Tạo Thế và Tận Thế

Hoành Sơn, S.J.

Vũ trụ do may mà có?

Ngay lúc con người bắt đầu suy tư triết học, nó đã đặt vấn đề vì sao có thế giới này, và vì sao giữa thế giới ấy có con người “linh ư vạn vật”?

Thế giới này, với biết bao điều kỳ diệu trên trời và xung quanh ta trên trái đất, hẳn phải có một bậc thượng trí nào tạo ra nó và sắp đặt cho có ngăn nắp, đâu ra đấy chứ? Và Đấng ấy phải là thần linh, một vị thần lớn đứng trên các vị thần như thần sấm, thần sét,v.v…Và đây là thuyết Thiên tạo của các nền văn minh cổ xưa.

Bên cạnh giả thuyết Thiên tạo, ngay trước khi khoa học ra đời, từng đã có những giả thuyết Tự tạo. Người ta mường tượng ra : vào hồi đầu đã có một thứ nước hay lửa nguyên sơ nào đó, và nó biến hoá dần thành tất cả. Có khi người ta coi biến hoá như một cuộc sinh nở : Nước nguyên sơ là âm, phải thêm sức nóng dương nào đó đáp xuống, để từ nước nảy sinh một quả trứng vàng, rồi từ quả trứng ấy sinh ra Con người nguyên sơ (Purusha với Ấn Độ, Gaya Maretan với BaTư), nó sẽ bị phân chia mà làm nên vạn vật.

Triết lý hơn, Kinh Dịch, rồi Đạo đức kinh của Trung hoa cho rằng nguồn gốc của tất cả là Thái cực, Thái cưc ấy phân thành âm dương, để rồi âm dương kết hợp với nhau bằng nhiều cách mà sinh ra bát quái, và từ sự kết hợp của các quái (quẻ) mà sinh ra mọi thứ. Samkhya của Ấn Độ xưa cũng nghĩ như thế : Prakriti (giống như Chất thể đệ nhất của Triết học kinh viện (học viện, scolastique)) nhờ sự hiện diện của Tinh thần Purusha mà phân thành âm-dương-lực, để từ đó biến hoá thành tất cả.

Cũng có khi người ta liên kết Tự tạo với Thiên tạo : Tất cả bắt đầu là một khối hỗn mang, mà Trung quốc gọi là Hồng hoang, và việc của Hoá công (Trung quốc gọi là ông Bàn cổ) chỉ là tách biệt và sắp đặt (nâng trời lên khỏi đất, phân ngày ra khỏi đêm…), rồi đẽo gọt luôn.

*

Sau này, với khoa học lên ngôi, người ta ngả hẳn về thuyết Tự tạo.

Năm 1929, phát hiện các thiên hà ngày càng xa giải Ngân hà của chúng ta, E. Hubble thấy rằng vũ trụ đang dãn nở, nghĩa là vào lúc khởi đâu, cả cái khối vật chất làm nên vũ trụ này bị nén ở điểm 0 (không gian) thành một Năng lượng vô cùng lớn nó nổ tung trong tiếng Nổ Lớn, BigBang, cách đấy trên 13 tỷ năm, để từ cái Quantum sơ thuỷ (initial) sinh ra nhiều quantum khác, và toàn khối vật chất bành trướng với tốc độ ánh sáng. Từ thời điểm 10-43 giây, sẽ xuất hiện các hạt cơ bản : hạt nặng quark và hạt nhẹ lepton gồm có photon, electron, positron, neutrino. Vào thời điểm 10-6 giây, các quark sẽ kết tụ thành proton và neutron để làm nên hạt nhân, sau đó electron bị hút sẽ đến xoay tít xung quanh hạt nhân, và thế là chúng ta có các nguyên tử, để rồi nhiều nguyên tử hợp với nhau làm nên phân tử, và cuối cùng chúng ta có những đại phân tử protein chúng là những viên gạch xây nên sự sống. Sinh vật cũng tiếp tục con đường tiến hoá với thuyết tiến hoá của Lamarck, Darwin, để từ loại đơn bào sang loại đa bào, từ thảo mộc sang động vật, từ con khỉ sang con người.

Có điều, với suy tư và tính toán của Paul Dirac, thì vào lúc khởi đầu, có cả vật chất lẫn phản vật chất với số lượng bằng nhau, nhưng như thế chúng phải triệt tiêu chứ.

 Phản vật chất ư? Người ta đã bắt đầu phát hiện nó năm 1932 khi Carl Anderson tìm thấy một hạt electron nhưng mang điện tích đối nghịch, tức positron. Kế đó năm 1955 khoa học tìm thấy phản-proton. Và người ta cũng phát hiện những trường họp hai hạt nghịch nhau mà gặp nhau, chúng sẽ cùng biến mất trong một chớp sáng.

Nếu theo giả thuyết P. Dirac, vật chất và phản vật chất ở thế cân bằng, thế thì giải thích sao đây sự có mặt của vũ trụ này trước mắt chúng ta? Hẳn phải có một nghiêng lệch ở một khầu nào đó chứ! Nghĩa là vào một lúc nào đó và nơi một loại hạt cơ bản nào đó, số hạt phải lớn hơn phản-hạt.

May mắn thay, khoa học đã chớm phát hiện cái hạt vĩ đại này. Có điều nó lại là hạt quá nhẹ và nhỏ, nên khó thấy : hạt NEUTRINO!

 Và đây là công lớn của những nhà khoa hoc Nhật bản với máy dò khổng lồ của họ, máy Super-Kamiokande nằm sâu dưới một quả núi.

Tại máy gia tốc hạt đặt ở Tokai cách đó gần 300km, người ta bắn những hạt proton vô một tấm bia bằng graphit (than chì), từ đó phát sinh hằng tỷ những neutrino có muon-tính và phản-neutrino cùng loại. Hết thảy những neutrino và phản-neutrino này được dẫn đến máy dò Super-Kamiokanda, và trên đường đi, một số hạt cùng phản-hạt đã biến thành neutrino có electron-tính (electronic) . Lạ lùng thay, người ta phát hiện số lượng phản-neutrino ít hơn theo tính toán!

Có điều neutrino lại quá nhẹ, nên sự nghiêng lệch nếu có cũng quá nhỏ để nhờ đó có thế giới bao la này. Bởi thế, các nhà khoa học giả định phải có những neutrino siêu nặng, và hẳn là chúng cũng giống neurino nhẹ, là có sự lệch nghiêng : hạt nhiều hơn phản-hạt.

Như thế, nhìn vào tổng thể, đáng lẽ đã không có vũ trụ này, mà chỉ nhờ sự lệch nghiêng của mấy hạt neutrino nhỏ bé, mà vũ trụ đã được cứu. Phải chăng đó là do ngẫu nhiên, và vũ trụ là một cơ may quá lớn?

Theo chúng tôi nghĩ, nếu đặt Tự tạo lồng vào trong Thiên tạo, thì cơ may ấy vẫn là cái mà Thiên Chúa nhắm từ ngay ở thời điểm Bigbang. Vâng, vì muốn có vũ trụ này, và giữa vũ trụ có loài người, Thiên Chúa đã đặt vào không gian một khối năng lượng lớn, cũng như đặt vô đó một ý định và đích nhắm, và thê là, bằng cách này hay cách kia, khối năng lượng hay Tiền-vật chất (Pra-kriti, theo học thuyết Sâmkhya của Ấn Độ) sẽ tự tiến hoá về phía cái thế giới hôm nay của chúng ta. Chính vì Thiên Chúa muốn có thế giới, có sự sống, có chúng ta, nên dù có phản vật chất, thì ở một khâu nào đó số lượng hạt sẽ lớn hơn phản-hạt. Cho nên không hề có ngẫu nhiên, và cái mà người ta xem là cơ may ấy chỉ là cơ may cho chúng ta, cơ may vì Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, nên mới dựng nên loài người, và vì loài người mới dựng nên thế giới ấy cho họ, để cuối cùng nhìn vào đấy con người có thể nhận biết Đấng tạo thế, rồi sống theo con đường Ngài vạch ra, con người sẽ tiến về phía Ngài để hưởng hạnh phúc trong Ngài.

Quả thế, vì thế giới này quá đẹp và hoàn hảo với sự sắp đặt hài hoà giữa các tinh hà, và trong tinh hà giữa các tinh đẩu, trong hệ mặt trời giữa mặt trời với các hành tinh, vệ tinh, với kế đó là những bước tiến rất đều đặn từ khoáng chất sang sự sống, từ thảo mộc sang động vật, rồi con người, cùng với sự phối hợp nhịp nhàng giữa các thành phần và cơ quan trong cơ thể, nên không thể không nhìn nhận có một Trí năng tuyệt vời đã bố trí tất cả, khiến cho nhà khoa học không Kytô giáo là Trịnh xuấn Thuận phải so sánh Trí năng ấy với một nhà thiện xạ siêu đẳng, Ngài đã nhắm cái hồng tâm 1cm là con người từ khoảng cách 13,8 tỷ năm ánh sáng, mà bắn một phát trúng phóc ngay.

Sự sắp đặt của Thiên Chúa giữa thiên nhiên, tôi đã trình bày giản lược ở bài Thế giới do ngẫu biến hay sáng tạo đăng trong nguyệt san CGvDT tháng 11 năm 2007, và tôi xin trích một đoạn sau đấy:

 -“ Về mặt thân thể, để có một đa dạng lớn lao như thế, “sự ngẫu nhiên” phải bố trí tới mấy lần tráo đảo các quân bài trong giảm phân. Thế nhưng tại sao lại có đúng sự tráo đổi gen cần thiết trước giảm phân như thế? Nhất là có đúng hiện tượng giảm phân để giao tử chỉ giữ lại nửa số nhiễm sắc thể, nhờ đó đực cái bù trừ đúng cho nhau để làm nên một cá thể mới với tế bào đủ cả 46 thể nhiễm sắc. Hơn nữa, trong tiến trình thành người mới này, còn biết bao buớc đi, mà chỉ cần một bước lệch thôi đủ hỏng luôn chuyến tàu. Nghĩa là bên cạnh cái ngẫu nhiên, phải có bao cái được sắp đặt, và đây là những quy luật. Ai dám bảo sự sống không bị cai trị bởi những quy luật nhỉ?

“Mà không chỉ bên trong sự sống. Còn những bước tiến từ khoáng chất sang sinh vật nữa chứ. Quả vậy, nếu từ nhiều tỷ độ C, vật chất không nguội đến dưới 70 độ, thì sinh chất albumin sao khỏi bị đông cứng? Và nếu không có môi trường biến động điện từ quanh các vì sao cùng với những chất cần thiết như hơi nước, khí các bô ních, nát ri, mêthan,v.v., thì làm sao nảy sinh các acid amin; cũng như nếu không có sẵn môi trường nước và đất thó (đất sét), thì sao cả triệu acid amin có thể trùng kết (polymérisation) thành viên gạch của sự sống là các đại phân tử protein?

“Lại còn những chuẩn bị xa và rất xa là khác. Cần phải có “âm dương tương thôi, nhi sinh biến hóa”, phải có đủ bốn lực cơ bản : lực hạt nhân mạnh (để cố kết các quarks thành protons, neutrons, rồi thành hạt nhân), lực hạt nhân yếu, lực hấp dẫn và lực điện từ ( để cố kết électron dấu âm lại với hạt nhân dấu dương) cùng với hai hằng số được tính toán chi ly[1] để cuối cùng xuất hiện các phân tử chúng là nền tảng thứ nhất từ đó xây nên sự sống.

“Vâng, sự sống -mà đỉnh cao là con người- xem như đã được nhắm trước ngay trong cái Lượng tử ban sơ (Quantum initial), đúng như nhận xét của nhà vật lý thiên văn không Kytô giáo Trịnh xuân Thuận khi ông ví Hóa công với một nhà thiện xạ đã đứng từ khoảng cách gần 15 tỷ năm (vận tốc) ánh sáng mà nhắm bắn cái hồng tâm 1cm là con người, thế mà chỉ một phát trúng ngay.

*

“Quả thật, nếu chỉ có ngẫu nhiên thì sao có những kết quả kỳ diệu đến thế. Cứ mang cả sấp chữ cái mà đổ ào xuống mặt bàn, và thử rất nhiều lần như vậy đi, xem có bao giờ chúng xếp thành cả một Truyện Kiều hoàn chỉnh được không? Thế mà từng đã có biết bao Truyện Kiều được tạo nên giữa lòng thiên nhiên như thế đó.

“Truyện Kiều trước tiên, đó là quá trình tiến hóa ăn khớp với nhau để cuối cùng có sự sống, và giữa sự sống : loài người! Truyện Kiều tiếp theo, đó là chính vũ trụ này, ở hiện trạng của nó, với các hành tinh và vệ tinh xoay chuyển nhịp nhàng quanh tinh đẩu chính để làm nên thái dương hệ, đó là các thái dương hệ hợp thành tinh hà, và các tinh hà dù vẫn di chuyển, nhưng di chuyển trong trật tự để làm nên cái vũ trụ bao la với bề rộng gần hai mươi tỷ năm ánh sáng của chúng ta!

“Còn nơi sự sống? Các sinh vật phân thành ức triệu chủng loại, thứ này cần thiết cho thứ kia để bổ túc cho nhau và để cùng tồn tại với nhau! Và nơi từng cá thể, các cơ quan và chức năng phối hiệp với nhau càng vô cùng chặt chẽ để có một sự sống thống nhất hoàn toàn. Lại không chỉ có Truyện Kiều ở cái tổng thể là cá thể đó, mà mỗi chương của Truyện Kiều cá thể cũng là những tổng thể diệu kỳ ở một phạm vi hẹp hơn. Và đây là từng bộ phận của cơ thể đó.

“Chúng ta hãy lấy làm thí dụ : Con mắt. Có cả trăm thành phần cấu tạo nên mắt, cái nọ bổ túc hay hỗ trợ cho cái kia.

“Nên nhớ, có hằng chục thứ mắt khác nhau, mỗi thứ phù hợp cho hoạt động của một loại động vật khác nhau. Như tôm cua và côn trùng, mà nguy cơ rình rập tư bề trên từng bước đi, thì mắt của chúng do cả ngàn mắt con hợp lại, có khả năng phát hiện những cử động dù nhỏ nhặt của kẻ thù từ bất cứ chỗ nào quanh mình. Như loài chim vì bay nhanh nên võng mạc kéo dài về phía sau hầu có thể nhìn ra ngay những chướng ngại khi chúng còn ở xa.

“Và sau đây là mắt người, mà chúng ta có chung với loài có xương sống.

“Mắt người là một máy chụp hình siêu đẳng, mà thấu kính là thủy tinh thể, mà cửa điều sáng (diaphrame) là con ngươi với những cơ giúp mở to hay co hẹp lại. Khác với thấu kính của máy chụp, thủy tinh thể gồm bởi nhiều lớp chồng lên nhau, với hai đầu có những cơ (muscle) khiến thấu kính có thể tự dẹp xuống hay nở tròn hầu chỉnh lại tiêu cự (focal length) cho vừa đúng để nhìn rõ bất cứ vật thể nào dù gần hay xa. Bộ phận tiếp nhận tia sáng ở võng mạc cũng được cấu trúc rất phức tạp và tinh xảo bằng những tế bào thần kinh hình nón và hình que : hình nón từng cái một tập trung ở giữa nhiều nhất để ghi đậm nét hình ảnh; hình que hợp thành từng cụm xung quanh cho một hình ảnh mờ dần, nhưng tế bào hình que lại cho thấy rõ hơn trong tối. Nhiều loại cơ khác sẽ tự động điều chỉnh để hình ảnh được thấy rõ ở những điểm khác nhau khi ta chú ý đến (điểm ấy).

“Khác hẳn máy chụp, mắt có thể giúp ta, không chỉ thấy hình của vật thể, mà còn ước lượng được độ lớn và khoảng cách của vật thể này. Càng kỳ diệu hơn khi mà, cùng với hình ảnh thấy, nhờ sự phối hiệp của lý trí, chúng ta có thể nhận ra tính xác thực (certitude) hay không của vật thể trước mắt, điều mà hình chụp không làm được.

“Đó là những bộ phận chính của cơ quan thị giác. Chúng ta bỏ qua hệ thống bảo vệ như lông mi để cản bụi và côn trùng, như nước mắt làm trôi bụi đi, như khả năng chớp mắt tự động để chống lại những tấn công bất ngờ. Và chúng ta cũng chưa đả động tới hệ thống thần kinh, nó được bố trí rất phức tạp và tinh tế để tiếp nhận và phối hợp các ký hiệu hầu tạo ra hình ảnh trong đầu, cũng như sự liên kết của thị giác này với các giác quan khác và với những hoạt động khác của chúng ta.

*

“Dĩ nhiên là, trong thiên nhiên ấy, bên cạnh những biệt định cũng diễn ra biết bao bất định. Bất định năng gặp nhất là trong lãnh vực vật lý lượng tử. Cho một nắm hạt cơ bản vào chạy trong máy gia tốc (cyclotron) và cho chúng đập vô một tấm chắn bằng đồng. Có hạt sẽ đi xuyên qua và có hạt dội lại bằng một góc 145o , mà không thể đoán trước hạt nào lọt, hạt nào hồi phản. Thế nhưng trong cái bất định này vẫn có một biệt định, và đó là : chỉ một trong hai trường hợp, chứ không phải ba, bốn,v.v., lại nữa nếu đây là phản hồi thì góc hồi phản nhất định là 145 độ, chứ không khác được. Y như đặt một khúc xương trước mắt chó, với một chướng ngại vật ở chính giữa. Không thể nào đoán trước chó sẽ chọn đường bên trái hay bên phải, nhưng chắc chắn thế nào nó cũng chạy đến và đến bằng một trong hai con đường bằng nhau ấy.

“Sự bất định càng lớn hơn nơi con người, vì nơi con người còn ý chí tự do. Có điều ai dù thánh đến đâu cũng không thể không có những yếu đuối, trong khi phần đông lại không thánh, nên sống theo bản năng là chuyện thường gặp ở loài người. Cho nên vẫn xác định được cách phản ứng của xã hội nói chung bằng phép tính xác xuất (vốn chỉ áp dụng cho những con số lớn), nhờ đó mới có thể làm thống kê và mở hãng bảo hiểm.

 “Quả thật, nếu nhìn chung cuộc thì xem ra không thể không chấp nhận một sắp đặt trong thiên nhiên, một nhắm đích trong tiến hóa từ Lượng tử ban sơ đến con người. Thế nhưng nhìn sâu vào từng bước tiến, lại không thể phủ định rất nhiều những bất định và ngẫu nhiên. Có điều thường khi những bất dịnh và ngẫu nhiên ấy lại là cần thiết. Cho nên phải đi đến giả định là ngẫu nhiên cũng nằm trong quy luật, mà một trong những bằng chứng là các tham số (paramètre) m trong rất nhiều công thức vật lý.”

Quả thật, Thiên Chúa chỉ cần đặt vô khối Năng lượng-Khối lượng một ý định, cũng là nhắm đích, và tự nó sẽ dò đường tìm lối tiến tới. Mỗi khi tìm ra lối, nó sẽ để vết lại, và vết ấy làm nên quy luật, để các thành phần vật chất sau đó cứ thế mà lặp lại, mà đi theo.

Thế giới quả là rất đẹp, nhưng dù đẹp đến đâu chăng nữa, vì nó đã bắt đầu, nên sẽ có kết thúc thôi. Nhưng kết thúc bằng cách nào, thì đó là điều khoa học đang tìm hiểu.

Tận thế bằng cách nào?

Mỗi tinh hà đều có hố đen (trou noir), và hố đen đang nuốt dần vật chất quanh nó. Vả lại, vũ trụ đang dãn nở rất nhanh, và càng dãn nở, nó càng nguội dần và tan loãng đi. Ngay cả các hố đen cũng bốc hơi theo trong sự tan loãng của hoàn vũ. Cố nhiên là còn biết bao tỷ tỷ năm mới tới đó.

