Trong những ngày cuối cùng của năm cũ, chúng ta dường như lặng mình trước cái chết đau thương của một Linh mục trẻ tuổi bị sát hại ngay lúc đang thi hành sứ vụ của mình. Một cái chết đau đớn khi ngài bị một kẻ được xác định là “bị tâm thần” đã chém vào đầu khi đang ngồi tòa giải tội. Với hai nhát chém, ngài đã chấm dứt hành trình sống trên trần gian trong sự đau thương và luyến tiếc của biết bao nhiêu người. Cái chết nói lên bản tính yếu đuối và mỏng giòn của kiếp người. Hơn nữa, cái chết của vị linh mục trẻ toát lên vẻ đẹp và căn tính của người mục tử: chết đi và thối đi mới sinh được nhiều hoa trái.
Quả vậy, sống trên đời, con người ai cũng có những lý tưởng, khát vọng và ước mơ vươn lên. Bởi đó là nhu cầu, là lẽ tự nhiên giúp con người có cuộc sống tốt đẹp hơn. Người thì có những lý tưởng trở thành ông này, bà nọ hay chọn cho mình một cuộc sống “an nhiên tự tại” không vướng víu tới ai; cũng có người chọn cho mình cuộc sống sung túc giàu sang và muốn được mọi người phục vụ và kính bái. Thế nhưng, giữa muôn vàn lý tưởng tốt đẹp đó lại có những người chọn cho mình lối sống yêu thương và phục vụ.
Trong Đạo Công giáo, bản chất và căn tính của mỗi người Kitô hữu đó là yêu thương. Mỗi người luôn được mời gọi là chứng nhân của tình yêu giữa lòng thế giới. Lời của Chúa Giêsu luôn in hằn và vang dội trong tâm thức mỗi người Kitô hữu rằng: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Như vậy, lời mời gọi đó luôn nhắc nhở chúng ta rằng, dù là ai trong bậc sống nào, mỗi người luôn được mời gọi yêu thương và đùm bọc lẫn nhau kể cả kẻ thù ghét anh em. Chính vì lẽ đó, mà những anh chị em chưa cùng niềm tin thường gọi Kitô là những người “Điên rồ”, khi yêu ngay cả kẻ thù.
Thật vậy, khi nhìn vào cái chết của Cha Giuse, một con người điển trai, hiền lành, đạo đức và tài giỏi. Nhiều người lại hiện lên trong đầu những câu hỏi tại sao? Tại sao một con người hội tụ đầy đủ phẩm chất tốt lành như vậy lại chọn cho mình con đường của sự phục vụ, con đường nghèo khó và con đường đầy rẫy những nguy hiểm? Và muôn vàn câu hỏi khác luôn được con người đặt ra để thỏa mãn nhu cầu về nhận thức của mỗi người.
Trong nguồn ca dao, tục ngữ Việt Nam có câu: “Yêu nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lôi và mấy đèo cũng qua”. Khi yêu ai con người chúng ta luôn đặt trọn tâm tình và sống hết mình vì tình yêu đó. Dù là bao nhiêu khó khăn, hiểm nguy trắc trở, con người vẫn luôn muốn chiếm đoạt được tình yêu đó. Đúng vậy, cái chết của cha Giuse cũng là vì yêu, và ngài dành tất cả cả cuộc đời để chiếm trọn tình yêu đó. Tình yêu đó không phải là tình yêu của đôi lứa, tình yêu gia đình nhưng là một tình yêu tha nhân, tình yêu của sự phục vụ và là tình yêu của sự tha thứ.
Dưới nhãn quan đức tin người Công giáo, Linh mục chính là người được Chúa tuyển chọn giữa đoàn chiên, để nhờ đó ngài thay mặt Chúa ở đời ban phát và chuyển cầu mọi ơn lành cho đoàn chiên. Cho nên, linh mục là hình ảnh Đức Kitô đang sống ngay giữa lòng nhân loại, chính ngài phản chiếu mọi nhân đức của Thiên Chúa đến với con người. Khi trở nên linh mục của Chúa, các ngài được mời gọi đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, Đấng đã tự nguyện hiến dâng mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho muôn người.
Nhìn vào cuộc đời của cha Giuse, chính ngài cũng đã họa lại cuộc đời của Chúa Giêsu vào trong đời sống của chính mình. Ngài đã lấy tình yêu làm kim chỉ nam, là lẽ sống của đời mình. Để rồi nơi nào cha đi qua nơi đó tràn ngập tình yêu, bình an và sự tha thứ. Dòng máu của ngài đã đổ ra hòa chung với dòng máu năm xưa trên đỉnh đồi Canvê của Chúa Giêsu, đã tưới mát và làm trổ sinh nhiều hạt giống khác cho nhân loại. Và đỉnh cao của cái chết đau thương đó chính là sự tha thứ. Tha thứ cho kẻ thù ghét, tha thứ cho kẻ nói hành nói xấu và tha thứ cho kẻ chém giết mình.
Hình ảnh lúc cha bị sát hại khi đang thi hành bí tích Hòa giải. Bí tích mà cha được mời gọi yêu thương và tha thứ mọi tội lỗi cho hối nhân. Tin tưởng vào điều đó, có lẽ là điều đầu tiên gợi lên trong tâm thức của cha lúc ngài bị sát hại đó là: “Xin Cha tha cho họ bởi họ không biết việc họ làm” (Lc, 23-34). Sự tha thứ làm nên bản chất và căn tình của người Công giáo, tha thứ dẫn chúng ta đến con đường yêu thương, con đường dẫn chúng ta tiến gần với Thiên Chúa hơn.
Hôm nay, dòng máu của người Mục tử đã đổ ra, dòng máu của sự yêu thương và tha thứ. Dòng máu đó đã đem đến cho gia đình của cha, hội dòng và giáo hội một sự mất mát và đau thương. Thế nhưng, dòng máu đó lại mở ra cho chúng ta một niềm vui và hy vọng vào Đức Kitô. Niềm vui khi được phục vụ anh em với tinh thần đơn sơ, quảng đại và không so đo. Niềm hy vọng khi được thông phần vào cuộc khổ nạn với Đức Kitô để được sống với Ngài trên quê trời vĩnh cửu.
Mượn lời của thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Rôma rằng: “Ai có thể tách tôi ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, bắt bớ, đói rách, hiểm nguy, gươm gáo” (Rm 8, 35). Khi đã mặc lấy tâm tình đó, ắt hẳn trong đời sống của mỗi người chúng ta dường như chỉ có Đức Kitô là lẽ sống, là niềm vui và là hy vọng của mỗi người. Để rồi, mọi khó khăn, bách bớ và đau khổ chỉ là những ân ban giúp chúng ta vững bước hơn trên con đường về quê trời.
Ước mong rằng, cái chết của cha Giuse là một bảo chứng của tình yêu và niềm hy vọng cho con người ngày hôm nay. Để nhờ đó chúng ta trở thành những chứng nhân của Đức Kitô ngay giữa lòng nhân loại, đem tình yêu và tha thứ đến cho mọi người. Amen!
Cường Nguyễn
(Bài viết được tác giả gửi đến dongten.net)