“…Những tư tưởng, lời nói và cử chỉ hòa bình thường tạo ra một tâm thức hòa bình, một nền văn hóa hòa bình, và một bầu khí tôn trọng, chân thành và gắn bó với nhau. Vì vậy, cần dạy người ta biết yêu thương nhau, biết nuôi dưỡng hòa bình và biết sống với ý ngay lành chứ không chỉ dừng lại ở mức khoan nhượng.”
(Tiếp theo phần 3, và HẾT!)
Một khoa sư phạm dành cho những người kiến tạo hòa bình
7. Cuối cùng, chúng ta thấy cần phải đề nghị và thăng tiến một khoa sư phạm về hòa bình. Điều này đòi hỏi một đời sống nội tâm phong phú, những điểm tham chiếu luân lý rõ ràng, xác đáng, và điều hợp các thái độ và lối sống. Những hoạt động kiến tạo hòa bình thường kéo theo những thành tựu về thiện ích chung; những hoạt động này tạo ra lợi ích cho hòa bình và dưỡng nuôi hòa bình. Những tư tưởng, lời nói và cử chỉ hòa bình thường tạo ra một tâm thức hòa bình, một nền văn hóa hòa bình, và một bầu khí tôn trọng, chân thành và gắn bó với nhau. Vì vậy, cần dạy người ta biết yêu thương nhau, biết nuôi dưỡng hòa bình và biết sống với ý ngay lành chứ không chỉ dừng lại ở mức khoan nhượng.
Một niềm khích lệ cơ bản đối với thái độ sống ấy là “hãy nói không với hận thù, hãy nhận diện những bất công và chấp nhận những lời xin lỗi mà không “vạch lá tìm sâu”, và cuối cùng là hãy thứ tha” [7]. Sống theo thể thức ấy, những lỗi lầm và những thù hận có thể được nhận ra nơi sự thật, để cùng nhau đi đến sự giải hòa. Điều này cũng đòi hỏi phải không ngừng lớn lên trong khoa sư phạm tha thứ.
Thực vậy, sự dữ chỉ có thể vượt qua nhờ sự thiện, và công bình chỉ có thể tìm được nơi việc bắt chước Thiên Chúa là Cha yêu thương hết thảy con cái mình (x. Mt 5, 21-48). Đây chắc chắn là một tiến trình lâu dài, vì nó giả thiết một sự tiến triển thiêng liêng, một nền giáo dục về những giá trị cao quý và một cái nhìn mới về lịch sử nhân loại. Cũng cần thiết để giã từ những thứ bình an giả tạo mà những ngẫu tượng thế gian hứa ban, cùng với những mối nguy đi kèm theo chúng. Thứ bình an giả tạo này chỉ làm lu mờ lương tâm và đưa người ta đến một lối sống ích kỷ và dửng dưng. Trái lại, khoa sư phạm về hòa bình ám hiệu cho hoạt động, tình yêu thương, sự liên đới, lòng can đảm và sự kiên định.
Chính Đức Giê-su là hiện thân cho tất cả những thái độ sống này trong đời sống của Ngài, thậm chí Ngài đã tự hiến mình, đến nỗi từ bỏ chính mạng sống mình (x. Mt 13,39; Lc 17,33; Ga 12,25). Ngài đã hứa với các môn đệ rằng sớm muộn gì họ cũng khám phá ra những điều tuyệt diệu phi thường mà tôi đã vừa nêu ở trên, nghĩa là Thiên Chúa ở trong thế giới và Thiên Chúa của Đức Giê-su là Đấng luôn hiện diện với con người. Ở đây, tôi muốn nhắc lại một lời cầu nguyện, nài xin Thiên Chúa biến chúng ta thành những khí cụ bình an của Ngài, để chúng ta có thể mang tin yêu đến nơi hận thù, đem tình thương đến với người đau khổ, mang chân lý đức tin vào chốn lỗi lầm. Về phần mình, chúng ta hãy cùng Chân phước Gioan 23 cầu xin Thiên Chúa soi sáng cho các vị lãnh đạo, để ngoài việc quan tâm đến lợi ích vật chất của dân tộc mình, họ còn biết đảm bảo cho người dân món quà quý giá là sự bình an, phá vỡ những bức tường chia cách, đẩy mạnh mối dây yêu thương lẫn nhau, lớn lên trong sự hiểu biết và sẵn sàng thứ tha cho nhau, thậm chí biết tha thứ cho kẻ làm hại mình. Nhờ đó, ngang qua sức mạnh và thần hứng của Thiên Chúa, mọi người dân trên trái đất sẽ kinh nghiệm được tình huynh đệ, và nền hòa bình mà họ hằng mong mỏi sẽ nở hoa và cư ngụ giữa họ (8).
Với lời nguyện này, tôi muốn bày tỏ niềm hy vọng của mình rằng tất cả mọi người sẽ trở thành người kiến tạo hòa bình đích thực, nhờ đó thành đô của nhân loại sẽ lớn lên trong sự hòa hợp huynh đệ, trong thịnh vượng và hòa bình.
Xin cám ơn anh chị em.
Từ Vatican, ngày 8 tháng 12 năm 2012
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI
Cước chú:
[7]Đức Thánh Cha Biển Đức, Diễn Văn trong cuộc gặp với các thành viên chính phủ Li-ban (15 tháng 9 năm 2012), báo Quan Sát Viên Roma (16-9-2012), trang 7.[8] Xem Thông điệp Hòa Bình Trên Thế Giới (Pacem in Terris), 11 tháng 4 năm 1963: AAS 55(1963), 304.
Phụ trách,
Augustin Nguyễn Thái Hiệp, S.J.