Diện Mạo Người Kiến Tạo Hòa Bình (phần 2: sứ điệp Năm Mới 2013 của ĐTC Benedict XVI)

SPIRITUAL EDUCATIONNgười kiến tạo hòa bình đích thực là người biết yêu mến, bảo vệ và thăng tiến sự sống con người trong sự toàn vẹn của nó, từ cá nhân, cộng đoàn cho đến đặc tính siêu việt.

A: 

B:

(Tiếp theo phần 1…)

4. Nẻo đường đạt đến thiện ích chung và hòa bình, trên hết cần phải tôn trọng sự sống con người trong mọi chiều kích của nó, nghĩa là bắt đầu từ khi thụ thai, rồi qua quá trình tăng trưởng cho đến cái chết tự nhiên của nó. Người kiến tạo hòa bình đích thực là người biết yêu mến, bảo vệ và thăng tiến sự sống con người trong sự toàn vẹn của nó, từ cá nhân, cộng đoàn cho đến đặc tính siêu việt. Sự sống trong ý nghĩa trọn vẹn nhất chính là đỉnh cao của hòa bình. Bất cứ ai yêu mến hòa bình thì không thể cam chịu những xâm hại và những tội ác chống lại sự sống.

Những ai không tôn trọng sự sống con người, và hậu quả là, họ ủng hộ những thứ khác, họ cổ võ tự do phá thai, và có lẽ khi làm vậy họ cũng biết mình đang chủ trương một thứ hòa bình sai lệch. Sự chối bỏ trách nhiệm, hạ thấp phẩm giá con người, và thậm chí giết hại những trẻ em vô tội, không có khả năng tự vệ, đây là hành động chẳng bao giờ nảy sinh hoa trái hạnh phúc và bình an thực cả. Thực vậy, làm sao người ta có thể tuyên bố là mình đang mang đến hòa bình, mang lại sự phát triển toàn diện cho con người hay bảo vệ môi trường, mà lại chẳng bảo vệ sự sống của những con người yếu thế nhất, bắt đầu với các thai nhi.

Mọi xâm phạm chống lại sự sống, đặc biệt trong giai đoạn mầm sống, rõ ràng là gây ra những hư hoại không thể sửa chữa được cho sự phát triển, hòa bình và môi trường. Người ta không chỉ khôn khéo đưa vào luật những quyền và những thứ tự do giả tạo mà nền tảng của nó là quan điểm tương đối và giản lược về con người. Người tinh xảo còn sử dụng cả những lối diễn tả mập mờ nhắm đến việc cổ võ quyền phá thai và chết êm dịu, rồi dùng những mánh khóe đó để đe dọa quyền cơ bản của sự sống.

Cũng cần phải nhìn nhận và thăng tiến cơ cấu tự nhiên của gia đình, là sự kết hợp của một người nam và một người nữ, chống lại những toan tính đồng hóa về mặt pháp lý cơ cấu tự nhiên này với những hình thức hoàn toàn khác biệt; những nỗ lực đồng hóa như thế thực sự làm thương tổn và tiếp tay làm xáo trộn nền tảng hôn nhân, che khuất bản chất riêng của hôn nhân, và làm lu mờ vai trò không thể thiếu của nó trong đời sống xã hội.

Những nguyên lý này vốn không phải là những chân lý đức tin, và nó cũng không đơn thuần là kết quả của quyền tự do tôn giáo. Chúng được ghi khắc trong chính bản chất con người, khả dĩ tiếp cận đối với lý trí và vì thế là chung cho tất cả mọi người. Thế nên, những nỗ lực của Giáo hội để thăng tiến chúng không có tính tuyên xưng niềm xưng riêng, nhưng muốn ngỏ lời với tất cả mọi người, dẫu cho người ấy có thuộc về cội nguồn tôn giáo nào đi nữa. Những nguyên lý này càng bị khước từ hay hiểu nhầm bao nhiêu, thì những nỗ lực như thế càng cần thiết hơn bấy nhiêu, vì sự từ khước chúng sẽ làm phát sinh sự xâm phạm chống lại chân lý về con người, và gây nên một tổn hại nghiêm trọng cho công lý và hòa bình.

Theo đó, một phương thế quan trọng khác giúp kiến tạo hòa bình là nhờ các hệ thống pháp luật và việc thực thi công lý nhìn rõ quyền nại đến nguyên tắc phản kháng lương tâm trước những luật lệ và các biện pháp quản lý xâm phạm chống lại phẩm giá con người, chẳng hạn như phá thai và chết êm dịu.

Một trong những quyền cơ bản của con người, cùng với sự tham chiếu đến nền hòa bình quốc tế, là quyền của cá nhân và cộng đoàn đối với tự do tôn giáo. Vào thời điểm này của lịch sử, nó ngày trở nên quan trọng để thăng tiến quyền này, không chỉ từ khía cạnh tiêu cực, nghĩa là tự do khỏi – ví dụ, khỏi những ràng buộc và những giới hạn liên quan đến việc chọn lựa tôn giáo – nhưng còn ở khía cạnh tích cực, trong những diễn tả khác nhau của nó, nghĩa là tự do để, ví dụ, tự do để làm chứng niềm tin của mình, để làm cho giáo thuyết của tôn giáo mình được biết đến, để dấn thân vào trong các hoạt đồng thuộc các lĩnh vực giáo dục và từ thiện vốn cho phép thực hành các việc tôn giáo, và để hiện hữu và hành động như một tổ chức xã hội hợp với những nguyên lý giáo thuyết riêng và những cùng đích mà tôn giáo muốn hướng đến. Đáng buồn thay, thậm chí những nước có truyền thống Ki-tô giáo lâu đời, thì những biểu hiện bất khoan nhượng tôn giáo lại trở nên nhiều hơn, đặc biệt liên quan đến Ki-tô giáo và những ai mang các biểu hiệu nói lên căn tính tôn giáo của họ.

Những người kiến tạo hòa bình cũng cần nhớ rằng, nơi những bộ phận đang lớn dần về ý kiến công cộng, các ý thức hệ về chủ nghĩa duy tự do cực đoan và chế độ kỹ trị đang phát tán sự thuyết phục của chúng rằng sự phát triển kinh tế nên được theo đuổi kể cả khi nó phương hại đến trách nhiệm xã hội của một quốc gia và những mạng lưới liên đới của xã hội dân sự, cùng với các quyền và nghĩa vụ mang tính xã hội. Nên nhớ rằng, các quyền và nghĩa vụ này vốn là nền tảng để hiện thực hóa trọn vẹn những quyền và nghĩa vụ khác, khởi đi từ những điều có tính dân sự và chính trị.

Một trong những quyền và nhiệm vụ cơ bản nhất đang bị đe dọa trong thế giới ngày nay là quyền được làm việc. Lý do là vì người lao động và sự thừa nhận đúng quyền về tình trạng pháp lý của công nhân cứ luôn bị coi thường, vì sự phát triển kinh tế được xem là phụ thuộc chính yếu vào thị trường hoàn toàn tự do. Do đó, lực lượng lao động bị coi như một biến số phụ thuộc vào cơ chế kinh tế và tài chính. Liên quan đến điều này, tôi xin xác nhận rằng phẩm giá con người và các yếu tố kinh tế, chính trị và xã hội, đòi hỏi chúng ta tiếp tục “ưu tiên mục tiêu tạo ra việc làm ổn định cho mọi người” [4]. Nếu mục tiêu đầy tham vọng này được thực hiện, thì điều kiện tiên quyết là một cái nhìn lành mạnh về công ăn việc làm, đặt nền tảng trên những nguyên tắc đạo đức và những giá trị tinh thần vốn xem khái niệm lao động như một lợi ích cơ bản đối với cá nhân, gia đình và xã hội. Đáp ứng lại lợi ích này là nhiệm vụ và quyền vốn đòi những chính sách can đảm và mới mẻ để mọi người có công ăn việc làm.

(Còn tiếp…)

Phụ trách,

Augustin Nguyễn Thái Hiệp, S.J.

Kiểm tra tương tự

Đức Thánh Cha: “Một Kitô hữu không can đảm” là “một Kitô hữu vô dụng’

Trong Buổi Tiếp Kiến Chung hôm thứ Tư, 10.04.2024 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô …

Đức Thánh Cha: Dù chúng ta dù có thất bại thế nào, Chúa vẫn chờ chúng ta

Chiều thứ Năm Tuần Thánh, ngày 28/4/2024, Đức Thánh Cha đã đến chủ sự Thánh …

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *