Tâm sự người sắp… chết

(Chúa ơi!

Con suy nghĩ lộn xộn rồi,

chỉ còn là nghĩ gì thì viết đó thôi!)

 

Chúa ơi,

Có lẽ đây là bức thư cuối cùng mà con cố suy nghĩ và viết ra, nơi trần gian này, vì con… sắp đón nhận cái chết. Con muốn viết những điều này để bày tỏ tâm tình phó thác của chính con ngay lúc này, đồng thời cũng muốn nói lên nỗi sợ hãi thể lý mà… có lẽ người sắp chết như con đang phải đối mặt.

Có một niềm an ủi tinh thần lớn lao mà những ngày qua mà con được lãnh nhận là được nhiều người thân yêu thăm viếng và hỏi han. Có lẽ chưa bao giờ trong đời con được mọi người quan tâm nhiều như thế. Những lời hỏi thăm đơn sơ mà chất chứa đầy tình cảm thiêng liêng. Có những lúc còn khỏe mạnh và được gần nhau nhưng không dễ nói ra những lời ấy. Con vui vì dám nói lời cám ơn và lời xin lỗi với họ. “Tôi xin lỗi anh!”, “Tôi cám ơn chị!”… Con thấy nét mặt của họ rất vui đón nhận lời xin lỗi và cám ơn của con, chắc chắn con tin Chúa cũng vui vì điều ấy. Có những người lâu lắm rồi chưa được gặp. Lúc này con nghiệm ra một câu thơ ý nghĩa của nữ thi sĩ:

“Còn gặp nhau thì hãy cứ vui,

Cuộc đời như nước chảy hoa trôi, …”

Đúng rồi! Nước chảy và hoa trôi phút chốc rồi biến mất, chẳng còn gì để lại cuộc đời ngoài niềm vui và nỗi nhớ.

Những đứa con, đứa cháu đã quây quần bên con không muốn rời. Con đã chẳng dám nghĩ tới những lúc được như thế này. Các con đi làm mỗi đứa một tỉnh, nhớ lắm thì chỉ gọi điện thoại để nghe giọng nói, làm gì dám kêu chúng về gặp mặt, huống chi là đưa các cháu còn nhỏ về với ông nội hay ông ngoại. Nhiều lúc nghe tiếng các cháu kêu qua điện thoại: “Ông Nội/ Ngoại ơi! Cháu nhớ ông lắm!” Chừng đó là đủ làm con rơi nước mắt. Cảm thức nhớ con cháu nó vậy. Tuổi già hay thơ thẩn và cô đơn, nên có con cháu làm niềm vui của đời mình. Nhưng một năm các cháu chỉ được ba mẹ đưa về hai lần vào dịp tết và hè, được vài ngày rồi lại trở lên tỉnh để học. Vậy mà, lúc này các cháu ở cạnh ông, các con ở cạnh cha túc trực ngày đêm.

Con không muốn cho bất cứ thứ gì vào miệng nữa vì không còn cảm giác được vị ngon của đồ ăn, nhưng nghe tiếng con nói: “Ba ăn cho tụi con vui nghen!” là con lại nhanh chóng nuốt ực miếng đồ ăn ngon lành, rồi cha con lại mỉm cười. Con cười hỏi các cháu: “Chừng nào tụi con về trển?” tụi nó cười trả lời: “Dạ! Tụi con ở với ông nội/ ông ngoại luôn!”. Con mỉm cười trong hạnh phúc, chợt nước mắt rơi trên hai khóe mắt không cầm lại được, chợt suy nghĩ đến với con: “Ừ! Chừng nào ông… tụi con hẳn đi nghen tụi con! Ở với ông được phút nào hay phút đó!”

Nhìn lên tấm hình vợ con trên bàn thờ, con mỉm cười với bà. Chợt con muốn nói với bà: “Bà đợi tui nghen! Sắp được gặp bà rồi!”. Con cứ nghĩ cuộc đời như một chuyến tàu chuyên chở hành khách từ điểm này đến điểm khác. Con nghĩ cuộc sống cứ đầy ắp những niềm vui. Chỉ cần rong ruổi mấy mươi năm tìm mua tấm vé mang tên “cuộc đời”, mua được rồi thì đặt chân trở về, rồi sau đó là lên tàu sang một điểm đến mới. Nơi điểm đến ấy con thấy người vợ thân yêu của con, nơi con được nói cười và tâm sự những gì hành trình trước đây đã trải qua. Vui buồn đều có, tất cả đều là chất liệu quý báu cho hành trình kiếp sau.

Nhưng… có những nỗi sợ…

Con sợ những cơn đau thể xác. Phải chi những cơn đau như cơn đau răng, đau đầu hay đau bụng. Tìm vài viên thuốc đặc trị uống vào rồi nằm chờ vài giờ sẽ hết. Phải chi sức con đủ dẻo dai để những lúc cơn đau quặn thắt xương tủy đến thì con có thể gồng mình chịu đựng. Nhiều điều phải chi… Con chợt hiểu rằng cuộc sống nơi trần thế này của mình chỉ có một. Được sinh ra một lần, một lần làm trẻ thơ, một lần được lớn lên, già đi, và… một lần nhắm mắt để bước vào cuộc sống đời sau. Tấm vé “cuộc đời” là vé một chiều không có khứ hồi. Chính khi cảm nghiệm được lúc này là lúc mọi sự với con là… cuối cùng. Con thấy nhớ ông bà cha mẹ và những người mà con đã được gặp gỡ suốt mấy mươi năm cuộc đời. Có người đã ra đi trước con. Con nhận ra mình mang ơn họ thật nhiều trước những gì mà họ đã làm cho con, thấy mình có lỗi khi đã khiến họ buồn lòng dù chỉ là một suy nghĩ thoảng qua.

Con sợ… ra đi đột ngột. Đột ngột có lẽ lúc này không chính xác theo kiểu thời gian. Bởi lẽ khi cảm nhận sức lực nơi thân thể mình dần hao mòn và suy tàn, con hiểu ngày đời của mình sắp chấm dứt. Chỉ là không biết chính xác ngày nào, giờ nào, mà chắc rằng… đã gần lắm rồi. Những ngày qua được bác sĩ gắn vào người bao nhiêu là thứ dây nhợ chằng chịt, mỗi lần không chịu nổi cơn đau thì bác sĩ lại tiêm vào cơ thể những thứ thuốc gì khiến con tê dại, chẳng còn chút cảm giác nào. Con sợ… đột ngột phải bỏ lại tất cả mọi thứ nơi dương gian này. Sau mỗi cơn tê dại vì thuốc, thấy mình còn cố mở mắt được nhìn mọi người đã là nỗi vui lớn lao. Dù vẫn biết rằng cuộc đời này là tạm bợ, mau qua, chỉ có Thiên Chúa là vĩnh hằng. Bỏ lại cuộc sống này là trở về với Thiên Chúa, nhưng chính lúc này con phải đấu tranh tư tưởng kinh khủng…

Con sợ bỏ lại những đứa con, đứa cháu thân yêu lại trần gian này, vì… con biết mồ côi là gì. Mồ côi khổ lắm. Mồ côi mẹ và bà đã là nỗi mất mác lớn lao, nay mồ côi cả cha và ông nữa thì có gì buồn hơn. Con đã cảm nếm được hạnh phúc khi nghe được người ta nói rằng: “Nó là con ông… bà…, ngoan lắm! Được ba mẹ nuôi dạy đàng hoàng, lễ phép hết sức!”. Nhưng con cũng nếm được đau khổ khi tiễn chính ba mẹ của mình ra đi vĩnh viễn, người ta chỉ trỏ rồi nói: “Tội thằng nhỏ, mới hơn mười tuổi đầu mà mồ côi cả cha lẫn mẹ!”. Thực… quặn thắt…

“Nơi Ngài con đặt hy vọng, nơi Ngài con dâng xác hồn…” Mấy đứa con mở cho con nghe những bài nhạc ấy suốt những ngày nằm bệnh chờ… chết. Các con rước cha đến ban Bí tích cuối cùng và chuẩn bị mọi sự cho cha của chúng. Con còn ý thức đầy đủ, con thấy tất cả và…

Lạy Chúa, chỉ còn lại tâm tình phó thác. Trong nỗi đau thể xác, tranh đấu tư tưởng giữa thiện và ác, trên hết vẫn là niềm tin vào Người. Xin tha thứ tội lỗi mà con đã phạm và xin thương đón nhận con vào Nước Người… Con sẵn sàng… Xin rước con… Lạy Chúa…

 

Little Stream

 

Kiểm tra tương tự

Bức tượng cổ: giai thoại và tên gọi

Trong nhà thờ Neumünster ở thành phố Würzburg thuộc miền Bavaria, Nam Đức, có một …

Thập giá ngất cao

Bạn thân mến, Chúng ta đã bước vào Tuần Thánh, cũng là cao điểm của …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *