Tháng các linh hồn, nghĩ về thân phận phải chết

Nguồn Internet

 

“Kiếp phù-sinh, tháng ngày vắn-vỏi,

Tươi thắm như cỏ nội hoa đồng,

Một cơn gió thoảng là xong

Chốn xưa mình ở cũng không biết mình.” (Tv 103, 15-16)

Trời chiều nghĩa địa sương dầy buông phủ. Không gian tờ mờ trong làn khói trắng toả lan khắp cả một cõi dường như càng tô thêm vẻ cô tịch bình lặng của chốn này. Đây là nơi an nghỉ của những người đã kinh qua cuộc sống trần gian, những người đã trải qua mọi cảnh đời nhộn nhịp, nay thân xác bất động nơi thinh không. Đứng trước ngôi mộ rêu phong của các bậc tiền nhân, tôi chợt thấy vẩn vơ trong mình trầm sâu suy nghĩ về sự mong manh, vắn vỏi của kiếp người. Chốn này đây, một chốn nghỉ chân, nhưng người ta vẫn sẽ bước tiếp. Bước vào cái chết là tất yếu, nhưng sẽ là hy vọng nếu đây là cánh cửa dẫn vào một con đường, để tiếp tục bước đi… tôi biết rằng mình cũng đang trong hành trình ấy, rằng, một ngày kia tôi cũng phải chết.

Người ta hiện hữu trên đời vốn phó mình cho sự chuyển vận của thời gian. Thời gian đón nhận con người bước vào cuộc đời; nó chứng kiến người ta lớn lên; và nó đưa con người ta trở lại cõi vô định.  Thời gian chẳng chờ một ai, người ta bước một bước, thời gian ngắn lại một khắc, người ta buông một hơi thở, thời gian như thu vào mình một chút lực sống. Cứ thế, thời gian đã đem người ta vào sự hữu hạn thì cũng đẩy đưa họ vào cõi vô hạn. Đứng trước những con người đã từng đi vào thời gian và ra khỏi thời gian, tôi cảm thấy sự gần gũi giữa những phận người hữu hạn. Tôi đây, cũng như họ, nay còn mai mất trên thế gian. Tôi chỉ còn nỗ lực trong thời gian hạn hẹp này, khi chết rồi, mọi sự tồn tại chỉ là một lịch sử nhỏ bé trong vũ trụ nghìn năm tuổi. Sự mong manh của phận người, tính hữu hạn của thời gian mời gọi tôi sống trọn vẹn giây phút hiện tại. Thật vậy, tôi không thể níu giữ thời gian, nhưng tôi có khả năng làm cho những giá trị trong thời gian chóng qua này mang ý nghĩa vĩnh cửu.

Với con người, cái chết có lẽ là một thực tại nghiệt ngã. Chết cũng là quy luật thách đố mọi quy luật tồn tại trong nhân loại. Lớp lang các nấm mộ, người trẻ người già, kẻ Bắc người Nam không phân biệt nói với tôi rằng, dầu là ai đi nữa thì người ta sinh ra, có một thời để lớn lên, có một thời để sống và sẽ đến một thời mà mọi thứ trên thế gian này sẽ qua đi. Không biết lúc nào và ở đâu, tôi cũng sẽ phải chết. Với cuộc sống thế gian, chết là chấm dứt tất cả. Cái chết không tha một ai và lấy đi mọi sự thuộc thế giới vật chất này. Bạn giàu có ư, bạn đạt được mọi danh vọng, quyền lực…hay bạn nghèo khó, thất bại, thiếu thốn ư? Tất cả sẽ cùng đối diện với một tương lai là cái chết. Thời gian vốn mong manh mà ước vọng con người luôn to lớn. Vì vậy, như thường thấy, cái chết là mối đe doạ và nguồn của sự sợ hãi của nhân loại. Đã từng có những người không thể chấp nhận được quy luật này, có những tham vọng lật ngược quy luật ấy hay cũng có những người sống mà quên đi mất quy luật này… nhưng tất cả giờ đây “ba tấc đất mới thực là nhà” của họ. Trước cái chết, thấy được sự chóng qua của tất cả những gì tồn tại trong kiếp nhân sinh, tôi thấy mình được mời gọi để yêu mến và trân trọng cuộc sống này, nhưng không quá dính bén vào nó. Ý thức một ngày kia tôi sẽ chết cũng dạy tôi cách sống, biết sử dụng những gì chóng qua để đạt được điều vĩnh cửu. Tôi tin rằng, chết chỉ nghiệt ngã với những ai thất vọng và không tin vào một sự sống đời sau.

Có lẽ không ai chắc về trạng thái đằng sau cái chết sẽ thế nào, chỉ biết rằng chết là một thực tại hiển nhiên sẽ đến với mình. Cái chết là một thách đố với những người đang sống; và với người đã chết, sẽ không còn một sự hiện hữu trên trái đất này nữa. Đối với người ra đi, chết là sự giã biệt hay là trang kết của một cuốn sách lịch sử đời người. Đối với người còn sống, cái chết của người kia mang tới cảm nhận mất mát, tiếc thương. Sẽ là đau đớn tột cùng khi không còn gì sau chết. Nhưng, tâm thức về sự hiện hữu nói với tôi rằng, chết là đi vào một sự sống mới chứ không phải mất đi tất cả. Tin vào Đức Kitô Phục sinh đã mang lại cho tôi niềm hy vọng ấy.  Chính niềm xác tín này khơi lên trong tôi một cảm nhận nối kết thiêng liêng với người đã khuất. Ấy là cảm thức về một sự thông hiệp tâm hồn giữa người ra đi và ở lại, đó là “người chết nối linh thiêng vào đời”. Cảm thức ấy làm nên giá trị và ý nghĩa của những giây phút tôi tưởng nhớ về họ, tôi cầu nguyện cho họ, và cùng với họ, tôi hy vọng về một sự sống mới.

Nghe bên mình tiếng khóc thút thít…tôi chợt thấy xúc động…đám trẻ con cũng hoà vào bầu khí thành kính sốt sắng lấy nhang cắm…tôi hiểu rằng, người ta khóc cho phận người, nhưng cũng khóc cho phận mình, họ đang đối diện với thực tại của chính mình trong tương lai. Nhưng đối với người Công giáo, tương lai ấy có có hy vọng, và cái chết như cánh cửa mở ra niềm hy vọng mới ấy. …Một mai tôi cũng trở về bụi tro nhưng với niềm tin, tôi sống trong tâm thế  của kẻ mang niềm hy vọng sẽ sống lại.

…Những nén nhang được đốt sáng như những ánh đèn đom đóm le lói giữa vùng trời đã khuất bóng dần sau hàng cây cả bóng…trên đường tôi về.

Joseph Trần Ngọc Huynh, S.J.

Kiểm tra tương tự

Danh Thánh Chúa Giêsu và Ơn Hoán Cải của Thánh Phaolô

  Hãy suy nghĩ về vai trò quan trọng nhất của Thánh Danh Chúa Giêsu …

“Tết Con Kể Mẹ Nghe” – Trở về với Tình Thương

Tết này, bạn đã có một nơi để trở về, nơi mà có người vẫn …

Một bình luận

  1. Có những quy luật thách đố chúng ta. Rồi một ngày nào đó cũng đến, nhưng với những người tuyệt vọng cái chết thật nghiệt ngã làm sao.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *