, có tiếng thông báo trên loa: “Kính thưa cộng đoàn, việc rước lễ là nghi thức riêng của người Công Giáo, xin anh chị em không Công Giáo không tham gia nghi thức này”. Tôi hiểu ra trong đám đông những con người đổ về trung tâm hành hương hôm nay, có những người không cùng tôn giáo, nhưng Thiên Chúa đã nối kết chúng tôi lại với nhau qua cha Diệp.

Ngoại cũng lên rước lễ, trở lại chỗ đứng, bà chắp tay khấn nguyện thành tâm như lúc cầu nguyện với cha Diệp ở nhà vậy. Ca đoàn hát bài hát ca ngợi tình thương Chúa thật hay và ý nghĩa, tôi say mê hòa theo những tiếng ca đượm đầy ý nghĩa ấy.

Tan lễ, bà cháu tranh thủ ghé vào nhà quầy lưu niệm quanh trung tâm hành hương. Tôi thấy bà lựa mãi, nhưng cứ lắc đầu nguậy nguậy. Tôi hỏi vì sao, bà đáp:

-“Ngoại muốn kiếm một sợi chuỗi có tấm hình cha Diệp y như ở nhà mình, mà không có!”.

Cuối cùng, ngoại mua cho tôi một sợi chuỗi đeo cổ năm mươi, với Thánh Giá, hình Đức Mẹ và cha Diệp phía sau hình Đức Mẹ. Tôi yêu quý sợi chuỗi ấy như một món quà quý báu, mà đến giờ đây, gần hai mươi năm vẫn còn lưu giữ.

Bữa trưa hôm ấy bà cháu ghé tiệm bún bên đường, một bữa bún riêu thật ngon. Và sau đó bắt xe trở về.

 5.

Hai mươi năm đã trôi qua, ngoại đã không còn bên tôi nữa. Ngôi nhà mà ngoại từng ở vẫn còn giữ nguyên vẹn mọi thứ, đó là nơi mà mỗi lần tôi trở về đều ghé lại hồi lâu, và có khi mỗi trưa chạy sang căn nhà lá của ngoại để ngủ trưa nữa.

Tấm hình cha Diệp gần như còn nguyên vẹn, chỉ có góc hình bên phải có rách một chút, vì thời gian dài lâu và khuôn hình khá cũ, khiến tấm hình phần nào xuống chất lượng. Tuy vậy, khuôn mặt mỉm cười của cha Diệp vẫn sinh động và thân thương như ngày nào. Mẹ tôi đã thay khung hình mới, ép plastic lại tấm hình để không bị hư, và thay lon gạo mà ngày xưa ngoại cặm nhang là chiếc lư hương mới. Dưới hình cha Diệp là hình bà ngoại nằm cạnh ông ngoại, ông bà vẫn nở nụ cười thật tươi nhìn tôi.

Tôi bước tới gần bàn thờ Chúa, làm dấu đọc kinh, rồi lần vài bước sang bàn thờ cha Diệp, cũng làm y như ngoại ngày xưa. Tôi không biết cảm giác của ngoại ngày xưa khi đứng ở vị trí này ra sao? Nhưng riêng tôi, tôi cảm thấy hạnh phúc vì có một người bà đạo đức thánh thiện, đã truyền cho tôi lòng mến Chúa, yêu người và sống đáng chữ hiếu kính.

Tôi vẫn giữ thói quen hành hương cha Diệp mỗi khi về tết và về hè. Trung tâm hành hương nay được trùng tu mới hơn, rộng rãi hơn, khu vực thoáng mát và đẹp hơn xưa rất nhiều. Khu vực mộ của cha Diệp cũng được dời sang một địa điểm đẹp hơn, rộng hơn. Tôi vẫn bước từng bước tới những khu vực mà xưa kia ngoại dẫn tôi đi. Phòng xin lễ, khu vực mộ, dự Thánh Lễ, mua những món quà lưu niệm nhỏ tặng bạn bè và nhất là ăn lại món bún riêu mà nay người con trai kế của cô chủ khi xưa nối nghiệp mẹ.

Có lẽ khi được học biết nhiều, tôi dễ có cái nhìn phê phán, suy đoán những hành động của ngoại hay của nhiều người khi tới đây là không đúng, là sai, thậm chí là mê tín. Nhưng cứ mỗi lần trở lại chốn xưa, tôi vẫn làm y như ngoại, bóng dáng ngoại vẫn đang dắt tôi đi từng bước một.

Trong giấc ngủ trưa nay, tôi thấy mình cùng ngoại đứng trước bàn thờ đốt nhang, thấy bà dẫn tôi đi hành hương cha Diệp, thấy ngoại nói với tôi về gốc tích bức ảnh…

Little Stream

Kiểm tra tương tự

Dám dìm sâu với Chúa | Suy tư TM CN lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa năm C

  Suy Tư Tin Mừng Chúa Nhật Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa DÁM DÌM SÂU …

3 bước cho cuộc trò chuyện thú vị cùng các cô gái

  Nếu bạn sắp có một buổi tối dành riêng cho các cô gái và …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *