3.
Phân ngành Phân Tâm Học của Tâm lý học chiều sâu dạy người ta cách vượt thoát những tất định và khuynh đảo của quá khứ bằng việc đối diện với những vấn đề thật của chính mình. Một lần cho tất cả.
Mọi vấn đề đều có gốc rễ của nó. Thật lòng nhìn ra gốc rễ những vấn đề trong mình đã là một bước tiến xa. Nó cho phép bạn lôi những gì âm ỉ trong phần sâu vô thức đưa vào ý thức của mình. Đó là cách bạn thanh tẩy cuộc đời mình.
Đứng trước những vấn đề lùng bùng trong mình, mọi cố gắng, mọi thủ pháp, mọi chiến thuật… đều chỉ là những điều chỉnh. Nếu người ta muốn uốn ngọn của vấn đề theo hướng tốt đẹp nhất mà họ mong muốn, thì cái gốc rễ căn nguyên vẫn còn đó. Những âm thầm dồn nén đôi khi lại tiếp thêm dưỡng chất để nỗi đau bám rễ càng sâu càng chặt vào tâm hồn của con người. Họ bước đi trong mỏi mòn mà không hiểu vì sao… Đổ vỡ và những niềm đau trong quá khứ vẫn âm thầm trở nên một chướng ngại cho người ta trong tất cả những tương quan sau này. Đó là điều mà họ không nhận ra. Họ tưởng mình đã vượt qua được quá khứ, nên họ không nhận ra cái sức ghì kéo đang ngày càng nặng của nó trong mình. Họ tưởng mình đã vượt thắng, nên không bao giờ để ý đến một sự thật phũ phàng rằng mình đang bị chế ngự…
Bạn có biết không, một con tim bị tổn thương không dễ gì buông nỗi đau của mình ra đâu! Cả khi mà cái đầu bạn dường như đã đưa được mọi đổ vỡ vào quên lãng, những ấn tượng mà đổ vỡ tạo ra vẫn cứ còn nguyên vẹn trong tâm hồn bạn. Thế nên bạn chỉ có thể làm hòa với chính mình bằng việc quay trở lại chính nơi mà bạn đã cố tình quên lãng. Nghĩa là bạn phải đụng lại chính cái vết thương của mình đấy! Chắc không ai muốn làm điều này. Nhưng người ta không có cách nào khác để vượt thoát ngoài việc can đảm nhìn vào những gì đã xảy ra với mình…
Chỉ can đảm nhìn lại thôi thì liệu người ta có thể vượt thoát không? Chỉ lôi cổ cái chuyện cũ ra thôi thì liệu người ta có thấy dễ dàng hơn để tha thứ không? Đi thêm một bước nữa, bạn nhé!