Nhưng đấy là tận thế của toàn vũ trụ, chứ riêng cho trái đất, cho sinh vật, nhất là cho loài người chúng ta, thì tận thế đến sớm hơn thế rất rất nhiều.

Chúng ta nên nhớ, các nhà cổ sinh vật học phát hiện trong vòng 500 triệu năm gần đây, có lẽ tới 90% sinh vật bị tuyệt chủng rồi đấy. Nguyên nhân trước tiên là những chu kỳ băng giá do tác động của mặt trời vào bán cầu phía Bắc trong mùa hạ. Các tảng băng lớn ở đó sẽ lao xuống phía Nam và tàn phá tất cả trên đường đi, khiến rừng cây phải lùi lại 500m mỗi năm. Nguyên nhân tiếp theo là những cuộc siêu phun trào núi lửa diễn ra khoảng 100.000 năm một lần, phun tới 600km3 phún thạch và tiêu diệt mọi sinh vật trong bán kính nhiều trăm ngàn cây số. Thế rồi còn những thiên thạch khổng lồ rơi xuống, và một trong những thiên thạch ấy đã gây tuyệt chủng cho loài động vật lớn là khủng long cách nay nhiều triệu năm.

Nếu mai ngày hành tinh chúng ta bị một ngôi sao chổi lớn quét ngang, thì hậu quả còn khủng khiếp gấp trăm lần. Sức mạnh tàn phá có thể bằng một tỷ trái bom nguyên tử được thả xuống Hiroshima, khiến bầu khí xung quanh nóng tới 10000C. Lại nếu một hố đen và một sao neutrons gặp nhau gần trái đất, thì từ đó sẽ bắn ra cuồn cuộn các chùm tia gamma, tia X và tia cực tím chúng phá nát tầng ô-dôn (lá chắn bảo vệ sự sống ở mặt đất) trong suốt 10 năm liền.

Riêng mặt trời, ân nhân vĩ đại nó vừa soi sáng, sưởi ấm cho chúng ta, vừa giúp cho cây cỏ quang hợp, mặt trời ấy trong khi hoạt động đang tiêu hao hít rô nên cũng đang nóng thêm, khiến nước bốc hơi, biển cạn dần, để rồi khi hơi nước lên quá cao, tia nắng sẽ tách O ra khỏi H, và cả O lẫn H biến mất khỏi bầu khí quyển. Vâng, nếu nhiệt độ trên hành tinh bị hâm nóng tới 15 00c trong vòng 1-2 tỷ năm, thì sự sống cũng biến mất trên trái đất. Hơn thế, khi mặt trời đã tiêu hao quá nhiều hít rô, thì tâm của helium sẽ co lại và nâng nhiệt độ lên quá cao, khiến hít rô bao quanh đi vào hợp-hạch (fusion nucléaire), và khi ấy mặt trời sẽ trương to gấp 200 lần thành quả cầu lửa đỏ rực nó vươn tới sát mặt đất để nung chảy các tảng đá hoa cương và nhửng đá rắn chắc hơn nhiều.[2]

Tận thế còn tới sớm hơn nữa khi chúng ta cũng đang tự đào mồ chôn mình, bằng cách gây ô nhiễm đất đai, các dòng nước và bầu khí quyển, nhất là bằng cách thải khí CO2 quá nhiều, gây hiệu ứng nhà kính, khiến trái đất đang ấm lên rất nhanh.

Trời mới đất mới ở đâu?

Trong niềm tin của chúng ta, tận thế chưa phải là hết sống. Sẽ có xác sống lại và Trời mới Đất mới dành cho con cái Chúa ở. Trời mới đất mới ấy đã được tiên báo trong Isaia 65.17 và được 2Phêrô nhắc lại trong câu 3.13.

Trời mới đất mới nói trên sẽ thế nào và hiện hữu ở đâu, đó là điều mà không ai biết được. Nhưng dù sao chúng ta cũng dự đoán thử về cái thế giới mà chúng ta sẽ đến ở mai ngày.

Vì con người là cả hồn linh lẫn xác thể, nên thế giới ấy hẳn cũng phải là vật chất nữa chứ. Có điều, nếu ở dương gian, hồn linh phải uốn theo thân xác và biến đổi với thân xác khi đi con đường của mình, thì ở thế giới bên kia, hẳn là xác phải uốn hết theo hồn linh để được chia sẻ hạnh phúc với hồn lành hay khốn khổ với hồn kẻ xưa đã làm ác.

Thêm vào đấy, ở thế giới người lành chỉ có hoà hợp thôi : hoà hợp bên trong mỗi người giữa linh hồn với cơ thể, giữa các thành phần thân thể; hoà hợp bên ngoài giữa mọi người với nhau và với thế giới bao quanh. Do đó trên thiên đường, chỉ có vật chất, chứ không mảy may có phản-hạt. Trái lại, ỏ địa ngục chỉ có chống phá nhau bên trong giữa hồn với xác, giữa các thành phần thể xác, giữa kẻ này với kẻ kia và với thế giới bao quanh. Cho nên, bên cạnh hạt chắc phải có khá nhiều phản-hạt.

Ngoài ra, vật chất không thể tồn tại mà không trong biến dịch. Thế mà ở thế giới bên kia, chỉ có Vĩnh cửu nó đối lập với thời gian, nên không thể có trước có sau, không thể có thay đổi, nên thể xác nơi đó phải được Thiên Chúa cải hoá, rất giống với thiêng liêng, không còn thay đổi nữa. Lại bên ngoài các người lành, kẻ ác, chỉ còn thiên thần với ác quỷ, chứ có lẽ không có núi sông, cây cỏ, chim muông…, nên không cần thêm vật chất nữa cho các yếu tố này.

Nhưng nếu vậy, thì còn đâu cái thế giới mà Isaia gọi là Trời Đất mới đây ?

Phải chăng bằng cái tên ấy, Isaia chỉ nhằm cái Vương quốc mà Thiên Chúa sẽ thiết lập qua Con Thiên Chúa thành người, còn 2Phêrô thì nhắm cái Thiên đường được dành cho kẻ lành mai sau? Dĩ nhiên là nơi cái Thiên đường hay “Trời mới Đất mới” ấy, phải có cả thể xác vinh quang của người lành. Và vật chất nơi thể xác ấy phải được thiêng liêng hoá cách nào đó để nó cùng hưởng phúc thiêng liêng với linh hồn bên các thiên thần luôn?

Chứ nếu đây là cả một thế giới vật chất mới, với mặt trời, mặt trăng, với núi sông, cây cỏ, với cá chim và lục súc, thì lại phải đặt ra vấn đề không gian và thời gian.

Không gian : Trời đất mới nằm ở đâu, cách bao xa với thế giới hiện tại, và có tận thế cùng với thế giới này hay không?

Thời gian : Đã là vật chất thì Trời đất mới chỉ tồn tại trong biến dịch; mà hễ biến dịch thì cái cũ qua đi, cái mới đến thế chỗ, đồng thời có sinh phải có diệt. Thế thì đâu còn sự Vĩnh hằng mà Chúa hứa cho chúng ta trên Thiên quốc đây?

[1] Nếu hằng số hấp dẫn lớn quá, thì các vì sao co hẹp nhanh, không kịp để vật chất tiến hoá và phức tạp hoá; bằng như ngược lại, nếu hằng số hấp dẫn hơi nhỏ, thì các thiên thể không suy sụp được để tạo nên các vì sao, ở đó hình thành những nguyên tố nặng làm nên sinh vật.

[2] Xin coi thêm ở Science et Vie, th.11/2016, tr.47-66.

Kiểm tra tương tự

Kinh “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng” sẽ mang đến cho bạn niềm hân hoan Phục Sinh trong tích tắc

Bắt nguồn từ thế kỷ thứ 6, tương truyền kể lại rằng lời kinh “Lạy …

Sự thật dễ bị lãng quên về sự Phục sinh

Nếu không có sự Phục sinh, thì những gì chúng ta tin đều vô nghĩa. …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *